Video Tại sao lại phải sử dụng KHÁNG SINH cho điều trị MỤN trứng cá
Azithromycin được sử dụng ở trẻ em thường để điều trị nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Thuốc cũng có thể được sử dụng lâu dài để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp ở những người tiếp tục mắc bệnh.
Azithromycin là loại thuốc được kê theo đơn, có nhiều dạng như viên nang, viên nén và hỗn dịch uống. Thuốc cũng có dạng tiêm tĩnh mạch nhưng thường chỉ được thực hiện trong bệnh viện.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc
- Azithromycin thường được dùng 1 lần một ngày. Cố gắng uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Nếu bác sĩ kê đơn thuốc viên nang Azithromycin, nên uống thuốc ít nhất 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn. Nếu thuốc có dạng viên nén hoặc hỗn dịch uống, có thể uống thuốc cùng với thức ăn hoặc không.
- Sử dụng Azithromycin theo đúng liều lượng và thời gian, tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất.
- Các tác dụng phụ phổ biến nhất của Azithromycin là đau bụng, tiêu chảy, đau đầu hoặc thay đổi vị giác.
- Azithromycin còn được gọi với tên biệt dược là Zithromax.
Thận trọng trước khi dùng thuốc
Người lớn và trẻ em đều dùng được Azithromycin.
Tuy nhiên, thuốc không phù hợp với một số đối tượng. Để đảm bảo Azithromycin an toàn cho bạn, hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn:
- Đã từng bị dị ứng với Azithromycin hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác
- Có vấn đề về gan hoặc thận
- Có các vấn đề về tim như rối loạn nhịp tim
- Bị tiêu chảy khi đã dùng thuốc kháng sinh trước đó
- Bị bệnh nhược cơ - Azithromycin có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
- Bị bệnh đái tháo đường - vì hỗn dịch uống Azithromycin có chứa đường
Cách sử dụng Azithromycin
Azithromycin thường được dùng 1 lần một ngày, trừ dạng tiêm tĩnh mạch. Cố gắng uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Liều thông thường là 500mg một ngày dùng trong 3 đến 10 ngày, tùy thuộc vào mức độ bệnh nhiễm trùng đang được điều trị. Đối với một số bệnh nhiễm trùng sẽ được dùng liều cao hơn là 1g hoặc 2g. Đối với trẻ em, người có vấn đề về gan hoặc thận sẽ được dùng liều thấp hơn.
Ngoài ra, Azithromycin được kê đơn điều trị trong thời gian dài để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp nếu bạn vẫn tiếp tục mắc bệnh. Trong trường hợp này, thuốc thường được dùng 3 lần một tuần.
Dùng Azithromycin đúng liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ, tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất. Việc ngừng thuốc quá sớm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp tục phát triển, từ đó dẫn đến nhiễm trùng tái phát.
Cách uống thuốc
Đối với dạng viên nang Azithromycin, nên uống thuốc ít nhất 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn. Đối với dạng viên nén hoặc hỗn dịch uống, có thể uống thuốc cùng với thức ăn hoặc không.
Nuốt toàn bộ viên nén hoặc viên nang với một cốc nước. Azithromycin dạng hỗn dịch uống có thể dành cho trẻ em và những người cảm thấy khó nuốt thuốc viên.
Đối với dạng hỗn dịch uống, trước khi sử dụng cần lắc đều chai thuốc. Định liều lượng thuốc cẩn thận bằng dụng cụ đo đặc biệt, không sử dụng thìa nhà bếp vì có thể sai liều lượng. Thuốc có vị đắng, vì vậy có thể cho trẻ uống nước trái cây sau đó.
Nên thường xuyên bị quên liều thuốc, nên đặt báo thức nhắc nhở hoặc hỏi dược sĩ về cách ghi nhớ giờ uống thuốc.
Nên làm gì nếu dùng quá liều?
Việc vô tình dùng thêm 1 liều Azithromycin có ít khả năng gây hại cho bạn hoặc con bạn. Nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ tạm thời như đau bụng hoặc tiêu chảy.
Hãy hỏi ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ nếu bạn đã vô tình uống thêm hơn 1 liều hoặc lo lắng về vấn đề này.
Tác dụng phụ của Azithromycin
Giống như tất cả các loại thuốc khác, Azithromycin có thể gây ra tác dụng phụ, mặc dù không phải ai cũng gặp phải.
Các tác dụng phụ thường gặp
Những tác dụng phụ phổ biến này của Azithromycin xảy ra với tần suất hơn 1 trong 100 người. Hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu những tác dụng phụ này kéo dài hoặc nặng hơn:
- Buồn nôn, nôn
- Tiêu chảy
- Chán ăn
- Đau đầu
- Cảm thấy chóng mặt hoặc mệt mỏi
- Thay đổi vị giác
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Các tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm và xảy ra với tần suất dưới 1 trong 1000 người.
Gọi ngay cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng như:
- Đau ngực, nhịp tim nhanh hơn hoặc không đều
- Da vàng hoặc lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng, phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu - đây có thể là dấu hiệu của các bệnh về gan hoặc túi mật
- Ù tai, mất thính giác tạm thời hoặc cảm thấy đứng không vững, chóng mặt
- Đau dữ dội ở bụng hoặc lưng - đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo về viêm tụy
- Tiêu chảy (có thể kèm theo chuột rút), phân có lẫn máu hoặc chất nhầy. Nếu bị tiêu chảy nặng mà phân không có máu hoặc chất nhầy trong hơn 4 ngày, cũng nên báo cho bác sĩ biết.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
Trong một số trường hợp rất hiếm, có thể có phản ứng dị ứng nghiêm trọng (phản vệ) với Azithromycin. Gọi cho trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến bệnh viện gần nhất nếu có các triệu chứng sau:
- Phát ban trên da, ngứa đỏ, sưng, phồng rộp hoặc bong tróc da
- Thở khò khè, cảm thấy tức ngực hoặc cổ họng
- Khó thở hoặc khó nói
- Sưng tấy ở miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng
Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra của Azithromycin. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc và hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào.
Cách đối phó với các tác dụng phụ
- Nếu cảm thấy buồn nôn, nôn: Ăn những bữa ăn đơn giản và không ăn thức ăn chứa nhiều gia vị hoặc hương liệu trong khi đang dùng thuốc.
- Nếu bị tiêu chảy: Uống nhiều chất lỏng như nước lọc hoặc nước trái cây để tránh mất nước, nên uống từng ngụm nhỏ và đều đặn. Các dấu hiệu mất nước bao gồm đi tiểu ít hơn bình thường hoặc đi tiểu có mùi hôi. Không dùng bất kỳ loại thuốc nào khác để điều trị tiêu chảy mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Nếu cảm thấy chán ăn: Nên ăn khi cảm thấy đói, hãy ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn bình thường. Có thể lựa chọn thực phẩm giàu calo và protein để ăn nhẹ vào lúc đói như trái cây khô và các loại hạt.
- Nếu bị đau đầu: Nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Xin tư vấn từ dược sĩ về thuốc giảm đau nếu cần. Nên báo cho bác sĩ nếu cơn đau đầu kéo dài hơn một tuần hoặc nặng hơn.
- Nếu cảm thấy chóng mặt hoặc mệt mỏi: Nếu cảm thấy chóng mặt khi đứng lên, hãy thử đứng dậy thật chậm hoặc ngồi xuống cho đến khi cảm thấy tốt hơn. Nếu bắt đầu cảm thấy chóng mặt, hãy nằm xuống để không bị ngất, sau đó ngồi cho đến khi cảm thấy thoải mái hơn. Không lái xe hoặc sử dụng các máy móc nếu cảm thấy chóng mặt hoặc mệt mỏi. Không uống rượu vì có thể làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
- Nếu bị thay đổi vị giác: hãy xin tư vấn từ bác sĩ nếu cảm thấy khó chịu.
Mang thai và cho con bú
Azithromycin thường không được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai hoặc khi đang cho con bú. Hãy trao đổi với bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của việc dùng Azithromycin.
Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn:
- Có dự định mang thai
- Đang mang thai
- Đang cho con bú
Thận trọng với các loại thuốc khác
Có một số loại thuốc không kết hợp tốt với Azithromycin. Trước khi bắt đầu dùng Azithromycin, hãy cho bác sĩ biết nếu đang dùng những loại thuốc này:
- Thuốc kháng axit cho chứng khó tiêu
- Thuốc điều trị đau nửa đầu Ergotamine hoặc Dihydroergotamine
- Thuốc chống đông máu Warfarin
- Thuốc ức chế miễn dịch Ciclosporin hoặc Tacrolimus
- Thuốc điều trị bệnh gút Colchicine
- Thuốc điều trị bệnh tim Digoxin
- Thuốc kháng sinh Rifabutin
- Thuốc điều trị HIV Nelfinavir
- Nhóm thuốc Statin để giảm cholesterol như Simvastatin và Atorvastatin
Bên cạnh đó, cũng nên cho bác sĩ biết nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào điều trị rối loạn nhịp tim như Amiodarone hoặc Sotalol.
Azithromycin đôi khi có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, vì vậy tốt nhất bạn không nên dùng thuốc với các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim. Cũng vì lí do này, nên báo cho bác sĩ nếu đang dùng các loại thuốc có ảnh hưởng đến nhịp tim bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm như Citalopram
- Thuốc chống loạn thần - được sử dụng để quản lý rối loạn tâm thần
- Một số loại thuốc chống nôn như Domperidone
- Một số thuốc kháng sinh như Moxifloxacin
Tóm lại, nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, bao gồm cả vitamin, thực phẩm chức năng và thảo dược.