5 kiểu thở bình thường ở trẻ sơ sinh

Khi bạn nhận thấy trẻ sơ sinh thở hơi bất thường, bạn có thể tự hỏi liệu mọi thứ có bình thường với trẻ hay không. Điều quan trọng bạn cần nhớ là trẻ sơ sinh có những kiểu thở riêng biệt. Kiểu thở vẻ bất thường hoặc đáng lo lắng đối với bạn thực ra có thể là điều hoàn toàn bình thường đối với trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số điều bạn cần biết về cách thở của trẻ sơ sinh.

Video “Đếm nhịp thở” - Cách đơn giản để phát hiện, xử lý kịp thời những bất thường ở trẻ

Tiếng thở “ồn ào”

Đừng ngạc nhiên nếu con bạn có tiếng thở khá “ồn ào”. Trẻ sơ sinh chỉ có thể thở bằng mũi trong vài tháng đầu đời, điều này có thể khiến trẻ phát ra đủ loại âm thanh - từ khịt mũi và khè khè đến ục ục hay tiếng huýt sáo - khi chúng hít vào và thở ra.

Bạn không nhất thiết phải lo lắng về tiếng thở “ồn ào” này. Tuy nhiên, hãy chú ý đến các dấu hiệu suy hô hấp. Cho trẻ đi khám ngay nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.

Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo

Cho trẻ đi khám ngay hoặc gọi 115 nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo nào trong số này.

  • Da chuyển sang tím tái ở những vùng như môi, lưỡi và âm đạo. Da lòng bàn tay và bàn chân trẻ có thể có màu xanh hoặc hơi tím do hệ tuần hoàn của bé chưa hoàn chỉnh nhưng nếu các khu vực khác chuyển sang màu xanh tím thì bạn cần cho bé đi khám ngay lập tức.
  • Nhịp thở tăng lên đáng kể, hơn 60 nhịp thở mỗi phút
  • Trẻ khó thở, có thể thấy thấy cánh mũi liên tục phập phồng và lồng ngực co rút bất thường
  • Trẻ bỏ bú
  • Li bì hoặc buồn ngủ quá mức

Trẻ bị hắt hơi thường xuyên

Trẻ hắt hơi thường xuyên có thể là do dị ứng với một yếu tố nào đó hoặc có thể là phản ứng bình thường của trẻ. Khi đã loại bỏ hết các yếu tố nghi ngờ là nguyên nhân trẻ dị ứng mà tình trạng hắt hơi của trẻ không đổi thì đó có thể là tình trạng bình thường của trẻ.

Trẻ nhỏ hít thở hoàn toàn bằng mũi trong những tháng đầu đời, có nghĩa là tất cả các yếu tố có không khí sẽ đi vào cơ thể qua đường mũi. Vì đường mũi của trẻ sơ sinh rất nhỏ nên trẻ thường xuyên phải hắt hơi để tống các chất lạ này ra ngoài.

Hắt hơi chỉ đơn giản là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hoạt động bình thường.

Khi hắt hơi thường xuyên kèm theo các vấn đề khác như nôn mửa, tiêu chảy, thở khò khè và đau bụng, có thể có nghĩa là con bạn bị dị ứng với sữa công thức bạn đang cho con bú. Trao đổi vấn đề này với bác sĩ, họ có thể khuyên bạn sử dụng sữa công thức ít gây dị ứng.

Thở theo chu kỳ

Khi con bạn ngủ, bạn sẽ nhận thấy chúng trải qua giai đoạn được gọi là thở theo chu kỳ. Đôi khi nhịp thở của chúng có thể nhanh, sau đó là những khoảng thời gian thở chậm. Thậm chí có thể có khoảng vài giây trẻ ngừng thở.

Kiểu thở theo chu kỳ này thường hoàn toàn bình thường và là một phần của sự phát triển điển hình của trẻ sơ sinh. Trẻ sẽ hết khi chúng lớn lên.

Khi nào nên gọi cho bác sĩ

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, bạn nên cho bé đi khám.

  • Thời gian ngừng thở kéo dài hơn 10 giây
  • Rên rỉ trong khi thở
  • Ho hoặc thở khò khè dai dẳng
  • Hít thở sâu và làm cho xương sườn nhô ra

Tiếng khụt khịt khi thở

Trẻ nhỏ mới sinh có ống mũi bên trong rất nhỏ và hẹp, đường kính mỗi ống mũi trong khoảng 2-3mm mỗi bên mũi nên niêm mạc mũi trong sản xuất ra chất nhầy dễ có trường hợp khó tống chất nhầy này ra ngoài khiến cho chúng tập trung lại gây đầy ống mũi tạo tiếng khụt khịt cho bé khi thở hoặc khi bú khi khóc. Vấn đề này không cần can thiệp gì ngoại trừ âm thanh hơi khó nghe ở đường hô hấp trên.

Tuy nhiên, nếu bạn thực sự cảm thấy rằng trẻ cần được hỗ trợ để tiếng thở nghe dễ chịu hơn, hãy giữ phòng trẻ không có bụi và lông vật nuôi, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ và nếu thực sự cần thiết, bạn có thể dùng dụng cụ hút mũi. Nhưng hãy trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện.

Nếu trẻ có thêm các triệu chứng khác kèm theo nghẹt mũi, thì có thể bé đang bị cảm lạnh và nên được bác sĩ nhi khoa thăm khám. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo:

  • Sốt
  • Ho khan
  • Khó ngủ
  • Bỏ bú
  • Cáu kỉnh

Nấc cụt

Nấc cụt là một tình trạng phổ biến khác đối với trẻ sơ sinh. Trên thực tế, nhiều bà mẹ thậm chí có thể cảm thấy con mình bị nấc cụt trong bụng mẹ. Nuốt phải không khí trong khi bú và nhiệt độ dạ dày thay đổi đột ngột đều là những lý do phổ biến khiến bé bị nấc cụt. Nhưng không cần phải lo lắng. Chúng sẽ dần hết khi trẻ lớn hơn.

Đôi khi nấc cụt là dấu hiệu của chứng của trào ngược dạ dày thực quản (GER -gastroesophageal reflux), khi thức ăn trong dạ dày của trẻ thường xuyên trào lên thực quản.

GER đặc biệt phổ biến ở trẻ sinh non và thường thuyên giảm khi dạ dày của chúng lớn hơn, có thể chứa nhiều sữa hơn. Nếu trẻ có dấu hiệu của GER dai dẳng, chẳng hạn như tăng cân kém, khó chịu và ho liên tục, thì bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ.

Tổng kết

Tiếng thở “ồn ào”, nấc cụt, thậm chí tiếng khụt khịt có thể hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh nhưng bạn vẫn cần chú ý đến nhịp thở của bé. Thông qua bài viết này, bạn sẽ biết điều gì là bình thường, điều gì không bình thường và khi nào cần cho bé đi khám. Đừng ngần ngại hỏi bác sĩ về các vấn đề hô hấp ở trẻ.

Xem thêm

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!