Nếu trẻ sơ sinh đi ngoài không thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ ăn không đủ.
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, tóe nước, thường tăng số lần đi ngoài hoặc tăng lượng phân so với bình thường.
Hãy cho trẻ đi khám nếu trẻ đi ngoài phân lỏng, tóe nước trên 24 giờ, hoặc nếu tiêu chảy kèm theo tình trạng mất nước, nôn mửa, sốt hoặc đi ngoài phân máu.
Táo bón và tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có thể khiến cha mẹ lo lắng. Táo bón thường được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy kéo dài trên 24 giờ, bạn nên cho trẻ đi khám vì trẻ có thể bị tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Táo bón ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh đi ngoài không thường xuyên, nhiều cha mẹ cho rằng trẻ đã bị táo bón. Tuy nhiên, táo bón không được xác định bằng số lần đi ngoài của trẻ mà dựa vào tình trạng đi ngoài khó khăn, khiến trẻ đau và đi ngoài phân máu. Trẻ sẽ quấy khóc hoặc nhăn nhó khi rặn.
Các triệu chứng phổ biến khác của tình trạng táo bón là:
- Phân cứng khiến trẻ bị nứt kẽ hậu môn, dẫn đến đi ngoài máu
- Đau bụng
- Cáu gắt
Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn rất ít khi bị táo bón. Trẻ bú sữa công thức thường bị táo bón hơn.
Nếu trẻ sơ sinh gặp khó khăn khi đi ngoài, hãy thử vận động chân của trẻ theo kiểu đạp xe. Đôi khi, cần sử dụng các phương pháp khác để giúp trẻ đi ngoài như cho trẻ uống nước hoặc nước ép mận. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng những phương pháp này cho trẻ.
Đi ngoài không thường xuyên ở trẻ sơ sinh
Video: Thủ phạm nào khiến trẻ bị táo bón
Thông thường trong vài ngày đầu sau sinh, trẻ sẽ đi ngoài phân su có màu đen hoặc xanh đen. Từ ngày thứ 3 trở đi, trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài thường xuyên hơn, đặc biệt nếu trẻ đang bú mẹ. Phân sẽ có màu nâu nhạt, vàng nâu hoặc vàng, tương đối mềm và sền sệt. Trẻ sơ sinh bú mẹ có thể đi ngoài 3 – 4 lần/ngày trong 2 tuần đầu. Trẻ bú sữa công thức thường đi ngoài ít hơn một chút. Màu sắc và độ đặc của phân sẽ thay đổi theo thời gian, nhất là khi trẻ bắt đầu chuyển sang ăn dặm.
Nếu trẻ sơ sinh đi ngoài không thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ ăn không đủ. Nếu trẻ ít đi ngoài, hãy cho bác sĩ biết về thời gian bú của trẻ, số lần thay tã trong ngày và tình trạng tăng cân của trẻ.
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, tóe nước, thường tăng số lần đi ngoài hoặc tăng lượng phân so với bình thường. Bạn có thể thấy nhầy trong phân của trẻ. Tiêu chảy đôi khi có thể đi kèm với nôn mửa.
Tiêu chảy thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm bệnh qua thực phẩm hoặc do tiếp xúc với phân bị ô nhiễm. Tiêu chảy cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý khác. Ngoài ra, tiêu chảy có thể gây ra bởi tình trạng dị ứng thức ăn hoặc không dung nạp thức ăn của trẻ. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh có tác dụng phụ là gây tiêu chảy ở một số trẻ sơ sinh.
Thời điểm cần đi khám
Trẻ sơ sinh có thể bị tiêu chảy rất nghiêm trọng. Nếu nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong việc đi ngoài của trẻ sơ sinh, bạn hãy cho trẻ đi khám ngay. Nếu trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa, rất có thể đó là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước như khô miệng, đi tiểu dưới 6 lần/ngày, mắt trũng sâu, thóp trũng hoặc da khô, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm.
Hãy cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt nếu trẻ đi ngoài phân lỏng, tóe nước trên 24 giờ, hoặc nếu tiêu chảy kèm theo một trong các dấu hiệu dưới đây:
- Mất nước
- Nôn mửa
- Sốt
- Đi ngoài phân máu
Điều trị tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Video: Tiêu chảy có nguy hiểm không và cách xử lý khi trẻ bị tiêu chảy
Việc điều trị tiêu chảy phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đôi khi, bạn chỉ cần thay đổi chế độ ăn cho trẻ nhưng cũng có khi phải dùng thuốc. Không được cho trẻ sơ sinh uống bất kỳ loại thuốc nào trước khi được bác sĩ chỉ định.
Dưới đây là một số biện pháp giảm triệu chứng tiêu chảy mà bác sĩ có thể hướng dẫn cho bạn:
- Nếu trẻ sơ sinh đang bú mẹ, hãy tiếp tục cho trẻ bú như bình thường.
- Nếu trẻ bị nôn, hãy cho trẻ bú ít một (thời gian bú ngắn hơn) nhưng thường xuyên hơn.
- Để tránh xảy ra tình trạng mất nước, bạn có thể cho trẻ uống dung dịch điện giải Oresol giữa các lần bú. Đôi khi, bạn có thể phải thay thế hoàn toàn sữa mẹ hoặc sữa công thức bằng Oresol.
- Nếu trẻ đang bú sữa công thức và bị tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần, bạn có thể phải thay loại sữa khác cho trẻ. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.
Tiêu chảy và nôn mửa đôi khi là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhiễm trùng có thể tiến triển rất nhanh, khiến tình trạng mất nước do tiêu chảy và nôn mửa nặng lên nhanh chóng. Điều quan trọng nhất là phải cho trẻ điều trị càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ chỉ đình các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán xác định. Trẻ có thể cần được truyền dịch tại bệnh viện.
Tình trạng hăm tã ở trẻ sơ sinh
Tiêu chảy có thể gây kích ứng da vùng mông của trẻ sơ sinh, dẫn đến tình trạng hăm tã.
Nếu trẻ bị hăm tã, hãy thay tã cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là sau mỗi lần trẻ đi ngoài. Ngừng sử dụng giấy ướt vì chúng có thể gây kích ứng do chứa cồn. Thay vào đó, hãy lau mông của trẻ bằng khăn bông ẩm. Để thoáng vùng da mông càng lâu càng tốt. Thoa kem chống hăm tã lên vùng da mông khi thay tã cho trẻ. Tránh dùng phấn rôm vì nó thường không hiệu quả và có thể gây ra các vấn đề về hô hấp cho trẻ.
Trẻ có thể xuất hiện những mảng đỏ da ở bộ phận sinh dục do bị nhiễm nấm. Những mảng này có thể lan ra bụng và đùi. Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm, hãy cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Hiện nay, trên thị trường đã có kem điều trị nấm hiệu quả.
Xem thêm: