Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu: Những điều cần biết

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium Tetani. Độc tố của trực khuẩn uốn ván rất mạnh được gọi là tetanospamin, gây bệnh nhanh, đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng, nếu người bệnh mắc phải mà không can thiệp kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Video Chích ngừa uốn ván khi mang thai

Vi khuẩn uốn ván có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường sống, có thể lây nhiễm vào người khỏe qua vết thương hở. Đặc biệt, khả năng sinh tồn của vi khuẩn uốn ván rất mạnh, dù đun sôi diệt trùng trong thời gian dài cũng không loại bỏ được chúng một cách triệt để.

Ở phụ nữ mang thai, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập trong quá trình sinh đẻ theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung. Nguy cơ mắc bệnh uốn ván khi mang thai được xem là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay bởi sự lây truyền từ mẹ sang con có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Nhiễm trùng sơ sinh thường xảy ra thông qua các dụng cụ cắt rốn chưa tiệt trùng và gốc dây rốn khó lành.

Bệnh uốn ván sơ sinh thường xuất hiện trong vòng hai tuần đầu tiên sau sinh với một số triệu chứng điển hình cứng khớp và đau cơ, bỏ bú. Các chương trình tiêm chủng toàn cầu đã giảm gánh nặng toàn cầu về tử vong uốn ván sơ sinh. Ước tính cho thấy, năm 2000 có 146.000 ca tử vong con số này giảm xuống còn 58.000 ca tử vong trong năm 2010.

Vì thế, việc tiêm phòng vắc xin uốn ván cho bà bầu là cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ở cả mẹ và bé, chuẩn bị cho thời điểm chuyển dạ sinh con quan trọng.

Thời điểm tiêm phòng

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (có thai hoặc không có thai) đều cần được tiêm phòng uốn ván để tạo ra kháng thể giúp cả mẹ và trẻ sơ sinh được bảo vệ trong trường hợp không may bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập.

Khi người mẹ được tiêm chủng đầy đủ, kháng thể sẽ truyền sang con giúp bảo vệ trẻ trước nguy cơ gây bệnh.

Tổng số lần tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) là 5 mũi, trong đó tiêm phòng uốn ván cho bà bầu lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản. Lưu ý mũi tiêm vắc xin uốn ván thai kỳ trong lịch tiêm cần tiêm trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng. Cụ thể, lịch tiêm phòng uốn ván cho bà bầu vào các khoảng thời gian sau:

Đối với người chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

  • Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu
  • Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1 và tiêm trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng
  • Lần 3: ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc kỳ có thai lần sau
  • Lần 4: ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ có thai lần sau
  • Lần 5: ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kỳ có thai lần sau.

Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

  • Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu
  • Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1
  • Lần 3: ít nhất 1 năm sau lần 2

Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:

  • Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu
  • Lần 2: ít nhất 1 năm sau lần 1

Sau khi nhận được vắc xin phòng uốn ván, cơ thể của mẹ sẽ tạo ra các kháng thể bảo vệ và các kháng thể này một phần được truyền vào em bé trước khi sinh. Những kháng thể này cung cấp cho thai nhi một số bảo vệ ngắn hạn chống lại bệnh uốn ván trong thời kỳ đầu đời khi mà bé chưa đủ tuổi để có thể tạo miễn dịch chủ động bằng việc tiêm vắc xin.

Loại thuốc

Tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (có thai hoặc không có thai) đều cần được tiêm phòng uốn ván để tạo ra kháng thể giúp cả mẹ và trẻ sơ sinh được bảo vệ trong trường hợp không may bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập.

Vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ chuẩn bị mang thai: Vắc xin Adacel – là vắc xin kết hợp 3 thành phần giải độc tố uốn ván hấp phụ; giải độc tố bạch hầu liều thấp hấp phụ và ho gà vô bào; vắc xin phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván vô bào và vắc xin Boostrix (Bỉ) cũng phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà; và vắc xin giải độc tố uốn ván hấp phụ VAT (Việt Nam).

Vắc xin phòng uốn ván cho bà bầu: với phụ nữ đang mang thai có thể tiêm vắc xin VAT (Việt Nam), và có thể xem xét tiêm vắc xin Boostrix (Bỉ) cho phụ nữ mang thai ở 3 tháng cuối thai kỳ.

Địa điểm tiêm phòng

Giống như những loại vắc xin phòng bệnh khác, bà bầu có thể đăng kí tiêm phòng vắc xin uốn ván tại các địa điểm sau:

  • Phòng tiêm chủng quốc tế.
  • Trung tâm y tế dự phòng.
  • Trung tâm tiêm chủng.
  • Trạm y tế.
  • Bệnh viện.

Bạn nên lựa chọn bệnh viện, trung tâm tiêm chủng uy tín, cố định từ khi dự định mang thai đến suốt thời gian thai kỳ và sau thai kỳ để tiêm phòng đầy đủ, đúng thời điểm. 

Chi phí

Hiện nay, giá tiêm vacxin uốn ván cho bà bầu 1 mũi như sau:

  • VAT: 60.000 – 70.000 VND/ mũi
  • Adacel: 630.000 – 730.000 VND/mũi
  • Boostrix: 740.000 – 890.000 VND/ mũi

Trên đây là bảng giá của ba loại vacxin uốn ván điển hình đang được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo thời gian mức giá trên sẽ có nhiều thay đổi phụ thuộc vào những yếu tố sau:

  • Loại vacxin: Trong một vài trường hợp vacxin không có sẵn tại cơ sở tiêm chủng. Vì thế, bạn cần đặt về và đương nhiên mức giá sẽ cao hơn đôi chút.
  • Nơi tiêm chủng: Cơ sở y tế có dịch vụ tiêm vacxin chuyên nghiệp, cao cấp, không gian phòng khám, trang thiết bị hiện đại sẽ làm chi phí chủng ngừa cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, sẽ mang đến độ tin cậy và chất lượng tiêm chủng an toàn, hiệu quả tốt.
  • Đội ngũ bác sĩ: Cơ sở y tế bạn chọn có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trực tiếp thăm khám và tiêm chủng đương nhiên mức chi phí sẽ cao hơn, để phù hợp với trình độ chuyên môn.

Giá tiêm vacxin uốn ván cho bà bầu không quá đắt và nằm trong tầm mức mà đa số người có thể chi trả. Vì vậy, không chỉ các bà bầu mà mọi người cần chủ động đi tiêm phòng uốn ván để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này, đặc biệt là những đối tượng thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường dễ nhiễm vi khuẩn này

Tác dụng phụ

Cũng giống như các loại vacxin khác, sau khi tiêm ngừa uốn ván cho bà bầu, một số mẹ có thể sẽ gặp phản ứng phụ không mong muốn. Nổi bật nhất là phản ứng sốt sau tiêm. Tuy nhiên đây chỉ là phản ứng rất bình thường của cơ thể khi tiếp nhận vacxin nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. 

Việc tiêm ngừa uốn ván cho bà bầu còn có thể gây sưng tấy vết tiêm hoặc dị ứng nhẹ. Đối với những phản ứng này mẹ bầu không nên chườm, đắp vị trí tiêm hay sử dụng thuốc mà hãy để khỏi tự nhiên.

Nếu mẹ bầu tiêm uốn ván lần 2 và gặp các triệu chứng như: chân tay lạnh, xa tái xanh, tim đập nhanh, khó thở,… cần nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời tránh sốc phản vệ.

Ngoài ra, các thai phụ khi tiêm ngừa uốn ván thai kỳ cũng cần lưu ý tuyệt đối không được tự ý đi tiêm mà cần có lịch theo giai đoạn mang thai hoặc lịch của các trung tâm y tế, tiêm chủng. Chỉ nên tiêm tại một địa chỉ cố định và lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín, chất lượng để đảm bảo cho mẹ bầu và thai nhi.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!