Cách nhận biết khí SO2
I. Cách nhận biết khí SO2
Khí lưu huỳnhđioxit (SO2) (khí sunfurơ) là chất khí không màu, mùi hắc, nặng hơn không khí, tan nhiều trong nước.
- Cách nhận biết: Sục vào dung dịch brom hoặc dung dịch thuốc tím.
- Hiện tượng: Làm mất màu dung dịch brom hoặc mất màu dung dịch thuốc tím.
- Phương trình hóa học:
SO2 + Br2 + 2H2O → 2HBr + H2SO4
5SO2 + 2KMnO4 + 2H2O → 2H2SO4 + 2MnSO4 + K2SO4
Ngoài ra, có thể nhận biết bằng cách sục khí từ từ đến dư vào dung dịch nước vôi trong (Ca(OH)2) hoặc Ba(OH)2
+ Hiện tượng: Dung dịch bị vẩn đục trắng, sau đó trở nên trong suốt.
+ Phương trình hóa học:
SO2 + Ca(OH)2 → CaSO3↓ + H2O
CaSO3 + SO2 + H2O → Ca(HSO3)2
Lưu ý: Khí SO2 là khí độc, hít thở phải không khí có khí này sẽ gây viêm đường hô hấp. Do đó, khi tiến hành thí nghiệm phải cẩn thận và tiến hành trong tủ hút.
II. Mở rộng
SO2 được dùng để sản xuất H2SO4 trong công nghiệp, làm chất tẩy trắng và bột giấy, chất chống nấm mốc lương thực, thực phẩm,…
III. Bài tập nhận biết khí SO2
Bài 1: Hãy nhận biết hai chất khí sau bằng phương pháp hóa học: SO2 và O2. Viết các phương trình hóa học.
Hướng dẫn giải:
Dẫn lần lượt hai khí vào dung dịch nước vôi trong, nếu có kết tủa xuất hiện thì đó là SO2, không hiện tượng gì thì đó là khí O2.
Phương trình hóa học:
SO2 + Ca(OH)2 → CaSO3↓ + H2O
Bài 2: Có thể dùng lượng dư nước vôi trong để phân biệt hai khí CO2 và SO2 được hay không? Giải thích?
Hướng dẫn giải:
- Không thể dùng nước vôi trong để phân biệt hai khí CO2 và SO2 vì cả hai đều có phản ứng tạo kết tủa với Ca(OH)2 làm dung dịch vẩn đục trắng.
- Phương trình hóa học:
SO2 + Ca(OH)2 → CaSO3↓ + H2O
CO2 + Ca(OH)2 → CaCO3↓ + H2O
Xem thêm các bài viết về cách nhận biết các chất hóa học hay và chi tiết khác: