Máu kinh nguyệt màu nâu: bình thường hay bất thường?

Bạn có thể biết những đặc điểm thông thường về kỳ kinh nguyệt của mình: thời gian kéo dài bao lâu, khi nào ra nhiều máu nhất và những ngày nào bạn cảm thấy tồi tệ nhất. Vì vậy, khi phát hiện điều gì đó bất thường, chẳng hạn như có dịch tiết màu nâu hoặc máu nâu đen, bạn có thể sẽ lo lắng.

Màu sắc kinh nguyệt nói lên điều gì?

Mỗi phụ nữ trải qua kỳ kinh nguyệt khác nhau. Chu kỳ của bạn có thể chạy như kim đồng hồ, với một vài cơn đau thắt và kéo dài trong thời gian ngắn. Những phụ nữ khác lại không thể ra khỏi giường trong vài ngày đầu tiên trong kỳ kinh, ra rất nhiều máu và không biết nó sẽ kéo dài bao lâu. Ngay cả khi bạn có những chu kỳ đều đặn, có thể dự đoán được, thì bạn vẫn có thể nhận thấy sự khác biệt giữa tháng này và tháng khác. 

Ra máu màu nâu có bình thường không? 

Trong hầu hết các trường hợp, máu nâu trong kỳ kinh nguyệt là bình thường. 

Màu sắc và độ đặc của máu có thể thay đổi trong suốt kỳ kinh nguyệt của bạn. Nó có thể loãng và chảy như nước vào một ngày, rồi đặc và vón cục vào ngày hôm sau. Nó có thể có màu đỏ tươi hoặc nâu, nhiều hoặc ít. Kinh nguyệt của bạn thay đổi về thời gian, lượng máu và mức độ khó chịu là điều bình thường. 

Máu nâu thường xuất hiện vào cuối kỳ hành kinh. Khi hiện tượng bong niêm mạc tử cung diễn ra trong vài ngày đầu tiên của kỳ kinh, máu thường có màu đỏ. Tuy nhiên, gần cuối kỳ kinh, máu chảy ra sẽ cũ hơn và có thể bị đổi màu. 

Đôi khi, xuất hiện vết máu hoặc dịch màu nâu vào giữa chu kỳ của bạn, trong thời kỳ rụng trứng. Điều này phổ biến hơn ở những cô gái trẻ mới bắt đầu có kinh, phụ nữ bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai hoặc phụ nữ gần mãn kinh. Khi bị ra máu giữa các kỳ kinh, bạn nên đi khám bác sĩ để đảm bảo đó không phải là triệu chứng của một bệnh. 

Một số biện pháp tránh thai có thể là nguyên nhân gây ra dịch tiết màu nâu trong kỳ kinh nguyệt hoặc thậm chí giữa các chu kỳ kinh nguyệt. Chẳng hạn như cấy que tránh thai, ví dụ Nexplanon. Biện pháp kiểm soát sinh sản ảnh hưởng đến lượng hormone của bạn, vì vậy trong nhiều trường hợp, xuất hiện dịch tiết màu nâu là bình thường, ngay cả khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt. 

Trường hợp bất thường 

Dịch tiết màu nâu có lẫn máu có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe, nguồn: https://www.healthresource4u.comDịch tiết màu nâu có lẫn máu có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe, nguồn: https://www.healthresource4u.comĐôi khi, dịch tiết màu nâu có máu kèm theo các triệu chứng khác có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe. 

Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn đang mang thai và bị ra máu màu nâu. Điều này có thể là dấu hiệu bất ổn với thai nhi của bạn. Bạn có thể cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. 

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ tình huống nào sau đây: 

  • Kỳ kinh kéo dài hơn 7 ngày
  • Các kỳ kinh cách nhau dưới 21 ngày hoặc trên 35 ngày
  • Không có kinh trong hơn ba đến sáu tháng
  • Ra máu âm đạo giữa các kỳ kinh
  • Ra máu sau khi quan hệ tình dục
  • Ra máu sau khi mãn kinh
  • Ra ít máu âm đạo (bất kỳ màu gì) vào bất kỳ thời điểm nào trong tháng
  • Đau trong âm đạo hoặc vùng bụng dưới 
  • Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng
  • Mệt mỏi
  • Ra máu âm đạo nhiều ngoài chu kỳ kinh nguyệt bình thường 
  • Tiết dịch màu nâu sau khi đặt dụng cụ tử cung (intrauterine device- iud)
  • Thấy dịch tiết màu nâu khi bạn đang dùng tamoxifen- một phương pháp điều trị ung thư vú 

Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome- PCOS) cũng có thể gây ra dịch tiết màu nâu trong kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng khác của PCOS bao gồm: 

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • Mọc lông bất thường
  • Béo phì
  • Mụn trứng cá
  • Vô sinh
  • Những mảng da sẫm màu dày, mượt như nhung
  • Nhiều nang buồng trứng 

Nguyên nhân của PCOS chưa được biết rõ và có thể di truyền. Nếu bạn có dịch tiết màu nâu xảy ra cùng với các triệu chứng khác thì hãy đề nghị bác sĩ kiểm tra. PCOS không được điều trị có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh như tiểu đường loại 2, vô sinh và bệnh tim mạch. Đi xét nghiệm và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa những vấn đề này. 

Một số nguyên nhân gây ra tiết dịch màu nâu, gồm cả mãn kinh, không phải là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Tuy nhiên, đó có thể là triệu chứng của nhiễm trùng do nấm men hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu hoặc Chlamydia mà cần được điều trị. Tiết dịch màu nâu cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý viêm nhiễm như viêm cổ tử cung hoặc viêm âm đạo. Trong một số ít trường hợp hiếm hoi, tình trạng này có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn cho rằng mình có thể có bất kỳ vấn đề nào trong số đó. Nếu không, bạn có thể cân nhắc việc đi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ hoặc tiêm vắc-xin phòng virus gây u nhú ở người (HPV). 

Dịch tiết màu nâu và có thai 

Ra máu nhẹ hoặc tiết dịch màu nâu là hiện tượng bình thường trong thời kỳ đầu mang thai, nhưng bất kỳ khi nào ra máu khi mang thai, bạn nên cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh biết. 

Tiết dịch màu nâu khi mang thai có thể là dấu hiệu của sẩy thai sớm. Nếu bạn thấy dịch tiết màu nâu, hãy lưu ý xem bạn có các triệu chứng bất thường khác, chẳng hạn như có mô hoặc nhiều chất lỏng màu hồng ra từ âm đạo. Các dấu hiệu cảnh báo trong giai đoạn đầu mang thai bao gồm: 

  • Đau bụng hoặc đau quặn thắt
  • Đau vai
  • Cảm thấy chóng mặt, yếu mệt, ngất xỉu hoặc choáng váng
  • Không cảm thấy buồn nôn hoặc không có các triệu chứng mang thai thông thường  

Nếu bạn có một vài trong số những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để đảm bảo rằng chúng không phải là dấu hiệu của sẩy thai hoặc chửa ngoài tử cung.  

Dịch âm đạo màu nâu kèm theo các triệu chứng khác có thể là dấu hiệu bất ổn trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nguồn: https://www.redbookmag.comDịch âm đạo màu nâu kèm theo các triệu chứng khác có thể là dấu hiệu bất ổn trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nguồn: https://www.redbookmag.com Một số chất, bao gồm thuốc lá, rượu và ma túy bất hợp pháp như cần sa hoặc cocaine, có thể gây sẩy thai. Bạn nên tránh hoàn toàn tất cả những chất này khi đang mang thai. 

Một loại dịch tiết tương tự và có màu sắc khác nhau, được gọi là sản dịch, có thể xuất hiện sau khi bạn sinh con. Bạn cần theo dõi loại dịch như hướng dẫn của bác sĩ hoặc nữ hộ sinh. 

Dịch màu nâu cũng thường xuất hiện sau khi phá thai. Nếu bạn mới phá thai gần đây và có các triệu chứng này, hãy liên hệ với nhân viên y tế như đã được hướng dẫn. 

Tiết dịch màu nâu và mãn kinh 

Khi già đi, kinh nguyệt của bạn có thể thay đổi. Giai đoạn trước khi mãn kinh được gọi là tiền mãn kinh. Tiết dịch màu nâu là hiện tượng bình thường trong giai đoạn này miễn là bạn không gặp phải các triệu chứng bất thường khác. Thời kỳ mãn kinh chính thức bắt đầu sau 12 tháng kể từ kỳ kinh cuối cùng. Kể từ thời điểm đó, sau 12 tháng mà không có kinh, bạn sẽ không bị ra máu hoặc tiết dịch màu nâu. 

Hầu hết các trường hợp, ra máu hoặc tiết dịch trong thời kỳ mãn kinh không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể liên quan đến tình trạng viêm niêm mạc âm đạo (viêm teo âm đạo), polyp cổ tử cung hoặc các vấn đề khác trong tử cung hoặc cổ tử cung, bao gồm cả ung thư. 

Nếu đã hơn một năm kể từ kỳ kinh cuối cùng của bạn, hãy đi khám bác sĩ để xác định vấn đề nào có thể gây ra chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo. Nhiều tình trạng gây chảy máu sau mãn kinh có thể dễ dàng được điều trị, đặc biệt nếu chúng được phát hiện sớm. 

Trao đổi với bác sĩ  

Máu kinh màu nâu thường không có gì đáng lo ngại, nhưng hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn cảm thấy máu kinh của mình bất thường. Cũng nên gọi cho bác sĩ nếu bạn gặp rắc rối với các triệu chứng bất thường khác. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!