Chỉ 100k mua trọn bộ Lý thuyết Địa lí 10 Chân trời sáng tạo bản word trình bày đẹp mắt (Chỉ 10k cho 1 bài bất kì):
B1: Gửi phí vào tài khoản 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR)
B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án.
Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải
A. Lý Thuyết
I. Vai trò và đặc điểm
1. Vai trò
- Giao thông vận tải là ngành dịch vụ quan trọng, là khâu không thể thiếu trong sản xuất, giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ được diễn ra liên tục.
- Giúp nhu cầu đi lại của toàn xã hội được diễn ra thuận tiện và thông suốt.
- Tạo các mối liên kết kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong quốc gia, tăng cường các mối giao lưu và hợp tác quốc tế.
- Thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, làm thay đổi phân bố sản xuất và dân cư.
- Góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có của mỗi vùng, quốc gia.
2. Đặc điểm
- Sản phẩm của ngành giao thông vận tải chính là sự chuyên chở người và hàng hoá.
- Các tiêu chí đánh giá dịch vụ vận tải gồm: Khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển và cự li vận chuyển trung bình.
- Giao thông vận tải là khâu quan trọng trong dịch vụ logistic.
- Có sự phân bố đặc thù theo mạng lưới với các tuyến và đầu mối giao thông.
II. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải
1. Vị trí địa lí
- Đây là nhân tố quy định sự có mặt của loại hình giao thông vận tải.
- Vị trí địa lí ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải.
2. Nhân tố tự nhiên
- Địa hình quy định sự có mặt và vai trò của loại hình giao thông vận tải.
- Khí hậu và thời tiết ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải.
- Các điều kiện thời tiết như mưa, bão, sương mù, băng tuyết,... sẽ cản trở hoạt động của một số phương tiện giao thông vận tải.
3. Nhân tố kinh tế - xã hội
- Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển, phân bố và hoạt động của giao thông vận tải.
- Phân bố dân cư ảnh hưởng sâu sắc tới vận tải hành khách.
- Khoa học - công nghệ ảnh hưởng đến tốc độ vận chuyển, việc hiện đại hoá và nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải, quá trình điều hành và quản lí giao thông vận tải.
- Vốn đầu tư và chính sách tác động tới sự phát triển mạng lưới và mức độ hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.
III. Tình hình phát triển và phân bố các ngành giao thông vận tải trên thế giới
Hình 34.1. Phân bố giao thông đường ô tô, đường sắt trên thế giới, năm 2020
1. Đường ô tô
- Tình hình phát triển:
+ Vận tải đường ô tô ra đời sớm, phát triển mạnh và phổ biến nhất hiện nay nhờ tính ưu việt trong việc di chuyển, tính kết nối với các loại hình vận tải khác.
+ Số lượng ô tô trên thế giới không ngừng tăng lên, trong đó tăng mạnh nhất là phương tiện ô tô thân thiện với môi trường và có độ an toàn cao.
+ Mạng lưới đường sá ngày càng phát triển, tổng chiều dài đường ô tô không ngừng tăng lên, nhất là hệ thống đường cao tốc.
- Phân bố
+ Mật độ đường ô tô tập trung nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước EU.
+ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Tây Âu là các quốc gia có tỉ lệ sở hữu và sử dụng ô tô cao nhất trên thế giới.
2. Đường sắt
- Tình hình phát triển:
+ Vận tải đường sắt ra đời sớm, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 nhờ sự phát minh đầu máy hơi nước.
+ Trên thế giới có hơn 1,37 triệu km đường sắt (năm 2020) với nhiều loại hình như đường sắt trên mặt đất, đường sắt trên cao, đường sắt dưới lòng đất,...
- Phân bố: Mạng lưới đường sắt trên thế giới tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga,…
3. Đường sông, hồ
- Tình hình phát triển: Giao thông vận tải đường sông, hồ phát triển từ rất sớm để đảm nhận vai trò vận tải người và hàng hoá trên các hệ thống sông, hồ tự nhiên.
- Phân bố: Một số hệ thống sông, hồ có khả năng giao thông lớn như sông Đa-nuýp (Danube), sông Rai-nơ (Rhein) ở châu Âu; Trường Giang, sông Mê Công,…
4. Đường biển
- Tình hình phát triển:
+ Ngành giao thông vận tải đường biển phát triển từ rất sớm và chủ yếu là vận tải ven bờ, khối lượng vận chuyển nhỏ, cự ly vận chuyển ngắn.
+ Các tàu biển có kích thước và tải trọng ngày càng lớn, công nghệ vận hành được cải tiến để tăng tốc độ, đảm bảo an toàn và chú trọng đến bảo vệ môi trường biển.
- Phân bố
+ Các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Xin-ga-po,... sở hữu đội tàu nhiều nhất thế giới.
+ Các tuyến đường biển nhộn nhịp trên thế giới hiện nay là tuyến kết nối châu Âu qua Ấn Độ Dương với châu Á - TBD; tuyến kết nối hai bên bờ Đại Tây Dương.
+ Một số cảng biển có năng lực vận tải lớn trên thế giới như Thượng Hải, Xin-ga-po, Hồng Kông, Rốt-tec-đam,...
Hình 34.2. Phân bố giao thông đường biển, đường hàng không trên thế giới, năm 2020
5. Đường hàng không
- Tình hình phát triển:
+ Hàng không là ngành giao thông vận tải non trẻ nhưng có bước phát triển thần tốc nhờ tiến bộ của khoa học - công nghệ và tính ưu việt về tốc độ di chuyển.
+ Số lượng các máy bay dân dụng trên thế giới không ngừng tăng lên với khoảng 35 000 chiếc đang hoạt động.
- Phân bố
+ Hiện nay, thế giới có hơn 15 000 sân bay dân dụng đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.
+ Các tuyến hàng không nhộn nhịp nhất là tuyến vượt Đại Tây Dương kết nối châu Âu với châu Mỹ, tuyến nối Hoa Kỳ với các nước châu Á - Thái Bình Dương.
B. Trắc Nghiệm
Câu 1. Sản phẩm của ngành giao thông vận tải là
A. biển báo hiệu giao thông.
B. sự chuyên chở hàng hóa.
C. các phương tiện giao thông.
D. các công trình giao thông.
Đáp án đúng là: B
Sản phẩm của ngành giao thông vận tải là sự chuyển chở người và hàng hóa.
Câu 2. Sự phát triển ồ ạt công nghiệp ô tô trên thế giới đã gây ra vấn đề xã hội nghiêm trọng nào sau đây?
A. Làm tai nạn giao thông không ngừng tăng.
B. Góp phần làm cạn kiệt nhanh tài nguyên.
C. Gây tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn.
D. Làm thu hẹp mạng lưới đường, nơi đỗ xe.
Đáp án đúng là: A
Sự phát triển ồ ạt công nghiệp ô tô trên thế giới đã gây ra vấn đề xã hội nghiêm trọng là làm tai nạn giao thông không ngừng tăng, số người chết vì tai nạn giao thông ngày càng gia tăng.
Câu 3. Nơi có nhiều hải cảng nhất là ở hai bên bờ của
A. Địa Trung Hải.
B. Ấn Độ Dương.
C. Đại Tây Dương.
D. Thái Bình Dương.
Đáp án đúng là: C
Nơi có nhiều hải cảng nhất là ở hai bên bờ của Đại Tây Dương.
Câu 4. Kênh Xuy-ê nối liền
A. biển Ban-tích và Biển Bắc.
B. Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
C. Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
D. Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương.
Đáp án đúng là: B
Kênh Xuy-ê nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Câu 5. Nước hoặc khu vực nào sau đây có hệ thống ống dẫn dài và dày đặc nhất thế giới?
A. Trung Quốc.
B. Trung Đông.
C. LB Nga.
D. Hoa Kì.
Đáp án đúng là: D
Hoa Kì là quốc gia có hệ thống ống dẫn dài và dày đặc nhất thế giới hiện nay. Sự phát triển của ngành vận tải đường ống gắn liền với nhu cầu vận chuyển khí đốt, dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ.
Câu 6. Đại lượng nào sau đây không dùng để đánh giá khối lượng dịch vụ của hoạt động vận tải?
A. Khối lượng vận chuyển.
B. Cự li vận chuyển trung bình.
C. Sự an toàn cho hành khách.
D. Khối lượng luân chuyển.
Đáp án đúng là: C
Các tiêu chí đánh giá dịch vụ vận tải gồm: khối lượng vận chuyển (tính bằng số khách và số tấn hàng hoá được vận chuyển), khối lượng luân chuyển (tính bằng người km hoặc tấn.km) và cự li vận chuyển trung bình (tính bằng km).
Câu 7. Mạng lưới sông ngòi dày đặc thuận lợi cho ngành giao thông đường
A. sắt.
B. biển.
C. sông.
D. ô tô.
Đáp án đúng là: C
Mạng lưới sông ngòi dày đặc thuận lợi cho ngành giao thông đường sông phát triển. Các quốc gia phát triển mạnh giao thông sông, hồ là Hoa Kì, Liên bang Nga và Ca-na-đa.
Câu 8. Chất lượng sản phẩm của giao thông vận tải không phải được đo bằng
A. an toàn cho hàng hóa.
B. sự tiện nghi cho khách.
C. tốc độ chuyên chở.
D. sự chuyên chở người.
Đáp án đúng là: D
Chất lượng của dịch vụ giao thông vận tải được đánh giá bằng tốc độ chuyên chở, sự tiện nghi, sự an toàn cho hành khách và hàng hoá.
Câu 9. Nhận định nào sau đây không đúng với giao thông vận tải?
A. Có vai trò lớn trong phân công lao động theo lãnh thổ.
B. Là ngành sản xuất vật chất, tạo ra sản phẩm hàng hóa.
C. Phục vụ mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa các vùng.
D. Đảm bảo mối liên hệ không gian, phục vụ con người.
Đáp án đúng là: B
Vai trò của ngành giao thông vận tải
- Với kinh tế, giao thông vận tải vận chuyển nguyên liệu, vật tư kĩ thuật,... đến nơi sản xuất và sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Nhờ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kết nối các ngành kinh tế.
- Với đời sống xã hội, giao thông vận tải vận chuyển hành khách, phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư, kết nối các địa phương, tăng cường khả năng an ninh quốc phòng. Đồng thời, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
- Giao thông vận tải gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, phân công lao động theo lãnh thổ,...
Câu 10. Phát biểu nào sau đây không đúng với ngành vận tải ô tô?
A. Hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt ở cự li ngắn.
B. Phối hợp được với các phương tiện khác.
C. Đáp ứng các yêu cầu vận chuyển đa dạng.
D. Sử dụng rất ít nhiên liệu khóang (dầu mỏ).
Đáp án đúng là: D
Đường ô tô có những ưu thế nổi bật là sự thuận tiện và cơ động, phù hợp với cự li vận tải trung bình và ngắn, có khả năng phối hợp hoạt động với các loại hình vận tải khác, mạng lưới ngày càng mở rộng, chất lượng và phương tiện ngày càng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Câu 11. Vai trò của giao thông vận tải đối với đời sống nhân dân là
A. tạo nên mối giao lưu kinh tế giữa các nước trên thế giới.
B. tạo các mối liên hệ kinh tế, xã hội giữa các địa phương.
C. phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài nước.
D. góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa ở vùng xa.
Đáp án đúng là: C
Với đời sống xã hội, giao thông vận tải vận chuyển hành khách, phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư, kết nối các địa phương, tăng cường khả năng an ninh quốc phòng. Đồng thời, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Câu 12. Nhân tố nào sau đây có ảnh hưởng quyết định hàng đầu đến sự phát triển và phân bố giao thông vận tải?
A. Phân bố dân cư.
B. Điều kiện tự nhiên.
C. Phát triển đô thị.
D. Các ngành sản xuất.
Đáp án đúng là: D
Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển, phân bố và hoạt động của giao thông vận tải. Các ngành kinh tế khác là khách hàng của ngành giao thông vận tải nên sự phát triển và phân bố các cơ sở kinh tế sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn loại hình, mật độ vận tải, hướng và cường độ vận chuyển. Đồng thời, các ngành kinh tế khác trang bị cơ sở vật chất - kĩ thuật cho ngành giao thông vận tải.
Câu 13. Hoạt động vận tải đường hàng không bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nhân tố nào sau đây?
A. Nguồn nước, tài nguyên đất.
B. Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ.
C. Tài nguyên sinh vật, biển.
D. Đặc điểm thời tiết, khí hậu.
Đáp án đúng là: D
Khí hậu thời tiết ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động các phương tiện vận tải hàng không. Bởi phạm vi hoạt động của máy bay là trên bầu trời nên các hiện tượng thời tiết mây mưa sấm chớp, sương mù có ảnh hưởng trực tiếp. Ví dụ: Các sân bay nhiều khi phải ngừng hoạt động do sương mù.
Câu 14. Đối với giao thông vận tải, các ngành kinh tế vừa
A. yêu cầu về khối lượng vận tải, vừa xây dựng đường sá.
B. khách hàng, vừa trang bị cơ sở vật chất kĩ thuật vận tải.
C. khách hàng về cự li, vừa trang bị các loại phương tiện.
D. yêu cầu về tốc độ vận chuyển, vừa xây dựng cầu cống.
Đáp án đúng là: B
Các ngành kinh tế khác là khách hàng của ngành giao thông vận tải nên sự phát triển và phân bố các cơ sở kinh tế sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn loại hình, mật độ vận tải, hướng và cường độ vận chuyển. Đồng thời, các ngành kinh tế khác trang bị cơ sở vật chất - kĩ thuật cho ngành giao thông vận tải.
Câu 15. Ưu điểm của ngành vận tải đường hàng không là
A. rẻ, thích hợp với hàng nặng, cồng kềnh; không yêu cầu chuyển nhanh.
B. vận tải được hàng nặng trên đường xa với tốc độ nhanh, ổn định, giá rẻ.
C. tiện lợi, cơ động và có khả năng thích nghi với các điều kiện địa hình.
D. trẻ, tốc độ cao, đóng vai trò đặc biệt trong vận tải hành khách quốc tế.
Đáp án đúng là: D
Vận tải đường hàng không tiết kiệm được thời gian đi lại, gắn kết các vùng xa xôi, tăng cường hội nhập và có vai trò đối với an ninh quốc phòng. So với các loại hình vận tải khác, ngành hàng không có tốc độ vận tải cao, thời gian vận chuyển ngắn, ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, tuy nhiên, cước phí vận tải đắt, trọng lượng vận tải thấp.
Xem thêm các bài Lý thuyết Địa lí 10 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 35: Địa lí ngành bưu chính viễn thông
Lý thuyết Bài 36: Địa lí ngành thương mại
Lý thuyết Bài 37: Địa lí ngành du lịch và tài chính-ngân hàng