Video Di chứng hậu Covid-19, nhiều trẻ không thể tập trung học
Các chuyên gia đang tìm hiểu vì sao các trường hợp COVID-19 có vẻ nhẹ đã chuyển thành các trường hợp COVID-19 kéo dài.
- Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng cứ 4 người thì có 1 người mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài. Nhưng nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
- Các chuyên gia cũng đang tìm hiểu COVID-19 ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên trong thời gian dài như thế nào.
- Các triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể xuất hiện vài tuần sau lần nhiễm trùng đầu tiên, ngay cả khi các triệu chứng ban đầu nhẹ hoặc không có triệu chứng. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo thời gian.
Đặc biệt, sự chú ý đã chuyển sang những người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.
Trong khi hầu hết những người bị COVID-19 nặng là người lớn, các chuyên gia đang tìm hiểu làm thế nào các trường hợp mắc COVID-19 nhẹ đã chuyển thành các trường hợp nghiêm trọng do hội chứng COVID-19 kéo dài.
Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng cứ 4 người thì có 1 người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Nhưng nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.
Hội chứng “COVID kéo dài” là gì?
Hội chứng COVID-19 kéo dài có thể liên quan đến nhiều triệu chứng, một số triệu chứng bao gồm:
- Mệt mỏi
- Khó tập trung
- Khó thở
- Đau cơ
- Buồn phiền
- Lo lắng
Các triệu chứng có thể xuất hiện vài tuần sau khi nhiễm virus, ngay cả khi các triệu chứng ban đầu nhẹ hoặc không có triệu chứng. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo thời gian.
Mặc dù phần lớn sự chú ý xung quanh hội chứng COVID-19 kéo dài tập trung vào người lớn, nhưng nghiên cứu ban đầu cho thấy nó cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong những trường hợp này, nhiều trường hợp ban đầu trẻ có vẻ nhẹ, sau đó dẫn đến COVID-19 kéo dài, có thể gây suy nhược.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang đi tìm nguyên nhân gây ra hội chứng COVID-19 kéo dài và xác định các phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Câu chuyện của một gia đình
Đối với một gia đình, ảnh hưởng của đại dịch sẽ không sớm kết thúc, ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh ở Hoa Kỳ đang giảm.
Vào tháng 3 năm 2020, Molly Burch 16 tuổi lần đầu tiên xuất hiện các triệu chứng của COVID-19.
“Con bé bắt đầu bị ho nhẹ vào ngày 8 tháng 3, sau đó đến ngày 9 tháng 3, cơn ho đó ngày càng nặng hơn và con bé bị sốt” - Ann Wallace, mẹ của Molly nói với Healthline.
Trong 3 tuần tiếp theo, các triệu chứng của Molly trở nên tồi tệ hơn.
Sau khi nhiễm virus ban đầu, một số triệu chứng của cô ấy vẫn tiếp diễn, và vài tháng sau, các triệu chứng mới xuất hiện.
Wallace cho biết: “Tôi nghĩ rằng cô ấy đã khá hơn, nhưng vào tháng 8, các triệu chứng của cô ấy xuất hiện trở lại với một cơn khó thở mới. Tôi nhớ vì hôm đó là sinh nhật của cô ấy. Cô ấy thấy khó thở và điều đó vô cùng đáng báo động ”.
Căn bệnh cấp tính của Molly có thể đã thuyên giảm, nhưng cô bé không bao giờ hồi phục hoàn toàn.
Bước lên cầu thang khiến Molly hụt hơi. Một ngày ở trường khiến cô kiệt sức.
Các triệu chứng của cô ấy phù hợp với hội chứng COVID-19 kéo dài - trong đó các triệu chứng kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau lần đầu tiên nhiễm vi-rút gây ra COVID-19.
Wallace nói: “Tôi cảm thấy như tình trạng của cô ấy trong tuần qua tốt hơn so với tuần trước. Nhưng bạn không bao giờ biết trước điều gì với hội chứng COVID kéo dài. Bạn có thể nghĩ rằng bạn đang dần hồi phục nhưng sau đó lại bất ngờ bị đánh gục. "
Xét nghiệm
Một trong những thách thức trong việc chẩn đoán COVID-19 kéo dài là nhiều người đã nhiễm vi-rút nhưng chưa được xét nghiệm. Hoặc có thể được xét nghiệm ra chỉ sau khi đã khỏi bệnh.
Các xét nghiệm rất hạn chế khi Molly mắc bệnh vào tháng 3 năm 2020. Bác sĩ cho rằng cô mắc bệnh COVID-19 dựa trên các triệu chứng nhưng cô không đáp ứng đủ các tiêu chí kết quả xét nghiệm được áp dụng khi đó ở bang New Jersey, quê hương của cô.
“Molly không di chuyển đến vùng khác. Cô ấy cũng không tiếp xúc với bất kỳ trường hợp mắc COVID nào đã công bố. Và cô ấy bị sốt và ho nhưng không khó thở. ” - Wallace nhớ lại.
Hơn một tuần sau khi Molly bị bệnh, Wallace cũng xuất hiện các triệu chứng của COVID-19.
Cả hai người cuối cùng đã được xét nghiệm vào ngày 22 tháng 3: Kết quả của Wallace là dương tính, nhưng Molly là âm tính.
Điều đó không có nghĩa là Molly không mắc COVID-19. Vào thời điểm cô ấy đi xét nghiệm, cô ấy đã mắc bệnh vài tuần - ở thời điểm mà thường không còn phát hiện được virus nữa.
Wallace nói: “Nơi chúng tôi xét nghiệm thông báo là kết quả của Molly có vẻ dương tính. Ban đầu bác sĩ đã nghĩ đó là COVID và kết quả xét nghiệm dương tính của tôi đã thêm sự tin cậy về điều đó."
Tìm kiếm phương pháp điều trị
Giống như bản thân COVID-19, hội chứng COVID-19 kéo dài là một tình trạng mới với nhiều ẩn số. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho các bác sĩ và cả những bệnh nhân, bao gồm Molly và Wallace.
“Chúng tôi gặp khó khăn trong việc chăm sóc những người mắc hội chứng COVID dài”.
Trong năm qua, nhiều phòng khám chuyên khoa đã được mở ra trên toàn quốc để hỗ trợ cho những người đang phục hồi sau mắc COVID-19.
Phòng khám Norton theo dõi bệnh nhi mắc COVID-19 ở Louisville, Kentucky tập trung vào điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Tiến sĩ Daniel B. Blatt - bác sĩ truyền nhiễm nhi khoa cho biết: “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy ở nhiều trẻ em có các triệu chứng COVID kéo dài và không có nhiều dữ liệu hoặc nguồn lực để giúp những trẻ em này. Vì vậy, chúng tôi quyết định thành lập phòng khám để không chỉ điều trị cho những đứa trẻ này mà còn nghiên cứu thêm về hội chứng COVID-19 kéo dài”.
Chẩn đoán và xử trí hội chứng “COVID kéo dài”
Trước khi Blatt đưa ra chẩn đoán về hội chứng COVID-19 kéo dài cho một đứa trẻ, anh ấy sẽ xem xét các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các triệu chứng kéo dài.
COVID-19 kéo dài gây ra các triệu chứng chung, có nghĩa là chúng tương tự như các triệu chứng của các bệnh lý khác. Ví dụ, mệt mỏi và khó thở có thể do nhiều bệnh nhiễm trùng gây ra.
Blatt cho biết: “Chúng tôi phải phân biệt xem đó là hội chứng COVID-19 kéo dài hay một bệnh nhiễm trùng khác. Sau đó, chúng tôi sẽ theo dõi bệnh nhân tại phòng khám hoặc sẽ giới thiệu họ đến các bác sĩ chuyên khoa khác tùy thuộc vào triệu chứng của họ.”
Ví dụ: Blatt có thể giới thiệu đứa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa phổi hoặc bác sĩ tim mạch nếu chúng khó thở.
Anh ấy có thể giới thiệu họ đến một nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần nếu họ đang trải qua sự lo lắng hoặc trầm cảm.
Bác sĩ của Molly gần đây đã yêu cầu chụp X-quang ngực và giới thiệu cô ấy đến bác sĩ tim mạch.
Hỗ trợ tinh thần
Để giúp trẻ em và gia đình đối phó với hội chứng COVID-19 kéo dài, Blatt nói rằng một trong những điều quan trọng nhất mà chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể cung cấp là hỗ trợ tinh thần và trấn an họ.
Blatt cho biết: “Hầu hết tất cả những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài mà chúng tôi điều trị đều tiến triển tốt hơn theo thời gian. Thật đáng sợ và khó chịu khi mắc các triệu chứng kéo dài, nhưng sự yên tâm rằng sẽ khỏi bệnh sẽ giúp họ giải tỏa rất nhiều lo lắng”.
Hỗ trợ tinh thần cũng là một khía cạnh chính của dịch vụ chăm sóc mà Noah Greenspan, DPT, CCS, EMT-B, cung cấp cho bệnh nhân tại Trung tâm Phục hồi và Vật lý trị liệu do COVID-19 tại H&D ở Manhattan, New York. Greenspan là một chuyên gia phục hồi chức năng tim phổi và vật lý trị liệu, đồng thời là người sáng lập Quỹ Vì Sức khỏe Phổi.
Greenspan nói với Healthline: “COVID-19 là một đại dịch toàn cầu. Tình hình không ngừng phát triển và các khuyến nghị thay đổi liên tục. Thêm vào đó là sự cách ly và không đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm. Đó là một khoảng thời gian thực sự thách thức ”.
Greenspan đã điều trị các triệu chứng dai dẳng của Wallace sau COVID-19 đồng thời hỗ trợ cô ấy trong việc chăm sóc sức khỏe con gái mình.
“Một điều mà Noah đã hỗ trợ là cập nhật thông tin về việc gia đình và sức khỏe của con gái tôi bị ảnh hưởng như thế nào và giúp con bé khỏe hơn cũng chính là giúp tôi” - Wallace nói.
Phát triển như một cộng đồng
Trẻ em mắc COVID-19 kéo dài cũng cần được hỗ trợ từ các thành viên khác trong cộng đồng, bao gồm cả nhà trường.
Wallace nói: “Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo trường học cần quan tâm đến những đứa trẻ đã từng mắc COVID để chúng không bị áp lực quá nhiều.”
Trường học của Molly gần đây đã áp dụng phương pháp học tập kết hợp, có nghĩa là cô ấy có các lớp học trực tiếp 2 ngày một tuần và các lớp học trực tuyến vào thời gian còn lại. Tuy nhiên, đây vẫn là điều khó khăn với Molly.
“Vài tuần liên tiếp, con bé đến trường vào thứ Tư và sau đó không thể rời khỏi giường vào thứ Năm,” Wallace nói.
Ngay cả khi Molly tham dự các lớp học trực tuyến tại nhà, việc này đòi hỏi nhiều năng lượng trong khi thể trạng của cô ấy rất yếu.
Wallace nói: “Chúng tôi cần các đều kiện hỗ trợ, ngay cả khi bọn trẻ học ở nhà.”
Các bước để ngăn chặn “COVID kéo dài”
Wallace muốn mọi người lưu ý đến hậu quả của COVID-19 đối với trẻ em hơn, bao gồm cả nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Tình trạng này có thể ảnh hưởng trên phạm vi rộng đối với sức khỏe và tinh thần của trẻ.
Wallace nói: “Trong cuộc đời của một đứa trẻ, bị bệnh trong một năm là một vấn đề rất lớn. Hãy nghĩ về tất cả các cột mốc phát triển thể chất và xã hội mà trẻ phải trải qua trong suốt một năm.”
Blatt nói với Healthline rằng cách duy nhất để tránh bị mắc hội chứng COVID-19 kéo dài là làm tất cả những gì bạn có thể để tránh bị nhiễm COVID-19 ngay từ đầu. Và cách tốt nhất để không bị nhiễm COVID là tiêm phòng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tiêm vắc xin COVID-19 cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin ở trẻ nhỏ hơn - những trẻ hiện chưa đủ điều kiện để tiêm chủng.
Càng nhiều người lớn và trẻ em lớn tuổi tiêm phòng, càng có nhiều sự bảo vệ cho trẻ nhỏ.
Tỷ lệ tiêm chủng cao hơn trong cộng đồng giúp ngăn chặn sự lây lan của vi-rút.
Đeo khẩu trang cũng làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh.
Xem thêm:
- Uống rượu có thể gây ảnh hưởng lên đáp ứng của cơ thể với vaccin COVID -19
- Các biến thể của coronavirus và vắc xin
- Mắc bệnh COVID-19 khi đang mang thai có gây hại cho thai nhi không?
- Cảm giác nóng rát ở mũi có phải là triệu chứng của COVID-19 không?
- Vắc xin COVID-19 vẫn hoạt động hiệu quả ngay cả khi cơ thể bạn không xuất hiện tác dụng phụ