Phân của trẻ nhỏ trông như thế nào?

Phân của trẻ nhỏ rất đa dạng về màu sắc và độ đặc. Ngay cả những cha mẹ có kinh nghiệm cũng có thể bị nhầm lẫn.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra các đặc điểm bình thường và bất thường trong phân của trẻ đi kèm với hình minh họa. Mỗi giai đoạn sẽ có đặc điểm riêng, phụ thuộc vào độ tuổi và chế độ ăn của trẻ.

Video: Phân trẻ sơ sinh thế nào là tốt 

Nếu thấy phân của trẻ có màu đen, màu đỏ hoặc màu trắng thì bạn cần cho trẻ đi khám ngay. Ngoài ra, bạn cũng nên nhờ bác sĩ tư vấn nếu thấy có sự thay đổi trong phân của trẻ.

CẢNH BÁO: Đây là những hình ảnh thật! Vui lòng chỉ xem nếu bạn chấp nhận chúng. Nếu không, bạn có thể đọc mô tả mà không ấn xem ảnh.

Phân su

Phân su của trẻ

Trong những lần đi ngoài đầu tiên, phân của trẻ sẽ có màu xanh đen hoặc đen như hắc ín. Đây gọi là phân su. Phân su có bản chất là nước ối, chất nhầy, tế bào da,... được trẻ nuốt vào khi còn ở trong tử cung của người mẹ nên nó không có mùi. Vì vậy, bạn có thể không nhận thấy khi trẻ đi ngoài.

Khi trẻ được 2 – 4 ngày tuổi, phân sẽ có màu nhạt hơn và ít dính hơn. Đây là giai đoạn chuyển tiếp – dấu hiệu cho thấy trẻ đã bắt đầu tiêu hóa sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Phân của trẻ bú mẹ hoàn toàn

Phân của trẻ bú sữa mẹ

Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, phân của trẻ sẽ có màu vàng hoặc vàng xanh và có độ sệt. Nó có thể nát giống như khi bị tiêu chảy. Phân của trẻ bú mẹ thường có màu vàng nâu, có thể rải rác những hạt trắng nhỏ và có mùi nhẹ.

Phân của trẻ bú mẹ có nhiều sắc thái khác nhau. Phân màu vàng xanh có thể do loại thực phẩm mà người mẹ đã ăn trước đó. Nếu trẻ không có các triệu chứng khác, bạn không cần phải quá lo lắng.

Nếu phân của trẻ có màu xanh lá cây kèm bọt, có thể trẻ đang bú quá nhiều sữa đầu (loại sữa ít năng lượng) và không bú đủ sữa cuối (loại sữa giàu năng lượng)Điều này là do bạn không cho trẻ bú đủ lâu ở mỗi bên vú. Để khắc phục điều này, hãy cho trẻ bú tiếp ở bên vú mà trẻ đang bú ở bữa trước.

Phân của trẻ bú sữa công thức

Phân của trẻ bú sữa công thức

Trẻ bú sữa công thức có phân nát và thường có màu nâu đất, nâu vàng hoặc nâu xanh. Nó có mùi hơn phân của trẻ bú mẹ nhưng ít mùi hơn phân của trẻ đang ăn dặm.

Phân của trẻ đang bổ sung sắt

Phân của trẻ đang được bổ sung sắt

Nếu bạn đang cho trẻ uống bổ sung sắt, phân của trẻ có thể chuyển sang màu xanh đậm hoặc xanh đen. Tuy điều này không thường xuyên xảy ra nhưng đó là là điều hoàn toàn bình thường.

Nếu trẻ không bổ sung sắt nhưng lại bị đi ngoài phân đen, bạn nên cho trẻ đi khám để loại trừ trường hợp xuất huyết tiêu hóa.

Phân của trẻ ăn dặm

Phân của trẻ đâng ăn dặm

 Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn có thể nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng trong phân của trẻ, đặc biệt là ở những trẻ bú mẹ hoàn toàn.

Phân của trẻ ăn dặm thường có màu nâu, có mùi và đặc hơn trẻ bú mẹ, tuy nhiên nó vẫn còn khá mềm.

Phân chứa thức ăn chưa tiêu hóa hết

Phân chứa thức ăn chưa tiêu hóa hết

Đôi khi phân của trẻ sẽ có những mảnh thức ăn còn sót lại hoặc có nhiều màu sắc như đỏ, cam hoặc xanh đậm. Màu đỏ có thể từ củ cải, màu cam của cà rốt và màu xanh đậm của việt quất (bạn cũng có thể thấy vỏ quả việt quất trong phân).

Đây không phải tình trạng đáng lo ngại vì có một số loại thực phẩm trẻ chỉ tiêu hóa được một phần. Ngoài ra, một số loại thực phẩm di chuyển qua ruột rất nhanh khiến chúng không được phân hủy hoàn toàn. Tình trạng này cũng xảy ra khi trẻ ăn một loại thức ăn quá nhiều hoặc không nhai kỹ trước khi nuốt.

Nếu phân của trẻ thường xuyên có thức ăn chưa được tiêu hóa, hãy cho trẻ đi khám để kiểm tra tình trạng hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ.

Phân của trẻ bị tiêu chảy

Phân của trẻ bị tiêu chảy

Ở trẻ nhỏ, tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng tóe nước từ 3 lần/ngày trở lên. Phân có thể có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu. Trẻ có thể bị tiêu chảy nhiều đến mức tràn bỉm.

Tiêu chảy có thể là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng hoặc dị ứng. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều mà không được điều trị, điều này có thể gây ra tình trạng mất nước cho trẻ. Hãy cho trẻ đi khám nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, bị tiêu chảy nhiều hơn 3 lần/ngày, hoặc nếu trẻ bị tiêu chảy quá 1 – 2 ngày.

Bạn cũng nên cho trẻ đi khám nếu thấy trẻ bị tiêu chảy có lẫn máu hoặc nhầy trong phân.

Phân của trẻ bị táo bón

Phân của trẻ bị táo bón

Nếu phân của trẻ cứng và trông như những viên sỏi nhỏ thì có thể trẻ đang bị táo bón. Trẻ có thể thấy khó chịu khi đi ngoài, đôi khi có thể thấy máu lẫn trong phân do nứt kẽ hậu môn gây chảy máu.

Nếu trẻ đi ngoài phân cứng 1 – 2 lần thì bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài phân cứng từ 3 lần trở lên (hoặc nếu bạn thấy phân có máu), tốt nhất bạn nên cho trẻ đi khám. Táo bón thường xảy ra ở những trẻ đang tập ăn dặm. Tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của sự nhạy cảm với đạm sữa hoặc đạm đậu nành, hoặc do trẻ không dung nạp với một thành phần trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cho trẻ uống nước lọc, nước ép lê hoặc nước ép mận để trẻ đi ngoài dễ dàng hơn.

Phân có nhầy

Phân có chất nhầy

Phân có màu xanh lá cây lẫn nhầy đôi khi xảy ra do trẻ chảy nước dãi nhiều, vì chất nhầy trong nước dãi thường không tiêu hóa được.

Tuy nhiên, phân có nhầy cũng có thể là một dấu hiệu cho biết trẻ bị nhiễm trùng hoặc dị ứng. Nếu phân có nhầy đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào khác hoặc trẻ đi ngoài phân có nhầy từ 2 ngày trở lên, hãy cho trẻ đi khám để chẩn đoán nguyên nhân của tình trạng này.

Phân có máu

Phân có máu

Trẻ có thể bị đi ngoài phân máu đỏ tươi hoặc phân đen (máu đã bị tiêu hóa).

Phân của trẻ có máu đỏ tươi có thể vì nhiều lý do khác nhau. Hãy cho trẻ đi khám nếu nhận thấy:

  • Phân bình thường có máu đỏ, đây thường là dấu hiệu của dị ứng đạm sữa. (trên hình)
  • Phân cứng có máu đỏ, có thể là do rách hậu môn hoặc do các búi trĩ nhỏ.
  • Phân lỏng có máu đỏ, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn.

Trẻ đi ngoài phân đen (có thể là những đốm đen nhỏ như hạt vừng) thường xảy ra do trẻ đang bú mẹ và nuốt phải máu từ núm vú bị nứt của người mẹ. Mặc dù đây là dấu hiệu cho thấy bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau nhưng nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, bạn nên cho trẻ đi khám để loại trừ việc trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!