Khoảng thời gian ra máu khác nhau ở mỗi người, vì vậy một số người có thể ra ít hoặc nhiều hơn mức trung bình. Nếu bạn không bị đau thắt dữ dội, buồn nôn hoặc các triệu chứng khác, thì lượng máu của bạn có thể là bình thường.
Nếu bạn muốn biết cách xác định lượng dịch kinh nguyệt của mình, hãy đọc tiếp. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tính lượng máu mất đi hàng tháng, các triệu chứng cần theo dõi và thời điểm cần đến gặp bác sĩ.
Làm thế nào để biết bạn đang thực sự mất bao nhiêu máu?
Dịch kinh nguyệt của bạn không chỉ là máu, mà còn chứa hỗn hợp chất nhầy và các mô tử cung, làm tăng tổng thể tích chất lỏng. Dẫn đến việc đo lượng máu mất đi trở nên khó khăn.
Nhưng chắc chắn là có thể làm được. Các sản phẩm vệ sinh bạn dùng có thể giúp ước tính sơ bộ tổng lượng dịch mất đi. Và qua một vài phép tính, bạn có thể biết chính xác lượng máu trong đó.
Nếu sử dụng cốc nguyệt san
Một trong những cách dễ nhất để đo lượng dịch mất đi là dùng cốc nguyệt san vì dịch không bị thấm hút. Một số cốc thậm chí còn bao gồm cả vạch đánh dấu thể tích để dễ đọc.
Tùy thuộc vào thương hiệu và loại, cốc nguyệt san có thể chứa từ 30 đến 60 ml mỗi lần. Nếu cốc không có vạch báo thể tích, bạn có thể tìm hiểu trang web của nhà sản xuất để biết thêm chi tiết.
Khi đến lúc đổ cốc, hãy lưu ý xem nó chứa bao nhiêu dịch. Bạn có thể ghi lại kết quả dưới dạng ghi chú trong điện thoại hoặc nhật ký. Sau khi đổ thì rửa cốc và lắp lại như bình thường.
Tiếp tục cập nhật nhật ký của bạn trong ba hoặc bốn kỳ tiếp theo. Điều này sẽ cung cấp cho bạn đủ dữ liệu để xác định mức độ mất máu kinh trung bình mỗi ngày và mỗi tuần của mình.
Bạn có thể thấy rằng tổng lượng dịch kinh nguyệt của bạn lớn hơn 60 ml trong một chu kỳ. Đó là do mô, chất nhầy và niêm mạc tử cung làm tăng thể tích lượng dịch mất đi của bạn.
Nếu bạn sử dụng băng vệ sinh, tampon (băng vệ sinh hình ống) hoặc quần lót nguyệt san
Việc đo lường tổng lượng dịch kinh nguyệt mất đi sẽ khó hơn một chút khi bạn sử dụng băng vệ sinh, tampon hoặc đồ lót có khả năng thấm hút, nhưng có thể thực hiện được.
Trước tiên, hãy tính lượng dịch tối đa mà mỗi loại sản phẩm có thể thấm hút. Ví dụ, tampon thông thường chứa được 5 ml chất lỏng. Loại siêu dày giữ được gấp đôi số đó.
Nếu bạn mất 60 ml trong kỳ kinh nguyệt, bạn có thể cần dùng 6 đến 12 tampon tùy thuộc vào kích cỡ. Nếu lượng dịch chỉ bằng một nửa số đó, bạn sẽ sử dụng ít băng vệ sinh hơn.
Bạn có thể ghi nhật ký để theo dõi lượng dịch đang mất, và cần lưu ý:
- Loại băng vệ sinh bạn đang sử dụng và kích thước của nó
- Bao lâu bạn thay một lần
- Băng đầy như thế nào khi bạn thay
Ghi lại thông tin này trong ba hoặc bốn kỳ tiếp theo sẽ cung cấp cho bạn đủ dữ liệu để ước tính.
Nếu có thể, tránh để băng vệ sinh đầy hoàn toàn rồi mới thay, bởi thói quen này có thể dẫn đến rò rỉ dịch kinh nguyệt hoặc các tác dụng phụ không mong muốn khác. Nguyên tắc chung là thay băng vệ sinh, tampon và đồ lót sau mỗi 4 giờ.
Nếu bạn muốn tính lượng máu thực tế
Trước tiên, cần hiểu một yếu tố rất quan trọng của dịch kinh nguyệt: Bạn không chỉ mất máu.
Một nghiên cứu cho thấy dịch kinh nguyệt chứa 36% máu và 64% các yếu tố khác, chẳng hạn như:
- Mô
- Niêm mạc tử cung
- Chất nhầy
- Các cục máu đông
Vì vậy bạn có thể nhân tổng số dịch mất đi với 0,36 để xác định lượng máu gần đúng chứa trong đó. Tổng lượng dịch trừ đi con số này, bạn sẽ biết được số lượng chất khác.
Ví dụ: nếu bạn mất 120 ml dịch kinh nguyệt, nhân nó với 0,36 để có tổng lượng máu mất đi là 43,2 ml. Mức đó cũng nằm trong phạm vi “bình thường” từ 30 đến 60 mililít.
Nếu lấy 120 mililit trừ đi 43,2 mililit, bạn sẽ thấy rằng dịch kinh nguyệt của mình chứa 76,8 mililit các thành phần khác.
Khi nào lượng máu được coi là nhiều?
Một số hướng dẫn cho rằng một kỳ kinh nguyệt mất quá nhiều máu là khi bạn mất 60 ml máu; những người khác đặt con số cao hơn, gần 80 mililit.
Ra máu nhiều, hoặc rong kinh, không phải lúc nào cũng là nguyên nhân đáng lo ngại. Thường không cần điều trị trừ khi nó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc bạn đang gặp phải các triệu chứng khác.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn:
- Sử dụng một hoặc nhiều băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san mỗi giờ, trong vài giờ
- Cần sử dụng biện pháp bảo vệ kép, chẳng hạn như băng vệ sinh và tampon, để ngăn rò rỉ
- Ra máu kéo dài hơn 7 ngày
- Hơn 1/4 lượng dịch là cục máu đông
- Phải hạn chế các hoạt động hàng ngày vì kỳ kinh nguyệt
- Mệt mỏi, khó thở hoặc các dấu hiệu khác của thiếu máu
Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng ra máu nhiều?
Nếu lượng kinh nguyệt của bạn thường xuyên ra nhiều, đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý có từ trước hoặc do kết quả của một loại thuốc bạn đang dùng. Thông thường, bạn sẽ gặp các triệu chứng khác ngoài chảy máu nhiều- đó là những vấn đề bạn cần chú ý.
Dụng cụ tử cung (Intrauterine device-IUD)
Dụng cụ tử cung là một biện pháp tránh thai được đặt vào tử cung. Bạn có thể bị chảy máu nhiều, đau thắt bụng và đau lưng trong vài ngày đầu sau khi đặt vòng. Kinh nguyệt hàng tháng của bạn có thể ra nhiều dịch hơn, kéo dài hơn hoặc không đều trong 6 tháng đầu tiên.
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovarian syndrome- PCOS)
PCOS là một tình trạng rối loạn nội tiết tố phổ biến. Nó ảnh hưởng đến cách hoạt động của buồng trứng và có thể gây tăng cân, kinh nguyệt không đều và mọc nhiều lông trên mặt, ngực, cánh tay, lưng và bụng.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô nội mạc bên trong tử cung bắt đầu phát triển ở cơ quan bên ngoài tử cung. Điều này có thể gây chảy máu giữa các kỳ kinh, đau vùng chậu và đau khi quan hệ tình dục.
Bệnh viêm vùng chậu (Pelvic inflammatory disease PID)
PID là một bệnh nhiễm trùng trong tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng của bạn. Nó có thể gây chảy máu bất thường trong hoặc giữa các kỳ kinh, đau bụng dữ dội và tiểu buốt.
U xơ
Những khối u- không phải ung thư- phát triển trong cơ tử cung của bạn. Chúng cũng có thể gây đau ở thắt lưng và bụng, khó đi tiểu và táo bón.
Polyp
Giống như u xơ, polyp là những khối u không phải ung thư phát triển trong niêm mạc tử cung hoặc cổ tử cung của bạn. Chúng ngăn cản các cơ tử cung co lại, ngăn không cho niêm mạc tử cung rụng đúng cách. Điều này có thể dẫn đến chảy máu giữa các kỳ kinh, thời gian ngắn hơn hoặc dài hơn và các hiện tượng kinh nguyệt không đều khác.
Bệnh cơ- tuyến tử cung (Adenomyosis)
Ở những người bị bệnh, mô tử cung tự gắn vào thành tử cung thay vì bong ra theo dòng chảy của kinh nguyệt. Ngoài việc kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài, điều này có thể gây ra các cục máu đông lớn, đau vùng chậu và đau khi quan hệ tình dục.
Suy giáp
Nếu tuyến giáp kém hoạt động sẽ không sản xuất đủ hormone để điều hòa tất cả các chức năng của cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt, cũng như gây tăng cân không rõ nguyên nhân và nhạy cảm với nhiệt độ.
Rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu khiến máu khó đông lại. Điều này có thể dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều, chảy máu nhiều sau vết cắt hoặc vết xước, chảy máu cam không rõ nguyên nhân và thường xuyên bị bầm tím.
Một số loại thuốc
Thuốc chống đông máu cũng ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Điều này có thể dẫn đến dễ bị bầm tím, chảy máu chân răng và phân đen hoặc có máu. Điều này cũng đúng đối với các loại thuốc hóa trị.
5 mẹo để giảm triệu chứng
Nếu gặp các triệu chứng bất thường, bạn có thể áp dụng những mẹo sau:
Ghi chép
Nếu bạn nghi ngờ mình ra máu nhiều hơn mức bình thường, hãy theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn trong vài tháng. Bạn có thể sử dụng ứng dụng theo dõi chu kỳ hoặc ghi nhật ký. Hãy nhớ lưu ý thời điểm bắt đầu và kết thúc kỳ kinh, tần suất bạn thay đổi cốc nguyệt san hoặc bang vệ sinh và liệu bạn có đang gặp các triệu chứng khác hay không.
Ibuprofen
Ibuprofen có thể giúp giảm lưu lượng máu của bạn, đồng thời giảm thiểu chứng chuột rút.
Chườm nóng
Bạn cũng có thể làm dịu các cơ bị chuột rút bằng cách chườm nóng hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm.
Uống nước
Không quan trọng là kỳ kinh của bạn nhẹ hay nhiều hơn bình thường - bạn vẫn đang mất nước. Uống đủ nước có thể giúp làm dịu và có thể ngăn ngừa các triệu chứng như buồn nôn và chóng mặt.
Ăn thực phẩm giàu sắt
Mất máu nhiều có thể dẫn đến thiếu sắt , khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và hôn mê. Để phục hồi và giảm bớt các triệu chứng trước và trong kỳ kinh nguyệt, hãy ăn các thực phẩm giàu chất sắt như:
- Trứng
- Thịt
- Cá
- Đậu hũ
- Quả hạch
- Các loại ngũ cốc
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Các kỳ kinh có thể thay đổi từ tháng này sang tháng khác. Kinh nguyệt của bạn có thể ra nhiều trong một tháng và ít hơn vào tháng tiếp theo do thay đổi sinh hoạt hằng ngày.
Nếu bạn đang có các triệu chứng mới hoặc nghĩ rằng kỳ kinh của bạn nặng bất thường, hãy đến gặp bác sĩ. Nếu không có gì khác, bác sĩ có thể trấn an bạn rằng kỳ kinh của bạn thực sự bình thường.
Nếu nghi ngờ bất thường, bác sĩ sẽ kiểm tra và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Xem thêm:
- 14 nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt của bạn đến sớm và cách xử lý
- Kỳ kinh nguyệt bình thường và 12 dấu hiệu cảnh báo
- Phương pháp mới có thể giúp xác định kỳ kinh cuối cùng của phụ nữ
- Bí quyết giúp con gái của bạn sẵn sàng trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên
- Sự thật bất ngờ về kinh nguyệt: Tại sao phụ nữ có kinh nguyệt?