Tiêu chảy ở trẻ từ 0 – 12 tháng tuổi

Đây có phải là triệu chứng của con bạn không?
  • Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng tóe nước
  • Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng từ 3 lần/ngày trở lên (Đi ngoài phân lỏng 1 – 2 lần có thể là bình thường khi thay đổi chế độ ăn).

Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp

Video Tiêu chảy có nguy hiểm không và cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy

  • Virus (ví dụ như Rotavirus). Nhiễm trùng đường ruột do virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ.
  • Vi khuẩn (ví dụ như Salmonella). Đây là nhóm nguyên nhân ít gặp hơn. Trẻ thường bị tiêu chảy kèm phân nhầy máu.
  • Ký sinh trùng Giardia. Tác nhân này có thể gây bùng phát dịch tiêu chảy ở nhà trẻ.
  • Tiêu chảy do kháng sinh. Nhiều loại kháng sinh có thể gây tiêu chảy nhẹ. Đây không phải là một phản ứng dị ứng. Hãy tiếp tục cho trẻ dùng thuốc kháng sinh và cho trẻ đi khám nếu xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm.
  • Hầu hết tiêu chảy do vi khuẩn sẽ tự khỏi. Một số ít trường hợp có thể bị viêm ruột nặng như bệnh viêm đại tràng do Shigella. Ngoài ra, C. difficile cũng là một nguyên nhân gây tiêu chảy nặng, xảy ra sau khi dùng kháng sinh mạnh.
  • Biến chứng nghiêm trọng của tiêu chảy cấp là tình trạng mất nước, xảy ra khi cơ thể bị mất quá nhiều nước theo phân.

Nguyên nhân của tiêu chảy kéo dài

  • Dị ứng sữa bò. Trẻ bị dị ứng sữa bò có thể bị đi ngoài phân lỏng lẫn nhầy máu. Tình trạng này xảy ra trong vòng 2 tháng đầu. Bạn cần tránh cho trẻ sử dụng sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò.
  • Không dung nạp lactose. Lactose là loại đường có trong sữa. Nhiều trẻ không thể hấp thu đường lactose. Các vi khuẩn đường ruột chuyển hóa đường lactose thành khí. Vì vậy, trẻ sẽ đi ngoài phân lỏng, có bọt kèm theo chướng bụng. Tình trạng này hay xảy ra ở trẻ 4 – 5 tuổi và thường có tính chất gia đình (di truyền).

Các mức độ của tiêu chảy

  • Nhẹ: đi ngoài phân lỏng 3 – 5 lần/ngày
  • Trung bình: đi ngoài phân lỏng 6 – 9 lần/ngày
  • Nặng: đi ngoài phân lỏng từ 10 lần/ngày trở lên
  • Biến chứng thường gặp của tiêu chảy là mất nước.
  • Đi ngoài phân lỏng không phải là nguyên nhân gây mất nước.
  • Đi ngoài phân lỏng quá nhiều có thể gây mất nước.

Dấu hiệu của tình trạng mất nước

Mất nước có thể khiến trẻ bị mệt mỏi và suy kiệt. Nguồn ảnh: Oodto.comMất nước có thể khiến trẻ bị mệt mỏi và suy kiệt. Nguồn ảnh: Oodto.com

  • Mất nước là tình trạng cơ thể bị mất quá nhiều nước, thường xảy ra khi trẻ bị nôn mửa và/hoặc tiêu chảy. Trẻ bị mất nước có thể bị giảm từ 3% khối lượng cơ thể. Tiêu chảy nhẹ hoặc nôn nhẹ không gây ra tình trạng này. Uống ít nước cũng không dẫn đến tình trạng mất nước.
  • Mất nước là biến chứng nguy hiểm nhất của tiêu chảy. Trẻ bị mất nước cần được đưa đi cấp cứu ngay.
  • Những dấu hiệu của tình trạng mất nước bao gồm:
  1. Đi tiểu ít (không đi tiểu từ 8 giờ trở lên) và nước tiểu sẫm màu thường xuất hiện sớm khi trẻ bị mất nước. Nước tiểu màu vàng nhạt cho thấy trẻ không bị mất nước.
  2. Khô miệng, khô lưỡi. Môi khô không phản ánh tình trạng mất nước của trẻ.
  3. Khô mắt, khóc không ra nước mắt
  4. Thóp trũng (ở trẻ còn thóp)
  5. Thời gian phản hồi mao mạch (Refill) trên 2 giây. Đầu tiên, ấn nhẹ vào móng tay của trẻ. Sau đó thả tay ra. Tính thời gian (giây) móng tay hồng trở lại.
  6. Buồn nôn, mệt mỏi. Nếu trẻ tỉnh táo và vui vẻ, đó không phải là dấu hiệu của tình trạng mất nước.

Dấu hiệu của tiêu chảy ở trẻ bú mẹ

  • Đôi khi, bạn khó có thể nhận biết được tình trạng tiêu chảy ở trẻ bú mẹ.
  • Phân của trẻ bú mẹ bình thường khá lỏng, sền sệt và đôi khi có hạt trắng. Phân có màu vàng nhưng cũng có thể có màu xanh lá cây (do màu xanh của mật). Phân có thể bị tách nước. Đây đều là những biểu hiện bình thường.
  • Trẻ sơ sinh bú mẹ thường đi ngoài hơn 6 lần/ngày. Trong 2 tháng đầu, trẻ có thể đi ngoài sau mỗi lần bú. Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài phân lỏng tóe nước từ 3 lần/ngày trở lên, trẻ đã bị tiêu chảy.
  • Phân của trẻ bị tiêu chảy có thể có nhầy, có máu hoặc có mùi hôi.
  • Các dấu hiệu khác của trẻ bú mẹ bị tiêu chảy là bú kém, có biểu hiện ốm hoặc sốt.

Dấu hiệu của tiêu chảy ở trẻ bú sữa công thức

Trẻ bú sữa công thức có thể bị tiêu chảy trong 2 tháng đầu sau sinh. Nguồn ảnh: Parenting.firstcry.comTrẻ bú sữa công thức có thể bị tiêu chảy trong 2 tháng đầu sau sinh. Nguồn ảnh: Parenting.firstcry.com

  • Trẻ bú sữa công thức đi ngoài từ 1 – 8 lần/ngày trong tuần đầu sau sinh. Sau đó, số lần đi ngoài giảm còn từ 1 – 4 lần/ngày trong 2 tháng đầu. Phân thường có màu vàng và sền sệt.
  • Nếu trẻ đi ngoài phân lỏng tóe nước từ 3 lần/ngày trở lên, trẻ đã bị tiêu chảy.
  • Nếu phân có nhầy, có máu hoặc có mùi hôi thì đây là dấu hiệu của bệnh tiêu chảy.
  • Các dấu hiệu khác của bệnh tiêu chảy ở trẻ bú sữa công thức là bú kém, ốm hoặc sốt.
  • Sau 2 tháng tuổi, hầu hết trẻ sẽ đi ngoài 1 – 2 lần/ngày hoặc đi cách ngày. Trẻ thường không còn bị tiêu chảy nhẹ nữa.

Thời điểm cần cho trẻ đi khám

Cho trẻ đi cấp cứu nếu:

  • Trẻ nằm im, không động đậy
  • Trẻ xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm

Cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ bị tiêu chảy kèm:

  • Nghi ngờ trẻ bị mất nước khi trẻ có các dấu hiệu như không đi tiểu từ 8 giờ trở lên, nước tiểu sẫm màu, khô miệng và khóc không ra nước mắt.
  • Phân có máu
  • Đau bụng liên tục trên 2 giờ
  • Nôn từ 3 lần trở lên
  • Trẻ dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy từ 3 lần/ngày trở lên
  • Tiêu chảy nặng từ 10 lần/ngày trở lên
  • Sốt trên 40°C
  • Trẻ dưới 12 tuần tuổi bị sốt. Lưu ý: Không cho trẻ uống thuốc hạ sốt trước khi đi khám.
  • Trẻ có hệ miễn dịch yếu như bệnh hồng cầu hình liềm, HIV, ung thư, cấy ghép tạng, dùng thuốc kháng viêm corticosteroid đường uống.
  • Trẻ xuất hiện các dấu hiệu khẩn cấp khiến bạn lo lắng

Cho trẻ đi khám trong vòng 24 giờ nếu trẻ bị tiêu chảy kèm:

  • Tiêu chảy mức độ trung bình. Trẻ đi ngoài phân lỏng từ 6 lần/ngày trở lên.
  • Đau bụng dai dẳng, kể cả sau mỗi lần tiêu chảy
  • Sốt kéo dài hơn 3 ngày
  • Tiếp xúc gần với người hoặc động vật bị tiêu chảy do vi khuẩn
  • Tiếp xúc với các loài bò sát (rắn, thằn lằn, rùa) trong 14 ngày qua
  • Đi du lịch đến các nước có dịch tiêu chảy trong 1 tháng qua
  • Trẻ xuất hiện các triệu chứng không khẩn cấp nhưng khiến bạn lo lắng

Cho trẻ đi khám theo hẹn nếu:

  • Tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần
  • Thường xuyên đi ngoài phân lỏng
  • Bạn cần bác sĩ tư vấn về tình trạng của trẻ

Chăm sóc tại nhà nếu:

  • Tiêu chảy nhẹ (có thể do virus gây ra)

Hướng dẫn chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy

1. Những điều cần biết về bệnh tiêu chảy:

  • Hầu hết bệnh tiêu chảy là do virus gây ra.
  • Tiêu chảy do vi khuẩn là tình trạng không phổ biến.
  • Tiêu chảy là cách cơ thể đào thải tác nhân gây bệnh.
  • Biến chứng thường gặp của tiêu chảy là mất nước. Mất nước do tiêu chảy là tình trạng cơ thể bị mất quá nhiều nước theo phân.
  • Hầu hết trẻ bị tiêu chảy không cần đến gặp bác sĩ.

2. Một số biện pháp chăm sóc trẻ bị tiêu chảy nhẹ: 

Tiếp tục cho trẻ bú mẹ có thể cải thiện tình trạng tiêu chảy của trẻ. Nguồn ảnh: Self.comTiếp tục cho trẻ bú mẹ có thể cải thiện tình trạng tiêu chảy của trẻ. Nguồn ảnh: Self.com

  • Đa số trẻ bị tiêu chảy có thể ăn uống bình thường.
  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Sữa công thức hoặc sữa mẹ là những lựa chọn tốt cho bệnh tiêu chảy.
  • Không sử dụng nước trái cây vì chúng có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn.
  • Đối với trẻ ăn dặm, hãy cho trẻ ăn nhiều tinh bột hơn như ngũ cốc, bánh quy giòn, cơm, mì ống, ... vì chúng rất dễ tiêu hóa.

3. Một số biện pháp chăm sóc trẻ bú sữa công thức bị tiêu chảy:

  • Tiếp tục cho trẻ bú càng nhiều càng tốt.
  • Pha sữa như bình thường vì công thức đó đã bổ sung đủ lượng nước mà trẻ cần.
  • Nếu trẻ đã ăn dặm, hãy tiếp tục cho trẻ ăn, đặc biệt là các loại ngũ cốc.

4. Một số biện pháp chăm sóc trẻ bú mẹ bị tiêu chảy:

  • Cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên hơn.
  • Ngoài ra, hãy bổ sung nước cho trẻ nếu sữa mẹ không thể bù được lượng nước đã mất. Bạn có thể sử dụng sữa công thức hoặc dung dịch điện giải Oresol.
  • Nếu trẻ đã ăn dặm, hãy tiếp tục cho trẻ ăn, đặc biệt là các loại ngũ cốc.

5. Dung dịch bù nước qua đường uống Oresol:

  • Oresol là một loại nước đặc biệt có thể bù nước cho trẻ, tránh tình trạng mất nước. Bạn có thể mua Oresol ở các cửa hàng thuốc.
  • Chỉ định: Bắt đầu sử dụng Oresol để bù dịch đối với trường hợp tiêu chảy có mất nước (khi thấy trẻ đi tiểu ít hơn bình thường). Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, sữa công thức hoặc sữa thường.
  • Liều lượng: Đối với trẻ nhỏ, hãy bổ sung 60 – 120 ml Oresol sau mỗi lần tiêu chảy.
  • Thận trọng: Không để trẻ nhịn đói quá 6 giờ trong khi đang bù dịch bằng Oresol vì trẻ vẫn cần bổ sung năng lượng như bình thường.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt ở trẻ bị tiêu chảy:

  • Khi trẻ bị sốt trên 39°C, hãy cho uống paracetamol.
  • Bạn cũng có thể cho trẻ dùng thuốc ibuprofen. Tuy nhiên, tránh dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Sốt dưới 39°C là cơ chế bình thường của cơ thể để chống lại nhiễm trùng.
  • Khi trẻ bị sốt, cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước xảy ra.

7. Phòng ngừa tình trạng hăm tã:

  • Rửa sạch mông của trẻ sau mỗi lần đi ngoài để ngăn ngừa hăm tã.
  • Để bảo vệ da, hãy dùng thuốc mỡ (như Vaseline) ở vùng da mông của trẻ.

8. Khi nào cho trẻ đi nhà trẻ trở lại:

  • Khi phân của trẻ đã trở lại bình thường.
  • Khi trẻ hết sốt.

9. Tiến triển:

  • Tiêu chảy do virus thường kéo dài từ 5 – 14 ngày.
  • Tiêu chảy nặng chỉ xảy ra trong 1 – 2 ngày đầu. Tuy nhiên, trẻ có thể đi ngoài phân lỏng từ 1 – 2 tuần.

10. Thời điểm cần cho trẻ đi khám:

  • Trẻ bị tiêu chảy ra máu
  • Nghi ngờ trẻ bị mất nước (không đi tiểu trên 8 giờ, nước tiểu sẫm màu, khô miệng và khóc không ra nước mắt)
  • Tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần
  • Trẻ xuất hiện các triệu chứng khiến bạn lo lắng
  • Tình trạng tiêu chảy tiến triển nặng hơn

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!