Nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng bàn chân lạnh

Có bàn chân lạnh là một hiện tượng khá phổ biến trong cuộc sống. Những thay đổi về nhiệt độ, cũng như sức khỏe và lối sống, là một số nguyên nhân phổ biến nhất của bàn chân lạnh và việc điều chỉnh những yếu tố này thường sẽ giúp làm giảm các biểu hiện.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ xem xét những nguyên nhân này và một số nguyên nhân y tế của bàn chân lạnh. Chúng tôi cũng liệt kê các biện pháp khắc phục tại nhà mà mọi người có thể thử để giữ ấm và thoải mái cho bàn chân.

Nguyên nhân bàn chân lạnh

Có thể có nhiều nguyên nhân khiến bàn chân lạnh, từ nhiệt độ thấp đến rối loạn tuần hoàn và thần kinh. Nguyên nhân của bàn chân lạnh bao gồm:

Nhiệt độ thấp

Chân thường lạnh khi gặp nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, bàn chân lạnh khi ở nhiệt độ bình thường hoặc ở môi trường ấm áp có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nguồn ảnh pinterest.comChân thường lạnh khi gặp nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, bàn chân lạnh khi ở nhiệt độ bình thường hoặc ở môi trường ấm áp có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nguồn ảnh pinterest.com

Bàn chân lạnh là một trong những phản ứng bình thường của cơ thể đối với nhiệt độ thấp hơn. Khi cơ thể đi vào vùng lạnh hơn, các mạch máu ở tứ chi, chẳng hạn như bàn tay và bàn chân, sẽ co lại. Do đó làm giảm lưu lượng máu đến những khu vực này, đồng thời làm giảm lượng nhiệt mà cơ thể mất đi.

Bàn chân và bàn tay là bộ phận của cơ thể xa các cơ quan quan trọng nhất, vì vậy việc giảm lưu lượng máu đến chúng cũng giúp giữ ấm và duy trì lưu lượng máu ở các bộ phận quan trọng hơn.

Theo thời gian, lưu lượng máu giảm này có thể gây ra giảm oxy trong các mô, khiến chúng có màu hơi xanh. Tạm thời thì những triệu chứng này thường không nghiêm trọng và cơ thể sẽ trở lại bình thường khi ấm trở lại.

Một số người có hiện tượng Raynaud, khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc căng thẳng cao khiến họ bị hạn chế lưu thông máu, dẫn đến ngón tay và ngón chân lạnh hoặc tê.

Căng thẳng hoặc lo lắng cao độ

Ở trong trạng thái căng thẳng hoặc lo lắng cao độ cũng có thể khiến bàn chân bị lạnh. Một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với căng thẳng hoặc lo lắng là tiết adrenaline vào máu.

Adrenaline làm cho các mạch máu ở ngoại vi co lại, làm giảm lưu lượng máu đến các vùng ngoài cùng của cơ thể. Phản ứng này giúp dự trữ năng lượng và chuẩn bị cho bất kỳ tổn thương cơ thể nào có thể xảy ra do tình trạng căng thẳng cao độ.

Thế giới hiện đại đầy rẫy những tác nhân gây căng thẳng, nhưng không nhiều trong số chúng khiến cơ thể gặp nguy hiểm ngay lập tức, vì vậy phản ứng bảo vệ này có thể có hại hơn là hữu ích nếu nó khiến bàn chân hoặc bàn tay thường xuyên bị lạnh. Kiểm soát căng thẳng có thể giúp giảm các triệu chứng trong những trường hợp này.

Vấn đề tuần hoàn

Bàn chân và bàn tay dễ bị lạnh vì lưu lượng máu bị hạn chế ở môi trường nhiệt độ lạnh. Nguồn ảnh medicalnewstoday.comBàn chân và bàn tay dễ bị lạnh vì lưu lượng máu bị hạn chế ở môi trường nhiệt độ lạnh. Nguồn ảnh medicalnewstoday.com

Các vấn đề về tuần hoàn là nguyên nhân rất phổ biến gây ra lạnh bàn chân. Một người có hệ tuần hoàn kém sẽ thường gặp khó khăn để có đủ máu ấm đến các chi và có thể thường xuyên phàn nàn về bàn tay lạnh và bàn chân lạnh.

Tuần hoàn kém có thể do nhiều nguyên nhân. Lối sống ít vận động hoặc ngồi tại chỗ cả ngày có thể làm giảm lưu thông đến chân và gây ra lạnh chân.

Hút thuốc lá cũng có thể khiến máu khó đi đến mọi vùng trên cơ thể hơn, vì vậy những người hút thuốc có thể dễ bị lạnh chân hơn.

Cholesterol cao có thể dẫn đến các mảng bám hình thành bên trong động mạch, có thể làm giảm lưu thông đến chân và bàn chân, dẫn đến lạnh chân.

Một số bệnh tim cũng có thể gây ra lạnh chân, vì vậy mọi người nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ vấn đề tim mạch hoặc các yếu tố nguy cơ hiện có.

Thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi có quá ít tế bào hồng cầu bình thường trong cơ thể. Điều này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm thiếu sắt, vitamin B12, hoặc folate, hoặc bệnh thận mạn tính.

Các trường hợp thiếu máu từ trung bình đến nặng có thể khiến bàn chân bị lạnh. Thiếu máu thường đáp ứng tốt với những thay đổi trong chế độ ăn uống và bổ sung thực phẩm chức năng.

Thiếu máu cần được bác sĩ chẩn đoán và người bệnh nên tuân theo các chỉ định điều trị của họ.

Bệnh tiểu đường

Những người mắc bệnh tiểu đường có thể có nguy cơ gặp các vấn đề về tuần hoàn, chẳng hạn như bàn chân hoặc bàn tay lạnh.

Lượng đường trong máu cao thường xuyên có thể dẫn đến thu hẹp động mạch và giảm lượng máu cung cấp đến các mô, điều này có thể khiến bàn chân bị lạnh.

Ở một số người, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến tổn thương thần kinh ngoại vi do tiểu đường. Tổn thương dây thần kinh do tiểu đường thường xảy ra ở những người có lượng đường trong máu cao không kiểm soát được trong thời gian dài.

Các triệu chứng khác của tổn thương dây thần kinh do tiểu đường bao gồm cảm giác ngứa ran hoặc kim châm, tê hoặc đau rát ở bàn chân và cẳng chân. Các triệu chứng có thể tồi tệ hơn vào ban đêm.

Tổn thương thần kinh

Tổn thương thần kinh khác cũng có thể là nguyên nhân khiến bàn chân thường xuyên bị lạnh. Tổn thương dây thần kinh có thể do chấn thương, chẳng hạn như tê cóng nghiêm trọng hoặc có thể do tình trạng bệnh lý có từ trước.

Bệnh thần kinh ngoại biên cũng có thể do bệnh gan hoặc thận, nhiễm trùng hoặc di truyền. Nó thường gây ra các triệu chứng đi kèm như gồm tê và ngứa ran. Điều trị các triệu chứng, như bàn chân lạnh, có thể giúp người bệnh giảm bớt sự khó chịu trong khi chờ chẩn đoán chính xác.

Suy giáp

Suy giáp là do tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, sản sinh ra lượng hormone tuyến giáp thấp, tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Sự trao đổi chất của cơ thể ảnh hưởng đến tuần hoàn, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, vì vậy bất cứ điều gì tác động đến chức năng tuyến giáp và gây suy giáp đều có thể dẫn đến lạnh chân.

Những người bị suy giáp có thể nhạy cảm hơn với lạnh nói chung và có thể gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như mệt mỏi, tăng cân và các vấn đề về trí nhớ.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Trao đổi trực tiếp với bác sĩ để chẩn đoán bất kỳ nguyên nhân cơ bản nào gây ra tình trạng lạnh bàn chân là cách tốt nhất để ngăn ngừa triệu chứng này.

Tuy nhiên, nhiều phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp làm ấm bàn chân và giữ cho người bệnh cảm thấy thoải mái.

Vận động

Vận động thường xuyên, chẳng hạn như định kỳ đứng dậy từ tư thế ngồi, có thể giúp điều trị tình trạng lạnh chân.Vận động thường xuyên, chẳng hạn như định kỳ đứng dậy từ tư thế ngồi, có thể giúp điều trị tình trạng lạnh chân.

Đứng dậy và di chuyển có thể là một trong những cách dễ nhất để làm ấm cơ thể và giúp máu lưu thông đến và từ bàn chân.

Những người bị lạnh chân do công việc ngồi nhiều có thể cải thiện tình hình bằng cách đứng lên và đi bộ xung quanh nơi làm việc.

Giúp máu lưu thông bằng các bài tập thể dục, chẳng hạn như chạy bộ hoặc thậm chí tập nhảy dây, có thể đủ để giữ ấm bàn chân suốt cả ngày.

Tất và dép

Những đôi tất ấm, cách nhiệt tốt rất quan trọng đối với những người bị lạnh chân. Khi ở trong nhà, đi dép cách nhiệt cũng có thể hữu ích, đặc biệt nếu không trải thảm sàn hoặc có hệ thống sưởi.

Ngâm chân

Một trong những cách nhanh nhất để giảm lạnh bàn chân là ngâm chúng trong bồn nước ấm.

Đổ đầy nước ấm vào bồn tắm hoặc chậu và ngâm chân trong 10 đến 15 phút có thể đủ để giữ cho máu tươi lưu thông đến chân suốt cả ngày. Điều này có thể đặc biệt hữu ích ngay trước khi đi ngủ, vì nó cũng có thể làm giảm căng thẳng và thư giãn các cơ.

Những người bị tổn thương dây thần kinh do tiểu đường nên tránh sử dụng nước nóng để làm ấm bàn chân, vì họ có thể không phân biệt được nước có quá nóng hay không. Nó có thể dẫn đến bỏng.

Đệm sưởi hoặc chai nước nóng

Đối với những người khó ngủ do lạnh chân, đặt một miếng đệm sưởi hoặc chai nước nóng dưới chân giường có thể giữ ấm cho khu vực xung quanh bàn chân khi đi ngủ.

Đệm sưởi cũng có thể hữu ích để giúp làm dịu các cơ bị đau nhức sau một ngày dài phải đứng.

Khi nào nên đi khám?

Mặc dù thỉnh thoảng bị lạnh bàn chân là bình thường, nhưng có một số trường hợp cần đi khám bác sĩ. Bất kỳ ai bị lạnh chân thường xuyên hoặc không có lý do rõ ràng nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân có thể xảy ra.

Mọi người cũng nên đi khám bác sĩ nếu bàn chân lạnh đi kèm với các triệu chứng khác như:

  • Mệt mỏi
  • Giảm hoặc tăng cân
  • Sốt
  • Đau khớp đáng kể
  • Vết loét trên ngón tay hoặc ngón chân mất nhiều thời gian để chữa lành
  • Thay đổi ở da, chẳng hạn như phát ban, có vảy hoặc da dày

Nếu bạn cảm thấy bàn chân lạnh bên trong, nhưng da sờ không thấy lạnh thì bạn nên đi khám bác sĩ, vì đây có thể là dấu hiệu của tổn thương dây thần kinh hoặc các bệnh lý thần kinh khác.

Tổng kết

Việc thỉnh thoảng bị lạnh chân là hoàn toàn bình thường. Các triệu chứng dai dẳng có thể cần đi khám bác sĩ, điều trị nguyên nhân cơ bản sẽ giúp bàn chân dễ chịu và thoải mái hơn.

Trong khi đó, thực hiện các biện pháp tại nhà, như đi tất dày hoặc ngâm chân nước nóng, có thể giúp làm ấm bàn chân nhanh chóng.

Câu hỏi liên quan

Bàn chân lạnh thường xuyên có thể là dấu hiệu của những bệnh sau: Xơ vữa động mạch; Bệnh đái tháo đường; Bệnh Raynaud...
Xem thêm
Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này gồm: Nhiệt độ môi trường thấp; Hội chứng Raynaud; Bị căng thẳng thần kinh...
Xem thêm
Một số biện pháp khắc phục tình trạng này là: Cọ xát chân; Ngâm chân nước ấm; Tập thể dục...
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Bàn chân lạnh
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!