Siêu âm thai và những điều cần biết

Siêu âm là một thăm dò thiết yếu đối với hầu hết phụ nữ mang thai.

Video: Vì sao mẹ bầu nhất định phải đi siêu âm thai quý?

  • Siêu âm thai là một thăm dò chức năng sử dụng sóng âm thanh và màn hình máy tính để hiển thị hình ảnh của em bé trong bụng mẹ.
  • Siêu âm có thể giúp bác sĩ sản khoa xem thai nhi đang lớn lên và phát triển như thế nào.
  • Các bác sĩ cũng có thể sử dụng siêu âm để xem có cần thực hiện các xét nghiệm khác nhằm kiểm tra sức khỏe của em bé trong bụng mẹ hay không.
  • Siêu âm thai là một thăm dò an toàn đối với cả mẹ và thai nhi, vì chúng được thực hiện bởi những chuyên gia y tế được đào tạo. Có một số loại siêu âm đều được ứng dụng phổ biến, là thăm dò thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Siêu âm thai là gì?

Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để hiển thị hình ảnh của em bé trong tử cung (dạ con). Siêu âm giúp bác sĩ sản khoa kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, đánh giá kịp thời được tình trạng thai sản của mẹ.

Siêu âm thai gắn liền với những sự kiện đặc biệt của thai kỳ, giúp cho bạn lần đầu tiên được “nhìn thấy” em bé của mình. Tùy thuộc vào thời điểm và tư thế của em bé, bạn có thể nhìn thấy tay, chân và các bộ phận cơ thể khác của thai nhi. Khi thai đủ lớn, bác sĩ có thể biết trước giới tính của con, vì vậy hãy nhớ nói với bác sĩ nếu bạn không muốn biết trước.

Hầu hết phụ nữ được siêu âm trong ba tháng giữa thai kỳ khi đạt 18 đến 20 tuần. Một số cũng được siêu âm 3 tháng đầu (hay còn gọi là siêu âm sớm) trước khi thai được 14 tuần. Số lần siêu âm và thời gian có thể khác nhau đối với những phụ nữ mắc một số tình trạng sức khỏe nguy cơ như hen phế quản và béo phì.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm siêu âm phù hợp với bạn.

Những lý do cần đi siêu âm thai

Bác sĩ sản khoa chỉ định siêu âm cho thai phụ nhằm những mục đích như sau:

  • Để xác nhận tình trạng đang mang thai
  • Để kiểm tra tuổi thai và sự phát triển của thai nhi. Từ đó bác sĩ sản khoa có thể đưa ra dự kiến sinh cho thai phụ.
  • Để kiểm tra nhịp tim, trương lực cơ, chuyển động và sự phát triển tổng thể của thai nhi.
  • Để kiểm tra xem liệu bạn có đang mang thai đôi, sinh ba trở lên (còn gọi là đa thai) hay không
  • Để kiểm tra xem thai nhi đã quay đầu trước khi sinh hay chưa.
  • Để kiểm tra buồng trứng và tử cung của phụ nữ trước mang thai. Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng.

Các bác sĩ sản phụ khoa sử dụng siêu âm thai để sàng lọc trước sinh và đánh giá thai nhi có dị tật bất thường không. Sàng lọc có nghĩa là xem em bé có khả năng bị các vấn đề sức khỏe hay không; nó không ý nghĩa chẩn đoán xác định bệnh cho em bé. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ dùng siêu âm để:

  • Tầm soát các dị tật bẩm sinh, như tật nứt đốt sống hoặc dị tật tim. Sau khi siêu âm, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm, được gọi là xét nghiệm chẩn đoán, để xác định xem liệu con có bị dị tật bẩm sinh hay không. Dị tật bẩm sinh là tình trạng sức khỏe mà em bé mắc phải ngay từ khi sinh ra. Dị tật bẩm sinh làm thay đổi hình dạng hoặc chức năng của một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể. Dị tật bẩm sinh có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tổng thể, ảnh hưởng tới sự phát triển hoặc rối loạn chức năng hoạt động của cơ thể.
  • Để giúp thực hiện các xét nghiệm trước sinh khác, như sinh thiết gai nhau (còn gọi là CVS) hoặc chọc ối. Sinh thiết gai nhau là dùng kim lấy một mẫu mô bánh nhau để làm xét nghiệm các bất thường về nhiễm sắc thể hay các bất thường khác. Nhau thai là phần mô cung cấp chất dinh dưỡng cho em bé. Chọc ối là một xét nghiệm chẩn đoán trước sinh, trong đso bác sĩ sẽ chọc hút 15-20 ml nước ối để làm xét nghiệm nhằm phát hiện các rối loạn di truyền nhất định.
  • Để kiểm tra các biến chứng thai kỳ, bao gồm chửa ngoài tử cung, dị tật hở hàm ếch và sẩy thai.

Các loại siêu âm thai

Hình ảnh các loại siêu âm. Nguồn: meetingyourbaby4Dsudio.comHình ảnh các loại siêu âm. Nguồn: meetingyourbaby4Dsudio.com

Có nhiều loại siêu âm khác nhau, còn tùy thuộc vào dịch vụ siêu âm của cơ sở khám chữa bệnh và tuổi thai hiện tại. Tất cả các phương pháp siêu âm đều sử dụng một công cụ gọi là bộ chuyển đổi dữ liệu từ sóng âm thành hình ảnh của thai nhi trên máy tính. Các loại siêu âm phổ biến nhất là:

Siêu âm qua ổ bụng: Khi bạn nghe nói về siêu âm thai, rất có thể đó là loại siêu âm này. Thai phụ nằm ngửa trên bàn khám, và bác sĩ sẽ thoa lên bụng thai phụ một lớp gel mỏng. Gel giúp sóng âm dẫn truyền tín hiệu dễ dàng hơn để tạo ra hình ảnh đẹp hơn. Sau đó, bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò trên bụng của thai phụ. Trước khi siêu âm 2 giờ, bạn có thể cần uống vài cốc nước để bàng quang căng đầy trong quá trình kiểm tra. Bàng quang căng đầy giúp truyền tải sóng âm dễ dàng hơn và tạo hình ảnh đẹp hơn. Siêu âm không đau, nhưng bằng quang căng có thể gây khó chịu. Quá trình siêu âm mất khoảng 20 phút.

Siêu âm đầu dò âm đạo: Loại siêu âm này được thực hiện qua đường âm đạo (ống sinh). Bạn nằm lên trên bàn khám với tư thế sản khoa. Bác sĩ di chuyển một đầu dò mỏng có hình dạng như một cây đũa vào âm đạo của thai phụ. Bạn có thể cảm nhận áp lực từ đầu dò, nhưng sẽ không đau. Lúc này bàng quang cần rỗng, hoặc bạn không được buồn tiểu. Siêu âm đầu dò âm đạo cũng mất khoảng 20 phút.

Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ sản khoa có thể sử dụng những loại siêu âm này để biết thêm thông tin về thai nhi:

Siêu âm Doppler: Loại siêu âm này được sử dụng để kiểm tra lưu lượng máu nuôi dưỡng thai nhi nếu em bé không phát triển bình thường. Bác sĩ sử dụng một đầu dò để nghe tim thai và đo lưu lượng máu trong dây rốn và hệ tuần hoàn nuôi thai. Bạn cũng có thể được siêu âm Doppler mạch máu nếu bạn có bất đồng nhóm máu Rh mẹ và thai. Đây là một tình trạng về máu có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho thai nhi nếu không được điều trị. Siêu âm Doppler thường được sử dụng trong ba tháng cuối thai kỳ, nhưng cũng có thể được chỉ định sớm hơn.

Siêu âm 3D: Siêu âm 3D chụp hàng nghìn bức ảnh cùng một lúc. Nó tạo ra chất lượng hình ảnh 3-D rõ nét và sống động. Một số nhà cung cấp dịch vụ sử dụng loại siêu âm 3D để quan sát sự tăng trưởng và phát triển của các cơ quan. Nó cũng giúp phát hiện những bất thường trên khuôn mặt của em bé. Bạn cũng có thể được chỉ định siêu âm 3-D để kiểm tra các vấn đề trong tử cung.

Hình: Siêu âm 3D. Nguồn: Baby CenterHình: Siêu âm 3D. Nguồn: Baby Center

Siêu âm 4D: Siêu âm 4D giống như siêu âm 3D nhưng có thể ghi lại chuyển động của em bé khi quay video.

Siêu âm thai có rủi ro gì không?

Siêu âm an toàn cho mẹ và thai nhi, vì siêu âm được thực hiện bởi các chuyên gia được đào tạo chẩn đoán hình ảnh, sử dụng sóng âm thanh thay vì bức xạ nên nó an toàn hơn X quang. Các nhà cung cấp đã sử dụng siêu âm hơn 30 năm, và họ không  thấy bất kỳ rủi ro nguy hiểm nào.

Siêu âm sẽ giúp loại trừ tốt các vấn đề thường gặp trong trường hợp thai kỳ khỏe mạnh, nhưng lại không thể phát hiện mọi vấn đề. Siêu âm có thể bỏ sót một số dị tật bẩm sinh. Đôi khi, siêu âm định kỳ có thể gợi ý rằng có một dị tật bẩm sinh trong khi thực tế lại không phải. Trong trường hợp dương tính giả, siêu âm có thể gây lo lắng cho thai phụ và gia đình.

Bạn có thể biết một số nơi, chẳng hạn như các cửa hàng trong trung tâm thương mại, có dịch vụ chụp ảnh, quay hoặc video siêu âm 3-D, 4-D để làm “lưu niệm” cho cha mẹ, nhưng những dịch vụ này không có chuyên gia y tế thực hiện. Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Viện Siêu âm Y học Hoa Kỳ (AIUM) không khuyến nghị những siêu âm thai mà không vì mục đích y tế như vậy. Những người thực hiện dịch vụ có thể không được đào tạo về y tế và có thể cung cấp cho bạn thông tin sai hoặc thậm chí có hại.

Kết quả siêu âm

Đối với hầu hết phụ nữ, siêu âm cho thấy em bé đang phát triển bình thường. Nếu siêu âm thai bình thường, bạn chỉ cần tiếp tục đi khám thai theo lịch hẹn.

Đôi khi, kết quả siêu âm có thể gợi ý thai phụ và em bé gặp phải một số vấn đề cần được thăm dò và điều trị thêm. Ví dụ, nếu siêu âm cho thấy bé bị nứt đốt sống, bé có thể được điều trị trong bụng mẹ trước khi chào đời. Nếu siêu âm cho thấy thai nhi đang có ngôi mông (hướng chân xuống khung chậu của mẹ thay vì cúi đầu), bác sĩ có thể cố gắng lật tư thế của em bé sang tư thế đầu chúc xuống, hoặc chỉ định mổ lấy thai. Sinh mổ là một cuộc phẫu thuật đưa em bé ra ngoài thông qua vết mổ ở bụng và tử cung của mẹ.

Cho dù kết quả siêu âm như thế nào, bạn cần lắng nghe và hỏi ý kiến bác sĩ về cách theo dõi và chăm sóc thai kỳ thật tốt, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mẹ và con.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!