Trẻ bị ho: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục

Trẻ nhỏ bị ho thường làm bạn rất lo lắng, bài viết dưới đây sẽ chỉ cho bạn cách nhận biết mức độ nghiêm trọng của cơn ho, cũng như nguyên nhân gây ra chúng. Trước hết, bạn cần phân biệt đây là ho khan hay ho có đờm. Hãy nghe xem có tiếng thở khò khè, tiếng rít hay không? Để biết cần làm gì tiếp theo, bạn hãy tiếp tục đọc bài viết này!

Một cơn ho của trẻ có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau. Đôi khi thật khó để quyết định xem có nên cho trẻ đi khám hay đến thẳng khoa cấp cứu.

Video: nhận biết bệnh của trẻ qua tiếng ho của trẻ 

Bác sĩ Howard Balbi, giám đốc khoa truyền nhiễm nhi tại Trung tâm Y tế Hạt Nassau ở East Meadow, New York, giải thích: Ho là cách cơ thể tự bảo vệ. Ho là phương pháp mà cơ thể sử dụng để giữ cho đường hô hấp thông thoáng, loại bỏ đờm trong cổ họng, chất nhầy ở mũi chảy xuống phía sau họng hoặc thức ăn bị mắc kẹt.

Có hai loại ho: ho khan và ho có đờm.

Ho khan: Xảy ra khi em bé bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Ho khan giúp làm sạch dịch mũi sau hoặc giảm kích ứng do tình trạng viêm 

Ho có đờm: Tình trạng này là do bệnh đường hô hấp kèm theo nhiễm trùng do vi khuẩn. Ho có đờm xảy ra khi đờm hoặc chất nhầy (chứa các tế bào bạch cầu giúp chống lại vi trùng) hình thành trong đường thở của bé.

Catherine Dundon, Phó giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Trường Y Đại học Vanderbilt và là bác sĩ nhi khoa ở Goodlettsville, Tennessee, cho biết trẻ em dưới 4 tháng không bị ho nhiều, vì vậy nếu chúng ho thì tình trạng sẽ nghiêm trọng. Ví dụ, nếu trẻ sơ sinh ho nhiều vào mùa đông, đó có thể là do nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV) - một bệnh nhiễm vi rút nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Khi trẻ trên 1 tuổi, ho ít đáng lo hơn và thường là do cảm lạnh.

Bạn băn khoăn không biết phải làm sao khi bé bị ho? Để giúp bạn phân biệt cơn ho thông thường và cơn ho cần đi khám ngay, bạn hãy bình tĩnh, lắng nghe cẩn thận tiếng ho của bé và làm theo các hướng dẫn bên dưới.

Ho do cảm lạnh

Đặc điểm: Tiếng ho khan ngắn và liên tục.

Triệu chứng: Các dấu hiệu ho của trẻ có thể là dấu hiệu của cảm lạnh hoặc cúm kèm theo nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi và đau họng. Các cơn ho thường là ho khan, nhưng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh, bé có thể có đờm nhớt và / hoặc sốt nhẹ vào ban đêm.

Biện pháp khắc phục: Hãy cấp đủ dịch và cho bé nghỉ ngơi. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên không nên sử dụng thuốc hoặc siro ho cho trẻ em dưới 6 tuổi vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng không có tác dụng và chúng có thể gây ra các tác dụng phụ có thể gây tử vong ở những trẻ nhỏ hơn 4 tuổi. Tốt hơn hết bạn nên áp dụng các biện pháp chữa ho tự nhiên cho trẻ nhỏ như mật ong (chỉ dùng cho trẻ trên 1 tuổi), nhỏ nước muối sinh lý và dùng máy tạo độ ẩm phun sương. Có thể hạ sốt cho bé bằng paracetamol.

Nếu nhiệt độ của con bạn từ 38oC độ trở lên và con trông mệt mỏi, hãy hãy cho bé đi khám. Có khả năng là bé bị cúm. Cũng cho trẻ đi khám ngay lập tức nếu trẻ từ 4 tháng tuổi trở xuống và bị sốt, ngay cả một cơn sốt nhẹ cũng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh.

Ho do viêm thanh khí phế quản cấp

Nguyên nhân thường do nhiễm vi rút. Bệnh viêm thanh khí phế quản cấp làm cho niêm mạc khí quản sưng lên và bít kín đường thở, khiến bé khó thở.

Đặc điểm: tiếng ho ông ổng

Triệu chứng: Ho là triệu chứng đặc trưng: bé thường ho về đêm, giống tiếng sủa, khó nhầm lẫn với loại khác, kèm theo khó thở. Tiếng ho ông ổng kèm theo thở rít khi hít vào.

Viêm thanh khí phế quản cấp thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi và thường bắt đầu bằng cảm lạnh bình thường hoặc sụt sịt vào sáng sớm. Bệnh khỏi sau ba hoặc bốn ngày từ khi xuất hiện triệu chứng ho; nếu không, hãy cho bé đi khám.

Biện pháp khắc phục: Trước tiên, hãy cố gắng trấn an bé. Sau đó, bạn có thể thực hiện một trong các biện pháp dưới đây để làm bé dễ thở hơn:

  • Bật vòi hoa sen, đóng cửa phòng tắm và để bé hít thở không khí ẩm.
  • Nếu bị giữa đêm, hãy cho bé ra ngoài trời, không khí ẩm sẽ giúp bé dễ thở hơn.
  • Cho bé hít thở không khí từ máy tạo ẩm phun sương.

Ho do viêm tiểu phế quản

Theo bác sĩ Ruffin Franklin của Trung tâm Nhi khoa và Vị thành niên Capitol ở Raleigh, North Carolina, có nhiều nguyên nhân gây co thắt đường thở, bao gồm các yếu tố môi trường như bụi. Phần lớn các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. David Rubin, MD, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện St. Barnabas ở Bronx, New York cảnh báo: loại vi rút này gây cảm lạnh đơn thuần ở trẻ em trên 3 tuổi, nhưng nó có thể xâm nhập vào phổi của trẻ sơ sinh và có thể đe dọa tính mạng

Đặc điểm: Thở khò khè

Triệu chứng: Viêm tiểu phế quản xuất hiện sau cơn cảm lạnh, kèm theo ho và sổ mũi. Vì bé ho hoặc thở khò khè có liên quan đến cả viêm tiểu phế quản và hen suyễn nên khó có thể phân biệt chúng với nhau. Tuy nhiên, bệnh viêm tiểu phế quản thường xuất hiện vào mùa thu đông và có thể kèm theo sốt nhẹ, chán ăn.

Biện pháp khắc phục: Bạn có thể điều trị viêm tiểu phế quản tại nhà khi nhịp thở của trẻ được kiểm soát. Cho trẻ uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều, sử dụng máy phun sương làm ẩm và luôn theo dõi nhịp hô hấp của trẻ. Nếu nó quá cao - 50 nhịp thở mỗi phút hoặc hơn - con bạn chắc chắn đang bị suy hô hấp. Hãy cho bé đi cấp cứu 

Ho gà ở trẻ nhỏ

Nhiễm vi khuẩn đe dọa tính mạng này là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong cho trẻ sơ sinh cho đến khi vắc-xin ho gà được tạo ra vào những năm 1960. Tuy nhiên, bệnh ho gà đã trở lại và bùng phát ở nhiều nơi trong những năm gần đây.

Đặc điểm: trẻ ho rũ rượi không kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy

Triệu chứng: Trong hầu hết các trường hợp ho gà, trẻ không có triệu chứng cảm lạnh hoặc sốt. Các dấu hiệu của bệnh ho gà bao gồm:

  • Cơn ho thường xuyên
  • Lưỡi thè ra
  • Mắt lồi
  • Mặt biến sắc

Phòng ngừa bệnh ho gà:  Hãy chắc chắn rằng trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Điều trị: Nếu bạn nghi ngờ con mình bị ho gà, hãy cho trẻ đi khám ngay tức. Theo bác sĩ Franklin, khi những cơn ho phát triển, trẻ phải nhập viện để được thở oxy trong những cơn ho. Trẻ - cũng như mọi thành viên trong gia đình - cũng sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh erythromycin để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh rất dễ lây này. Bệnh ho gà sẽ cần mất hàng tháng để điều trị dứt điểm

Ho do viêm phổi

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn ở phổi do một số bệnh lý dẫn tới, bao gồm cả cảm lạnh thông thường.

Đặc điểm: Ho ướt (ho có đờm, sặc nước bọt)

Triệu chứng: Trẻ bị viêm phổi sẽ rất mệt mỏi. Bé cũng có thể ho ra đờm với sắc xanh và vàng.

Điều trị: Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân là do vi rút hay vi khuẩn, vì vậy hãy cho trẻ đi khám, đặc biệt nếu trẻ bị sốt. Viêm phổi do vi khuẩn thường nguy hiểm hơn và phổ biến nhất là phế cầu gây ra. 

Ho do bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn không phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi, trừ khi trẻ đã từng bị chàm bội nhiễm và có tiền sử gia đình bị dị ứng và hen suyễn. Tình trạng đường thở của bé bị co thắt lại dẫn đến thở khò khè sẽ được gọi là bệnh lý tăng tính phản ứng của đường thở

Đặc điểm: Thở khò khè

Triệu chứng: Khi bị hen suyễn, trẻ sẽ bị co rút lồng ngực. Triệu chứng khởi phát thường gặp:

  • Triệu chứng cảm lạnh
  • Ngứa và chảy nước mắt

Điều trị: Tốt nhất là bạn nên cho trẻ đi khám nếu thấy trẻ thở khò khè. Ngay cả khi không có chẩn đoán xác định là bệnh hen suyễn, các bác sĩ có thể vẫn sử dụng thuốc hen suyễn để điều trị từng cơn thở khò khè. Bác sĩ có thể kê đơn albuterol dạng lỏng để làm thông đường hô hấp. Nếu cơn hen suyễn rất nghiêm trọng, albuterol được sử dụng qua máy phun sương - một thiết bị đặc biệt giúp phân phối thuốc dưới dạng sương mù mịn - đôi khi được sử dụng với mặt nạ dành cho trẻ nhỏ để trẻ có thể hít thuốc dễ dàng hơn.

Nếu trẻ nhỏ bị ho dữ dội hoặc ho nặng hơn sau 1 hoặc 2 ngày và hơi thở của trẻ trở nên khó khăn, hãy cho trẻ đi khám ngay lập tức. Cũng như đối với bệnh viêm tiểu phế quản, hãy để ý đến nhịp hô hấp của trẻ. Nếu nó quá cao - 50 nhịp thở mỗi phút hoặc hơn - trẻ chắc chắn đang bị suy hô hấp. Hãy đi khám cấp cứu.

Ho do dị vật đường thở

Đồ chơi và thức ăn nhỏ, chẳng hạn như một miếng cà rốt hoặc xúc xích, là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị sặc. Nếu trẻ bắt đầu thở hổn hển hoặc ho đột ngột khi đang ăn hoặc chơi với đồ chơi nhỏ, hãy nhìn xem trong miệng trẻ có gì không. Trẻ thường có thể ho văng ra thứ gây sặc.

Đặc điểm: Ho nhỏ, dai dẳng hoặc thở hổn hển

Triệu chứng: Vì trẻ luôn ngậm đồ vật trong miệng nên có thể bỏ sót đồ vật bị mắc kẹt trong nhiều ngày. Các triệu chứng khi bé bị ho do dị vật bao gồm:

  •  Ho dai dẳng hoặc thở khò khè nhẹ trong khoảng thời gian vài ngày sau đó — không kèm theo bất kỳ triệu chứng cảm lạnh nào khác và không có tiền sử cảm lạnh hoặc sốt gần đây
  • Viêm phổi cũng có thể là kết quả của việc sặc thức ăn vào phổi - đậu phộng là thủ phạm rất phổ biến.

Nếu dị vật đã chặn hoàn toàn đường thở của bé, bé sẽ có các triệu chứng sau:

  • Trẻ hoảng hốt
  • Không phát ra tiếng
  • Mặt biến sắc, tái hoặc nhợt

Xử trí: Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị mắc dị vật đường thở hoàn toàn, hãy thực hiện sơ cứu ngay bằng cách cho trẻ nằm sấp, đầu thấp và dùng cùi tay đánh mạnh 5 lần vào giữa hai xương bả vai của trẻ. Nếu bạn không thể lấy dị vật ra, hãy cấp cứu ngay.

Trong trường hợp dị vật bị kẹt một phần, hãy cố gắng giúp bé ho ra bằng cách nghiêng đầu xuống và vỗ nhẹ vào lưng bé. Nếu bạn nghi ngờ bé bị hóc dị vật một phần, nhưng dường như bé không thể khạc ra được, bé sẽ cần chụp X-quang phổi. Nếu một chút thức ăn thực sự bị mắc kẹt, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa có thể thực hiện nội soi phế quản. Trong quá trình thủ thuật, trẻ được gây mê toàn thân và một ống sợi quang cực nhỏ có nhíp ở cuối sẽ đi xuống đường thở và gắp dị vật ra ngoài.

Trẻ ho: Khi nào cần lo lắng

Cho trẻ đi khám nếu trẻ có các triệu chứng sau:

  • Trẻ nhỏ hơn 4 tháng có ho
  • Ho khan liên quan đến cảm lạnh (sổ mũi nhưng không sốt) kéo dài hơn 5-7 ngày
  • Ho khan hoặc có đờm kèm theo cảm lạnh và sốt từ 38o trở lên
  • Thở khò khè nhẹ và trung bình
  • Ho đột ngột

Khám cấp cứu nếu trẻ:

  • Thở khò khè nhanh
  • Rên rỉ
  • Không thể thở được
  • Tím tái
  • Rút lõm lồng ngực

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!