Trong quá trình thụ tinh ống nghiệm, trứng đã trưởng thành được lấy từ buồng trứng và sau đó đem đi thụ tinh. Trứng đã thụ tinh hay còn gọi là phôi thai được đưa vào tử cung. Một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm đầy đủ mất khoảng 3 tuần. Đôi khi các bước này được chia nhỏ và quá trình này có thể kéo dài lâu hơn.
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hiệu quả nhất của công nghệ hỗ trợ sinh sản. Phôi thai có thể được tạo ra bằng trứng và tinh trùng của một cặp vợ chồng, hoặc trứng hay tinh trùng của người hiến tặng. Trong một số trường hợp, phụ nữ có những bất thường về tử cung sẽ cần nhờ đến mang thai hộ.
Cơ hội sinh con khỏe mạnh bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác và nguyên nhân vô sinh. Ngoài ra, thụ tinh trong ống nghiệm có thể tốn nhiều thời gian, tiền bạc và là thủ thuật xâm lấn. Nếu có nhiều hơn một phôi thai được cấy vào tử cung, người mẹ có thể mang đa thai.
Bác sĩ sẽ tư vấn kỹ hơn về quy trình cũng như rủi ro của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đồng thời cũng sẽ trả lời câu hỏi bạn có phù hợp với phương pháp này hay không.
Thụ tinh trong ống nghiệm được chỉ định trong trường hợp nào?
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một phương pháp điều trị vô sinh và giải quyết các vấn đề di truyền. Nếu mục đích là điều trị vô sinh, bạn có thể thử các phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bao gồm các loại thuốc hỗ trợ sinh sản nhằm kích thích phóng noãn hoặc thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung gần thời điểm rụng trứng.
Đôi khi, thụ tinh trong ống nghiệm được coi như phương pháp điều trị chính cho vô sinh ở phụ nữ trên 40 tuổi. IVF có thể được chỉ định trong một số trường hợp, cụ thể như:
- Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc tắc nghẽn: Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc tắc nghẽn gây cản trở quá trình thụ tinh hoặc làm cho phôi thai khó đi xuống tử cung.
- Rối loạn phóng noãn: Nếu trứng rụng không thường xuyên và đều đặn hoặc không rụng trứng, sẽ có ít cơ hội để thụ tinh.
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô tương tự như niêm mạc tử cung làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung - thường gây ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng.
- U xơ tử cung: U xơ là khối u lành tính trong tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40. U xơ có thể gây cản trở sự làm tổ của trứng đã thụ tinh.
- Thắt ống dẫn trứng: Thắt ống dẫn trứng là một phương pháp triệt sản, làm ống dẫn trứng bị tắc để tránh thai vĩnh viễn. Nếu bạn muốn có em bé sau khi thắt ống dẫn trứng, thụ tinh trong ống nghiệm có thể là một giải pháp thay thế cho tái thông ống dẫn trứng.
- Rối loạn tinh trùng: Nồng độ tinh trùng dưới mức trung bình, tinh trùng di động kém, hoặc bất thường về kích thước và hình dạng tinh trùng có thể khiến việc thụ tinh gặp khó khăn. Nếu phát hiện ra những bất thường về tinh dịch, có thể cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị.
- Vô sinh không rõ nguyên nhân: Không tìm ra nguyên nhân khi đã loại trừ các vấn đề hay gặp.
- Rối loạn di truyền: Nếu vợ hoặc chồng có nguy cơ truyền gen gây bệnh cho con, bạn có thể sẽ được chỉ định làm xét nghiệm di truyền trước khi cấy ghép - một kỹ thuật liên quan đến thụ tinh ống nghiệm. Sau khi trứng được thụ tinh, bác sĩ sẽ tiến hành sàng lọc di truyền trước chuyển phôi. Sàng lọc không thể loại bỏ tất cả các vấn đề di truyền. Phôi đã sàng lọc sẽ được chuyển vào tử cung.
- Bảo tồn khả năng sinh sản đối với bệnh nhân ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe khác: Xạ trị hay hóa trị trong điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Khi đó, bệnh nhân có thể lựa chọn thụ tinh trong ống nghiệm. Trứng được lấy ra có thể bảo quản đông lạnh để sau này thụ tinh. Hoặc trứng được thụ tinh thành phôi và đem đi đông lạnh.
Những phụ nữ có bất thường tử cung hoặc mang thai có thể nguy hiểm cho sức khỏe có thể lựa chọn thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp với mang thai hộ. Trong trường hợp này, trứng vẫn được thụ tinh với tinh trùng, nhưng phôi tạo thành sẽ được đặt vào tử cung của người khác.
Rủi ro khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm
Rủi ro của thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:
- Đa thai: Thụ tinh trong ống nghiệm làm tăng nguy cơ đa thai nếu nhiều hơn một phôi thai được đưa vào tử cung. Mang thai đa thai có nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con nhẹ cân cao hơn so với mang thai đơn thai.
- Đẻ non và nhẹ cân: Nghiên cứu cho thấy rằng thụ tinh ống nghiệm làm tăng nhẹ nguy cơ đẻ non hoặc trẻ nhẹ cân.
- Hội chứng quá kích buồng trứng: Sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm như human chorionic gonadotropin (hCG) để kích thích rụng trứng có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng, khi đó buồng trứng bị sưng và gây đau.
Các triệu chứng hay gặp là đau bụng nhẹ, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và thường kéo dài một tuần. Tuy nhiên, nếu bạn có thai, các triệu chứng có thể kéo dài đến vài tuần. Hội chứng này ít nghiêm trọng, đôi khi cũng có thể gây tăng cân và khó thở.
- Sảy thai: Tỷ lệ sảy thai đối với phụ nữ thụ thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm với phôi tươi tương tự như phụ nữ thụ thai tự nhiên - khoảng 15% đến 25% - nhưng tỷ lệ này tăng lên theo tuổi của mẹ.
- Các biến chứng của thủ thuật chọc hút trứng: Sử dụng kim chọc hút để lấy trứng có thể gây chảy máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương ruột, bàng quang hay mạch máu. Đi kèm với đó là những rủi ro khi sử dụng thuốc gây mê và gây tê.
- Chửa ngoài tử cung: Khoảng 2-5% phụ nữ sử dụng thụ tinh trong ống nghiệm bị thai ngoài tử cung - tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng. Phôi thai không thể tồn tại và phát triển bên ngoài tử cung. Điều đó có nghĩa là buộc phải bỏ thai mà không có cách nào giữ thai lại để sinh được.
- Dị tật bẩm sinh: Tuổi của người mẹ là yếu tố nguy cơ chính gây ra dị tật bẩm sinh, bất kể đứa trẻ được thụ thai bằng cách nào. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định xem liệu những đứa trẻ được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm có tăng nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh hay không.
- Ung thư: Một vài nghiên cứu ban đầu cho thấy có thể có mối liên hệ giữa các loại thuốc được sử dụng để kích thích sự phát triển của trứng và sự phát triển của khối u buồng trứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây không ủng hộ những phát hiện này. Dường như nguy cơ mắc ung thư vú, nội mạc tử cung, cổ tử cung hoặc buồng trứng sau không tăng đáng kể khi thụ tinh ống nghiệm.
- Căng thẳng: Thụ tinh trong ống nghiệm có thể gây kiệt quệ về mặt tài chính, thể chất và ảnh hưởng đến cảm xúc. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn, gia đình và bạn bè có thể giúp vợ chồng bạn vượt qua những lo lắng, căng thẳng của việc điều trị vô sinh.
Cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm?
Trước khi bắt đầu thụ tinh ống nghiệm với trứng và tinh trùng của hai vợ chồng, bác sĩ có thể sẽ cần tiến hành một vài kỹ thuật để kiểm tra, cụ thể như sau:
- Đánh giá dự trữ buồng trứng: Để xác định số lượng và chất lượng trứng, bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ hormone kích thích tạo nang trứng (FSH), estradiol (dạng chính của estrogen) và hormone AMH (anti-mullerian hormone) trong máu. Xét nghiệm này được thực hiện vào đầu chu kỳ kinh nguyệt. Dựa vào kết quả xét nghiệm này kết hợp với siêu âm buồng trứng, bác sĩ có thể tiên lượng buồng trứng sẽ đáp ứng như thế nào với thuốc hỗ trợ sinh sản.
- Phân tích tinh dịch: Sử dụng để đánh giá chất lượng tinh dịch, thường được tiến hành khi kiểm tra sức khỏe sinh sản hoặc trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
- Tầm soát bệnh truyền nhiễm: Bệnh nhân sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV.
- Tiến hành chuyển phôi (mô phỏng): Bác sĩ có thể tiến hành chuyển phôi giả để xác định độ sâu của khoang tử cung và tìm ra kỹ thuật đưa phôi vào tử cung phù hợp nhất với bạn.
- Khám tử cung: Bác sĩ sẽ kiểm tra nội mạc tử cung trước khi bắt đầu thụ tinh ống nghiệm. Bằng cách tiêm chất lỏng qua cổ tử cung để định hình tử cung, sau đó sẽ siêu âm để xác định hình dạng tử cung. Bác sĩ cũng có thể nội soi bằng cách sử dụng ống nhỏ gắn camera và đèn để quan sát cấu trúc bên trong của tử cung.
Trước khi quyết định thụ tinh ống nghiệm, hãy cân nhắc đến những vấn đề sau:
- Nên chuyển tối đa bao nhiêu phôi? Số lượng phôi được chuyển thường dựa vào tuổi người mẹ và số lượng trứng lấy được. Vì tỷ lệ làm tổ của phôi thấp hơn đối với phụ nữ lớn tuổi, nên thường chuyển nhiều phôi hơn - trừ trường hợp sử dụng trứng hiến tặng hoặc phôi đã được kiểm tra di truyền.
Bác sĩ sẽ tuân thủ theo một số nguyên tắc để hạn chế tối đa nguy cơ đa thai, nhất là sinh ba hoặc nhiều hơn. Ở một số quốc gia, luật pháp giới hạn số lượng phôi chuyển giao. Luôn chắc chắn bạn và bác sĩ đã thống nhất về số lượng phôi được chuyển trước khi làm thủ tục chuyển phôi.
- Xử lý phôi thừa như thế nào? Các phôi còn lại có thể được đông lạnh và lưu trữ để sử dụng vài năm sau đó. Đa số các phôi đều có thể sử dụng sau quá trình đông lạnh và rã đông, nhưng không phải tất cả.
Các chu kỳ thụ tinh ống nghiệm trong tương lai sẽ ít tốn kém và xâm lấn hơn khi dự trữ phôi đông lạnh. Bạn cũng có thể hiến tặng các phôi đông lạnh chưa sử dụng cho một cặp vợ chồng khác hoặc cơ sở nghiên cứu. Hoặc bạn cũng có thể loại bỏ các phôi thừa nếu không có nhu cầu sử dụng.
- Cần phải làm gì nếu mang đa thai? Nếu nhiều hơn một phôi thai được chuyển đến tử cung, bạn sẽ có nguy cơ mang đa thai. Điều này gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Trong một số trường hợp, phương pháp giảm thai có thể được sử dụng để nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn phương pháp giảm thai là một quyết định quan trọng, bởi nó có liên quan đến đạo đức, tâm lý, tình cảm.
Bên phía ngân hàng sẽ có những cố vấn về pháp lý để tư vấn và giải đáp những thắc mắc của bạn về thủ tục cũng như quyền hạn. Cũng có thể bạn cần một luật sư để đảm nhiệm các giấy tờ và thủ tục để trở thành bố mẹ hợp pháp của phôi cấy ghép.
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm
Video Quy Trình Thụ Tinh Ống Nghiệm IVF Diễn Ra Như Thế Nào ?
Thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm các bước: kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, lấy tinh trùng, thụ tinh và chuyển phôi. Một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm có thể mất khoảng 2-3 tuần. Để sinh được một em bé khỏe mạnh đôi khi cần nhiều hơn một chu kỳ.
Kích thích rụng trứng
Chu kỳ thụ tinh ống nghiệm bắt đầu bằng cách sử dụng các hormone tổng hợp để kích thích buồng trứng tạo ra nhiều trứng trưởng thành - thay vì chỉ rụng một trứng mỗi tháng theo chu kỳ kinh nguyệt. Cần có nhiều trứng trưởng thành vì một số trứng sẽ không thụ tinh được hoặc không phát triển bình thường sau khi thụ tinh.
Một số loại thuốc được sử dụng trong quá trình thụ tinh nhân tạo:
- Thuốc kích thích buồng trứng: Để kích thích buồng trứng tạo ra nhiều trứng cùng phát triển một lúc, bác sĩ có thể chỉ định thuốc tiêm có chứa hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone tạo hoàng thể (LH) hoặc kết hợp cả hai.
- Thuốc kích thích phóng noãn: Bác sĩ sẽ chỉ định Human chorionic gonadotropin (HCG) hoặc các loại thuốc khác để giúp trứng trưởng thành và khởi phát rụng trứng khi đến thời điểm, thường là sau 8-14 ngày.
- Thuốc ngăn rụng trứng sớm: Những loại thuốc này ngăn cơ thể phóng noãn quá sớm.
- Thuốc chuẩn bị nội mạc tử cung: Vào ngày lấy trứng hoặc vào thời điểm chuyển phôi, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung progesterone nhằm giúp cho niêm mạc tử cung dễ dàng tiếp nhận phôi để làm tổ.
Bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra để xác định loại thuốc nên sử dụng, cũng như tư vấn, dặn dò bạn về thời điểm dùng thuốc.
Thông thường, bạn sẽ cần 1-2 tuần kích thích buồng trứng, nhằm tạo ra nhiều trứng trưởng thành trước khi chuyển qua bước chọc hút trứng. Để xác định thời điểm thích hợp để lấy trứng, bác sĩ có thể:
- Siêu âm âm đạo: Kiểm tra hình ảnh của buồng trứng để theo dõi sự phát triển của các nang trứng - túi trứng chứa đầy chất lỏng nơi trứng trưởng thành.
- Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra phản ứng của bạn với các loại thuốc kích thích buồng trứng - nồng độ estrogen thường tăng lên khi các nang trứng phát triển và mức progesterone vẫn ở mức thấp cho đến khi rụng trứng.
Đôi khi chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm có thể bị hủy trước khi chọc hút trứng vì một trong những lý do sau:
- Không đủ số lượng nang trứng phát triển
- Rụng trứng sớm
- Quá nhiều nang trứng phát triển, gây nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng.
- Các vấn đề y tế khác
Nếu chu kỳ bị hủy, bác sĩ có thể chỉ định thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng đem lại kể quả tốt hơn. Đôi khi, bác sĩ còn tư vấn sử dụng trứng hiến tặng.
Chọc hút trứng
Việc lấy trứng có thể được thực hiện 34-36 giờ sau khi tiêm lần cuối và trước khi rụng trứng.
Trong quá trình lấy trứng, bác sĩ sẽ gây mê và sử dụng thuốc giảm đau.
Bác sĩ sẽ đưa đầu dò siêu âm vào ngã ba âm đạo để xác định buồng trứng cùng các nang noãn trưởng thành. Sau đó, một cây kim nhỏ được đưa vào theo hướng dẫn của đầu siêu âm để đi qua âm đạo và vào các nang để lấy trứng.
Nếu không thể tiếp cận buồng trứng thông qua ngã âm đạo, bác sĩ có thể thay thế bằng phương pháp siêu âm bụng.
Trứng được lấy ra khỏi nang thông qua một cây kim nối với dụng cụ hút. Quy trình chọc hút trứng diễn ra trong khoảng 20 phút.
Sau khi lấy trứng, bạn có thể bị chuột rút và cảm giác no hay đầy bụng.
Trứng trưởng thành được nuôi cấy trong chất lỏng chứa nhiều dinh dưỡng và nhiệt độ thích hợp. Trứng khỏe mạnh và trưởng thành sẽ được kết hợp với tinh trùng để cố gắng tạo phôi. Tuy nhiên, không phải tất cả trứng đều được thụ tinh thành công.
Lấy tinh dịch
Cùng với thời điểm chọc hút trứng, bác sĩ cũng có chỉ định lấy tinh trùng từ người chồng hoặc ngân hàng. Thông thường, mẫu tinh dịch của người chồng được thu thập thông qua thủ dâm. Đôi khi, bác sĩ cũng có thể chỉ định chọc hút tinh trùng từ mào tinh. Phương pháp này sử dụng kim hoặc phẫu thuật để lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng tinh trùng của người hiến tặng. Tinh trùng sẽ được tách khỏi dịch tinh dịch trong phòng thí nghiệm.
Thụ tinh
Có hai phương pháp thụ tinh phổ biến:
- Thụ tinh thông thường: Tinh trùng khỏe mạnh và trứng trưởng thành được trộn lẫn và ủ qua đêm.
- Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn(Intracytoplasmic sperm injection - ICSI): Đối với phương pháp này, một tinh trùng khỏe mạnh duy nhất được tiêm trực tiếp vào mỗi trứng trưởng thành. Phương pháp này thường được sử dụng khi chất lượng hoặc số lượng tinh trùng có trong tinh dịch có vấn đề hoặc nếu các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trước đó thất bại.
Trong một số tình huống nhất định, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số kỹ thuật khác trước khi chuyển phôi.
- Hỗ trợ phôi thoát màng: Khoảng 5-6 ngày sau khi thụ tinh, toàn bộ tế bào bên trong phôi bắt đầu quá trình thoát ra khỏi màng trong suốt, cho phép phôi có thể bám vào niêm mạc tử cung để sinh trưởng và phát triển. Trường hợp phụ nữ lớn tuổi hoặc đã từng nhiều lần thất bại khi cấy phôi vào niêm mạc tử cung, bác sĩ có thể chỉ định kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng. Kỹ thuật này tạo một lỗ trên màng trong suốt nhắm giúp phôi thoát ra trước khi được đưa vào niêm mạc tử cung. Kỹ thuật này cũng hữu ích đối với trứng hoặc phôi đã được đông lạnh trước đó vì quá trình này làm cho màng trong suốt cứng hơn và phôi khó thoát ra hơn.
- Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi: Phôi nuôi cấy và phát triển trong tủ ấm cho đến khi có thể được lấy ra và kiểm tra các bệnh di truyền cụ thể hoặc số lượng nhiễm sắc thể chính xác. Giai đoạn này thường là sau 5-6 ngày. Phôi không chứa gen bệnh hoặc nhiễm sắc thể bất thường có thể được chuyển vào tử cung của mẹ. Mặc dù xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi có thể làm giảm khả năng cha hoặc mẹ sẽ di truyền bệnh cho con, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro. Kể cả khi phôi được sàng lọc, bạn vẫn nên làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh.
Chuyển phôi
Việc chuyển phôi thường được thực hiện 2-5 ngày sau khi chọc hút trứng.
Bác sĩ có thể cần gây mê trong một số trường hợp. Thủ thuật này thường không đau, tuy nhiên bạn có thể bị chuột rút nhẹ.
Bác sĩ sẽ đưa một ống dài, mỏng và linh hoạt gọi là catheter vào âm đạo, đi qua cổ tử cung và vào tử cung.
Một bơm tiêm đựng chất lỏng, trong đó chứa một hoặc nhiều phôi thai được gắn vào phần cuối của ống thông.
Bác sĩ đặt phôi vào tử cung thông qua bơm tiêm và ống thông.
Nếu thành công, phôi thai sẽ làm tổ trong niêm mạc tử cung trong 6-10 ngày sau khi chọc hút trứng.
Sau khi chuyển phôi
Sau khi chuyển phôi, bạn có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường và về nhà sau 1-2 giờ. Tuy nhiên, buồng trứng có thể mở rộng. Vì vậy, hãy tránh các hoạt động mạnh vì có thể gây đau hoặc khó chịu.
Một triệu chứng hay gặp sau khi tiến hành chuyển phôi:
- Do việc ngoáy cổ tử cung trước khi chuyển phôi có thể dẫn đến chảy dịch trong suốt hoặc máu ngay sau khi làm thủ thuật.
- Căng tức ngực do nồng độ estrogen cao.
- Đầy hơi nhẹ
- Chuột rút nhẹ
- Táo bón
Nếu bạn bị đau vừa hoặc đau dữ dội sau khi chuyển phôi, hãy liên hệ với bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra biến chứng như nhiễm trùng, xoắn buồng trứng và hội chứng quá kích buồng trứng.
Kiểm tra kết quả
Khoảng 12-14 ngày sau khi lấy trứng, bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu để phát hiện xem bạn có mang thai hay không.
- Nếu bạn đang mang thai, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ sản khoa để được chăm sóc trước khi sinh.
- Nếu không mang thai, bạn sẽ ngừng dùng progesterone và có thể có kinh nguyệt trong vòng một tuần. Nếu không có kinh hoặc chảy máu bất thường, hãy đến gặp bác sĩ. Trong trường hợp bạn muốn tiến hành một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm khác, bác sĩ có thể đề xuất một số phương pháp nhằm tăng khả năng mang thai.
Cơ hội sinh con khỏe mạnh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Tuổi mẹ: Tuổi mẹ càng trẻ, tỉ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm càng cao. Đối với phụ nữ từ 41 tuổi trở lên thường được khuyên nên cân nhắc sử dụng trứng của người hiến tặng để tăng cơ hội thành công.
- Giai đoạn phôi: Phôi ngày 5 có tiềm năng làm tổ cao hơn nhiều so với phôi ngày 2 hay ngày 3. Tuy nhiên, không phải tất cả các phôi đều sống sót sau quá trình phát triển. Hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
- Tiền sử sản khoa: Những phụ nữ đã từng sinh con có nhiều khả năng mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm hơn những phụ nữ chưa từng sinh con. Tỷ lệ thành công thấp hơn đối với những phụ nữ trước đây đã sử dụng thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần nhưng thất bại.
- Nguyên nhân dẫn đến vô sinh: Buồng trứng bình thường làm tăng khả năng mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nặng ít có khả năng mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm hơn là những phụ nữ bị vô sinh không rõ nguyên nhân.
- Các yếu tố liên quan đến lối sống: Phụ nữ hút thuốc thường tạo ra ít trứng hơn trong quá trình thụ tinh ống nghiệm và dễ sảy thai hơn. Hút thuốc ở phụ nữ có thể làm giảm 50% cơ hội thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Béo phì có thể làm giảm cơ hội mang thai và sinh con. Sử dụng rượu, chất kích thích, uống quá nhiều caffeine và một số loại thuốc cũng có thể có hại và làm giảm tỷ lệ thành công.
Trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ yếu tố nào có thể gây ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn, đưa ra lời khuyên hoặc đề xuất giải pháp phù hợp.