Giải SBT Ngữ Văn 7 Bài 2: Thơ bốn chữ, năm chữ - Cánh diều

Với giải sách bài tập Ngữ Văn 7 Bài 2: Thơ bốn chữ, năm chữ sách Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7 Bài 2. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 2: Thơ bốn chữ, năm chữ

I. Bài tập đọc hiểu

Mẹ

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) gieo vần nào?

A. Vần chân

B. Vần liền

C. Vần cách

D. Vần hỗn hợp

Trả lời:

Đáp án D. Vần hỗn hợp

Câu 2 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Bài thơ thể hiện cẩm xúc chủ đạo nào của nhân vật trữ tình?

A. Thương mẹ và xót xa vì mẹ đã già nua.

B. Nhớ mẹ và không thể về thăm mẹ

C. Xót xa cho mẹ vì mẹ quá vất vả

D. Tự hào về mẹ vì mẹ có nhiều phẩm chất tốt đẹp

Trả lời:

Đáp án A. Thương mẹ và xót xa vì mẹ đã già nua.

Câu 3 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Liệt kê những từ ngữ được tác giả dùng để nói về "mẹ" và "cau" trong bài thơ. Để thể hiện hình tượng "mẹ" và "cau", tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Hãy chỉ ra tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

- Hình tượng mẹ được khắc họa trong sự sóng đôi với cau:

+ Biện pháp tu từ tương phản:

• Mẹ: lưng còng rồi, đầu bạc trắng, ngày một thấp, gần đất.

• Cau: vẫn thẳng, ngọn xanh rờn, ngày càng cao, gần với giời

+ Biện pháp tu từ so sánh: Mẹ khô gầy như miếng cau khô.

+ Cau bổ tư – cau bổ tám – mẹ ngại to.

+ Ngoài ra, tác giả còn sử dụng cặp câu thơ sóng đôi, biện pháu tu từ hoán dụ, ẩn dụ, …

- Tác dụng: Cho thấy sự già nua của mẹ theo thời gian.

Câu 4 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

                       Cau ngày càng cao

                       Mẹ ngày một thấp

                       Cau gần với giời

                       Mẹ thì gần đất!

a. Các từ “cao”, “thấp” có mối quan hệ với nhau như thế nào về nghĩa? Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào qua hai từ này? Tác dụng của biện pháp đó là gì?

b. Em hiểu nội dung dòng thơ “Mẹ thì gần đất!” như thế nào? Xét theo mục đích nói, dòng thơ này thuộc kiểu câu gì? Tác dụng của việc sử dụng kiểu câu đó là gì?

Trả lời:

a. Các từ “cao”, “thấp” là hai từ có nghĩa trái ngược nhau (từ trái nghĩa). Tác giả sử dụng biện pháp tu từ tương phản (đối lập) qua hai từ này. Tác dụng: cho thấy cây cau ngày một cao lớn hơn, còn mẹ ngày một già đi và lưng ngày càng còng xuống; đồng thời, bộc lộ nỗi xót xa của tác giả khi nhìn thấy mẹ mỗi ngày một già.

b. Dòng thơ “Mẹ thì gần đất!” vừa diễn tả lưng mẹ ngày càng còng xuống, vừa cho thấy mẹ đã ở vào tuổi “gần đất xa trời” (nghĩa là mẹ không còn sống lâu được nũa). Xét theo mục đích nói, dòng thơ này thuộc kiểu câu cảm, bộc lộ nỗi xót xa của tác giả khi nghĩ đến thời điểm mẹ “gần đất xa trời”.

Câu 5 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 4, SGK) Chỉ ra và phân tích các câu thơ thể hiện tình cảm của người con dành cho mẹ. Em hiểu nội dung của hai dòng thơ cuối bài như thế nào?

Trả lời:

- Các từ ngữ, hình ảnh:

+ So sánh “mẹ” và “miếng cau khô”: Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ.

+ Cử chỉ và cảm xúc của người con: Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ.

+ Câu hỏi của người con: Ngẩng hỏi giời vậy/ - Sao mẹ ta già?

- Tình cảm của người con với mẹ:

+ Thương mẹ, thổn thức, xót xa khi nghĩ đến người mẹ già nua “gần đất, xa trời”.

+ Nhận ra quy luật của cuộc đời: mẹ đã già, yếu. Một mặt, thoảng thốt ngỡ ngàng, mặt khác chấp nhận quy luật đó.

Câu 6 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 5, SGK) Trong số những hình ảnh được tác giả dùng để khắc họa hình tượng người mẹ, em thích nhất hình ảnh nào? Tại sao?

Trả lời:

Các em có thể thích hình ảnh cây cau. Cây cau là một loại cây quen thuộc trong vườn quê, gần gũi với những người già (ăn trầu). Chọn hình ảnh cây cau, tác giả thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận của mình không chỉ về hình dáng bên ngoài mà còn là cả sự sâu lắng, bấm đốt thời gian thân phận của một đời người …

Câu 7 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Sau khi đọc bài thơ, có người cho rằng: Cần phải biết quý trọng những ngày chúng ta còn được ở bên mẹ. Theo em, điều đó có đúng không? Vì sao?

Trả lời:

Em có thể nêu suy nghĩ riêng, nhưng cần nhận thấy ý kiến đó là đúng vì cuộc đời của con người rất hữu hạn, mẹ chẳng thể sống với chúng ta cả đời. Hơn nữa, mẹ là người rất quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Vì thế, cần phải biết quý trọng những ngày chúng ta còn được ở bên mẹ.

Ông đồ

Câu 1 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Cách ngắt nhịp nào sau đây đúng với các dòng thơ trong bài Ông đồ?

A. 2/3 hoặc 1/2/2

B. 2/3 hoặc 3/2

C. 2/2/1 hoặc 3/2

D. 3/2 hoặc 1/2/2

Trả lời:

Đáp án B. 2/3 hoặc 3/2

Câu 2 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Bài thơ thể hiện cảm xúc chủ đạo nào của nhân vật trữ tình?

A. Cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và tiếc nhớ cảnh cũ người xưa.

B. Xót xa cho sự tàn tạ của một lớp người và phê phán thái độ đương thời đã đẩy họ vào tình cảnh đó.

C. Cảm phục trước tài viết chữ đẹp của ông đồ và ngậm ngùi trước sự đổi thay của lòng người.

D. Buồn bã trước sự thay đổi trong cuộc sống của ông đồ và lo lắng cho tương lai của những người như ông

Trả lời:

Đáp án A. Cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và tiếc nhớ cảnh cũ người xưa.

Câu 3 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Chỉ ra và phân tích sự khác nhau của hình ảnh ông đồ ở các khổ thơ 1, 2 so với các khổ thơ 3, 4. Sự khác nhau ấy nói lên điều gì?

Trả lời:

+ Hình ảnh ông đồ ở khổ thơ 1, 2 (thời đắc ý): Hằng năm, mỗi khi Tết đến, xuân về, ông đồ lại bày “mực tàu”, “giấy đỏ” bên hè phố để viết chữ Nho, góp mặt vào cái đông vui, náo nhiệt của phố phường ngày Tết. Có “bao nhiêu người thuê viết” chữ, viết câu đối đỏ để treo trong ngày xuân. Mọi người “tấm tắc ngợi khen tài” của ông, khen ông có “hoa tay”, khen chữ ông “như phượng múa, rồng bay”. Ở thời điểm này, ông đồ được mọi người chú ý, ngưỡng mộ.

+ Hình ảnh ông đồ ở khổ thơ 3, 4 (thời tàn): Ông đồ vẫn xuất hiện bên hè phố ngày Tết nhưng tất cả đã khác xưa: Người thuê viết nay vắng vẻ; ông đồ ngồi đấy nhưng chẳng cầm đến bút, chạm đến giấy. Vì thế mà “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiêng sầu”. Nỗi buồn tủi của ông đồ lan sang cả những vật vô tri vô giác, khiến cho chúng cũng phải “buồn”, “sầu”. Đường phố vẫn đông người qua lại nhưng không còn ai biết đến sự có mặt của ông đồ. Trời đất cũng ảm đạm, lạnh lẽo như lòng ông.

- Sự khác nhau của hình ảnh ông đồ ở hai thời điểm cho thấy sự tàn tạ, “hết thời” của những người như ông trong xã hội lúc bấy giờ.

Câu 4 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 4, SGK) Trong bài thơ, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của những biện pháp đó.

Trả lời:

Trong bài thơ, tác giả sử dụng các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, tương phản, câu hỏi tu từ. Trong đó, biện pháp tu từ tương phản được sử dụng thành công để khắc họa sự khác nhau của ông đồ ở hai thời điểm (thời đắc ý và thời tàn). HS tự nêu tác dụng của các biện pháp tu từ còn lại.

Câu 5 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 5, SGK) Theo em, những câu thơ sau tả cảnh hay tả tình? Vì sao?

                 - Giấy đỏ buồn không thắm;

                  Mực đọng trong nghiên sầu...

                 - Lá vàng rơi trên giấy;

                  Ngoài trời mưa bụi bay.

Trả lời:

- Hai dòng thơ “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu” sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa để nhấn mạnh nỗi buồn tủi của ông đồ như lan sang cả giấy, mực. Giấy không được viết trở nên bẽ bàng, màu đỏ của nó trở thành vô duyên, không thắm lên được; mực không được dùng nên đọng lại bao nhiêu sầu tủi trong nghiên.

Hai dòng thơ “Lá vàng rơi trên giấy; / Ngoài giời mưa bụi bay.” Miêu tả ngoại cảnh – trời đất ảm đạm, lạnh lẽo như lòng ông đồ.

- Những dòng thơ trên được tác giả viết theo bút pháp tả cảnh ngụ tình (tả cảnh để nói lên nỗi lòng của con người). Cảnh vật phản chiếu tâm trngj của con người.

Câu 6 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

a. Cụm từ “đào lại nở” diễn tả điều gì?

b. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào qua hai dòng thơ “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?”? Tác dụng của biện phấp đó là gì?

Trả lời:

a. Cụm từ “đào lại nở” là dấu hiệu cho thấy Tết đến, xuân về. Đó là thời điểm mà ông đồ xuất hiện bên hè phố để viết chữ hay câu đối cho mọi người mang về treo trong nhà.

b. Trong hai dòng thơ “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”, tác giả sử dụng câu hỏi tu từ, diễn tả sự thoảng thốt trước việc ông đồ vắng bóng bên hè phố, đồng thời, cho thấy sự tiếc nhớ của tác giả với cảnh cũ người xưa.

Câu 7 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Giả sử, khi Tết đến, xuân về, em được đi “xin chữ”, em sẽ xin chữ gì? Vì sao em lại xin chữ đó?

Trả lời:

Giả sử, khi Tết đến, xuân về, em được đi “xin chữ”, em sẽ xin chữ “Hiếu”.

Vì em luôn muốn nhắc nhở bản thân phải luôn ghi nhớ công ơn của cha mẹ, chăm chỉ và học tập thật tốt để báo hiếu cho cha mẹ.

Tiếng gà trưa

Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Các dòng thơ trong bài chủ yếu được viết theo thể thơ nào?

A. Ba chữ

B. Bốn chữ

C. Năm chữ

D. Tự do

Trả lời:

Đáp án C. Năm chữ

Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Bài thơ thể hiện cảm xúc chủ đạo nào của nhân vật trữ tình?

A. Nhớ về những năm tháng tuổi thơ với nhiều kỉ niệm đẹp.

B. Thương bà đã già nhưng vẫn còn cơ cực, đắng cay

C. Yêu bà, yêu Tổ Quốc và xóm làng thân thuộc

D. Nhớ bà và biết ơn những điều bà đã làm cho mình.

Trả lời:

Đáp án D. Nhớ bà và biết ơn những điều bà đã làm cho mình.

Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 2, SGK) Dòng thơ "Tiếng gà trưa" được lặp lại mấy lần trong bài thơ? "Tiếng gà trưa" đã khơi gợi ở người cháu những hình ảnh và kỉ niệm gì của tuổi thơ? Em ấn tượng với hình ảnh hoặc kỉ niệm nào nhất? Vì sao?

Trả lời:

- Dòng thơ "Tiếng gà trưa" được lặp lại 3 lần trong bài thơ.

- "Tiếng gà trưa" đã khơi gợi ở người cháu những hình ảnh và kỉ niệm của tuổi thơ:

+ Hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng.

+ Hình ảnh người bà với lòng yêu thương, chắt chiu dành dụm, chăm lo cho cháu.

+ Niềm vui và mong ước của tuổi thơ: có được bộ quần áo mới từ tiền bán gà của bà.

- Hình ảnh/ kỉ niệm em có ấn tượng nhất “Tay bà khum soi trứng/ Dành từng quả chắt chiu”. Vì thể hiện hình ảnh người bà tảo tất, hy sinh vì con vì cháu.

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Người bà hiện lên qua những hình ảnh, chi tiết nào? Qua đó, em có cảm nhận như thế nào về người bà và những tình cảm người cháu dành cho bà?

Trả lời:

- Người bà hiện lên qua những hình ảnh, chi tiết:

Tay bà khum soi trứng

Dành từng quả chắt chiu

Cho con gà mái ấp

* * *

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới

- Qua đó, hình ảnh người bà hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp:

+ Tần tảo, chắt chiu trong cảnh nghèo.

+ Chăm lo và dành trọn vẹn tình yêu thương cho cháu.

- Tình cảm người cháu dành cho bà: nhớ bà, yêu thương, kính trọng và biết ơn bà.

Câu 5 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

                 Cháu chiến đấu hôm nay

                 Vì lòng yêu Tổ quốc

                 Vì xóm làng thân thuộc

                 Bà ơi, cũng vì bà

                 Vì tiếng gà cục tác

                 Ổ trứng hồng tuổi thơ

a. So với một khổ thơ truyền thống, khổ thơ này có gì khác biệt về số dòng thơ?

b. Cấu trúc dòng thơ nào được lặp lại trong khổ thơ? Tác dụng của việc lặp lại đó là gì?

c. Qua khổ thơ trên, người cháu đã bộc lộ tình cảm gì? Em có nhận xét gì về tình cảm đó?

Trả lời:

a. So với một khổ thơ truyền thống (có 4 dòng), khổ thơ này có số dòng thơ nhiều hơn (6 dòng).

b. Cấu trúc dòng thơ “Vì …” được lặp lại ba lần. Ngoài ra, ở dòng 4, tác giả cũng viết “vì bà”. Cấu trúc dòng thơ này giải thích nguyên nhân mà người cháu cầm súng lên đường chiến đấu. Người cháu chiến đấu vì lòng yêu nước, vì mong muốn góp phần giải phóng đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho xóm làng và cho bà. Đặc biệt là để cho tiếng gà “cục tác” được vang lên trong cuộc sống thanh bình, mang lại cho những đứa trẻ như cháu niềm hạnh phúc từ “ổ trứng hồng tuổi thơ” mà người bà chắt chiu mới có được.

c. Qua khổ thơ, người cháu thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với bà; đồng thời, cũng thể hiện lòng yêu nước, yêu cuộc sống hòa bình. Đó là những tình cảm trong sáng, giản dị nhưng cao đẹp, thiêng liêng.

Câu 6 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Người thân nào trong gia đình là người em thường nghĩ đến mỗi khi gặp khó khăn? Nêu những tình cảm của em dành cho người đó. Viết câu trả lời của em trong khoảng 5 dòng

Trả lời:

Trên bước đường trưởng thành, chúng ta không thể tránh khỏi những sai lầm, những khó khăn của tuổi trẻ. Và mỗi khi gặp khó khăn tôi thường nghĩ đến mẹ của mình. Mẹ là người luôn cho tôi cảm giác bình yên và an toàn nhất. Khi chia sẻ với mẹ, mẹ luôn chỉ ra những cái tôi đã sai, hoặc tôi đang thiếu sót, để từ đó tôi sửa chữa và hoàn thiện bản thân. Mẹ là người tôi yêu quý nhất, tôi hứa sẽ phấn đấu học tập thật tốt, trở thành một người con ngoan, trường thành, có ích cho cộng đồng, xã hội để mẹ vui lòng.

II. Bài tập tiếng Việt

Bài tập tiếng Việt trang 19

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Bài tập 1, SGK) Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập (trái ngược) nhau về nghĩa. Hãy chỉ ra điều đó và cho biết cách bố trí như vậy có tác dụng gì.

Trả lời:

- Sự đối lập nhau về nghĩa được thể hiện trong các dòng thơ ở hai khổ đầu bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai):

Còng - thẳng

Xanh rờn - bạc trắng

Cao - thấp

giời - đất

- Tác dụng: làm nổi bật hình ảnh tương phản giữa người mẹ và hàng cau quen thuộc. Qua đó làm rõ hơn sự già yếu của người mẹ qua năm tháng.

Câu 2 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Bài tập 2, SGK) Nêu tác dụng miêu tả, biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong khổ thơ dưới đây:

                 Một miếng cau khô

                 Khô gầy như mẹ

                 Con nâng trên tay

                 Không cầm được lệ

(Đỗ Trung Lai)

Trả lời:

Tác dụng miêu tả, biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh là:

- Miêu tả: làm nổi bật hình ảnh mẹ già héo hắt, khô gầy theo năm tháng.

- Biểu cảm: thể hiện sự xót xa trước tuổi già của mẹ.

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Qua các cụm từ là vị ngữ được dùng để miêu tả người mẹ tỏng bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), hãy hình dung về hình ảnh người mẹ được tác giả thể hiện trong bài thơ.

Trả lời:

- Thông qua các cụm từ (“còng rồi”, “đầu bạc trắng”, “ngày một thấp”, …) miêu tả người mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai hiện lên hình ảnh người mẹ thấp, gầy, tần tảo nắng mưa. Ngoài việc gợi lên hình dáng của người mẹ, vị ngữ (gần đất) ở dòng thơ thứ 4, khổ 2 còn ngầm chỉ một thực trạng đau xót: mẹ không còn thọ được lâu nữa.

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Xác định biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó đối với việc thể hiện nội dung mà tác giả muốn biểu đạt.

Trả lời:

- Biện pháp tu từ điệp ngữ trong bài thơ Tiếng gà trưa cuả Xuân Quỳnh: Biện pháp này được thể hiện ở việc dùng lặp lại nhiều lần cụm từ tiếng gà trưa

- Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó: Có tác dụng giúp gợi về những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, những kỉ niệm quen thuộc. Nó còn giữ cho mạch cảm xúc của bài thơ liền mạch, khiến những hình ảnh, những kỉ niệm càng thêm da diết, nồng nàn.

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ dưới đây. Chỉ ra tác dụng của các biện pháp tu từ đó đối với việc miêu tả sự vật, sự việc và biểu cảm.

                 Trên đường hành quân xa

                 Dừng chân bên xóm nhỏ

                 Tiếng gà ai nhảy ổ

                 “Cục … cục tác cục ta”

                 Nghe xao động nắng trưa

                 Nghe bàn chân đỡ mỏi

                 Nghe gọi về tuổi thơ

(Xuân Quỳnh)

Trả lời:

- Hai biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ này là điệp từ (nghe) và một số ẩn dụ chuyển đổi cảm giác do từ nghe tạo ra “xao động nắng”, “nghe bàn chân”, “nghe tuổi thơ”.

- Tác dụng của biện pháp tu từ điệp từ kết hợp với biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Mỗi lần từ nghe được nhắc lại là một lần tạo nên cảm giác mới: từ thính giác đến thị giác; từ thính giác đến cảm nhận của cơ thể hoặc bộ phận cơ thể; từ thính giác đến tri giác.

III. Bài tập viết

Bài tập viết trang 20

Câu 1 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Em hãy làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ về chủ đề tình cảm gia đình.

Trả lời:

Tham khảo các bài thơ sau:

“MẸ ỐM

                      U ốm nằm nhà

                      Không ra đồng được

                      U đắp kín chăn

                      Mặt quay vào vách

 

                      Em vẫn đi học

                      Đường xa càng xa

                      Người em ở lớp

                      Bụng em ở nhà.

 

                      U uống thuốc chưa?

                      Hạ rồi, cơn sốt?

                      Vắng vẻ một mình

                      U vui sao được!

 

                      Buổi học dài quá

                      Mãi mới trống về

                      Em vội ra trước

                      Bỏ cả bạn bè.

 

                      Em vượt con đê

                      Theo đàn cò trắng

                      Thiếu u trên đồng

                      Nhiều người, vẫn vắng …

 

                      Mồ hôi ướt trán

                      Em bước càng mau

                      Bướm bay mặc bướm

                      Em thèm bắt đâu!

 

                      Em về đến cửa

                      Đã gọi “U ơi!”

                      U cố quay lại

                      Nhìn em mỉm cười

 

                      Củi lửa nhen rồi

                      Nấu nồi cháo trắng

                      Đập trứng, bỏ hành

                      U ăn ngon lắm!

 

                      Ghét cái bệnh tật

                      Làm u mệt người

                      Đừng ai ốm cả

                      Là vui nhất đời!”.

(Phạm Hổ, dẫn theo thivien.net)

“ĐỒNG DAO TẶNG MẸ TẶNG BA

                       Mẹ à mẹ ơi

                       Ba à ba ơi

                       Mèo trắng ngủ rồi

                       Mèo đen còn thức

                       Ba đến phòng trực

                       Mẹ vẫn trung về

                       Con lắng tai nghe

                       Họa mi thánh thót

                       Có bài toán tập

                       Khó à khó ơi

                       Có ông Mặt Trời

                       Ghé vào cửa sổ

                       Bàn tay chị Gió

                       Vuốt làn tóc con

                       Chị bảo con ngoan

                       Một mình đừng khóc

                       Ba mẹ khó nhọc

                       Bận bịu suốt ngày

                       Con cò trắng bay

                       Con gà nằm ổ

                       Mai ngày sẽ nở

                       Một đàn gà con

                       Ba mẹ đừng buồn

                       Nhà không vắng vẻ

                       Búp bê bé bé

                       Vẫn nhoẻn miệng cười

                       Mèo trắng dậy rồi

                       Mèo đen bắt chuột

                       Bài con đã thuộc

                       Toán đã làm xong

                       Ba mẹ yên lòng

                       Theo công theo việc

                       Tối về họp mặt đủ cả ba người

                       Ríu rít nói cười

                       Vui như ngày Tết

                       

                       Bài thơ con viết

                       Tặng mẹ tặng ba

                       Đẹp hơn bông hoa

                       Đẹp hơn tranh vẽ

                       Con xin đọc khẽ

                       Ba à ba ơi

                       Mẹ à mẹ ơi! …”.

(Nguyễn Trọng Tạo, dẫn theo thivien.net)

Câu 2 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Cho bài thơ sau:

                 Lời ru ẩn nơi nào

                 Giữa mênh mang trời đất

                 Khi con vừa ra đời

                 Lời ru về mẹ hát

 

                 Lúc con nằm ấm áp

                 Lời ru là tấm chăn

                 Trong giấc ngủ êm đềm

                 Lời ru thành giấc mộng

 

                 Khi con vừa tỉnh giấc

                 Thì lời ru đi chơi

                 Lời ru xuống ruộng khoai

                 Ra bờ ao rau muống

 

                 Và khi con đến lớp

                 Lời ru ở cổng trường

                 Lời ru thành ngọn cỏ

                 Đón bước bàn chân con

 

                 Mai rồi con lớn khôn

                 Trên đường xa nắng gắt

                 Lời ru là bóng mát

                 Lúc con lên núi thẳm

                 Lời ru cũng gập ghềnh

                 Khi con ra biển rộng

                 Lời ru thành mênh mông.

(Xuân Quỳnh, dẫn theo thivien.net)

Hãy viết một đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ trên.

Trả lời:

Đoạn văn tham khảo:

Có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của mẹ? Có lời ru nào ngọt ngào, tha thiết hơn lời mẹ ru con? Trải qua ngàn năm thi ca thành văn nước Việt, thơ viết về mẹ và lời ru có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài. Lời ru của mẹ do nữ sĩ Xuân Quỳnh sấng tác nằm trong mạch nguồn cảm xúc chung ấy, song đã để lại một dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc suốt mấy chục năm qua nhờ vào cảm xúc tự nhiên, chân thành, bằng một tứ thơ thật độc đáo. Trước hết, lời ru yêu thương gắn với tuổi hồng, tuổi nụ. Tuổi càng thơ dại, lời ru càng tha thiết, mê say. Lời ru vốn không biết ở nơi nào giữa đất trời cao rộng, bất chợt một ngày khi con sinh ra, lời ru đã có mặt trên đời. Từ đó, lời ru của mẹ theo mãi bên con. Khi con nằm ấm áp trong vòng tay, lời ru hóa thành tấm chăn mềm mại. Lúc con đang say ngủ, lời ru hóa giấc mộng lành: “Lúc con nằm ấm áp/ Lời ru là tấm chăn/ Trong giấc ngủ êm đềm/ Lời ru thành giấc mộng”. Không những bên con trong giấc ngủ say nồng, biết vắng mặt làm lụng khi con đùa vui, chạy nhảy, lời ru của mẹ còn theo con đến lớp mỗi ngày. Tuổi thơ của con có lúc nào vắng lời ru bên cạnh? Buổi con tan học về, có mẹ đón đưa. Lúc ấy, lời ru cũng ngân nga qua từng lời nói yêu thương, từng cử chỉ dịu dàng. Lời ru hóa thành vòng tay, thành ngọn cỏ đón bước chân con lon ton sau giờ tan học: “Và khi con đến lớp/ Lời ru ở cổng trường/ Lời ru thành ngọn cỏ/ Đón bước bàn chân con”. Lời ru của mẹ khai thác đề tài muôn thuở trong tình cảm con người. Lời thơ tự nhiên, cảm xúc thơ chân thành, đặc biệt, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã tạo được tứ thơ đặc sắc nên thi phẩm đắm sâu nơi trái tim người đọc.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài mở đầu

Bài 1: Tiểu thuyết và truyện ngắn

Bài 3: Truyện khoa học viễn tưởng

Bài 4: Nghị luận văn học

Bài 5: Văn bản thông tin

Câu hỏi liên quan

Đáp án A
Xem thêm
Đáp án A
Xem thêm
- Biện pháp tu từ điệp ngữ trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh: Biện pháp này được thể hiện ở việc dùng lặp lại nhiều lần cụm từ tiếng gà trưa
Xem thêm
a. So với một khổ thơ truyền thống (có 4 dòng), khổ thơ này có số dòng thơ nhiều hơn (6 dòng).
Xem thêm
Đáp án D.
Xem thêm
- Hai biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ này là điệp từ (nghe) và một số ẩn dụ chuyển đổi cảm giác do từ nghe tạo ra “xao động nắng”, “nghe bàn chân”, “nghe tuổi thơ”.
Xem thêm
a. Cụm từ “đào lại nở” là dấu hiệu cho thấy Tết đến, xuân về. Đó là thời điểm mà ông đồ xuất hiện bên hè phố để viết chữ hay câu đối cho mọi người mang về treo trong nhà.
Xem thêm
Đáp án C.
Xem thêm
Đáp án D
Xem thêm
Đáp án B.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Thơ bốn chữ, năm chữ sbt
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!