Video Nhiệt miệng là gì? Nguyên nhân và triệu chứng
Nhiệt miệng xảy ra ở niêm mạc trong miệng, có thể rất đau, biểu hiện theo nhiều cách và kích thước khác nhau. Nguyên nhân gây nhiệt miệng chưa rõ ràng, nhưng có thể có liên quan đến nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn, hệ thống miễn dịch kém, di truyền hoặc dị ứng.
Cả hai đều có thể gây đau và khó chịu nhưng thường tự khỏi mà không cần điều trị.
Bài viết này sẽ giúp các bạn tìm hiểu về các triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị loét môi và nhiệt miệng.
Triệu chứng của loét môi và nhiệt miệng
Loét môi và nhiệt miệng là những tình trạng rất khác nhau và biểu hiện theo những cách khác nhau.
Các triệu chứng loét môi
Những người bị loét môi có thể sẽ bị mụn rộp.
Khi mụn rộp phát triển, sẽ cảm thấy bỏng rát, ngứa, đau nhói hoặc ngứa ran. Mụn rộp chứa đầy dịch (nên một số người gọi là mụn nước), khi tiến triển sẽ khô lại, tạo thành lớp vảy màu vàng trong khoảng 2 ngày.
Đôi khi, sốt đi kèm với mụn rộp. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau họng, đau đầu hoặc buồn nôn.
Vi-rút gây mụn rộp vẫn tồn tại trong cơ thể vĩnh viễn, có nghĩa là mụn rộp cũng có thể tái phát trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể ít nghiêm trọng hơn mỗi khi mụn rộp xuất hiện.
Một số người bị mụn rộp khoảng năm lần mỗi năm.
Triệu chứng của nhiệt miệng
Nhiệt miệng, hoặc loét áp-tơ là những vết loét nhỏ, tròn, đau có thể xuất hiện trong và xung quanh miệng. Chúng thường có màu vàng, trắng hoặc xám ở trung tâm và có thể có một vòng đỏ bao quanh.
Nhiệt miệng có thể phát triển vì nhiều lý do. Mặc dù nhiễm trùng thường không gây ra những vết loét này, nhưng chúng có thể phát triển khi cơ thể đang chống chọi với nhiễm trùng ở những nơi khác hoặc bị sốt do bệnh gì đó như cúm.
Các loại nhiệt miệng khác nhau có thể biểu hiện khác nhau và tái phát thường xuyên hơn. Các vết loét lớn, phức tạp hơn thường đau hơn.
Có ba loại chính của nhiệt miệng :
Vết loét thể nhỏ: là loại phổ biến nhất, kích thước nhỏ, lành trong khoảng một tuần mà không để lại sẹo, ảnh hưởng đến khoảng 85% chúng ta.
Vết loét thể lớn: Chỉ chiếm khoảng 10% trường hợp, có kích thước lớn hơn thể nhỏ, kéo dài trên 2 tuần, rất đau và có thể để lại sẹo.
Vết loét dạng Herpes (vết loét Herpetiform): xuất hiện ít hơn (dưới 5%), gây ra các đám vết loét nhỏ li ti, kéo dài khoảng một tuần, có thể tái phát nhanh chóng, có thể hợp nhất thành một vết loét lớn và để lại sẹo.
Điều trị loét môi và nhiệt miệng
Thông thường, các vết loét ở môi, miệng không cần điều trị và sẽ tự khỏi.
Điều trị loét môi
Theo một bài báo năm 2019, mụn rộp môi không cần điều trị và sẽ khỏi trong vài tuần.
Tuy nhiên, các biện pháp điều trị để giúp đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Vi-rút gây ra mụn rộp, vì vậy, việc điều trị thường bao gồm việc sử dụng thuốc kháng vi-rút. Một số loại thuốc cần phải có đơn của bác sĩ. Nhưng nhiều loại thuốc kháng vi-rút tại chỗ có sẵn tại quầy dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như miếng dán, thuốc dạng kem, thuốc dạng gel...
Điều trị nhiệt miệng
Hầu hết các vết loét sẽ lành sau 1 đến 2 tuần.
Các vết loét có thể gây đau và người bệnh thường gặp vấn đề khi ăn uống hoặc nói chuyện do ma sát vào vết loét.
Bác sĩ có thể đề nghị dùng paracetamol để giảm đau. Các lựa chọn điều trị khác sẽ tập trung vào việc giảm viêm, chẳng hạn như nước súc miệng hoặc kem bôi có chứa steroid.
Thuốc gây tê tại chỗ có thể làm tê và giảm đau do vết loét. Nước súc miệng kháng khuẩn có thể tiêu diệt vi khuẩn và vi trùng khác trong miệng. Điều này làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng vết loét.
Chăm sóc loét môi và nhiệt miệng
Các vết loét ở miệng và môi có thể gây khó chịu và đau đớn, vì vậy điều quan trọng là phải chăm sóc để tránh làm đau và tổn thương thêm.
Đối với những người bị mụn rộp:
- Ăn thức ăn mềm, mát
- Thực hiện vệ sinh tốt bằng cách rửa tay kỹ sau khi thoa kem
- Sử dụng kem chống nắng (SPF 15 trở lên) trên môi khi ở dưới ánh nắng mặt trời
- Dùng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau và sưng - không cho trẻ dưới 16 tuổi dùng aspirin.
Bất cứ ai chạm vào vết mụn rộp đều phải rửa tay ngay lập tức; nếu không, có thể lây lan vi-rút sang bộ phận khác của cơ thể hoặc người khác.
Đối với những người bị nhiệt miệng:
- Thực hiện vệ sinh răng miệng tốt, chẳng hạn như thường xuyên sử dụng nước súc miệng và dùng chỉ nha khoa, sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng
- Tránh kích thích vết loét bằng cách không chạm vào vết loét hoặc không đánh răng quá mạnh
- Giảm ma sát bằng cách ăn loại thức ăn không cần nhai nhiều
- Tránh thức ăn cay, mặn, hoặc thức ăn có tính axit có thể gây kích ứng vết loét
Loét môi và nhiệt miệng có lây không?
Mụn rộp rất dễ lây lan. Một người có thể truyền vi-rút cho người khác qua tiếp xúc miệng - miệng hoặc miệng - bộ phận sinh dục. Bất kỳ ai bị mụn rộp môi khi đang có triệu chứng nên cẩn thận để tránh các loại tiếp xúc này.
Tuy nhiên, nhiệt miệng không lây cho người khác vì không phải do nhiễm trùng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Các vết loét môi (hay gọi là vết loét lạnh hoặc mụn rộp môi) thường khỏi trong vòng 2 tuần. Nhưng nếu bạn gần đây mới xuất hiện mụn rộp hoặc chúng lâu lành hơn thì nên đến gặp bác sĩ.
Những người bị bệnh chàm hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu nên cẩn thận vì mụn rộp có thể lây lan sang các vùng da lớn hơn.
Hầu hết vết nhiệt miệng sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.
Hãy đi khám bác sĩ trong các trường hợp:
- Hơn ba đợt bùng phát xảy ra mỗi tháng
- Vết loét dai dẳng trong nhiều tuần và không cải thiện
- Đau dữ dội hoặc trầm trọng hơn
Kết luận
Nếu một người bị mụn rộp, họ có thể bị loét trên môi và kèm theo các triệu chứng khác, bao gồm cả sốt. Bệnh nhiệt miệng gây ra các vết loét nhỏ, đau xuất hiện trong miệng, nướu, lưỡi và có kích thước khác nhau.
Nhiệt miệng và mụn rộp thường tự khỏi mà không cần điều trị. Một số loại kem, thuốc mỡ và nước súc miệng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về loét miệng: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và dự phòng
- Nhiệt miệng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và dự phòng
- Nguyên nhân gây ra và cách điều trị bệnh nhiệt miệng
- Những điều cần biết về loét miệng
- Điều gì gây ra cảm giác đau đớn trong miệng? Có thể là bạn đã bị nhiệt miệng