Video : Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt là bệnh gì?
Để phân biệt với trường hợp cấp cứu, hãy tiếp tục theo dõi bài viết dưới đây:
Tình trạng cấp cứu
Một số tình trạng cấp cứu có biểu hiện đau đầu, chóng mặt như:
Phình động mạch não
Phình động mạch não là hiện tượng mạch máu não giãn rộng trở nên mỏng và yếu. Tình trạng này âm thầm diễn ra không hề có triệu chứng hay dấu hiệu báo trước cho đến khi vỡ. Khi vỡ, dấu hiệu đầu tiên thường gặp là đột ngột xuất hiện đau đầu dữ dội có thể kèm theo chóng mặt.
Các triệu chứng khác của chứng phình động mạch não là:
- Buồn nôn và nôn
- Mờ mắt
- Cổ cứng hoặc đau
- Co giật
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Hoang mang
- Mất ý thức
- Sụp mí
- Nhìn đôi
Nếu bạn đột ngột đau đầu chóng mặt, hoặc có thêm các triệu chứng kể trên hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng một vùng não đột nhiên bị gián đoạn, việc cắt đứt nguồn cung cấp oxy và các dưỡng chất cần thiết làm cho hoạt động chi phối của vùng não tổn thương dừng lại. Nếu tình trạng này không nhanh chóng được khắc phục, các tế bào não sẽ bị chết, không thể hồi phục.
Giống như chứng phình động mạch, đột quỵ có thể gây đau đầu dữ dội, kèm theo chóng mặt.
Các triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:
- Tê hoặc yếu nửa người
- Đột ngột lú lẫn
- Nói khó hoặc nói ngọng
- Giảm thị lực đột ngột
- Mất thăng bằng, dễ ngã
Đột quỵ cần được điều trị nhanh chóng để tránh các biến chứng lâu dài, vì vậy gọi cấp cứu ngay khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên.
Đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu là những cơn đau đầu dữ dội xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu. Những người thường xuyên bị chứng đau nửa đầu mô tả cơn đau dữ dội như dao đâm có thể kèm chóng mặt.
Các triệu chứng khác xuất hiện cùng:
- Buồn nôn và nôn
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh
- Giảm thị lực
- Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc đốm nhấp nháy (hào quang)
Hiện không có cách điều trị triệt để chứng đau nửa đầu, nhưng một số cách có thể giúp giảm các triệu chứng hoặc ngăn ngừa cơn đau xảy ra trong tương lai. Hiệu quả của các phương pháp điều trị khác nhau có xu hướng khác nhau ở mỗi người, vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với bản thân.
Chấn thương đầu
Có hai loại chấn thương đầu, là chấn thương bên ngoài và chấn thương bên trong. Chấn thương bên ngoài ảnh hưởng đến da đầu mà không ảnh hưởng đến não bộ. Các chấn thương bên ngoài có thể gây đau đầu, nhưng thường không gây chóng mặt. Nếu có đau đầu và chóng mặt, nó thường nhẹ và hết sau vài giờ.
Mặt khác, chấn thương bên trong thường gây ra cả đau đầu và chóng mặt, thời gian đau kéo dài thậm chí vài tuần sau đó.
Chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não (TBIs) thường do một cú đánh mạnh vào đầu hoặc do rung lắc dữ dội. Có thể gặp khi tai nạn xe hơi, ngã mạnh hoặc chơi các môn thể thao tiếp xúc. Đau đầu và chóng mặt là triệu chứng phổ biến của bệnh TBI nhẹ và nặng.
Các triệu chứng khác của bệnh TBI nhẹ, chẳng hạn như chấn động, bao gồm:
- Mất ý thức tạm thời
- Hoang mang
- Rối loạn trí nhớ
- Tiếng chuông trong tai
- Buồn nôn và nôn
Các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh TBI, như trong trường hợp vỡ xương sọ, bao gồm:
- Mất ý thức trong ít nhất vài phút
- Co giật
- Dịch chảy ra từ mũi hoặc tai
- Giãn đồng tử một hoặc hai bên
- Mất ý thức
- Rối loạn hành vi
Khi bị chấn thương sọ não, việc cần làm là liên hệ cấp cứu. Nếu tình trạng nhẹ, việc chăm sóc y tế giúp tổn thương ít nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng nặng, cấp cứu là cần thiết vì nó có thể nguy hiểm tính mạng nếu không xử lý kịp thời.
Hội chứng sau chấn động
Hội chứng sau chấn động là tập hợp các triệu chứng xảy ra sau một va chạm ở vùng đầu trong đó có đau đầu và chóng mặt. Tình trạng này xuất hiện và kéo dài trong vài tuần, thậm chí vài tháng sau chấn thương ban đầu. Những cơn đau đầu liên quan đến hội chứng sau chấn động thường có cảm giác tương tự như chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu dạng căng thẳng .
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Khó ngủ
- Lo âu
- Cáu gắt
- Mất tập trung, giảm trí nhớ
- Xuất hiện âm thanh trong tai
- Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng
Hội chứng sau chấn động không phản ánh tình trạng chấn thương đang diễn ra nghiêm trọng hơn, nhưng nó có thể cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu các triệu chứng kéo dài sau một cơn chấn động, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn. Ngoài việc loại trừ bất kỳ chấn thương nào khác có liên quan, họ còn giúp bạn lên kế hoạch điều trị để giúp kiểm soát các triệu chứng một cách hiệu quả.
Các nguyên nhân khác
Nhiễm trùng
Đau đầu và chóng mặt đi cùng nhau thường là dấu hiệu cho một số vấn đề sức khỏe. Ngoài các tình trạng cấp cứu kể trên, nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra triệu chứng này như tình trạng nhiễm trùng, tình trạng mất nước hay tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Các tình trạng nhiễm trùng gây đau đầu, chóng mặt:
- Cảm cúm
- Cảm lạnh thông thường
- Viêm xoang
- Nhiễm trùng tai
- Viêm phổi
- Viêm họng hạt
Nếu tình trạng nhiễm trùng không đỡ sau một vài ngày, hãy gặp bác sĩ. Bạn có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn cần dùng kháng sinh như nhiễm liên cầu họng.
Mất nước
Tình trạng mất nước xảy ra khi lượng dịch mất đi nhiều hơn lượng dịch nạp vào. Thời tiết nóng nực, nôn, tiêu chảy, sốt và một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng mất nước. Cơn đau đầu kèm theo chóng mặt, là một trong những dấu hiệu thường gặp khi mất nước.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Nước tiểu sẫm màu
- Giảm số lần đi tiểu
- Khát
- Giảm tập trung
- Mệt mỏi
Hầu hết các trường hợp mất nước nhẹ đều có thể khắc phục bằng cách uống nhiều nước hơn. Các trường hợp nặng hơn, việc bổ sung đường uống không hiệu quả bạn bắt buộc phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Hạ đường huyết
Lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường, cơ thể sẽ không đủ năng lượng để duy trì các hoạt động. Hạ đường máu là tình trạng thường gặp trong bệnh đái tháo đường.
Ngoài đau đầu và chóng mặt, hạ đường huyết có thể gây ra:
- Đổ mồ hôi
- Run tay chân
- Buồn nôn
- Đói cồn cào
- Cảm giác ngứa ran quanh miệng
- Cáu gắt
- Mệt mỏi
- Da tái nhợt, tím tái
Nếu bạn bị đái tháo đường, lượng đường trong máu thấp có thể liên quan đến việc điều chỉnh insulin. Nếu bạn không bị đái tháo đường, có thể khắc phục các vấn đề hạ đường huyết bằng cách ăn đường, quả ngọt hoặc bánh mì.
Lo âu
Những người bị chứng lo âu thường trải qua nỗi sợ hãi hoặc lo lắng quá mức so với thực tế. Triệu chứng lo âu khác nhau ở mỗi người, có thể bao gồm cả các triệu chứng tâm lý và thể chất. Đau đầu, chóng mặt là hai trong số các triệu chứng lo âu phổ biến.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Cáu gắt
- Khó tập trung
- Kiệt sức
- Bồn chồn hoặc sợ hãi
- Căng cơ
Có một số cách để kiểm soát sự lo lắng, bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi, sử dụng thuốc, tập thể dục và thiền định. Trao đổi với bác sĩ để lựa chọn phương án điều trị hiệu quả. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần .
Viêm mê đạo
Viêm mê đạo chứng rối loạn tai trong do nhiễm trùng. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm mê đạo là do virus.
Ngoài đau đầu và chóng mặt, viêm mê đạo có thể có biểu hiện:
- Chóng mặt
- Giảm thính lực
- Triệu chứng giống như cúm
- Xuất hiện âm thanh tiếng chuông trong tai
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi
- Đau tai
Bệnh viêm mê đạo thường tự khỏi sau một hoặc hai tuần.
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng không đủ hồng cầu vận chuyển oxy trong cơ thể. Thiếu oxy, cơ thể bạn nhanh chóng trở nên yếu ớt và mệt mỏi. Đối với nhiều người, điều này dẫn đến đau đầu, chóng mặt.
Các triệu chứng khác của thiếu máu bao gồm:
- Loạn nhịp tim
- Đau ngực
- Khó thở
- Tay chân lạnh
Điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân, nhưng hầu hết các trường hợp đều đáp ứng tốt với việc bổ sung sắt, vitamin B12 và folate.
Giảm thị lực
Đôi khi, đau đầu và chóng mặt có thể chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn cần đeo kính hoặc thay kính khi tăng độ cận hoặc viễn. Đau đầu xảy ra khi mắt của bạn làm việc nhiều hơn. Chóng mặt xuất hiện khi mắt điều chỉnh cự ly xa gần.
Nếu đau đầu, chóng mặt xuất hiện sau khi bạn làm việc với máy tính, việc gặp bác sĩ nhãn khoa là cần thiết.
Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công chính cơ thể của bạn do một sai sót nào đó trong việc truyền tín hiệu. Có hơn 80 bệnh tự miễn, mỗi bệnh có một loạt các triệu chứng riêng. Tuy nhiên, nhiều người có chung một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt.
Các triệu chứng chung khác của bệnh tự miễn bao gồm:
- Mệt mỏi
- Khớp sưng, đau
- Sốt cao
- Tăng đường máu
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh tự miễn nếu bạn đã được chẩn đoán. Nếu nghi ngờ, xét nghiệm máu tìm kháng thể thường được bác sĩ chỉ định.
Tác dụng phụ của thuốc
Đau đầu và chóng mặt có thể là tác dụng phụ thường gặp của nhiều loại thuốc, đặc biệt là khi mới bắt đầu dùng chúng.
Các loại thuốc thường gây chóng mặt và đau đầu bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc ức chế thần kinh
- Thuốc an thần
- Thuốc huyết áp
- Thuốc điều trị rối loạn cương dương
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc tránh thai
- Thuốc giảm đau
Tác dụng phụ của thuốc thường chỉ xảy ra trong vài tuần đầu. Nếu sau đó vẫn tiếp tục triệu chứng đau đầu, hãy trao đổi với bác sĩ để chỉnh liều hoặc lựa chọn loại thuốc thay thế phù hợp. Không được tự ý ngưng thuốc khi chưa thông qua ý kiến của bác sĩ.
Kết luận
Nhiều nguyên nhân có thể gây ra đau đầu và chóng mặt cùng một lúc.
Nếu các triệu chứng này liên quan đến tình trạng nghiêm trọng như chứng phình mạch vỡ, đột quỵ, chấn thương sọ não thì cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu các nguyên nhân không rõ ràng, trao đổi với bác sĩ để có những lời khuyên hữu ích giải quyết vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải.
Xem thêm :