Hưng cảm là gì? Điều trị có khó không?

Hưng cảm là tình trạng hứng khởi cao bất thường hoặc dễ bị kích thích, cáu kỉnh, khuấy động và/hoặc đầy năng lựợng. Trạng thái hứng khởi này phải là một sự thay đổi so với con người bình thường trước đây và được người khác chú ý. Các triệu chứng bao gồm cảm giác bất khả chiến bại, thiếu ngủ, suy nghĩ và ý tưởng thay đổi liên tục, nói nhanh và có niềm tin hoặc nhận thức sai lầm.

Tổng quan hưng cảm

Hưng cảm là gì?

Hưng cảm là một tình trạng năng lượng tăng cao bất thường, thay đổi cực độ trong tâm trạng hoặc cảm xúc, mức năng lượng hoặc mức độ hoạt động tăng. Mức độ hoạt động thể chất, tinh thần và hành vi tràn đầy năng lượng này phải là một sự thay đổi so với con người bình thường trước đây và được người khác chú ý.

Hành vi như thế nào thì được coi là "bất thường”?

Hành vi hưng cảm bất thường là hành vi nổi bật. Đó là hành vi vượt quá giới hạn mà người khác có thể nhận thấy. Hành vi có thể phản ánh mức độ hạnh phúc hoặc khó chịu tột độ. Ví dụ, bạn có thể vô cùng hào hứng với ý tưởng về một quán ăn nhanh mới. Bạn tin rằng quán ăn nhanh này có thể khiến bạn trở thành triệu phú ngay lập tức nhưng bạn chưa từng nấu một bữa ăn nào trong đời, không biết gì về cách lập kế hoạch kinh doanh và không có tiền để bắt đầu kinh doanh. Một ví dụ khác có thể là bạn hoàn toàn không đồng ý với một trang web về “người có ảnh hưởng” và bạn không chỉ viết một bài đăng 2.000 từ mà còn thực hiện một cuộc tìm kiếm toàn diện để tìm tất cả các trang web được kết nối với người có ảnh hưởng để bạn đăng bức thư của mình lên đó.

Mặc dù những ví dụ này nghe có vẻ là hành vi bình thường, nhưng một người mắc chứng hưng cảm sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và năng lượng, bao gồm cả nhiều đêm mất ngủ để làm việc cho những dự án như thế này.

Giai đoạn hưng cảm là gì?

Giai đoạn hưng cảm là khoảng thời gian bạn gặp một hoặc nhiều triệu chứng hưng cảm và đáp ứng các tiêu chí cho giai đoạn hưng cảm (xem phần “triệu chứng” và “chẩn đoán”). Trong một số trường hợp, bạn có thể phải nhập viện.

Hưng cảm thuộc loại rối loạn tâm thần nào?

Về mặt lý thuyết, nếu bạn có một giai đoạn hưng cảm, tức là bạn mắc bệnh lý sức khỏe tâm thần. Hưng cảm có thể là một phần của một số rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm:

  • Rối loạn lưỡng cực I (tình trạng phổ biến nhất để xảy ra hưng cảm).
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa.
  • Rối loạn tâm thần sau sinh.
  • Rối loạn tâm thần phân liệt.
  • Rối loạn lưỡng cực chu kỳ.

Rối loạn lưỡng cực I là gì?

Rối loạn lưỡng cực I là một bệnh lý về sức khỏe tâm thần, trong đó người bệnh có những thay đổi cao và thấp về tâm trạng, hoạt động, năng lượng và khả năng suy nghĩ rõ ràng. Để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực I, người bệnh phải có ít nhất một giai đoạn hưng cảm kéo dài ít nhất 7 ngày hoặc có một giai đoạn nghiêm trọng đến mức phải nhập viện.

Hầu hết người bệnh đều có cả hai giai đoạn hưng cảm và trầm cảm, nhưng họ không cần phải có giai đoạn trầm cảm mới được chẩn đoán mắc hưng cảm. Nhiều người được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực I có các giai đoạn hưng cảm lặp đi lặp lại và rất ít giai đoạn trầm cảm.

Các yếu tố khởi phát các giai đoạn hưng cảm là gì?

Yếu tố kích hoạt giai đoạn hưng cảm của mỗi người bệnh là khác nhau. Họ sẽ phải theo dõi tâm trạng của mình (thậm chí ghi “nhật ký tâm trạng”) và bắt đầu theo dõi tâm trạng trước và trong khi hưng cảm xảy ra. Hãy nhờ gia đình và bạn bè thân thiết, những người mà bạn tin tưởng và có liên hệ chặt chẽ để giúp xác định các yếu tố kích hoạt. Là những người quan sát bên ngoài, họ có thể nhận thấy những thay đổi so với hành vi thông thường dễ dàng hơn.

Biết được các yếu tố kích hoạt có thể giúp người bệnh chuẩn bị cho một giai đoạn hưng cảm mới, giảm bớt ảnh hưởng của nó hoặc ngăn nó xảy ra.

Các yếu tố kích hoạt phổ biến cần lưu ý bao gồm:

  • Một tình huống hoặc môi trường có tính kích thích cao (ví dụ: nhiều tiếng ồn, đèn sáng hoặc đám đông lớn).
  • Một thay đổi lớn trong cuộc sống (chẳng hạn như ly hôn, kết hôn hoặc mất việc làm).
  • Thiếu ngủ.
  • Sử dụng chất kích thích, chẳng hạn như ma túy hoặc rượu để tiêu khiển.

Điều gì xảy ra sau một giai đoạn hưng cảm?

Sau một giai đoạn hưng cảm, người bệnh có thể:

  • Cảm thấy hạnh phúc hoặc xấu hổ về hành vi của mình.
  • Cảm thấy choáng ngợp bởi tất cả các hoạt động họ đã đồng ý thực hiện.
  • Chỉ có một vài ký ức không rõ ràng về những gì đã xảy ra trong giai đoạn hưng cảm.
  • Cảm thấy rất mệt mỏi và cần ngủ.
  • Cảm thấy chán nản (nếu cơn hưng cảm là một phần của rối loạn lưỡng cực).

Triệu chứng và nguyên nhân hưng cảm 

Các triệu chứng của hưng cảm là gì?

Các triệu chứng của giai đoạn hưng cảm

  • Có mức độ hoạt động hoặc năng lượng cao bất thường.
  • Cảm thấy cực kỳ hạnh phúc hoặc phấn khích - thậm chí là hưng phấn.
  • Không ngủ hoặc chỉ ngủ được vài giờ nhưng vẫn cảm thấy nghỉ ngơi đủ.
  • Có lòng tự trọng tăng cao, nghĩ rằng bạn là bất khả chiến bại.
  • Nói nhiều hơn bình thường. Nói nhiều và nhanh đến nỗi người khác không thể chen vào.
  • Có suy nghĩ thay đổi liên tục - có nhiều suy nghĩ về nhiều chủ đề cùng một lúc.
  • Dễ bị phân tâm bởi những việc không quan trọng hoặc không liên quan.
  • Bị ám ảnh và hoàn toàn bị cuốn hút vào một hoạt động.
  • Thực hiện các chuyển động không có mục đích, chẳng hạn như đi lại xung quanh nhà hoặc bồn chồn khi đang ngồi.
  • Thể hiện hành vi bốc đồng có thể dẫn đến những lựa chọn sai lầm, chẳng hạn như mua sắm điên cuồng, quan hệ tình dục liều lĩnh hoặc đầu tư kinh doanh dại dột.

Các triệu chứng loạn thần của giai đoạn hưng cảm

  • Ảo tưởng. Ảo tưởng là những niềm tin hoặc ý tưởng sai lầm. Ví dụ là người bệnh nghĩ rằng tất cả mọi người họ nhìn thấy đều đang làm theo họ.
  • Ảo giác. Có ảo giác nghĩa là họ nhìn, nghe, nếm, ngửi hoặc cảm nhận những thứ không thực sự ở đó. Ví dụ là người bệnh nghe thấy giọng nói của ai đó và nói chuyện với họ khi họ không thực sự ở đó.

Giai đoạn hưng cảm kéo dài bao lâu?

Các dấu hiệu ban đầu (được gọi là “triệu chứng báo trước”) có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng. Nếu không được điều trị, các đợt hưng cảm liên quan đến rối loạn lưỡng cực có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Khi được điều trị hiệu quả, giai đoạn hưng cảm thường cải thiện trong khoảng 3 tháng.

Nguyên nhân nào gây ra chứng hưng cảm?

Các nhà khoa học không chắc chắn nguyên nhân của chứng hưng cảm. Tuy nhiên, có một số yếu tố được cho là góp phần gây ra nó. Nguyên nhân sẽ khác nhau ở mỗi người.

Nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Tiền sử gia đình. Nếu có một thành viên trong gia đình bị bệnh rối loạn lưỡng cực, bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc chứng hưng cảm hơn. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn xảy ra. Bạn có thể không bao giờ phát triển chứng hưng cảm ngay cả khi các thành viên khác trong gia đình bị.
  • Sự mất cân bằng hóa học trong não.
  • Tác dụng phụ của thuốc (chẳng hạn như một số thuốc chống trầm cảm), rượu hoặc thuốc kích thích.
  • Một thay đổi quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như ly hôn, chuyển nhà hoặc cái chết của một người thân yêu.
  • Các tình huống khó khăn trong cuộc sống, chẳng hạn như chấn thương hoặc lạm dụng, hoặc các vấn đề về nhà ở, tiền bạc hoặc sự cô đơn.
  • Mức độ căng thẳng cao và không có khả năng kiểm soát nó.
  • Thiếu ngủ hoặc thay đổi giấc ngủ.
  • Là tác dụng phụ của các vấn đề sức khỏe tâm thần bao gồm rối loạn cảm xúc theo mùa, rối loạn tâm thần sau sinh, rối loạn tâm thần phân liệt hoặc các tình trạng thể chất hoặc thần kinh khác như chấn thương não, khối u não, đột quỵ, sa sút trí tuệ , lupus hoặc viêm não.

Chẩn đoán và xét nghiệm hưng cảm 

Chứng hưng cảm được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, đơn thuốc hiện tại và thuốc không kê đơn và bất kỳ sản phẩm thảo dược hoặc chất bổ sung nào người bệnh dùng. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu và chụp chiếu phim để loại trừ các tình trạng khác có thể giống như chứng hưng cảm. Một trong những nguyên nhân như vậy là cường giáp. Nếu các bệnh và tình trạng khác được loại trừ, bác sĩ có thể giới thiệu người bệnh đến một bác sĩ tâm thần

Để được chẩn đoán mắc chứng hưng cảm, bác sĩ tâm thần của bạn có thể tuân theo các tiêu chí của Sổ tay thống kê và chẩn đoán rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5). Tiêu chí cho giai đoạn hưng cảm là:

  • Người bệnh có biểu hiện cảm xúc tăng cao bất thường, kéo dài cùng với mức năng lượng và hoạt động cao kéo dài ít nhất 1 tuần và xuất hiện hầu hết các ngày, gần như mỗi ngày.
  • Người bệnh có 3 triệu chứng trở lên ở mức độ đáng chú ý so với hành vi thông thường (4 triệu chứng nếu tâm trạng chỉ dễ cáu kỉnh). (Xem phần triệu chứng của bài viết này để biết danh sách các triệu chứng được sử dụng làm tiêu chí.)
  • Rối loạn tâm trạng đủ nghiêm trọng để gây tổn hại đáng kể đến hoạt động xã hội, công việc hoặc việc học của người bệnh hoặc cần phải nhập viện để ngăn làm hại bản thân hoặc người khác hoặc người bệnh có các biểu hiện loạn thần, chẳng hạn như ảo giác hoặc ảo tưởng.
  • Giai đoạn hưng cảm không do tác động của một chất nào đó (thuốc hoặc lạm dụng thuốc) hoặc một tình trạng bệnh lý khác.

Điều trị hưng cảm 

Chứng hưng cảm được điều trị như thế nào?

Hưng cảm được điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý, kiểm soát bản thân và sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè.

Thuốc men

Nếu người bệnh chỉ bị hưng cảm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như ariprazole (Abilify®), lurasidone (Latuda®), olanzapine (Zyprexa®), quetiapine (Seroquel®) hoặc risperridone (Risperdal®).

Nếu họ bị hưng cảm như một phần của rối loạn tâm thần, bác sĩ có thể thêm thuốc ổn định tâm thần như lithium, valproate (Depakote®) và carbamazepine (Tegretol®). (Nếu người bệnh đang mang thai hoặc dự định có thai, hãy cho bác sĩ biết. Valproate có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và khuyết tật trí tuệ và không nên được kê đơn cho những người có thể mang thai.)

Đôi khi thuốc chống trầm cảm cũng được kê đơn.

Liệu pháp tâm lý

  • Tâm lý trị liệu bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhau. Trong quá trình trị liệu tâm lý, người bệnh sẽ nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần - người sẽ giúp xác định và giải quyết các yếu tố có thể kích hoạt chứng hưng cảm và / hoặc trầm cảm của người bệnh (nếu họ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực I).
  • Liệu pháp nhận thức hành vi có thể hữu ích trong việc giúp người bệnh thay đổi những nhận thức không chính xác mà họ có về bản thân và thế giới xung quanh.
  • Liệu pháp gia đình rất quan trọng vì nó rất hữu ích để các thành viên trong gia đình hiểu được hành vi của người bệnh và những gì họ có thể làm để giúp đỡ.

Các phương pháp điều trị khác

Liệu pháp co giật điện (Electroconvulsant therapy - ECT) có thể được xem xét trong một số trường hợp hiếm hoi ở những người bị hưng cảm hoặc trầm cảm nặng (nếu thuộc rối loạn lưỡng cực). ECT liên quan đến việc sử dụng các dòng điện ngắn tác động vào não của người bệnh.

Phòng ngừa hưng cảm 

Làm gì để đối phó hoặc kiểm soát cơn hưng cảm tốt hơn?

Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn được các giai đoạn hưng cảm, nhưng người bệnh có thể lập kế hoạch để kiểm soát các triệu chứng của mình tốt hơn và ngăn chúng trở nên tồi tệ hơn khi họ cảm thấy giai đoạn hưng cảm có thể bắt đầu.

Một số cách thực hiện bao gồm:

  • Tránh các hoạt động và môi trường có tính kích thích - chẳng hạn như những nơi ồn ào, náo nhiệt hoặc những nơi sáng sủa. Thay vào đó hãy chọn những hoạt động và môi trường yên tĩnh và thư giãn.
  • Hãy tuân thủ các thói quen. Đi ngủ vào giờ đã định, ngay cả khi không thấy mệt. Ngoài ra, hãy tuân thủ thời gian ăn uống, uống thuốc và tập thể dục giống nhau.
  • Hạn chế số lần giao tiếp xã hội để giúp người bệnh không bị kích thích và phấn khích quá mức.
  • Trì hoãn việc đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào trong đời và các giao dịch mua bán lớn.
  • Tránh những người và tình huống có thể cám dỗ đưa ra những lựa chọn sai lầm hoặc rủi ro, chẳng hạn như dùng thuốc kích thích hoặc uống rượu.
  • Cân nhắc chọn ai đó để quản lý tài chính trong giai đoạn hưng cảm.

TIÊN LƯỢNG

Nếu cơn hưng cảm có liên quan đến chẩn đoán rối loạn lưỡng cực I, thì đây là căn bệnh kéo dài suốt đời. Mặc dù không có cách chữa trị chứng hưng cảm, nhưng thuốc và liệu pháp tâm lý có thể kiểm soát tình trạng trong hầu hết các trường hợp.

Các câu hỏi thường gặp 

Cơn hưng cảm cấp tính là gì?

Cơn hưng cảm cấp tính là giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực I. Nó được định nghĩa là tâm trạng hưng phấn hoặc cáu kỉnh cực kỳ không ổn định cùng với hoạt động hoặc mức năng lượng quá mức, suy nghĩ và nói quá nhanh, hành vi liều lĩnh và cảm giác bất khả chiến bại.

Chứng hưng cảm đơn cực là gì?

Chứng hưng cảm đơn cực là một rối loạn trong đó chỉ thấy hưng phấn, hoạt động quá mức hoặc mức năng lượng và các triệu chứng hưng phấn. Đây là tình trạng hiếm.

Sự khác biệt giữa hưng cảm (mania) và hưng cảm nhẹ (hypomania) là gì?

Hưng cảm nhẹ (hypomania) là một dạng hưng cảm ít nghiêm trọng hơn. Các tiêu chí mà các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán chứng hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ là điều khiến chúng trở nên khác biệt. Sự khác biệt giữa hai tình trạng này như sau:


ManiaHypomania



Giai đoạn kéo dài bao lâu.Ít nhất 1 tuần.Ít nhất 4 ngày liên tục.
Mức độ nghiêm trọng Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xã hội hoặc công việc / trường học.Không đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xã hội hoặc công việc / trường học.
Cần nhập viện.Có khả năng.Không.
Có các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng hoặc ảo giác).Là một trong những triệu chứng có thể xảy ra.Không có.


Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!