Video: Chăm sóc vùng kín: Xử lý lông + Viêm ngứa + Mùi hôi tuổi dậy thì.
Vùng kín là một người bạn quan trọng gắn bó suốt cuộc đời của nữ giới. Chính vì thế, việc có những hiểu biết cơ bản về vùng kín ở mọi lứa tuổi là thật sự cần thiết để đưa ra những phương pháp chăm sóc và bảo vệ hợp lý.
Chăm sóc vùng kín ở tuổi 20
Tuổi 20 là thời kì đỉnh cao của các hormone sinh dục như estrogen,
progesterone và testosterone. Trong đó, estrogen có trách nhiệm giữ cho âm đạo luôn đủ ẩm, đàn hồi và có tính axit.
Cửa âm đạo được bao quanh bởi môi âm hộ bên trong (môi bé) và môi âm hộ bên ngoài (môi lớn). Trong đó, môi âm hộ bên ngoài có một lớp mỡ và ở độ tuổi 20, nó thường nhỏ và mỏng.
Những phụ nữ đã quan hệ tình dục có thể bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu (urinary tract infections – UTI) do vi khuẩn di chuyển từ âm đạo đến niệu đạo. Nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh lý này, bạn hãy đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để đẩy vi khuẩn ra khỏi âm đạo.
Ở độ tuổi 20, vùng kín có khả năng làm sạch khá tốt. Khi quá trình này diễn ra, âm đạo sẽ sản sinh ra dịch thải trắng, trong suốt gọi là khí hư. Nói một cách đơn giản, đây là một biểu hiện bình thường trong quá trình phát triển của nữ giới và sự thay đổi hormone trong chu kì kinh nguyệt ảnh hưởng đến lượng khí hư thoát ra.
Tuổi 20 là thời kì vùng kín ít cần sự "bảo trì" nhất, hãy chú ý giữ vệ sinh và sử dụng các dung dịch làm sạch thật dịu nhẹ. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng như đau khi quan hệ tình dục, ngứa hoặc khí hư có mùi bất thường.
Chăm sóc vùng kín ở tuổi 30
Sang đến những năm tuổi 30, môi bé có thể thẫm màu hơn do sự thay đổi hormone. Ở phụ nữ mang thai, lượng khí hư có thể tăng lên và xuất hiện dưới dạng sữa, có mùi nhẹ. Tuy nhiên, nếu lượng dịch này có màu xanh lá cây, màu vàng, có mùi tanh hoặc bất kì một mùi khó chịu nào khác thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý.
Sau khi sinh, vùng kín có thể mất đi sự đàn hồi và bị kéo giãn hơn bình thường. Nhưng theo thời gian, âm đạo sẽ trở lại kích thước gần như ttương đương với trước khi sinh. Các bài tập Kegel có thể giúp bạn cải thiện được tình trạng này bằng cách tăng cường các cơ sàn chậu và phục hồi âm đạo.
Thuốc tránh thai đường uống có thể gây ra những thay đổi ở vùng kín như tăng tiết dịch âm đạo, khô âm đạo và chảy máu đột ngột. Thông thường, các triệu chứng sẽ tự biến mất. Tuy nhiên nếu chúng vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn một phương pháp tránh thai phù hợp hơn.
Chăm sóc vùng kín ở tuổi 40
Tuổi 40 chứng kiến thời kì tiền mãn kinh của phụ nữ. Khoảng thời gian ngay trước khi kinh nguyệt dừng hẳn, vùng kín sẽ trải qua những thay đổi đáng kể như lông mu mỏng và nhạt màu hơn. Ngoài ra, lượng estrogen trong cơ thể giảm đi khiến thành âm đạo mỏng hơn và khô hơn. Hiện tượng này được gọi là teo âm đạo với các triệu chứng sau đây:
- Nóng rát, mẩn đỏ âm đạo
- Đau âm đạo khi quan hệ tình dục
- Tăng tiết dịch âm đạo
- Ngứa âm đạo
- Đau rát khi tiểu tiện
- Ngắn ống âm đạo
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Quan hệ tình dụng có thể làm chậm quá trình teo âm đạo bằng cách tăng lưu lượng máu đến vùng kín. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm âm đạo, các sản phẩm bổ sung estrogen (như thuốc dạng viên nén hoặc dạng vòng) hoặc các nguyên liệu thiên nhiên như dầu olive và dầu dừa để khắc phục tình trạng khô âm đạo.
Chăm sóc vùng kín ở những phụ nữ trên 50 tuổi
Ở lứa tuổi này, phụ nữ đã bước vào giai đoạn mãn kinh. Lượng estrogen trong cơ thể giảm mạnh dẫn đến tình trạng teo âm đạo, thay đổi tính axit và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vùng kín.
Nồng độ estrogen thấp không chỉ tác động tiêu cực đến âm đạo mà còn ảnh hưởng đến đường tiết niệu. Phụ nữ trên 50 tuổi có thể bị teo niệu đạo, bàng quang hoạt động quá mức và tiểu tiện nhiều lần trong ngày.
Các sản phẩm bổ sung nội tiết tố như thuốc dạng uống hoặc viên đặt âm đạo có thể làm giảm các triệu chứng nêu trên. Tuy nhiên, đây không phải là một lựa chọn phù hợp cho mọi đối tượng, bạn có thể cân nhắc các biện pháp sau đây:
- Thực hiện các bài tập kiểm soát bàng quang
- Sử dụng bóng co giãn để cải thiện độ đàn hồi của âm đạo
- Ăn uống lành mạnh
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Hạn chế các loại thực phẩm có chứa caffeine
- Bỏ hút thuốc lá
- Thực hiện bài tập Kegel và các bài tập tăng cường sức khoẻ cơ sàn chậu khác
- Sử dụng chất bôi trơn âm đạo
- Sử dụng kem dưỡng ẩm âm đạo
Phụ nữ sau mãn kinh, đặc biệt là những bà mẹ đã sinh con bằng đường âm đạo hoặc thời gian chuyển dạ có lâu có nguy cơ sa sinh dục (sa âm đạo) cao. Bệnh lý này xảy ra khi toàn bộ ống âm đạo (hoặc bàng quang, trực tràng và tử cung) tụt xuống cửa âm đạo.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm cảm giác nặng nề vùng xương chậu và âm đạo, đau thắt lưng (có thể cải thiện khi nằm xuống). Bệnh thường được điều trị bằng các bài tập tăng cường sức mạnh cơ vùng chậu hoặc đặt vòng nâng tử cung qua âm đạo. Những trường hợp nặng có thể cần được phẫu thuật.
Tổng kết
Âm đạo là một cơ quan rất quan trọng, mang lại khoái cảm khi quan hệ tình dục và thực hiện khả năng sinh sản. Theo tuổi tác, cũng như mọi cơ quan khác trong cơ thể, âm đạo sẽ bị lão hoá.
Tuy nhiên, đó không phải là một hiện tượng tiêu cực và có thể khắc phục được bằng những cách sau đây:
- Khám phụ khoa định kỳ
- Quan hệ tình dục an toàn
- Thực hiện các bài tập Kegel
- Không thụt rửa và sử dụng các sản phẩm chứa hương liệu cho âm đạo
Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn xuất hiện một trong các triệu chứng sau đây:
- Đau rát âm đạo
- Khí hư màu xanh lá cây hoặc vàng
- Khí hư đặc như bã đẫu
- Khí hư có mùi hôi
- Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân
- Đau âm đạo khi quan hệ tình dục
- Ngứa âm đạo dai dẳng
- Lo lắng về sức khoẻ vùng kín
Xem thêm:
- Khô âm đạo: Tác hại, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa
- Đổ mồ hôi vùng kín: 8 mẹo hữu ích cho chị em
- 10 nguyên nhân phổ biến gây sưng vùng kín ở chị em và biện pháp điều trị
- Đau rát vùng kín: 12 nguyên nhân thường gặp và cách điều trị
- Viêm âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và các biện pháp điều trị