Vi khuẩn lậu có các protein trên bề mặt giúp chúng bám vào các tế bào ở cổ tử cung hoặc niệu đạo. Sau đó, chúng sẽ xâm nhập vào các tế bào và lây lan, gây tổn thương cho tế bào, mô. Hơn nữa, việc chui vào trong các tế bào giúp cho vi khuẩn né tránh được sự phát hiện và tiêu diệt của hệ thống bảo vệ của cơ thể.
Trong quá trình sinh, bệnh lậu có thể truyền từ mẹ sang con và gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho em bé. Vì vậy điều quan trọng là bạn phải chẩn đoán và điều trị bệnh lậu trước sinh.
Bệnh lậu có phổ biến không?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh lậu thường gặp ở nam nhiều hơn so với nữ. Ở phụ nữ, tình trạng nhiễm lậu thường gặp ở cổ tử cung, nhưng vi khuẩn cũng có thể được tìm thấy trong niệu đạo, âm đạo, trực tràng và cổ họng.
Bệnh lậu là bệnh phổ biến đứng thứ hai ở Hoa Kỳ. Trong năm 2014, có khoảng 350.000 trường hợp mắc bệnh lậu được báo cáo. Điều này có nghĩa là có khoảng 110 trường hợp mắc bệnh trên 100.000 người. Thống kê này thấp hơn vào năm 2009 khi có khoảng 98 trường hợp được báo cáo trên 100.000 người.
Số liệu thống kê thực tế về bệnh lậu có thể khó xác định vì một số trường hợp có thể không được báo cáo. Có những người bị nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng. Ngoài ra, một số người có triệu chứng nhưng có thể không đi khám bác sĩ.
Nhìn chung, tỷ lệ mắc bệnh lậu ở Hoa Kỳ đã giảm đáng kể từ năm 1975. Điều này phần lớn là do mọi người thay đổi hành vi vì sợ lây nhiễm HIV. Ngày nay việc tầm soát và xét nghiệm bệnh lậu cũng tốt hơn.
Ai có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn?
Các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh lậu bao gồm:
- Trong độ tuổi từ 15-24
- Có bạn tình mới
- Có nhiều bạn tình
- Đã được chẩn đoán là mắc bệnh lậu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STDs) trước đó
Nhiều phụ nữ mắc bệnh lậu không biểu hiện triệu chứng. Vì lý do này, CDC khuyến nghị xét nghiệm thường xuyên đối với những phụ nữ có nguy cơ cao, ngay cả khi họ không có triệu chứng.
Triệu chứng và biến chứng của bệnh lậu là gì?
Các triệu chứng mà một số phụ nữ có thể gặp phải bao gồm:
- Tiết dịch nhầy màu vàng và mủ từ âm đạo
- Tiểu đau
- Kinh nguyệt bất thường
- Đau và sưng trực tràng có thể xảy ra nếu nhiễm trùng lan đến đó.
Vì rất nhiều phụ nữ không biểu hiện triệu chứng nên bệnh thường không được điều trị. Điều này có thể làm cho tình trạng nhiễm trùng lây lan từ cổ tử cung vào sâu bên trong và lây nhiễm sang tử cung. Nhiễm trùng cũng có thể lây lan đến vòi trứng gây viêm vòi trứng còn được gọi là bệnh viêm vùng chậu (PID).
Phụ nữ bị PID do bệnh lậu thường bị sốt, đau bụng vùng chậu. Ngoài ra, vi khuẩn có thể gây tổn thương vòi trứng, gây vô sinh, mang thai ngoài tử cung và đau vùng chậu mạn tính.
Nếu bệnh lậu không được điều trị, nguy cơ xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng lậu cầu lan tỏa (DGI). Bệnh thường xảy ra từ bảy đến mười ngày sau khi bắt đầu hành kinh.
DGI có biểu hiện sốt, ớn lạnh và các triệu chứng khác. Vi khuẩn lậu cầu cũng có thể xâm nhập vào các khớp và gây viêm khớp gối, mắt cá chân, bàn chân, cổ tay và bàn tay.
Ngoài ra, tổn thương da và gây phát ban ở bàn tay, cổ tay, khuỷu tay và mắt cá chân có thể gặp. Phát ban bắt đầu là những nốt nhỏ, phẳng, màu đỏ, sau đó tiến triển thành bọng mủ.
Trong một số hiếm các trường hợp xảy ra tình trạng viêm não hoặc tủy sống, nhiễm trùng van tim hoặc viêm gan.
Ngoài ra, bệnh lậu làm cho việc lây nhiễm HIV dễ dàng hơn. Điều này là do vi khuẩn lậu làm viêm các mô cơ quan và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Điều lo ngại ở phụ nữ mang thai là gì?
Hầu hết phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu không biểu hiện triệu chứng, vì vậy họ có thể không biết mình có bị nhiễm bệnh hay không. Thực tế, phụ nữ mang thai có khả năng bảo vệ nhất định chống lại vi khuẩn. Ví dụ, các mô của thai nhi có thể giúp bảo vệ tử cung và vòi trứng khỏi bị nhiễm trùng.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu có nguy cơ truyền bệnh cho con khi sinh qua đường âm đạo do em bé tiếp xúc với dịch tiết sinh dục của mẹ. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh thường xuất hiện từ hai đến năm ngày sau khi sinh.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh có thể bị nhiễm trùng da đầu, nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm niệu đạo hoặc viêm âm đạo và nhiễm trùng mắt nghiêm trọng.
Bệnh cảnh toàn thân cũng là vấn đề đáng lo ngại ở trẻ sơ sinh. Cũng như ở người lớn, khi vi khuẩn lây lan khắp cơ thể, nó có thể cư trú ở một hoặc nhiều khớp, gây viêm khớp hoặc viêm các mô não hoặc tủy sống
Nhiễm trùng mắt ở trẻ sơ sinh hiếm khi do bệnh lậu. Tuy nhiên, nếu thực sự do bệnh lậu gây ra thì bệnh có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.
Tuy nhiên, mù do nhiễm lậu ở mắt ngăn ngừa được bằng cách thường xuyên tra thuốc mỡ mắt erythromycin. Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng ở trẻ dưới 28 ngày tuổi là khám sàng lọc và điều trị cho bà mẹ trước khi chuyển dạ.
Điều trị và phòng bệnh lậu
Việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh lậu là rất quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan. Nếu bạn tình bị nhiễm bệnh, bạn nên được kiểm tra và điều trị.
Quan hệ tình dục an toàn và sử dụng bao cao su sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm bệnh lậu hoặc các bệnh STD khác. Bạn có thể yêu cầu bạn tình của mình đi xét nghiệm và đảm bảo tránh quan hệ tình dục với người có các triệu chứng bất thường.
Lây truyền bệnh lậu cho trẻ sơ sinh có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Điều quan trọng cần nhớ là bệnh thường không có triệu chứng. Rất may mắn, thuốc kháng sinh có thể chữa khỏi hầu hết các trường hợp bệnh lậu.
Kiểm tra thường xuyên khi bạn phát hiện ra mình có thai để có thể làm giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ. Nói chuyện với bác sĩ về việc khám sàng lọc và bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào bạn mắc phải.
Xem thêm: