Giải Kinh tế Pháp luật 10 Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế
Câu hỏi: Hãy xác định các chủ thể kinh tế được mô tả trong hình và chia sẻ hiểu biết của em về các chủ thể kinh tế.
Trả lời:
- Hình 1: Người sản xuất. Đây là chủ thể sản xuất tạo ra hàng hóa, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
- Hình 2: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là chủ thể nhà nước là chủ thể đưa ra các chính sách, điều tiết hoạt động kinh doanh góp phần phát triển nền kinh tế.
- Hình 3: Cửa hàng gạo. Đây được gọi là chủ thể trung gian, nơi kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất.
- Hình 4: Siêu thị. Đây được gọi là chủ thể trung gian, giữa vai trò kết nối giữa hoạt động mua và bán, sản xuất và tiêu dùng.
1. Vai trò của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế
Câu hỏi trang 13 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đọc trường hợp sau và trả lời câu hỏi:
Trường hợp. Những ngày đầu bắt tay vào chăn nuôi dê, do chưa nắm vững kĩ thuật nên anh H gặp rất nhiều khó khăn. Không nản chí, anh tự sưu tầm tài liệu, tìm hiểu cách phòng và điều trị các chứng bệnh trên đàn dê. Ngoài ra, anh còn tìm đến các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi khác để học hỏi. Hiện đàn dê của gia đình anh H đã phát triển gần 1000 con, mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương. Anh H còn chủ động đóng thuế, quyên góp tiền ủng hộ làm đường xá, trường học, … góp phần vào sự phát triển kinh tế - xa hội trong vùng.
Câu hỏi: Em hãy xác định những việc làm của anh H thể hiện trách nhiệm với tư cách là chủ thể sản xuất tham gia vào nền kinh tế. Theo em, việc làm của anh H đã đóng góp gì cho nền kinh tế và đời sống xã hội.
Trả lời:
- Những việc làm của anh H thể hiện trách nhiệm với tư cách là chủ thể sản xuất là: sưu tầm tài liệu, tìm cách phòng và điều trị các chứng bệnh trên đàn dê; học hỏi các hộ chăn nuôi khác; chủ động đóng thuế.
- Việc làm của anh H đã đóng góp cho nền kinh tế - xã hội trong vùng: mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho người dân địa phương; quyên góp tiền ủng hộ làm đường xá, trường học, … góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội trong vùng.
Câu hỏi trang 13 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đọc trường hợp sau đây và trả lời câu hỏi:
Trường hợp. Chị V luôn cân nhắc đến các yếu tố bảo vệ môi trường khi quyết định mua bất kì sản phẩm nào. Chị có thể trả số tiền cao hơn cho sản phẩm có bao bì dễ tái chế hoặc tái sử dụng được. Chị V thường chọn mua các sản phẩm làm từ tự nhiên như ống đũa bằng tre, bàn chải tre, bông tắm xơ mướp, ... Việc làm của chị V vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.
Câu hỏi:
- Chị V đã thể hiện vai trò chủ thể tiêu dùng của mình như thế nào trong trường hợp trên?
- Việc làm của chị V có ý nghĩa như thế nào đối với các hoạt động kinh tế?
Trả lời:
- Chị V đã thể hiện vai trò của chủ thể tiêu dùng: lựa chọn hàng hóa có yếu tố bảo vệ môi trường, chị thường chọn mua sản phẩm làm từ tự nhiên như ống đũa bằng tre, chàn chải tre, …
- Việc làm của chị V vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.
Câu hỏi trang 14 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đọc trường hợp sau đây và trả lời câu hỏi:
Trường hợp. Với chuỗi cửa hàng và trung tâm mua sắm lớn nhất cả nước, hệ thống siêu thị A đã và đang làm rất tốt vai trò cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo mang đến cho người dân những sản phẩm tốt nhất. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị này còn đưa ra hàng loạt các chương trình giới thiệu sản phẩm, khuyến mãi, chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo, tạo sự an tâm và tin tưởng cho người tiêu dùng.
Câu hỏi: Chủ thể kinh tế nào được đề cập trong trường hợp trên? Hoạt động cảu hệ thống siêu thị A đã giúp ích gì cho người sản xuất và người tiêu dùng?
Trả lời:
- Chủ thể kinh tế được đề cập đến trong trường hợp trên là: chủ thể trung gian.
- Hoạt động của siêu thị A đã mang lại lợi ích:
+ Giữ vai trò cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng
+ Đảm bảo mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Câu hỏi trang 14 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đọc trường hợp sau đây và trả lời câu hỏi:
Trường hợp. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021, dịch bệnh Covid- 19 đã khiến cho hơn 100 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Để khắc phục hậu quả, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỉ đồng/ năm. Việc ban hành chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 25/11/2021)
Câu hỏi:
- Nhà nước đã làm gì trước khó khăn của doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh Covid- 19?
- Theo em, nhà nước có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế?
Trả lời:
- Trước khó khăn do dịch bệnh, nhà nước đã thực hiện: trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỉ đồng/ năm; kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp.
- Theo em, vai trò của nhà nước có vai trò điều tiết hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả; điều chỉnh và khắc phục những phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
2. Trách nhiệm của công dân với tư cách là một chủ thể kinh tế
Trường hợp 1. Sau khi tốt nghiệp ngành trồng trọt, anh H đã về quê để xây dựng mô hình trồng rau sạch. Với phương châm “Rau sạch từ vườn”, anh H cùng gia đình dùng phân hữu cơ và không dùng thuốc bảo vệ thực vật khi trồng rau. Ngoài ra, anh còn liên kết với các hộ gia đình ở địa phương để trồng, thu mua nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Câu hỏi: Em hãy nhận xét về việc làm của anh H và gia đình.
Trường hợp 2. Cửa hàng bách hóa của chị B kinh doanh đa dạng các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương. Chị B chủ động tìm hiểu nguồn sản phẩm trước khi nhập vào, niêm yết rõ giá cả và thời hạn sử dụng của sản phẩm, giúp cho người dân dễ dàng lựa chọn.
Câu hỏi:
- Em hãy nhận xét về việc làm của chị B.
- Trình bày vai trò của bản thân với tư cách là một chủ thể tham gia trong nền kinh tế.
Trường hợp 3. Khi đến trung tâm thương mại, chị N phát hiện có một loại hàng hóa đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được để ở trên kệ. Ngay lập tức, chị N chụp ảnh và báo ngay cho quản lí trung tâm thương mại. Sau khi được nhắc nhở, quản lí đã nhận lỗi và cam kết sẽ kiểm tra kĩ lưỡng các sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Câu hỏi:
- Em hãy nhận xét về việc làm của chị N và cách ứng xử của quản lí trung tâm thương mại trong trường hợp trên.
- Với tư cách là người tiêu dùng, hãy liệt kê những tiêu chí của bản thân khi mua sắm.
Trả lời:
Trả lời trường hợp 1:
- Việc làm của anh H và gia đình là việc nên làm, đảm bảo đầy đủ vai trò và trách nhiệm của một chủ thể sản xuất.
- Anh H đã biết vận dụng những kiến thức đã được học vào kinh doanh, hoạt động kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường; góp phần tăng thu nhập phát triển nền kinh tế - xã hội.
Trả lời trường hợp 2:
- Nhận xét: Việc làm của chị B đảm bảo vai trò và trách nhiệm của chủ thể trung gian. Cửa hàng của chị B đã nhập nguồn hàng đảm bảo chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi giúp người tiêu dùng dễ dàng trong việc lựa chọn.
- Vai trò của bản thân với tư cách là chủ thể tiêu dùng: lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trả lời trường hợp 3:
- Nhận xét:
+ Chị N đã thực hiện đúng trách nhiệm của người tiêu dùng: tố cáo hành vi trái pháp luật trong hoạt động kinh tế.
+ Cách ứng xử của quản lí trung tâm thể hiện sự trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
- Với tư cách là người tiêu dùng, một số tiêu chí của bản thân khi mua sắm:
+ Lựa chọn hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xử
+ Xem kĩ hạn sử dụng của sản phẩm
+ Xem xét các thành phần của sản phẩm
+ Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 16 Kinh tế và Pháp luật 10: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?
a. Người sản xuất chỉ cần tối đa hóa lợi nhuận, không cần quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng.
b. Sự đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất.
c. Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động của các chủ thể kinh tế đều chịu sự điều tiết, can thiệp của nhà Nước.
d. Chủ thể trung gian tồn tại độc lập với người sản xuất và người tiêu dùng.
Trả lời:
- Ý kiến A. Không đồng tình. Vì: người sản xuất ngoài việc quan tâm đến lợi nhuận cần phải quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng. Mục đích của sản xuất là để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Muốn sản xuất lâu bền, có lợi nhuận cao thì phải quan tâm đến nhu cầu và quyền lợi của người tiêu dùng.
- Ý kiến B. Đồng tình. Vì: Người sản xuất sẽ dựa vào nhu cầu của người tiêu dùng để điều chỉnh, định hướng sản xuất những mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
- Ý kiến C. Đồng tình. Vì: trong nền kinh tế thị trường, xét về vai trò kinh tế, nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế đồng thời thực hiện những biện pháp để khắc phục những vấn đề nảy sinh của thị trường. Bởi thế, hoạt động của các chủ thể kinh tế đều chịu sự điều tiết, can thiệp của Nhà nước, điều này sẽ giúp các chủ thể kinh tế sản xuất kinh tế trong khuôn khổ, tránh rủi ro khi sản xuất kinh tế.
- Ý kiến D. Không đồng tình. Vì: chủ thể trung gian đóng vai trò làm cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Luyện tập 2 trang 16 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi:
Trường hợp 1. Khi lựa chọn mĩ phẩm, cô N có thói quen chọn lựa những sản phẩm có giá thành rẻ, số lượng nhiều mà không chú ý đến chất lượng. Vì theo cô, người tiêu dùng chỉ cần chọn những sản phẩm hợp túi tiền và đảm bảo số lượng, còn chất lượng thì không cần quan tâm.
Câu hỏi:
- Em có đồng tình với quan niệm mua sắm của cô N không? Vì sao?
- Với tư cách là người tiêu dùng, em sẽ làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình?
Trường hợp 2. Hộ kinh doanh A đưa ra thị trường sản phẩm ống hút, đũa, … làm từ tre với mong muốn tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hộ kinh doanh còn liên kết với nông dân trồng tre, trúc, nứa để thu mua nguyên liệu và tạo việc làm cho người lao động.
Câu hỏi:
- Hộ kinh doanh A đã thể hiện trách nhiệm của chủ thể kinh tế nào?
- Theo em, hoạt động của hộ kinh doanh A phù hợp hay chưa? Vì sao?
Trường hợp 3. Do có lỗi trong dây chuyền sản xuất, công ti B quyết định thu hồi sản phẩm đã đưa ra thị trường. Đồng thời, công ti còn gửi thư xin lỗi đến các đối tác và người tiêu dùng bằng sự cầu thị và trách nhiệm.
Câu hỏi: Là người tiêu dùng, em có đồng tình với cách xử lí của công ti B hay không? Vì sao?
Trường hợp 4. Nhằm góp phần bỉnh ổn mặt bằng giá bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp kiểm soát bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, xăng dầu, vật tư y tế, … và biện pháp điều hành giá các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá.
Câu hỏi: Em có nhận xét gì về vai trò của Nhà nước trong trường hợp trên?
Trả lời:
Trả lời trường hợp 1:
- Em không đồng tình với quan niệm mua sắm của cô N. Vì: cô N sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Với tư cách là người tiêu dùng, em sẽ: lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trả lời trường hợp 2:
- Hộ kinh doanh A đã thể hiện trách nhiệm của chủ thể trung gian.
- Hoạt động của hộ kinh doanh A là phù hợp. Vì hộ kinh doanh đã sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội.
Trả lời trường hợp 3:
- Là người tiêu dùng, em đồng tình với cách xử lí của công ti B.
- Vì: công ti B thể hiện trách nhiệm của chủ thể sản xuất, đảm bảo đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng.
Trả lời trường hợp 4: Trong trường hợp trên, nhà nước có vai trò: bình ổn giá thị trường, đưa ra các giải pháp, điều tiết các hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa.
Luyện tập 3 trang 17 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu:
Trường hợp: Trong những năm gần đây, xu hướng mua và bán hàng trực tuyến phát triển mạnh. Nghe bạn bè rủ mua quần áo trên một trang bán hàng điện tử, chị H cũng chọn mua và thanh toán bằng ví điện tử. Khi nhận hàng, chị thấy sản phẩm không như mình chọn và có nhiều lỗi. Chị H đã nhiều lần phản ánh nhưng không có kết quả.
Câu hỏi: Em hãy cho biết chị H cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trả lời:
- Để bảo vệ quyền lợi của mình, chị H cần:
+ Phản ánh lại với cửa hàng và trang bán hàng điện tử;
+ Đánh giá sản phẩm để người khác tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng;
+ Tìm hiểu rõ nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm trước khi mua hàng.
Vận dụng
Vận dụng 1 trang 17 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy viết bài viết chia sẻ suy nghĩ của bản thân về vai trò của người tiêu dùng, người sản xuất khi tham gia trong nền kinh tế.
Trả lời:
(*) Bài tham khảo
- Người tiêu dùng
+ Là người tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của mình. Người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển, có trách nhiệm với sự phát triển bền vững.
+ Người tiêu dùng cần phải có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thân thiện với môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời phê phán những hành vi trái pháp luật trong hoạt động kinh tế.
- Người sản xuất
+ Là những cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, … sử dụng các yếu tố đầu vào như nguồn vốn, sức lao động, tài nguyên, … tạo ra hàng hóa là các sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
+ Ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, người sản xuất cần phải tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm cung cấp những hàng hóa, không làm tổn hại đến con người, môi trường và xã hội.
Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Vận dụng 2 trang 17 Kinh tế và Pháp luật 10: Với tư cách là người tiêu dùng có trách nhiệm, em hãy thiết kế infographic thể hiện những điều cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho bản thân và gia đình.
Trả lời:
(*) Bài tham khảo số 1:
(*) Bài tham khảo số 2
Xem thêm lời giải bài tập SGK Kinh tế pháp luật lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 1: Nền kinh tế và các hoạt động của nền kinh tế
Bài 3: Thị trường và chức năng của thị trường
Bài 5: Giá cả thị trường và chức năng của giá cả thị trường
Bài 6: Ngân sách nhà nước và thực hiện pháp luật về ngân sách nhà nước