Một số người cho rằng chế độ ăn keto có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association - ADA) không khuyến nghị bất kỳ chế độ ăn kiêng đơn lẻ nào.
Mỗi người lại có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Các bác sĩ sẽ cá nhân hóa chế độ ăn kiêng dựa trên thói quen ăn uống hiện tại, sở thích, cân nặng mục tiêu hoặc mức đường huyết của từng người.
Các loại thực phẩm có chứa tinh bột (như bánh mì, cơm trắng, mì ống, sữa và trái cây) là nguồn nhiên liệu chính cho nhiều quá trình của cơ thể. Insulin có chức năng vận chuyển glucose từ máu vào tế bào và cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động.
Những bệnh nhân đái tháo đường sẽ không có đủ lượng insulin cần thiết, hoặc insulin không thể hoạt động được một cách chính xác. Điều này làm rối loạn quá trình vận chuyển glucose vào tế bào và dẫn đến tăng glucose máu.
Một chế độ ăn quá nhiều tinh bột sẽ làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt ở những bệnh nhân đái tháo đường. Vì vậy, chế độ ăn uống rất quan trọng đối với những người mắc đái tháo đường type 1 và type 2.
Hạn chế hấp thu carbohydrate là mục tiêu trung tâm của chế độ keto.
Ban đầu, các nhà khoa học đã phát triển và vận dụng chế độ ăn này với những trẻ bị động kinh. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ này còn mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân đái tháo đường.
Các tác giả cho rằng những người theo chế độ ăn kiêng keto có thể:
- Giảm nguy cơ mắc đái tháo đường
- Kiểm soát tốt đường huyết trên những bệnh nhân đái tháo đường
- Hỗ trợ giảm cân
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn keto và bệnh đái tháo đường.
Chế độ ăn keto và bệnh đái tháo đường
Keto là một chế độ ăn hạn chế lượng tinh bột tiêu thụ. Chế độ này buộc cơ thể phải đốt cháy chất béo và đi vào trạng thái ketosis. Quá trình đốt cháy chất béo sẽ sinh ra các thể ceton – nguồn nhiên liệu sinh năng lượng.
Ảnh hưởng đến lượng đường huyết
Chế độ ăn keto rất có lợi cho các bệnh nhân đái tháo đường type 2 vì nó cho phép cơ thể duy trì đường huyết ở mức cho phép.
Giảm lượng tinh bột hấp thu từ chế độ ăn làm giảm lượng đường trong máu và giảm nhu cầu sử dụng insulin.
Một nghiên cứu năm 2018 đã phát hiện ra rằng chế độ keto có khả năng hỗ trợ kiểm soát nồng độ HbA1c – lượng glucose liên kết với hemoglobin máu trong vòng 3 tháng.
Ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc
Chế độ keto làm giảm lượng đường trong máu. Do đó, những bệnh nhân đái tháo đường type 2 theo chế độ ăn này có thể giảm nhu cầu sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng những người đang sử dụng insulin và theo chế độ keto có thể có nguy cơ cao bị hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu từ 70 mg/dL trở xuống.
Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi áp dụng bất kỳ chế độ ăn kiêng nào. Bởi vì nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng tinh bột khi đang sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường, bạn có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể
Chế độ ăn keto giúp cơ thể đốt cháy chất béo. Điều này có lợi với những người đang cố gắng giảm cân hoặc những bệnh nhân béo phì có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường type 2.
Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục hợp lí có thể giúp bệnh nhân đái tháo đường giảm cân (từ ít đến trung bình) và từ đó sẽ kiểm soát tốt lượng đường huyết và đủ năng lượng để hoạt động cả ngày.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tuân theo chế độ ăn keto đã giảm được trọng lượng cơ thể và giảm mức đường huyết một cách đáng kể.
Những lợi ích
Chế độ ăn keto có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ:
- Hạ huyết áp
- Tăng mức độ nhạy cảm của tế bào với insulin
- Giảm sự phụ thuộc vào thuốc
- Tăng nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (high density lipoprotein - HDL), hay còn gọi là cholesterol “tốt” và giảm nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (low density lipoprotein LDL), hay còn gọi là cholesterol “xấu”
- Duy trì tốt nồng độ insulin
Chế độ ăn uống lành mạnh
Keto là một chế độ ăn kiêng rất nghiêm ngặt, nhưng chúng vẫn có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể nếu được lên kế hoạch một cách chính xác
Mục tiêu của chế độ keto là hạn chế tiêu thụ tinh bột để làm giảm nhu cầu sử dụng insulin. Thông thường, lượng carbohydrate sẽ dao động từ 20–50 g mỗi ngày.
Tỷ lệ calo từ các chất hấp thu trong chế độ ăn keto lần lượt như sau 10% từ tinh bột, 20% từ protein và 70% từ chất béo. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi một chút, phụ thuộc vào các phiên bản keto khác nhau.
Bạn nên thay đồ ăn chế biến sẵn bằng các loại thực phẩm tự nhiên.
Những loại thực phẩm sau rất phù hợp với chế độ ăn kiêng keto:
- Các loại rau ít tinh bột: Trong mỗi bữa ăn, bạn cần bổ sung các loại thực phẩm không gây ngán. Nên tránh các loại rau giàu tinh bột như khoai tây và ngô.
- Trứng: Trứng chứa rất ít carbohydrate và là một nguồn cung cấp protein tuyệt vời.
- Thịt: Bạn có thể sử dụng các loại thịt mỡ, nhưng chỉ nên ăn với một lượng vừa phải để tránh nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, nên tránh tiêu thụ quá nhiều protein. Bởi vì một chế độ ăn nhiều protein, ít tinh bột sẽ kích thích gan chuyển hoá protein thành glucose và làm tăng lượng đường trong máu
- Nguồn chất béo lành mạnh: Các loại chất béo này có trong quả bơ, dầu ô liu và các loại hạt. Bạn nên ưu tiên sử dụng các loại chất béo lànhmạnh thay vì những chất béo có nguồn gốc từ thịt hun khói, thịt đỏ, pho mát và lạp xưởng.
- Cá: Đây là một nguồn cung cấp protein dồi dào.
- Các loại quả mọng: Đây là một nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào. Những người theo chế độ keto có thể sử dụng chúng với một lượng vừa phải.
Tuy nhiên, rất khó để tuân theo chế độ keto trong một thời gian dài.
Các tác dụng phụ
Keto là một chế độ ăn kiêng phù hợp, giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, do chế độ này làm cơ thể chuyển sang sử dụng một nguồn năng lượng khác nên nó có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Các tác dụng phụ ngắn hạn
Việc thay đổi chế độ ăn uống có thể gây ra các triệu chứng giống như khi cai nghiện một chất nào đó (chẳng hạn như caffein)
Các triệu chứng này bao gồm:
- “Cúm” keto, thường gặp trong giai đoạn đầu của trạng thái ketosis với những triệu chứng giống bệnh cúm
- Rối loạn tiêu hoá chẳng hạn như táo bón
- Chuột rút ở chân
- Cảm thấy thiếu năng lượng
- Mệt mỏi
- Đi tiểu thường xuyên
- Nhức đầu
- Mất muối
Trong hầu hết các trường hợp, các tác dụng phụ trên chỉ là tạm thời và sẽ cải thiện trong một thời gian ngắn
Các tác dụng phụ lâu dài
Theo keto trong một thời gian dài có thể dẫn đến sỏi thận và tăng nguy cơ gãy xương do nhiễm toan.
Các biến chứng khác bao gồm rối loạn lipid máu và gia tăng các cơn hạ đường huyết.
Một số nghiên cứu trên động vật đã gợi ý rằng chế độ ăn ít tinh bột nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch (cardiovascular disease - CVD), do sự tích tụ của chất béo trong động mạch. Mà bản thân những bệnh nhân đái tháo đường đã có nguy cao mắc bệnh tim mạch,
Trẻ em cũng có thể bị còi xương do thiếu một yếu tố tăng trưởng có cấu trúc giống như insulin. Điều này cho thấy rằng những người theo chế độ keto có thể bị yếu xương và gãy xương.
Hiện nay vẫn chưa đủ các bằng chứng chứng minh về ảnh hưởng lâu dài của chế độ keto với sức khoẻ. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa.
Các giải pháp thay thế
Keto là một chế độ ăn kiêng giúp bạn kiểm soát cân nặng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia y tế không khuyến nghị bệnh nhân đái tháo đường sử dụng chế độ ăn này.
Có rất nhiều các phương pháp khác có thể giúp bạn cân bằng lượng tinh bột, protein và chất béo trong cơ thể. Chúng có thể kiểm soát cân nặng và giữ đường huyết trong mức cho phép.
Một trong những phương pháp đó sẽ rất có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường.
Những ý kiến trái chiều
Những người chỉ trích chế độ ăn keto tập trung vào các tác dụng phụ như gây tổn thương thận, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và các cơn hạ đường huyết.
Chế độ keto rất khắc nghiệt nên cũng rất khó để duy trì trong một thời gian dài.
Khi quay trở lại chế độ ăn có tinh bột, bạn sẽ tăng cân trở lại.
Các nhà phê bình cũng lưu ý rằng không có bằng chứng nào chứng minh được những tác dụng lâu dài của chế độ ăn kiêng keto
Tổng kết
Các cơ quan y tế Hoa Kỳ không chấp nhận chế độ keto là một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
Để kiểm soát lượng đường trong máu, bạn nên:
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với nhiều trái cây tươi và rau củ.
- Chia đều lượng tinh bột tiêu thụ trong một ngày.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
- Làm theo lời khuyên của bác sỹ
Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể lên một chế độ ăn uống phù hợp nhất với lối sống của từng cá nhân.
Xem thêm: