Bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, điều trị và tiên lượng

Lỗ bầu dục là một lỗ nhỏ nằm ở vách ngăn giữa hai buồng trên của tim (tâm nhĩ). Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi không dùng phổi của mình để lấy máu giàu oxy do hệ hô hấp chưa hoạt động. Thay vào đó, thai nhi lấy máu giàu oxy từ nhau thai của mẹ qua dây rốn. Máu từ các tĩnh mạch rốn đến tim phải, sau đó qua lỗ bầu dục đổ trực tiếp sang tim trái.

Video: Lỗ bầu dục ở tim là gì, khi nào cần can thiệp bít dù?

Lỗ bầu dục thường đóng lại sau khi sinh do huyết áp tăng lên ở phía bên trái của tim. Sau khi lỗ bầu dục đóng lại, máu tĩnh mạch đến phổi trẻ để trao đổi oxy trước khi về tim trái để được bơm đi đến các phần còn lại cơ thể.

Bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục là gì?

Bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục được định nghĩa là lỗ bầu dục không đóng lại đúng cách sau khi sinh, vì vậy vẫn có một lỗ thông ở vách ngăn giữa hai tâm nhĩ. Trong hầu hết các trường hợp, lỗ bầu dục không mở hay đóng hoàn toàn. Thay vào đó, nó giống như một cái nắp - mở ra khi áp suất ở các buồng tim phải cao hơn bình thường. Các trường hợp gây ra tình trạng này bao gồm: rặn khi đi ngoài, ho và hắt hơi. Khi áp lực đủ cao, máu có thể di chuyển từ tâm nhĩ phải sang tâm nhĩ trái.

Bệnh tim còn lỗ bầu dục xảy ra ở khoảng 25% dân số Mỹ, nhưng nhiều người không biết họ mắc bệnh.

Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục 

Các nguy cơ và triệu chứng của bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục là gì?

Hầu hết bệnh nhân tim tồn tại lỗ bầu dục không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, tình trạng này có thể đóng vai trò trong chứng đau nửa đầu và làm tăng nguy cơ đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua và nhồi máu cơ tim.

Đau nửa đầu

Bệnh nhân tim tồn tại lỗ bầu dục có thể bị đau nửa đầu kèm theo tiền triệu. Mặc dù với một số bệnh nhân đã đóng lỗ bầu dục thì hết đau nửa đầu nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định việc đóng lỗ bầu dục có giúp giảm bớt hay không. 

Đột quỵ, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua và nhồi máu cơ tim 

Bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục làm tăng nguy cơ bị cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), đột quỵ nhồi máu cơ tim. Điều này do khi áp suất tăng lên ở các buồng tim phải, cục máu đông hoặc các thành phần rắn trong máu có thể di chuyển từ tim phải sang tim trái thông qua lỗ bầu dục và đi đến não (gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ) hoặc đến động mạch vành (gây nhồi máu cơ tim). Cơn thiếu máu não thoáng qua là do thiếu máu tạm thời đến não. Các triệu chứng giống như đột quỵ, nhưng kéo dài dưới 24 giờ.

Trong nhiều trường hợp, cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục. Bệnh nhân dưới 55 tuổi bị đột quỵ mà không rõ nguyên nhân có nhiều khả năng bị tim tồn tại lỗ bầu dục. Những bệnh nhân này cũng có nhiều nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

Bệnh nhân bị tim tồn tại lỗ bầu dục cũng có thể bị phình vách liên nhĩ - phần trên của vách ngăn tâm nhĩ bị phình ra và đẩy lồi vào một hoặc cả hai tâm nhĩ.

Các triệu chứng của đột quỵ và cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua 

  1. Đột ngột yếu hoặc tê ở mặt, tay hoặc chân một bên
  2. Đột ngột nhìn mờ hoặc nhìn đôi ở một hoặc cả hai mắt
  3. Không nói được, nói khó hoặc không hiểu những gì người khác đang nói
  4. Chóng mặt, mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng
  5. Ngất trong một thời gian ngắn
  6. Đột ngột không thể cử động một phần cơ thể (liệt)

Chẩn đoán và các xét nghiệm bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục

Chẩn đoán bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục như thế nào?

Các kiểm tra để phát hiện bệnh, bao gồm: 

  • Siêu âm tim qua thành ngực  -   để kiểm tra lưu lượng máu qua các van và buồng tim.
  • Siêu âm tim qua thực quản - Một đầu dò có gắn camera nhỏ được đặt vào thực quản. Loại siêu âm này cho hình ảnh khiếm khuyết ở tim rõ ràng hơn so với siêu âm qua thành ngực
Siêu âm tim phát hiện bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục. Nguồn: Medical Device network
  • Nghiên cứu bong bóng - Việc này được thực hiện trong quá trình siêu âm tim qua thành ngực hoặc siêu âm tim qua thực quản. Đầu tiên, lắc nước muối sinh lý đến khi có bong bóng, sau đó tiêm vào tĩnh mạch ở tay. Bác sĩ sẽ đánh giá có bệnh hay không dựa vào sự di chuyển các bong bóng từ bên này sang bên kia của tim.

Ngoài ra, bạn cần làm thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra nhịp tim, hệ thần kinh và xét nghiệm về các tình trạng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông (trạng thái tăng đông máu).

Quản lý và Điều trị bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục

Những phương pháp điều trị sẵn có nào dành cho bệnh nhân bị tim tồn tại lỗ bầu dục?

Nếu bạn bị tim tồn tại lỗ bầu dục nhưng không có triệu chứng hoặc các vấn đề liên quan thì không cần điều trị. Khi cần điều trị, bạn có thể phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật đóng lỗ bầu dục.

Thuốc

Ở bệnh nhân bị tim tồn tại lỗ bầu dục đã bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua thì cần dùng thuốc chống đông máu để ngăn chặn hình thành cục máu đông và đột quỵ tái phát. Các thuốc bao gồm: aspirin, Plavix (clopidogrel) hoặc Coumadin (warfarin). Bạn cần khám bác sĩ để tư vấn và kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

Phẫu thuật đóng lỗ bầu dục

Thiết bị đóng lỗ bầu dục

Phẫu thuật đóng lỗ bầu dục. Nguồn: Wiley Online Library

Ở những bệnh nhân bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua không rõ nguyên nhân, đóng lỗ bầu dục chưa được chứng minh là phương pháp điều trị tốt hơn so với dùng thuốc.

Phẫu thuật đóng lỗ bầu dục thường được xem xét ở những bệnh nhân bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua nhiều hơn một lần sau khi dùng thuốc chống đông máu.

Khi đóng lỗ bầu dục là phương án điều trị tốt nhất, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về cuộc phẫu thuật và thiết bị để đóng lỗ bầu dục.

Chăm sóc và theo dõi 

Việc tái khám là rất quan trọng để theo dõi tiến triển của bệnh. Bác sĩ sẽ cho bạn biết các mốc thời gian cụ thể bạn cần đi khám.

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!