Nghiệm pháp dung nạp glucose: Quy trình thực hiện, trong thai kỳ và rủi ro

Nghiệm pháp dung nạp glucose là một xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường. Xét nghiệm này đánh giá đáp ứng của cơ thể với glucose như thế nào.

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hoá mạn tính, đặc trưng bởi nồng độ đường trong máu cao, vì cơ thể không thể xử lý glucose một cách hiệu quả do thiếu insulin hoặc tình trạng kháng insulin trong tế bào. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ.

Video: Xét nghiệm dung nạp đường huyết 

Chẩn đoán sớm là chìa khóa để điều trị hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng của đái tháo đường. Phương pháp phổ biến nhất là nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Hãy tìm hiểu về nghiệm pháp dung nạp glucose, các rủi ro của xét nghiệm và các phương pháp để phát hiện bệnh đái tháo đường.

Nghiệm pháp dung nạp glucose là gì?

Nghiệm pháp dung nạp glucose sẽ đo nồng độ glucose trong cơ thể.

Các cơ sở y tế sẽ đo và so sánh mức đường máu của bạn trước và sau 2 giờ uống nước đường để đánh giá khả năng xử lý glucose của cơ thể.

Một người khỏe mạnh sau khi ăn thức ăn có đường thì mức đường máu sẽ tăng lên và trở lại bình thường sau khi đường đi vào trong tế bào. Còn người bị bệnh đái tháo đường, lượng đường trong máu có thể vẫn ở mức cao. Nghiệm pháp dung nạp glucose đo lường và đánh giá phản ứng này của cơ thể.

Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm

Trước khi làm xét nghiệm, bạn nên nhịn ăn trong 8–12 giờ chỉ có thể uống một chút nước trong thời gian này.

Bạn nên nói với bác sĩ về:

  • Các loại thuốc đang dùng
  • Chế độ tập luyện 
  • Tiền sử bệnh

Bác sĩ có thể sẽ đưa ra lời khuyên về cách dùng các loại thuốc trong thời gian nhịn ăn.

Quy trình thực hiện xét nghiệm

Vào ngày xét nghiệm, bạn sẽ được:

  • Lấy mẫu máu trước khi bắt đầu nghiệm pháp
  • Uống nước có đường glucose
  • Lấy thêm mẫu máu sau mỗi 30–60 phút trong vòng 2 giờ

Kết quả

Kết quả cuối cùng sẽ cho biết bạn có mắc hoặc có nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường hay không:

  • Bình thường: Dưới 140 mg / dL
  • Tiền đái tháo đường: 140–199 mg / dL
  • Đái tháo đường: từ 200 mg / dL trở lên

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường, bác sĩ sẽ tư vấn về các phương pháp điều trị.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng độ chính xác của xét nghiệm.

Để có kết quả đáng tin cậy, bạn phải:

  • Có sức khỏe tương đối ổn định
  • Đang kiểm soát bất kỳ vấn đề sức khỏe khác một cách hiệu quả

Một số loại thuốc và các yếu tố khác có thể dẫn đến mức đường máu cao.

Đôi khi, bạn sẽ phải làm một xét nghiệm khác hoặc làm lại nghiệm pháp để xác nhận kết quả.

Nghiệm pháp dung nạp glucose trong thai kỳ

Nghiệm pháp dung nạp glucose cũng có thể giúp chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Sản phụ có thể sẽ được kiểm tra gồm hai xét nghiệm:

Xét nghiệm sàng lọc glucose: Sản phụ được xét nghiệm máu bất kì mà không cần nhịn ăn, sau đó uống đồ uống có glucose và xét nghiệm máu một giờ sau đó. Nếu kết quả là 140 mg / dL, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm thứ hai, là nghiệm pháp dung nạp glucose.

Nghiệm pháp dung nạp glucose: Sản phụ sẽ được xét nghiệm máu lúc đói, tiếp theo uống đồ uống có glucose và xét nghiệm máu thêm sau 1, 2, và có thể 3 giờ.

Nếu bạn có lượng đường trong máu cao và chưa từng mắc bệnh đái tháo đường, thì bạn sẽ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Nguồn ảnh: medicalnewstoday.comĐái tháo đường trong thai kì. Nguồn ảnh: medicalnewstoday.com  Bệnh đái tháo đường thai kỳ xuất hiện khi cơ thể không thể tạo ra đủ lượng insulin cần thiết cho thai kỳ.

Mức insulin thấp, kết hợp với sự thay đổi nội tiết tố, có thể dẫn đến kháng insulin. Khi điều này xảy ra, lượng glucose cao sẽ tích tụ trong máu và có thể dẫn đến các hậu quả sau:

  • Nồng độ đường trong máu cao ở thai nhi và hạ thấp sau khi sinh
  • Khó khăn trong quá trình chuyển dạ tự nhiên và có thể phải phẫu thuật
  • Nguy cơ cao bị rách âm đạo trong khi sinh và chảy máu sau sinh
  • Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai

Các bác sĩ thường khuyến cáo nên làm nghiệm pháp dung nạp glucose trong khoảng tuần thứ 24–28 của thai kỳ. Những người có nguy cơ cao hơn có thể cần xét nghiệm sớm hơn.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường thai kỳ bao gồm:

  • Đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó
  • Tiền sử gia đình mắc đái tháo đường
  • Béo phì hoặc các vấn đề liên quan đến bệnh đái tháo đường khác
  • Tăng huyết áp
  • Không hoạt động thể chất
  • Tuổi cao

Theo Viện Quốc gia về Đái tháo đường và các bệnh về Tiêu hóa và Thận Hoa Kỳ, nếu một người mang thai tăng cân nhiều hơn bình thường thì đây có thể là dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 lưu ý rằng đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến 14% phụ nữ mang thai hàng năm.

Điều trị

Nếu kết quả cho thấy nồng độ đường trong máu cao, bác sĩ có thể tư vấn những điều sau:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh phù hợp với đái tháo đường thai kỳ
  • Tập thể dục đầy đủ
  • Theo dõi nồng độ đường trong máu
  • Đi khám sàng lọc thưòng xuyên và đến khám tại cơ sở y tế nếu mức đường máu tăng lên
  • Trong một số trường hợp cần sử dụng insulin
  • Các bác sĩ sẽ tư vấn về nhu cầu và kế hoạch điều trị của mỗi người, vì đái tháo đường ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau.

Rủi ro và tác dụng không mong muốn

Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi xét nghiệm glucose và rất hiếm khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Vì liên quan đến việc nhịn ăn và xét nghiệm máu, nghiệm pháp dung nạp glucose có thể gây buồn nôn, choáng váng, khó thở và đổ mồ hôi ở một số người.

Bác sĩ sử dụng một cây kim để lấy máu, do đó, vết tiêm có thể gây đau vừa phải cho một số người.

Những rủi ro nghiêm trọng hơn nhưng ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Chảy máu quá nhiều
  • Ngất xỉu
  • Xuất huyết dưới da
  • Nhiễm trùng

Các xét nghiệm về đái tháo đường khác

Nghiệm pháp dung nạp glucose không phải là cách duy nhất để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Các bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm khác để chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh.

HbA1C

Xét nghiệm HbA1C đo đường máu trung bình trong vòng 2-3 tháng, cho thấy phần trăm lượng đường trong máu gắn với hemoglobin, một loại protein vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu. Mức HbA1C bình thường là 5,6 % hoặc thấp hơn, tiền đái tháo đường là 5,7-6,4 % và 6,5 % trở lên là bệnh đái tháo đường.

Glucose máu lúc đói

Xét nghiệm này đo mức đường máu trong khi bạn đói. Bạn sẽ không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, ngoại trừ uống một chút nước, ít nhất 8 giờ trước đó.

Mức đường máu từ 126 mg / dL trở lên là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Mức tiền đái tháo đường là 100–125 mg / dL, và mức bình thường là dưới 100 mg / dL.

Kiểm tra lượng đường trong máu ngẫu nhiên

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu bất kì lúc nào và không nhất thiết phải nhịn ăn. Những người có các triệu chứng đái tháo đường điển hình có thể làm xét nghiệm này. Nếu mức đường máu bất kì là 200 mg / dL thì họ sẽ được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường.

Những người mắc bệnh đái tháo đường nên theo dõi mức đường huyết thường xuyên, sử dụng bộ xét nghiệm tại nhà hoặc máy theo dõi đường huyết liên tục.

Tổng kết

Nghiệm pháp dung nạp glucose là một công cụ chẩn đoán quan trọng để xác định bệnh đái tháo đường. Nếu mức đường huyết trên 140 mm / dL, đây có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.

Các hướng dẫn hiện nay khuyến nghị tầm soát đái tháo đường thường xuyên cho những người từ 45 tuổi hoặc đối với những người có các yếu tố nguy cơ, như béo phì, đái tháo đường thai kỳ trước đó hoặc tiền sử gia đình mắc đái tháo đường.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!