TOP 15 Đoạn văn Cảm xúc của em về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người (2024) HAY NHẤT

Dưới đây là TOP 15 Bài văn Cảm xúc của em về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người hay nhất hướng dẫn chi tiết, giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, giúp cải thiện khả năng viết văn của các em. Mời các em tham khảo:

Cảm xúc của em về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) thể hiện cảm xúc của em về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người.

Một số đoạn văn mẫu hay: Cảm xúc của em về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người

Đoạn văn mẫu số 1

Đến với “Chuyện cổ tích của loài người” của Xuân Quỳnh, tôi cảm thấy thích nhất là khổ thơ nói về sự ra đời của bố:

“Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất…”

Khi xã hội văn minh hơn, còn trẻ em bắt đầu trưởng thành hơn, bố chính là người dạy cho trẻ những hiểu biết về cuộc sống. Không giống như bà đem đến những câu chuyện cổ tích về bài học đạo đức. Hay mẹ dành tình yêu bằng sự chăm sóc trong cuộc sống hàng ngày. Thì bố là người giúp trẻ em biết suy nghĩ và ngoan ngoãn hơn. Nhờ sự dạy dỗ của bố mà trẻ em trở nên trưởng thành hơn. Bố còn là người dạy cho trẻ biết khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống: đâu là mặt bể, đâu là con đường, núi như thế nào và trái đất ra sao… Nhờ có sự dạy dỗ của bố mà trẻ con có thêm được những kiến thức thật bổ ích. Như vậy, đoạn thơ đã giúp người đọc hiểu hơn về vai trò của bố với một đứa trẻ.

Đoạn văn mẫu số 2

Nhan đề “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh đã gợi nhắc cho người đọc nhớ về những câu chuyện cổ tích mà bà thường kể về một thời đại xa xưa ngày trước. Khi đọc tác phẩm, người đọc cảm thấy cách lý giải nguồn gốc loài người của tác giả thật thú vị. Dưới hình thức một bài thơ, nhưng tác phẩm lại giàu tính tự sự, giống như một câu chuyện được kể lại theo trình tự thời gian. Trước hết tác giả khẳng định trời sinh ra trước tiên là trẻ em. Sau đó, để trẻ em có được một môi trường sống thật tốt, mới có sự ra đời của những sự vật khác trên trái đất. Ở đây, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh miêu tả sinh động để giúp người đọc hiểu hơn về sự ra đời của thiên nhiên. Kế tiếp là sự ra đời của mẹ giúp trẻ em cần có tình yêu thương, sự chăm sóc. Bà được sinh ra để giáo dục trẻ em về những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp. Còn bố được sinh ra để dạy trẻ em thêm hiểu biết, trưởng thành. Cuối cùng trường lớp là nơi trẻ em đến để học tập, vui chơi còn thấy giáo là người dạy dỗ trẻ em ở đó. Có thể khẳng định, với bài thơ này, Xuân Quỳnh muốn gửi gắm tình yêu thương của Xuân Quỳnh dành cho trẻ em.

Tài liệu VietJack

Đoạn văn mẫu số 3

Lí giải về nguồn gốc của loài người cho trẻ em thật khó. Nhưng nữ sĩ Xuân Quỳnh đã có cách giải thích thật khéo léo, tinh tế và dễ hiểu với bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người”. Và đây là một đoạn thơ đặc sắc:

“Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Thế nên mẹ sinh ra

Để bế bồng, chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

Mở đầu đoạn thơ là sự có mặt của người mẹ trong thế giới. Khổ thơ như chia làm hai vế, vế đầu“Nhưng còn cần cho trẻ. Tình yêu và lời ru” là điều kiện cần, còn vế sau “Thế nên mẹ sinh ra. Đề bế bồng, chăm sóc” là kết quả thỏa mãn điều kiện đó. Lúc đầu trời sinh ra chỉ toàn là trẻ con, rồi mọi thứ dần dần ra đời để nuôi dưỡng bé. Và lí do mẹ có mặt trên đời cũng thật giản dị và ý nghĩa, vì có bé ở trên đời. Bé cần rất nhiều thứ để lớn khôn như mặt trời, cây cỏ, chim muông, sông suối, cá tôm... nhưng có lẽ hơn hết thảy bé cần tình yêu và lời ru. Từ “nhưng” đặt đầu câu nhằm nhấn mạnh sự quan trọng của hai yếu tố đó và lí giải sự xuất hiện của mẹ là điều tất yếu. Bởi bé là niềm vui, là nguồn hạnh phúc của mẹ. Bé cần có bàn tay dịu dàng vuốt ve, cần lời hát ru để lớn, cần sự dạy bảo để thành người. Mẹ xuất hiện là vì thế bé yêu ạ !

Đoạn văn mẫu số 4

Khi đọc “Chuyện cổ tích của loài người”, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với đoạn thơ nói về sự ra đời của mẹ:

“Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

Tình mẫu tử vốn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Người mẹ đã dành cho trẻ con sự chăm sóc từ khi mới sinh ra, cho đến khi lớn lên, trưởng thành. Người mẹ nâng niu con trong bàn tay, chăm sóc con từ cái ăn đến giấc ngủ với lời ru, tiếng hát. Những lời ru đã mở ra cho trẻ con những hiểu biết về thế giới xung quanh. Tác giả đã liệt kê ra các hình ảnh, màu sắc, hương vị xuất hiện từ lời ru của mẹ. Chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn, Xuân Quỳnh đã giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của người mẹ đối với trẻ con thật là sâu sắc.

Đoạn văn mẫu số 5

Là một nhà thơ xuất sắc, Xuân Quỳnh đã có những tác phẩm vô cùng ấn tượng tiêu biểu phải kể đến là Chuyện cổ tích về loài người. Ngay từ tiêu đề, tác giả đã như muốn gợi dẫn về việc đưa chúng ta theo dòng thời gian đi từ khi được sinh ra ở những vùng đất sơ khai, dần dần trưởng thành cho tới khi cuộc sống phát triển văn minh từng ngày. Ở khổ thơ đầu tiên, khi ấy sự sống mới chỉ bắt đầu, trái đất còn hoang sơ “trụi trần”, chưa có màu xanh, “không dáng cây ngọn cỏ”. Thế nhưng trải qua năm tháng ở những khổ thơ tiếp theo, cuộc sống ngày một thay đổi khi mặt trời chiếu rọi ánh sáng khắp trái đất, đem lại sự sống cho muôn loài. Con người ngày càng trở nên đông đúc, cha mẹ, ông bà yêu thương và nuôi dưỡng trẻ em để chúng lớn lên trong những lời ru ngọt ngào. Gia đình ngày càng hoàn thiện, trí tuệ, sự hiểu viết của loài người, của thế giới “trẻ em” đi lên một bước tiến mới. Nhờ “bố bảo”, “bố dạy” mà trẻ em “biết ngoan”, “biết nghĩ”. Vạn vật xung quanh càng ngày càng trở nên rõ ràng và tươi sáng bởi chính những điều ấy, khi dần dần phát triển tiếng nói, chữ viết, có nền giáo dục. Đi theo đó là những trường lớp đào tạo và dạy dỗ trẻ em, rồi bàn, ghế, cái bảng, cục phấn, chữ viết, thầy giáo,.. Cuộc sống thay đổi diệu kì biết bao, loài người trên trái đất từng bước đạt được nền văn minh hoàn chỉnh. Bên cạnh việc khéo léo kể về sự phát triển của loài người, lòng yêu trẻ của tác giả được thể hiện trong bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” hết sức đằm thắm, nồng hậu. Trẻ em được mẹ sinh ra trong “tình yêu và lời ru”, được “bế bồng chăm sóc”. Trẻ em được “bố bảo cho biết ngoan – bố dạy cho biết nghĩ”. Trẻ em được đến trường học tập, và mọi điều tốt đẹp nhất đều dành cho trẻ em. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, êm dịu chúng ta được dẫn dắt tìm hiểu về khởi nguồn của loài người với những hình ảnh vô cùng đát giá. Hóa ra, mọi vật xuất hiện trên trái đất đều là để làm cho cuộc sống của trẻ em, của con người trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó là lời khéo léo nhắn nhủ: hãy chăm sóc, thương yêu, dạy dỗ trẻ em và dành cho thế giới tuổi thơ mọi điều tốt đẹp nhất.

Đoạn văn mẫu số 6

“Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh là một bài thơ giàu ý nghĩa, đặc biệt là khổ thơ nói về sự thay đổi của trái đất khi trẻ con được sinh ra. Trước đó, trái đất thật là trần trụi: không một dáng cây ngọn cỏ, cũng như không có ánh sáng hay màu sắc. Thì sau khi trẻ con ra đời, trái đất đã hoàn toàn thay đổi. Đầu tiên là sự xuất hiện của mặt trời xuất hiện giúp trẻ con nhìn rõ. Màu xanh của cây cỏ, màu đỏ bông hoa giúp trẻ con nhận biết màu sắc. Và tiếng chim hót, tiếng gió thổi cho trẻ con cảm nhận âm thanh. Sông xuất hiện giúp trẻ con tắm rửa sạch sẽ. Biển lại giúp trẻ con suy nghĩ, cung cấp cá tôm và phương tiện là tàu thuyền để khám phá khắp nơi. Khi trời nắng, những đám mây đem bóng mát cho trẻ em. Và khi trẻ em bắt đầu tập đi thì con đường xuất hiện. Mọi sự việc xuất hiện đều xoay quanh trẻ em. Điều đó đã giúp người đọc hiểu hơn về tầm quan trọng của trẻ em trong cuộc sống.

Đoạn văn mẫu số 7

Trong Chuyện cổ tích về loài người , em cảm thấy rất tâm đắc với đoạn thơ nói về sự ra đời của mẹ:

“Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

Từ những dòng thơ mà tác giả viết, người đọc có thể hình dung được tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con của mình. Những lời ru tiếng hát đem đến cho con giấc ngủ yên bình, sự hiểu biết đầu tiên về thế giới. Tác giả đã liệt kê hình ảnh, hương vị, màu sắc mà người mẹ đem đến cho trẻ con.Ý nghĩa của việc xuất hiện của mẹ đó là vì đứa trẻ cần tình yêu thương, sự chăm sóc. Với giọng thơ tự nhiên, ngọt ngào, người đọc có thể hình dung được ý nghĩa của người mẹ đối với trẻ con một cách kỳ diệu, thiêng liêng và tràn ngập màu sắc.

Tài liệu VietJack

Đoạn văn mẫu số 8

“Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh đã đem đến cho người đọc những lí giải thú vị về nguồn gốc của loài người qua khổ thơ đầu tiên. Tác giả đã cho chúng ta hình dung được cuộc sống trên trái đất khi mới có loài người “chỉ toàn là trẻ con”. Trái đất vẫn còn hoang sơ “trụi trần”, chưa có màu xanh, “không dáng cây ngọn cỏ”:

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác”

Đó là khi trái đất vẫn còn trần trụi, không có một dáng cây hay ngọn cỏ. Ánh sáng của mặt trời cũng chưa xuất hiện, chỉ toàn là bóng đêm. Trời đã sinh ra trẻ em đầu tiên - đây chính là cách lý giải nguồn gốc có phần trái ngược với thực tế. Sau đó, tác giả lại lí giải cho người đọc về sự ra đời của mọi vật. Tất cả bắt nguồn từ trẻ em. Đôi mắt của trẻ em rất sáng nhưng chưa thể nhìn thấy gì, vì vậy mặt trời xuất hiện cho trẻ con nhìn rõ. Để giúp trẻ con nhận biết màu sắc thì cây mới có màu xanh, hoa mới có màu đỏ. Không chỉ màu sắc mà còn có âm thanh được trẻ con cảm nhận khi loài chim được sinh ra với tiếng hót. Dòng sông, biển cả, đám mây, con đường ra đời cũng là để phục vụ cuộc sống của trẻ con. Qua việc lí giải này, người đọc thấy được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ dành cho trẻ em.

Đoạn văn mẫu số 9

Bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt nhất là khổ thơ lí giải sự ra đời của người mẹ:

"Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng..."

Trẻ con cần có sự chăm sóc, vậy là mẹ đã ra đời. Người mẹ đã dành cho trẻ con sự chăm sóc từ khi mới sinh ra, cho đến khi lớn lên, trưởng thành. Trong vòng tay của mẹ, đứa trẻ lớn lên theo từng ngày. Tiếng ru gửi gắm tình yêu thương dành cho con. Trong lời ru có âm thanh, mùi vị, hương sắc, hình dáng... của thiên nhiên. Từ đó mà con có thể cảm nhận thế giới xung quanh nhiều hơn. Lời ru cũng như tình yêu của mẹ đều có nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau, tự nhiên như trời đất vốn có. Những câu thơ khiến mỗi người thấy thật cảm động, tự hào về tình mẫu tử. Đây có thể được coi là một khổ thơ hay nhất trong bài thơ của Xuân Quỳnh.

Đoạn văn mẫu số 10

Đọc bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh, em rất ấn tượng với khổ thơ đầu tiên. Ở đó, tác giả vẽ nên một khung cảnh, khi mà cả trái đất chỉ mới có trẻ con mà thôi. Trẻ con chính là sinh vật đầu tiên xuất hiện, như một ngôi sao sáng, như một đốm lửa màu nhiệm. Thế giới xung quanh lúc này xám xịt và lạnh lẽo, trụi trần, chẳng có gì cả. Tác giả đã khắc họa trái đất lúc ấy không cây cỏ, không muông thú, chim chóc, không có màu sắc, không có ánh sáng. Và trẻ con chính là nét bút tươi mới đầu tiên của nơi đây, là mầm non, là hi vọng về một tương lai khác của trái đất. Những hình ảnh thơ ấy, đã gợi lên sự tò mò về những điều mới lạ trên trái đất từ khi có trẻ con. Đó là cách mở đầu hay, thú vị và hấp dẫn.

Đoạn văn mẫu số 11

Em rất yêu thích khổ thơ thứ hai trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tác giả đã thật tinh tế mà miêu tả những sự vật đầu tiên xuất hiện trên trái đất, sau khi có trẻ con. Điều đó thể hiện ở chỗ, bởi trẻ con rất bé nhỏ và vừa mới xuất hiện, nên các sự vật ấy cũng thật nhỏ xinh. Cây chỉ cao bằng gang tay, lá cỏ chỉ to như sợi tóc, bông hoa chỉ bằng cái cúc áo. Nhưng cũng thật là hợp lí, bởi mọi vật đều sinh ra để chăm sóc cho trẻ con, vậy nên nó phải có kích thước phù hợp. Đặc biệt, cách mà nhà thơ dẫn dắt sự xuất hiện của mọi thứ cũng thật là thú vị. Bởi cái gì cũng hiện diện bởi sự “cần” của em bé. Vì trẻ con cần nhìn rõ, nên mới có mặt trời. Vì trẻ con cần được quan sát, vui vẻ nên có cây cối, cỏ hoa và tiếng chim hót. Điều đó, khiến em cảm nhận được sự ưu ái, yêu thương của vạn vật dành cho em nhỏ - mầm non, tương lai của thế giới. Từ đó, cả khổ thơ đã giúp người đọc mường tượng ra những đốm sáng đầu tiên bắt đầu lan tỏa ra, điểm tô cho thế giới từ chính trẻ con.

Đoạn văn mẫu số 12

Đoạn thơ mà em yêu thích nhất trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người là đoạn thơ viết về sự ra đời của mẹ. Từ những dòng thơ mà tác giả viết, người đọc có thể hình dung được sự ra đời của người mẹ đó chính là dành cho trẻ con tình yêu thương, chăm sóc và những lời ru tiếng hát. Những lời ru tiếng hát ấy mở ra cho trẻ con sự hiểu biết về thế giới xung quanh, từ cành hoa, cánh cò cho đến vị nguồn, cơn mưa. Tác giả đã liệt kê hình ảnh, hương vị, màu sắc mà người mẹ đem đến cho trẻ con. Và ý nghĩa của chính sự xuất hiện của mẹ đó chính là đem đến cho trẻ con tình yêu thương và chăm sóc. Nhờ giọng thơ vui vẻ, người đọc có thể hình dung được ý nghĩa của người mẹ đối với trẻ con một cách kỳ diệu, thiêng liêng và tràn ngập màu sắc.

Đoạn văn mẫu số 13

Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" của nhà thơ Xuân Quỳnh thật sự là một tác phẩm độc đáo và thú vị, tạo nên một cách lý giải không giống ai về nguồn gốc của loài người. Xuân Quỳnh đã sử dụng hình thức thơ để kể một câu chuyện nhưng với tính tự sự và tình cảm sâu sắc. Bài thơ bắt đầu với một hình ảnh mênh mông và trần trụi của trái đất trong tối tăm, nơi mặt trời và cây cối vẫn chưa tồn tại. Tuy nhiên, tại đây, tác giả đặt ra một sự tưởng tượng hết sức thú vị: trái đất sinh ra trẻ em đầu tiên. Điều này tạo ra một tầm nhìn đầy tương tác về cuộc sống và sự tồn tại.

Bài thơ tiếp tục kể về cách mà mọi thứ khác nhau trên trái đất xuất hiện thông qua con mắt của trẻ em. Ánh sáng mặt trời xuất hiện để trẻ em có thể nhìn thấy rõ ràng, cây cối và hoa lá trở nên đầy màu sắc để trẻ em có thể thưởng thức, và âm thanh xuất hiện để trẻ em có thể nghe và cảm nhận. Dòng sông, biển cả, và những thứ khác cũng được sáng tạo để phục vụ cuộc sống của trẻ em. Nhà thơ Xuân Quỳnh thông qua bài thơ này thể hiện tình yêu thương sâu sắc và quan tâm đối với trẻ em. Cô nhấn mạnh rằng không chỉ thiên nhiên, mà cả gia đình và giáo dục cần phải đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ em. Các bậc phụ huynh, thầy cô, và những người thân yêu cần phải bảo vệ, chăm sóc, và nâng niu trẻ em, giúp họ phát triển và trưởng thành.

Bài thơ này gửi đi một thông điệp sâu sắc rằng trẻ em là tương lai của xã hội, và họ cần sự quan tâm và yêu thương để phát triển toàn diện. Bằng cách kể lại câu chuyện đầy tưởng tượng về nguồn gốc của loài người, Xuân Quỳnh đã thể hiện tình yêu thương và trách nhiệm đối với thế hệ trẻ và khuyến khích chúng ta bảo vệ và nuôi dưỡng tương lai của chúng ta.

Đoạn văn mẫu số 14

Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" của Xuân Quỳnh mang đậm tính tự sự và lý thú khi giới thiệu nguồn gốc loài người thông qua một cách lý giải tưởng tượng và phong cách câu chuyện cổ tích. Dưới bàn tay tài hoa của nhà thơ, bài thơ này trở thành một câu chuyện sâu sắc về sự ra đời của loài người và những yếu tố quan trọng trong cuộc sống. Bài thơ mở đầu bằng một khẳng định mạnh mẽ: "Trời sinh ra trước tiên là trẻ em." Điều này thể hiện sự tôn vinh và quan trọng của tuổi thơ, thời kỳ trong đó con người trải qua giai đoạn đầu của cuộc đời, đầy sự tò mò và hứng thú. Tuổi thơ được coi là thời gian trong sáng và trong đó ẩn chứa nhiều tiềm năng. Nhà thơ tiếp tục miêu tả những yếu tố tạo nên môi trường sống tốt cho trẻ em. Đầu tiên, có sự xuất hiện của thiên nhiên, những sự vật trên trái đất như cây cỏ, động vật, biển cả. Những hình ảnh này nhấn mạnh vai trò của môi trường tự nhiên trong việc cung cấp nguồn tri thức và trải nghiệm cho trẻ em.

Sau đó, mẹ được giới thiệu là người sinh ra để yêu thương và chăm sóc trẻ em. Bà là người giáo dục về giá trị truyền thống và đạo đức, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách và tư duy của trẻ. Bố, trong bài thơ, là người được sinh ra để giúp trẻ em hiểu biết và trưởng thành hơn. Điều này thể hiện vai trò của học giáo và giáo dục trong cuộc sống của con người. Cuối cùng, trường lớp được đề cập là nơi trẻ em đến để học tập, vui chơi và gặp gỡ giáo viên. Nhà thơ nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc dạy dỗ và hướng dẫn trẻ em. Bài thơ này thể hiện tình yêu thương của Xuân Quỳnh dành cho trẻ em và tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường và những giáo dục tích cực để hình thành những con người tốt đẹp hơn trong tương lai.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 6 bộ Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Cảm nhận về nhân vật tớ trong bài thơ Bắt nạt

Cảm nhận bài thơ Bắt nạt

Cảm nhận bài thơ Chuyện cổ tích về loài người

Suy nghĩ về thông điệp được rút ra từ Chuyện cổ tích về loài người

Cảm nhận về em bé trong Mây và sóng

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!