Đặc điểm phân của trẻ sơ sinh
Video: Trẻ sơ sinh đi ngoài như thế nào là bình thường
Số lần đi ngoài của mỗi trẻ thường khác nhau nhưng hầu hết trẻ dưới 1 tháng tuổi đều đi ngoài ít nhất 1 – 2 lần/ngày. Tuy nhiên, điều này là không đúng với tất cả trẻ sơ sinh. Trong tuần đầu tiên, trẻ bú mẹ có thể đi ngoài sau mỗi lần bú. Trong khi đó, trẻ sơ sinh bú sữa công thức sẽ đi ngoài ít hơn. Điều này là bình thường.
Giai đoạn phân su
Phân su là phân trong những lần đi ngoài đầu tiên của trẻ sơ sinh. Phân su có màu đen hoặc xanh đậm, hơi giống hắc ín. Phân su thường đặc, dính và khó rửa sạch. Trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài phân su trong 24 – 48 giờ đầu.
Việc cho trẻ bú mẹ có thể giúp đào thải phân su ra khỏi cơ thể nhanh hơn vì sữa non là một biện pháp nhuận tràng tự nhiên. Tuy nhiên, bú sữa công thức cũng không gây khó khăn cho việc đào thải phân su của trẻ. Nhưng nếu trẻ không đi ngoài trong 24 giờ đầu sau khi sinh, hãy báo ngay cho bác sĩ.
Giai đoạn chuyển tiếp
Trong khoảng ngày thứ 3 – 6 sau sinh, phân su sẽ trở nên lỏng hơn, đổi từ màu đen sang màu vàng nâu hoặc vàng xanh. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ phân su sang giai đoạn phân của trẻ bú sữa.
Giai đoạn bú sữa
Sau ngày thứ 6, trẻ sẽ không còn đi ngoài phân su nữa. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, phân thường có màu vàng với nhiều sắc thái từ cam đến xanh lá. Trong giai đoạn này, phân của trẻ thường lỏng, không thành khuôn và có mùi nhẹ. Ngoài ra, phân có thể xuất hiện các hạt màu trắng, đó là các hạt đạm sữa mà trẻ không tiêu hóa được.
Nếu trẻ đang bú sữa công thức, phân của trẻ sẽ cứng hơn, mùi nặng hơn và có màu từ vàng nâu đến nâu. Nếu trẻ đang bú kết hợp sữa mẹ và sữa công thức, phân của trẻ sẽ có tính chất của cả 2 loại phân nêu trên.
Đặc điểm phân của trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên
Sau tháng đầu tiên, trẻ có thể đi ngoài mỗi ngày một lần hoặc vài ngày một lần.
Độ đặc của phân sẽ quan trọng hơn số lần đi ngoài. Nếu phân của trẻ thành từng viên nhỏ hoặc cứng hơn, đây có thể là dấu hiệu của táo bón.
Một số trẻ bú mẹ sẽ không đi ngoài trong vài ngày. Đi ngoài ít không phải là táo bón. Trẻ sơ sinh có thể tiêu hóa sữa mẹ dễ dàng nên thường có ít phân hơn, đồng nghĩa với việc trẻ sẽ đi ngoài ít hơn. Ngoài ra, bạn cũng không cần phải lo lắng về việc trẻ thường xuyên đi ngoài phân lỏng vì cho trẻ bú sữa mẹ sẽ giúp ngăn ngừa tiêu chảy.
Màu sắc phân của trẻ
Phân của trẻ có thể có nhiều màu sắc khác nhau và hầu hết các màu là bình thường.
- Phân đen hoặc xanh lá cây đậm: Trong vài ngày đầu, trẻ sơ sinh có thể đi ngoài phân su màu đen.
- Phân xanh lá: Đây là màu sắc phân trong giai đoạn chuyển tiếp từ phân su sang giai đoạn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, kéo dài trong vài ngày đầu sau sinh.
- Phân vàng xanh, vàng nâu: Đây là màu sắc phân của trẻ bú sữa công thức hoặc bú kết hợp sữa mẹ và sữa công thức.
- Phân vàng nâu, vàng cam hoặc vàng xanh: Đây là màu sắc phân của trẻ bú mẹ.
- Phân nâu, nâu vàng: Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, phân của trẻ sẽ đổi dần sang màu nâu.
Trong một số trường hợp, thay đổi màu sắc phân có thể là dấu hiệu bất thường. Hãy cho trẻ đi khám ngay nếu thấy phân của trẻ có:
- Màu xanh đen: Phân có màu xanh đen giống hắc ín không còn là bình thường nếu xuất hiện từ ngày thứ 5 sau sinh.
- Màu đen: Sau khi qua giai đoạn phân su, phân đen có thể là dấu hiệu của tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa.
- Phân trắng, phân bạc màu: Mặc dù hiếm gặp nhưng đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý gan mật.
Đặc điểm phân của trẻ bắt đầu ăn dặm
Màu sắc và độ đặc của phân cũng như số lần đi ngoài sẽ thay đổi khi trẻ bắt đầu ăn dặm vào khoảng 4 – 6 tháng tuổi. Lúc này, phân sẽ theo khuôn và đặc hơn.
Thức ăn cũng sẽ làm thay đổi màu sắc phân của trẻ. Ví dụ, cà rốt và khoai lang có thể làm phân có màu cam, đậu xanh và đậu Hà Lan có thể làm phân có màu xanh lá. Bạn cũng có thể thấy thức ăn không được tiêu hóa hết và còn nguyên trong phân của trẻ. Việc cho trẻ ăn dặm có thể làm tăng nguy cơ bị táo bón.
Các bất thường trong phân của trẻ
Phân của trẻ rất đa dạng cả về màu sắc và độ đặc. Nếu bạn lo lắng về sự thay đổi tính chất phân của trẻ, hãy cho trẻ đi khám.
Táo bón
Táo bón là tình trạng trẻ khó đi ngoài hoặc phân của trẻ bị khô và cứng hơn. Trẻ bị táo bón thường có dấu hiệu khó đi ngoài hoặc đau khi rặn. Phân có máu cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng nứt kẽ hậu môn do cố rặn khi đi ngoài.
Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu của táo bón, hãy cho trẻ đi khám ngay. Bạn không được cho trẻ bị táo bón uống nước hoặc nước trái cây trừ trước khi được bác sĩ hướng dẫn.
Tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ đi ngoài phân tóe nước. Phân thường có màu xanh hoặc nâu và có mùi hôi. Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm vì nó có thể nhanh chóng gây mất nước. Nếu trẻ bị tiêu chảy trên 24 giờ, hãy cho trẻ đi khám. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ và/hoặc sữa công thức nhiều nhất có thể để tránh tình trạng mất nước.
Nhiễm trùng
Hãy cho trẻ đi khám nếu bạn nhận thấy trẻ đi ngoài phân lẫn nhầy. Đôi khi tình trạng này là do trẻ chảy nước dãi nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Xem thêm: