Tổng quan chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là gì?
Chửa ngoài tử cung là hiện tượng mang thai ngoài tử cung, xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở một tổ chức ngoài buồng tử cung như: ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,… Chửa ngoài tử cung thường xảy ra ở ống dẫn trứng (cấu trúc nối giữa buồng trứng và tử cung). Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, thai ngoài tử cung có thể nằm ở buồng trứng hoặc trong ổ bụng.
Chửa ngoài tử cung là một cấp cứu sản khoa. Thai nằm ngoài tử cung thì không thể giữ lại để sinh được. Không chỉ vậy, còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Cơ chế dẫn đến thai ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là tình trạng trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung. Bình thường, trứng theo ống dẫn trứng đi xuống và tự bám vào thành tử cung, làm tổ và phát triển. Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, trứng làm tổ ở một trong các cấu trúc trên đường di chuyển xuống buồng tử cung. Phần lớn các trường hợp mang thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng. Trứng đã thụ tinh cũng có thể làm tổ ở các cơ quan khác trong ổ bụng. Đây là một dạng chửa ngoài tử cung hiếm gặp hơn so với ở ống dẫn trứng.
Chửa ngoài tử cung có nguy hiểm không?
Chửa ngoài tử cung là một cấp cứu sản khoa. Tử cung là nơi duy nhất phù hợp để trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển. Bởi vì tử cung có thể co giãn và mở rộng khi thai nhi lớn lên. Ống dẫn trứng co giãn không tốt, kém linh hoạt và có thể vỡ khi thai phát triển. Khi đó, sản phụ bị chảy máu trong và mất một lượng máu lớn. Điều này đe dọa đến tính mạng của người mẹ. Chửa ngoài tử cung cần được xử lý ngay để tránh làm tổn thương vòi trứng cũng như các cơ quan khác trong ổ bụng, đồng thời còn ngăn ngừa tình trạng chảy máu trong dẫn đến tử vong.
Chửa ngoài tử cung có thể giữ thai lại để sinh không?
Thai không thể tồn tại và phát triển bên ngoài buồng tử cung. Vì vậy, tất cả các trường hợp chửa ngoài tử cung đều không thể giữ lại thai. Chửa ngoài tử cung cần được phát hiện và điều trị kịp thời để bảo toàn tính mạng của người mẹ. Nếu trứng làm tổ trong ống dẫn trứng và làm vỡ ống dẫn trứng, có thể gây chảy máu trong nghiêm trọng. Mất máu quá nhiều gây ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ.
Nguyên nhân và triệu chứng chửa ngoài tử cung
Nguyên nhân nào gây ra chửa ngoài tử cung?
Trong hầu hết các trường hợp, mang thai ngoài tử cung là do các nguyên nhân làm chậm hoặc cản trở sự di chuyển của trứng qua ống dẫn trứng và vào tử cung.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung
Yếu tố nguy cơ là yếu tố sinh học, hoá học hoặc vật lý tác động tiêu cực lên sức khỏe con người, là một loại "biến số" liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số yếu tố nguy cơ của chửa ngoài tử cung là:
- Có tiền sử chửa ngoài tử cung.
- Tiền sử bệnh viêm vùng chậu (Pelvic inflammatory disease - PID), đây là bệnh nhiễm trùng có thể tạo ra mô sẹo trong ống dẫn trứng, tử cung, buồng trứng và cổ tử cung.
- Tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng (bao gồm cả thắt ống dẫn trứng) hoặc phẫu thuật các cơ quan khác thuộc vùng chậu.
- Tiền sử vô sinh.
- Điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (Infertility with in vitro fertilization - IVF).
- Lạc nội mạc tử cung.
- Tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted infections - STIs) .
- Đặt vòng tránh thai tại thời điểm thụ thai.
- Tiền sử hút thuốc.
Nguy cơ chửa ngoài tử cung tăng lên ở phụ nữ lớn tuổi. Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ trẻ.
Nhiều phụ nữ chửa ngoài tử cung mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào ở trên.
Triệu chứng của chửa ngoài tử cung
Video Mang thai ngoài tử cung có dấu hiệu gì?
Các triệu chứng ban đầu của chửa ngoài tử cung có thể rất giống với các triệu chứng mang thai điển hình. Tuy nhiên, bạn có thể gặp thêm các triệu chứng khác như:
- Chảy máu âm đạo.
- Đau ở bụng dưới, vùng chậu và vùng thắt lưng.
- Chóng mặt hoặc suy nhược.
Nếu ống dẫn trứng bị vỡ, cơn đau và chảy máu có thể nghiêm trọng đến mức dẫn đến một số triệu chứng khác như:
- Ngất xỉu.
- Tụt huyết áp.
- Đau vai.
- Mót rặn do trực tràng bị kích thích.
Khi ống dẫn trứng bị vỡ, sản phụ có thể cảm thấy đau nhói ở bụng dưới. Đây là trường hợp cấp cứu ngoại khoa và sản phụ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Nếu bạn nhận ra rằng mình đang mang thai và đặt vòng tránh thai (dụng cụ đặt vào tử cung để tránh thai) hoặc có tiền sử thắt ống dẫn trứng (thắt ống dẫn trứng bằng phẫu thuật hoặc tại thời điểm sinh mổ), hãy đi khám bác sĩ ngay. Vì trong những trường hợp này, nguy cơ chửa ngoài tử cung cao hơn.
Chẩn đoán và xét nghiệm chửa ngoài tử cung
Chẩn đoán và các xét nghiệm hay được chỉ định
Bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm để chẩn đoán bạn đang mang thai. Sau đó, dựa vào thăm khám lâm sàng và siêu âm, bác sĩ sẽ kết luận được bạn có bị chửa ngoài tử cung hay không. Các xét nghiệm cận lâm sàng hay gặp như:
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này thường được thực hiện bằng cách đi tiểu trên que thử thai hoặc đi tiểu vào cốc và sau đó nhúng que thử vào mẫu nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) trong cơ thể. Hormone này được sản xuất trong thời kỳ mang thai. Xét nghiệm này còn được gọi là kiểm tra nồng độ beta - hCG trong huyết thanh.
- Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể. Siêu âm thường được sử dụng trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm để kiểm tra nơi trứng đã thụ tinh làm tổ.
Khi bác sĩ đã chẩn đoán bạn đang mang thai và xác định được nơi trứng làm tổ, kế hoạch điều trị sẽ được đặt ra. Chửa ngoài tử cung là một cấp cứu y khoa và việc điều trị sớm là rất quan trọng.
Nếu ống dẫn trứng đã bị vỡ, thay vì đợi sắp xếp cuộc hẹn với bác sĩ, bạn cần phải đến phòng cấp cứu và điều trị ngay lập tức.
Thai ngoài tử cung có thể phát hiện vào tuần thứ mấy?
Mang thai ngoài tử cung thường được phát hiện rất sớm trong thai kỳ. Hầu hết các trường hợp được phát hiện trong ba tháng đầu. Cụ thể là thường phát hiện vào tuần thứ tám của thai kỳ.
Điều trị chửa ngoài tử cung
Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung
Có một số cách để điều trị thai ngoài tử cung. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc Methotrexate để ngăn chặn sự phát triển của thai nhi. Điều này đồng nghĩa thai kỳ sẽ kết thúc. Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm Methotrexate. Phương pháp này ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật, nhưng cần tái khám nhiều lần và theo dõi sát sao nồng độ hCG.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, phẫu thuật thường được chỉ định. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật khi ống dẫn trứng bị vỡ hoặc có nguy cơ bị vỡ. Đây là một ca phẫu thuật cấp cứu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho sản phụ. Thủ thuật này thường được thực hiện nội soi. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ phải cắt bỏ toàn bộ ống dẫn trứng hoặc chỉ lấy trứng đã thụ tinh.
Phòng tránh chửa ngoài tử cung
Có biện pháp nào giúp ngăn ngừa thai ngoài tử cung không?
Không có biện pháp phòng tránh chửa ngoài tử cung. Nhưng bạn có thể cố gắng hạn chế các yếu tố nguy cơ bằng cách tuân theo các thói quen sống tốt như không hút thuốc, duy trì cân nặng và chế độ ăn uống lành mạnh, ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Trao đổi với bác sĩ về bất kỳ yếu tố nguy cơ nào bạn có trước khi lên kế hoạch mang thai.
Tiên lượng chửa ngoài tử cung
Khả năng mang thai lại sau khi bỏ thai ngoài tử cung
Hầu hết phụ nữ đã từng chửa ngoài tử cung vẫn có thể tiếp tục có em bé. Nguy cơ chửa ngoài tử cung trong tương lai cao hơn sau khi nếu bạn có tiền sử chửa ngoài tử cung. Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ về nguyên nhân chửa ngoài tử cung và những yếu tố nguy cơ có thể gây ra chửa ngoài tử cung trong tương lai.
Thai ngoài tử cung sau bao lâu thì có thể mang bầu tiếp?
Bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc mang thai sau khi được điều trị chửa ngoài tử cung. Mặc dù việc mang bầu có thể xảy ra nhanh chóng sau khi điều trị, nhưng tốt nhất bạn nên đợi khoảng ba tháng. Điều này cho phép ống dẫn trứng có thời gian để hồi phục và giảm nguy cơ chửa ngoài tử cung.
Phẫu thuật cắt ống dẫn trứng có thể có bầu nữa không?
Trong hầu hết các trường hợp, bạn vẫn có thể có em bé nếu bạn đã cắt bỏ một bên ống dẫn trứng. Bạn có một cặp ống dẫn trứng và trứng vẫn có thể đi xuống buồng tử cung qua ống còn lại. Ngoài ra còn có các thủ thuật hỗ trợ sinh sản như lấy trứng từ buồng trứng, thụ tinh trong ống nghiệm và đặt vào tử cung để làm tổ.
Phương pháp này được gọi là thụ tinh trong ống nghiệm (Vitro fertilization - IVF).
Hãy thoải mái trao đổi với bác sĩ về dự định mang thai trong tương lai. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch và tư vấn để giúp bạn giảm nguy cơ chửa ngoài tử cung trong lần mang bầu tiếp theo.