Video: Làm sao phát hiện sớm ung thư đại trực tràng?
Mệt mỏi là tình trạng thiếu năng lượng hàng ngày và không thuyên giảm sau một giấc ngủ, nó thường bị nhầm lẫn với kiệt sức. Mệt mỏi có thể tồn tại trong một thời gian ngắn (một tháng hoặc ít hơn) hoặc trong thời gian dài (1-6 tháng hoặc lâu hơn). Mệt mỏi khiến bạn không thể hoạt động một cách bình thường, cản trở bạn làm những điều bạn thích hoặc những điều bạn cần làm. Mệt mỏi là một trong những triệu chứng của ung thư đại trực tràng và là tác dụng phụ hay gặp nhất của các phương pháp điều trị ung thư. Nó không thể đoán trước được dựa theo loại khối u, phương pháp điều trị hoặc giai đoạn bệnh. Mệt mỏi thường xảy ra đột ngột, không phải là do hoạt động hoặc vận động gắng sức, và không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi hoặc ngủ. Cảm giác này thường được mô tả là "tê liệt" và có thể kéo dài ngay cả sau khi đã điều trị xong. Ngoài mệt mỏi, những người đang điều trị ung thư đại trực tràng còn thường bị sụt cân và chán ăn.
Nguyên nhân gây mệt mỏi ở bệnh ung thư đại trực tràng?
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nó có thể liên quan đến trực tiếp đến bệnh hoặc các phương pháp điều trị bệnh.
Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng sau đây thường có mối liên quan với mệt mỏi:
- Hóa trị. Bất kỳ loại thuốc hoặc chế độ hóa trị nào cũng có thể gây ra mệt mỏi. Mệt mỏi thường xuất hiện sau vài tuần sau hóa trị. Ở một số người, tình trạng mệt mỏi kéo dài vài ngày, trong khi ở những người khác nó vẫn tồn tại trong suốt quá trình điều trị và thậm chí là sau khi họ đã điều trị xong.
- Xạ trị: Xạ trị, thường được sử dụng trong điều trị ung thư trực tràng. Phương pháp này có thể gây ra tình trạng mệt mỏi tăng dần theo thời gian. Điều này cũng xảy ra đối với điều trị các loại ung thư khác. Mệt mỏi thường kéo dài từ 3 đến 4 tuần sau khi ngừng điều trị, nhưng cũng có thể tiếp tục kéo dài từ 2 đến 3 tháng.
- Điều trị kết hợp. Kết hợp nhiều phương pháp điều trị ung thư cùng một lúc hoặc lần lượt làm tăng nguy cơ gây mệt mỏi cho người bệnh.
Những nguyên nhân khác gây mệt mỏi trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng?
Sau đây là các nguyên nhân gây mệt mỏi khác do bệnh lý ung thư đại trực tràng và do các phương pháp điều trị trên bệnh nhân:
- Tế bào ung thư cạnh tranh chất dinh dưỡng
- Thiếu hụt dinh dưỡng do tác dụng phụ của điều trị, như: nôn, buồn nôn, loét miệng, thay đổi khẩu vị, ợ chua hoặc tiêu chảy.
- Thiếu máu, lượng máu bị giảm đi do hóa trị có thể dẫn đến thiếu máu, những mô không được cấp máu đầy đủ sẽ bị thiếu hụt oxy
- Các thuốc để điều trị tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư như: buồn nôn, đau, trầm cảm, lo lắng và co giật
- Đau liên tục, dữ dội
- Căng thẳng khi đối mặt với căn bệnh ung thư và những "điều chưa biết", cũng như lo lắng về sự tiến triển hàng ngày hoặc cố gắng đáp ứng kỳ vọng của người khác
- Cố gắng duy trì thói quen hàng ngày và các hoạt động bình thường trong thời gian điều trị. Hãy thay đổi chế độ sinh hoạt và vận động để tiết kiệm năng lượng.
- Trầm cảm
Bạn nên làm gì để giảm mệt mỏi khi bị ung thư đại trực tràng?
Cách tốt nhất để vượt qua sự mệt mỏi khi chiến đấu với ung thư đại trực tràng là điều trị nguyên nhân của nó. Nhưng thật không may, nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng mệt mỏi thường không rõ ràng hoặc có thể có nhiều nguyên nhân.
Một số phương pháp có thể giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi do suy giáp hoặc thiếu máu. Các nguyên nhân gây mệt mỏi cần được xử trí theo những cách khác nhau tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân. Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn chống lại sự mệt mỏi:
Đánh giá sự mệt mỏi
Viết nhật ký trong một tuần để xác định thời gian trong ngày bạn mệt mỏi nhất hoặc có nhiều năng lượng nhất. Lưu ý những gì bạn nghĩ có thể là yếu tố nguy cơ. Hãy cảnh giác với những dấu hiệu cảnh báo của sự mệt mỏi. Các dấu hiệu đó có thể bao gồm mỏi mắt, mỏi chân, mệt mỏi toàn thân, đau vai, thiếu năng lượng, không thể tập trung, suy nhược hoặc khó chịu, buồn chán hoặc thiếu động lực, buồn ngủ, khó chịu, căng thẳng, lo lắng hay thiếu kiên nhẫn.
Tiết kiệm năng lượng
Có một số cách để tiết kiệm năng lượng cho bạn. Đây là một vài gợi ý:
Lên kế hoạch và sắp xếp công việc một cách hợp lý
- Lưu trữ các đồ dùng để giảm các lần đi mua hoặc đi lấy.
- Nhờ sự giúp đỡ để hoàn thành công việc.
- Kết hợp các hoạt động và đơn giản hóa chúng.
Có một chế độ nghỉ ngơi hợp lí
- Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc.
- Nghỉ ngơi khi bạn mệt mỏi - nghỉ ngơi thường xuyên với thời gian ngắn.
- Giao việc cho người khác để bạn có thể nghỉ ngơi.
Thay đổi nhịp độ làm việc
- Tốc độ vừa phải sẽ tốt hơn là làm việc vội vàng.
- Giảm căng thẳng đột ngột hoặc kéo dài.
- Thay đổi tư thế giữa ngồi và đứng.
Luyện tập tư thế làm việc thích hợp
- Khi ngồi, sử dụng ghế có tựa lưng tốt. Ngồi thẳng lưng và ngửa vai.
- Điều chỉnh tư thế khi làm việc - làm việc mà không cúi xuống.
- Khi cúi người để nâng một vật gì đó, hãy hạ thấp đầu gối của bạn và sử dụng cơ chân để nâng chứ không phải lưng. Không cúi về phía trước với đầu gối thẳng.
- Mang nhiều vật nhỏ thay vì một vật lớn, hoặc sử dụng xe đẩy.
Hạn chế làm việc đòi hỏi phải với tay quá đầu
- Sử dụng các dụng cụ có cán dài.
- Để đồ dùng ở thấp hơn.
Hạn chế làm căng cơ
- Thở đều; không nín thở.
- Mặc quần áo thoải mái để dễ dàng hít thở
Hạn chế những ảnh hưởng không tốt của môi trường
- Tránh nơi có nhiệt độ quá cao.
- Tránh xa khói thuốc lá và khí độc hại
- Tránh tắm vòi sen hoặc tắm nước nóng quá lâu.
- Thực hiện các hoạt động ưu tiên
- Quyết định việc gì là quan trọng đối với bạn và việc gì có thể uỷ thác cho người khác.
- Sử dụng năng lượng cho các nhiệm vụ quan trọng
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng như thế nào đến sự mệt mỏi trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng?
Tình trạng mệt mỏi liên quan đến ung thư đại trực tràng thường trở nên tồi tệ hơn nếu bạn bị đói hoặc ăn uống những loại thực phẩm không phù hợp. Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp bạn cảm thấy khoẻ hơn và có nhiều năng lượng hơn. Sau đây là những chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bạn:
- Đáp ứng đủ nhu cầu calo cơ bản của cơ thể. Nhu cầu calo ước tính cho một người bị ung thư là 33 calo cho mỗi kilogam cân nặng nếu cân nặng của bạn đã ổn định. Thêm 500 calo mỗi ngày nếu bạn bị sụt cân. Ví dụ: Một người nặng 70 kilogam cần khoảng 2.250 calo mỗi ngày để duy trì cân nặng.
- Bổ sung nhiều protein. Protein xây dựng lại và sửa chữa mô trong cơ thể (và thường bị lão hóa). Nhu cầu protein ước tính là 1-1,5 gam protein cho mỗi kilogam trọng lượng cơ thể. Ví dụ: Một người nặng 70 kilogam cần 75-90 gram protein mỗi ngày. Nguồn protein tốt nhất đến từ những thực phẩm nhóm sữa (240ml sữa chứa 8 gam protein) và các loại thịt (mỗi 30 gam thịt, cá hoặc gia cầm cho 7 gam protein). Đây chỉ là những hướng dẫn cơ bản, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về nhu cầu protein của bạn.
- Uống nhiều nước. Tối thiểu 8 cốc chất lỏng (tương đương với 2 lít) mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Chất lỏng có thể bao gồm nước trái cây, sữa, nước dùng, sữa lắc, gelatin và các loại đồ uống khác. Tất nhiên, nước lọc cũng rất tốt. KHÔNG nên sử dụng đồ uống có chứa caffeine hoặc cồn được. Hãy nhớ rằng, bạn cần uống nhiều nước hơn nếu gặp các tác dụng phụ trong khi điều trị như nôn mửa hoặc tiêu chảy.
- Cung cấp đầy đủ vitamin. Sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin nếu bạn không chắc chắn rằng thức ăn hàng ngày có thể cung cấp đầy đủ vitamin cho cơ thể. Sản phẩm được khuyên dùng là một loại vitamin tổng hợp cung cấp ít nhất 100% lượng vitamin cần thiết hàng ngày (RDA - recommended daily allowances). Lưu ý: Sản phẩm bổ sung vitamin không cung cấp calo cần thiết cho quá trình sinh năng lượng. Vì vậy, vitamin không thể thay thế cho thức ăn. Hơn nữa, hãy hỏi ý kiến bác sỹ về tất cả các loại vitamin và các sản phẩm bổ sung khác mà bạn đang sử dụng.
- Đặt lịch hẹn với chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn giải quyết bất kỳ vấn đề gì liên quan đến việc ăn uống(chẳng hạn như cảm giác đầy bụn, khó nuốt hoặc thay đổi khẩu vị) và chế độ dinh dưỡng của bạn. Chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể xây dựng cho bạn một chế độ, trong đó lượng calo và protein được tối ưu hoá trong một lượng nhỏ thực phẩm (chẳng hạn như sữa bột, đồ uống ăn liền cho bữa sáng và các chất bổ sung khác).
Tập luyện ảnh hưởng đến mức năng lượng như thế nào?
Ung thư đại trực tràng hoặc điều trị ung thu đại trực tràng có thể làm bạn giảm các hoạt động thể chất, từ đó dẫn đến mệt mỏi và thiếu năng lượng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng: nếu các vận động viên khỏe mạnh buộc phải dành quá nhiều thời gian đề nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế thì họ sẽ xuất hiện các cảm giác lo lắng, trầm cảm, suy nhược, mệt mỏi và buồn nôn.
Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải có thể làm giảm những cảm giác này, giúp bạn năng động và tràn trề năng lượng. Ngay cả trong thời gian đang điều trị ung thư, bạn vẫn có thể tiếp tục tập luyện. Hơn nữa, tập luyện cũng cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Dưới đây là một số nguyên tắc cần ghi nhớ:
- Hỏi ý kiến với bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu chương trình luyện tập.
- Nên bắt đầu tập luyện một cách nhẹ nhàng, để cơ thể bạn có thời gian thích nghi.
- Cố gắng tập luyện thường xuyên, ít nhất 3 lần một tuần.
- Bài tập phù hợp với bạn là những bài tập không bao giờ khiến bạn cảm thấy đau nhức, căng cứng cơ hoặc kiệt sức. Nếu bạn cảm thấy đau nhức, cứng khớp, kiệt sức hoặc khó thở sau khi tập thể dục có nghĩa là bạn đang tập luyện quá sức.
- Hầu hết các bài tập đều an toàn, miễn là bạn thận trọng và không tập quá sức. Những bài tập an toàn nhất và hiệu quả nhất là bơi lội, đi bộ nhanh, đạp xe tại chỗ và tập thể dục nhịp điệu cường động thấp (có người hướng dẫn). Đây là những bài tập có ít nguy cơ chấn thương và có lợi cho toàn bộ cơ thể.
Làm thế nào để bệnh nhân ung thư đại trực tràng kiểm soát được sự căng thẳng?
Kiểm soát căng thẳng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại mệt mỏi do ảnh hưởng của ung thư đại trực tràng. Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn:
- Điều chỉnh mức kỳ vọng của bản thân. Ví dụ: hôm nay, bạn có10 điều muốn hoàn thành, hãy hạ xuống còn 2 và dành phần còn lại cho những ngày khác. Cảm giác hoàn thành công việc sẽ giúp bạn giảm căng thẳng một cách hiệu quả.
- Hãy chia sẻ để người khác hiểu và giúp đỡ bạn. Khi gia đình và bạn bè "đặt họ vào vị trí của bạn" và hiểu được sự mệt mỏi có ảnh hưởng như thế nào đối với bạn và họ sẽ giúp bạn vượt qua. Tham gia các nhóm bệnh nhân ung thư, những thành viên trong nhóm hiểu những gì bạn đang trải qua và họ có thể hỗ trợ bạn.
- Thư giãn học cách hít thở sâu hoặc thư giãn qua các băng ghi âm có thể giúp bạn giảm stress
- Tham gia các hoạt động để làm chuyển hướng sự chú ý của bạn khỏi sự mệt mỏi. Ví dụ như các hoạt động như đan lát, đọc sách hoặc nghe nhạc. Những hoạt động này đòi hỏi ít năng lượng thể chất.
Nếu bạn không thể kiểm soát được stress, hãy tìm đến các chuyên gia sức khỏe.
Khi nào tôi nên gọi cho bác sĩ?
Mặc dù mệt mỏi là một triệu chứng thường gặp của bệnh nhân mắc và đang điều trị ung thư đại trực tràng, nhưng bạn vẫn nên nói chuyện với bác sỹ về vấn đề mà bạn gặp phải. Đôi khi mệt mỏi có thể là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khoẻ tiềm ẩn khác. Hơn nữa, bác sỹ có thể giúp bạn kiểm soát một số nguyên nhân gây ra mệt mỏi.
Cuối cùng, mỗi bệnh nhân lại có nhận được những phương pháp điều trị khác nhau. Hãy báo ngay cho bác sĩ biết nếu bạn:
- Khó thở tăng lên khi vận động tối thiểu
- Đau không thể kiểm soát được
- Không kiểm soát được các tác dụng phụ từ những phương pháp điều trị ung thư (chẳng hạn như nôn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc chán ăn)
- Lo lắng hoặc căng thẳng không kiểm soát được
- Trầm cảm
Xem thêm :