Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Chỉ định, quy trình, rủi ro và kết quả

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là một thủ thuật kết hợp giữa nội soi đường tiêu hóa trên (GI) và chụp X-quang để điều trị các vấn đề của đường mật và ống tụy.

Video: Kỹ thuật nội soi tụy mật ngược dòng ERCP

Đường mật là ống dẫn mật từ gan đến túi mật và tá tràng. Các ống tuyến tụy là các ống dẫn dịch tụy từ tuyến tụy đến tá tràng. Các ống tụy phụ đổ vào ống tụy chính. Ống mật chủ và ống tụy chính nối với nhau trước khi đổ vào tá tràng.

Chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng

ERCP được sử dụng để điều trị các vấn đề của đường mật và ống tuyến tụy. Ngoài ra, ERCP còn được dùng để chẩn đoán bệnh lý đường mật và tụy kết hợp với điều trị trong quá trình nội soi.

Nếu chỉ để chẩn đoán, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm không xâm lấn  thay vì ERCP như chụp mật tụy ngược dòng (MRCP) —một loại hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) — an toàn hơn và cũng có thể chẩn đoán nhiều vấn đề của ống mật và tuyến tụy.

Các bác sĩ chỉ định thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng ERCP khi các đường mật hoặc ống tuyến tụy bị chít hẹp hoặc tắc nghẽn do:

  • Sỏi mật hình thành trong túi mật và mắc kẹt trong ống mật chủ
  • Nhiễm trùng đường mật
  • Viêm tụy cấp tính
  • Viêm tụy mạn tính
  • Chấn thương hoặc biến chứng phẫu thuật trong đường mật hoặc tụy.
  • Nang giả tụy 
  • Khối u của đường mật 
  • Khối u của tuyến tụy.

Chuẩn bị trước ERCP

Để chuẩn bị cho ERCP, hãy tham khảo và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh nên thông báo với bác sĩ về bất kỳ bệnh dị ứng hay vấn đề sức khỏe cũng như tất cả các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, vitamin và thực phẩm chức năng đang dùng, ví dụ như:

  • Thuốc trị viêm khớp 
  • Aspirin hoặc các loại thuốc có chứa aspirin
  • Thuốc chống đông
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp 
  • Thuốc điều trị đái tháo đường
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hay naproxen.

Bác sĩ có thể yêu cầu tạm thời ngừng dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến quá trình đông máu hoặc có tương tác với thuốc an thần. Người bệnh thường được dùng thuốc an thần trong quá trình nội soi để dễ chịu và thoải mái hơn.

Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn đang hoặc có thể đang mang thai. Nếu người bệnh đang mang thai và cần làm ERCP để điều trị, bác sĩ thực hiện thủ thuật sẽ cần những biện pháp khác để bảo vệ thai nhi khỏi tia X. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ERCP nói chung là an toàn cho thai kỳ. 

Lưu ý

  • Do trong quá trình thực hiện thủ thuật, người bện có thể được dùng an thần hoặc gây mê, nên họ không thể tự lái xe trong 24 giờ sau ERCP. 
  • Không ăn, uống, hút thuốc hoặc nhai kẹo cao su. Để quan sát rõ đường tiêu hóa trên khi nội soi, bác sĩ yêu cầu không ăn, uống, hút thuốc hoặc nhai kẹo cao su trong 8 giờ trước khi thực hiện ERCP.

Quy trình nội soi mật tụy ngược dòng

Nội soi mật tụy ngược dòng. Nguồn ảnh: mgmhealthcareNội soi mật tụy ngược dòng. Nguồn ảnh: mgmhealthcare

Các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về ERCP sẽ thực hiện thủ thuật này tại bệnh viện hoặc các trung tâm điều trị ngoại trú. Thông thường, người bệnh sẽ được đặt một đường truyền tĩnh mạch (IV) ở cánh tay, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc an thần qua đường này. Thuốc an thần giúp người bệnh thư giãn và thoải mái trong suốt quá trình nội soi. Người bệnh sẽ súc miệng với thuốc gây mê dạng lỏng hoặc bác sĩ sẽ xịt thuốc mê vào phía sau cổ họng nhằm làm tê cổ họng và ngăn chặn nôn mửa trong quá trình phẫu thuật. 

Bác sĩ gây mê sẽ theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và giữ cho người bệnh thấy thoải mái nhất có thể. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần được gây mê toàn thân.

Đầu tiên, người bệnh được hướng dẫn nằm đúng tư thế trên bàn thủ thuật. Bác sĩ sẽ cẩn thận đưa ống nội soi qua miệng xuống thực quản, qua dạ dày rồi vào tá tràng. Một camera nhỏ gắn trên ống nội soi sẽ gửi hình ảnh video đến màn hình. Trong quá trình nội soi, để quan sát tổ chức dễ dàng hơn, bác sĩ sẽ bơm hơi vào dạ dày và tá tràng thông qua ống nội soi.

Trong khi thực hiện ERCP, bác sĩ sẽ:

  • Xác định vị trí lỗ mở nơi ống mật và ống tuyến tụy đổ vào tá tràng
  • Qua ống nội soi, luồn một ống mềm, mỏng được gọi là catheter đi qua vị trí lỗ mở vào ống mật – tụy
  • Tiêm chất cản quang vào các ống dẫn để thấy rõ chúng trên X-quang
  • Sử dụng một loại hình ảnh tia X, được gọi là nội soi huỳnh quang, để kiểm tra các ống dẫn và vị trí bị thắt hẹp hoặc tắc nghẽn.

Bác sĩ có thể đưa các dụng cụ nhỏ qua ống nội soi để

  • Mở rộng các ống dẫn bị tắc hoặc hẹp.
  • Phá vỡ hoặc lấy bỏ sỏi.
  • Thực hiện sinh thiết hoặc loại bỏ các khối u trong đường mật – tụy.
  • Đặt stent —giúp mở rộng khẩu kính đoạn bị chít hẹp. Bác sĩ cũng có thể chèn các stent tạm thời để ngăn chặn rò rỉ mật có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cắt túi mật.

Thủ thuật này thường mất từ 1 đến 2 giờ.

Sau ERCP

  • Người bệnh thường sẽ ở lại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú từ 1 đến 2 giờ sau khi làm thủ thuật để chờ thuốc an thần hoặc gây mê hết tác dụng. Trong một số trường hợp, có thể phải ở lại bệnh viện qua đêm sau ERCP.
  • Có thể bị đầy hơi hoặc buồn nôn trong một thời gian ngắn sau khi làm thủ thuật.
  • Có thể bị đau họng trong 1 đến 2 ngày.
  • Người bệnh có thể ăn uống trở lại khi việc nhai nuốt bình thường.
  • Nên nghỉ ngơi ở nhà trong thời gian còn lại trong ngày.

Sau quy trình, người bệnh và người nhà sẽ được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc sau thủ thuật.

Kết quả ERCP sẽ có ngay sau khi kết thúc thủ thuật. Sau khi thuốc an thần hết tác dụng, bác sĩ sẽ chia sẻ kết quả với người bệnh và người nhà.

Trong quá trình nội soi mật tụy ngược dòng, bác sĩ sẽ đánh giá xem liệu có cần sinh thiết không, sau đó gửi bệnh phẩm tới bác sĩ giải phẫu bệnh. Sẽ mất khoảng một vài ngày thâm chí lâu hơn để có kết quả giải phẫu bệnh.

Rủi ro nội soi mật tụy ngược dòng

Những rủi ro khi thực hiện ERCP bao gồm:

  • Viêm tụy
  • Nhiễm trùng đường mật hoặc túi mật
  • Xuất huyết
  • Dị ứng thuốc cản quang, thậm chí suy hô hấp, suy tuần hoàn
  • Thủng đường mật, ống tụy hoặc tá tràng gần lỗ mở nơi ống mật và ống tụy đổ vào 
  • Tổn thương mô do tiếp xúc với tia X
  • Tử vong, mặc dù biến chứng này hiếm gặp

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những biến chứng này xảy ra trong khoảng 5 đến 10% các thủ thuật ERCP và cần phải nhập viện điều trị.

Cấp cứu

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây sau thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng, ERCP, hãy đi khám ngay lập tức:

  • Phân có lẫn máu hoặc phân đen, màu hắc ín
  • Tức ngực
  • Sốt
  • Đau bụng tăng dần
  • Khó thở
  • Khó nuốt hoặc đau cổ họng không cải thiện
  • Nôn, buồn nôn - đặc biệt nếu chất nôn có máu hoặc trông giống như bã cà phê. 
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!