Các dạng suy hô hấp
Video: Sơ cứu người suy hô hấp cấp
Nếu người bệnh không nhận đủ oxy vào máu, dẫn tới nồng độ oxy trong máu thấp thì được gọi là suy hô hấp loại 1. Nếu nồng độ carbon dioxide trong máu quá cao thì được gọi là suy hô hấp loại 2.
Suy hô hấp cấp tính diễn ra nhanh chóng và đây là trường hợp cấp cứu. Nhưng suy hô hấp cũng có thể là mạn tính, một vấn đề lâu dài mà người bệnh sẽ cần được chăm sóc thường xuyên để kiểm soát tình trạng.
Nguyên nhân nào gây ra suy hô hấp?
Hít thở có vẻ là một hành động đơn giản nhưng có rất nhiều bộ phận cùng tham gia vào quá trình này. Khi xảy ra vấn đề với bất kỳ một trong số chúng có thể dẫn đến suy hô hấp. Các vấn đề này gồm:
- Chấn thương ở ngực hoặc xương sườn
- Sử dụng ma túy hoặc rượu quá liều, có thể gây hại cho não và cơ quan hô hấp
- Tổn thương phổi do hít phải khói
- Bệnh phổi hoặc nhiễm trùng, như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), xơ nang hoặc viêm phổi
- Tổn thương cơ và dây thần kinh do các tình trạng như xơ cứng cột bên teo cơ, chấn thương tủy sống và đột quỵ
- Vẹo cột sống hoặc các vấn đề về cột sống khác, có thể ảnh hưởng đến xương và cơ liên quan đến hô hấp
- Tắc nghẽn dòng máu đến phổi như cục máu đông
- Suy hô hấp cấp tính phổ biến hơn khi bị chấn thương não, ngực hoặc phổi. Những nguyên nhân như nghẹt thở, chết đuối, hoặc bị đâm vào ngực đều có thể gây ra suy hô hấp cấp. Một căn bệnh nghiêm trọng đột ngột ảnh hưởng đến hô hấp, như hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), cũng có thể làm phát sinh bệnh.
Các yếu tố nguy cơ gây suy hô hấp
Người bệnh có thể có nguy cơ suy hô hấp cao hơn nếu:
- Có các vấn đề về hô hấp lâu dài như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn
- Hút thuốc
- Uống nhiều rượu
- Có tiền sử gia đình về các vấn đề hô hấp
Các triệu chứng của suy hô hấp như thế nào?
Các triệu chứng của người bệnh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và liệu họ có lượng oxy thấp, carbon dioxide cao hay cả hai. Một số triệu chứng người bệnh có thể nhận thấy là:
- Móng tay, môi và da của người bệnh hơi xanh
- Cảm thấy ngộp thở
- Hoang mang, lo lắng
- Nhịp tim nhanh
- Thở nhanh hoặc thở cực kỳ chậm
- Hụt hơi
- Buồn ngủ hoặc bất tỉnh
Chẩn đoán suy hô hấp
Người bệnh sẽ được bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh và thăm khám sức khỏe. Sau đó, người bệnh sẽ được làm 1 trong 2 xét nghiệm sau:
Đo độ bão hòa oxy trong máu mao mạch: Bác sĩ đặt một thiết bị nhỏ trên ngón tay hoặc tai của người bệnh để đo độ bão hòa oxy trong máu mao mạch.
Xét nghiệm khí máu động mạch: Xét nghiệm máu cơ bản này đo nồng độ oxy và carbon dioxide của người bệnh trong máu động mạch.
Người bệnh có thể cần nhiều xét nghiệm hơn để tìm nguyên nhân. Xét nghiệm có thể bao gồm chụp X-quang hoặc điện tim.
Điều trị suy hô hấp
Các lựa chọn điều trị trong suy hô hấp bao gồm:
Liệu pháp oxy. Người bệnh được hít thở oxy qua mặt nạ hoặc một ống mỏng có hai ngạnh nằm ngay bên trong mũi. Người bệnh có thể mua một bình oxy di động để vẫn có thể đi ra ngoài với nó.
Máy thở. Người bệnh có thể cần máy thở nếu liệu pháp oxy không đủ hoặc nếu họ không thể tự thở. Máy thở thổi không khí vào phổi để người bệnh nhận được lượng oxy cần thiết mà không cần phải làm việc quá sức. Chúng cũng giúp giảm mức carbon dioxide.
Có một số loại máy thở khác nhau. Với những chiếc máy thở nhỏ, đơn giản hơn, người bệnh sẽ đeo mặt lạ (mask) che mũi hoặc miệng. Máy CPAP được sử dụng cho chứng ngưng thở khi ngủ là một ví dụ cho loại máy thở nhỏ, đơn giản.
Đối với những trường hợp suy hô hấp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần một máy thở xâm nhập.
Mở khí quản. Đây là một loại phẫu thuật trong đó bác sĩ tạo một lỗ hở ở cổ và khí quản của người bệnh để đưa một ống nhỏ vào. Nó được gọi là ống nội khí quản và có thể giúp người bệnh thở dễ dàng hơn. Người bệnh cũng sẽ được mở khí quản nếu cần thở máy trong hơn một hoặc hai tuần. Máy thở sẽ kết nối trực tiếp với khí quản.
Điều trị nguyên nhân. Người bệnh cũng có thể cần điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp. Các biện pháp điều trị có thể gồm:
- Thuốc kháng sinh cho bệnh viêm phổi
- Thuốc làm tan cục máu đông
- Thuốc giãn phế quản để giãn đường thở
- Dẫn lưu để thoát máu hoặc không khí trong trường hợp bị thương
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng suy hô hấp của người bệnh là mạn tính hay cấp tính. Các trường hợp cấp tính và mạn tính không được điều trị theo cùng một cách, nhưng định hướng thì tương tự nhau:
Suy hô hấp cấp tính. Người bệnh sẽ được điều trị ở phòng cấp cứu, nhưng nếu việc điều trị ở đó không giải quyết được vấn đề, họ có thể phải ở lại bệnh viện qua đêm. Đối với các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể cần đến đơn vị hồi sức tích cực (ICU). Họ có thể được điều trị bằng oxy và có thể cần một máy thở cho đến khi có thể tự thở. Người bệnh cũng sẽ được chỉ định dùng thuốc và truyền dịch để giảm bớt các triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp.
Suy hô hấp mạn tính. Người bệnh sẽ được chăm sóc liên tục tại nhà, sử dụng các loại thuốc kê đơn hằng ngày bằng đường uống hoặc hít. Trong trường hợp nghiêm trọng, họ có thể cần liệu pháp oxy.
Vì suy hô hấp có thể khiến người bệnh khó ngủ hơn nên họ cũng có thể cần thêm sự trợ giúp vào ban đêm. Sự trợ giúp này có thể là một chiếc máy thở nhỏ gọn như CPAP hoặc một chiếc giường đặc biệt có thể nâng lên hạ xuống để giúp bạn thở tốt hơn. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cần đến máy thở xâm nhập.
Tiên lượng suy hô hấp
Nếu người bệnh bị suy hô hấp cấp tính, việc điều trị ngay lập tức có thể giúp họ trở lại các hoạt động bình thường. Với suy hô hấp mạn tính, điều quan trọng là làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc chăm sóc liên tục. Người bệnh cần nhận biết ý nghĩa của các triệu chứng và khi nào họ có thể cần gọi cho bác sĩ.
Suy hô hấp là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến hướng xử trí, trong đó có nguyên nhân gây suy hô hấp.
Xem thêm: