Nguyên nhân gây bệnh quai bị
Quai bị lây lan khi tiếp xúc với dịch tiết từ miệng, mũi và họng khi trẻ bị nhiễm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus này cũng có thể sống trên các bề mặt như tay nắm cửa, dụng cụ ăn uống và cốc uống nước. Virus lây lan khi một đứa trẻ khác sử dụng những vật dụng này sau đó đưa lên mũi hoặc miệng của mình.
Yếu tố nguy cơ mắc quai bị
Trẻ em có nguy cơ mắc quai bị cao hơn nếu xung quanh có người mắc hoặc chưa được tiêm chủng.
Triệu chứng của bệnh quai bị ở trẻ em
Triệu chứng thường kéo dài khoảng 2 đến 3 tuần kể từ khi nhiễm virus. Nhiều trẻ em không có hoặc triệu chứng xuất hiện nhẹ. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau và sưng các tuyến nước bọt, đặc biệt là tuyến nước bọt mang tai
- Khó nói và nhai
- Đau tai
- Sốt
- Đau đầu
- Đau cơ
- Mệt mỏi
- Giảm cảm giác ngon miệng
Một số vấn đề sức khỏe khác cũng có triệu chứng tương tự. Trao đổi với bác sĩ để có chẩn đoán xác định.
Chẩn đoán quai bị ở trẻ em
Thông qua việc hỏi bệnh sử, tiền sử và thăm khám, làm thêm xét nghiệm nước bọt hoặc nước tiểu để xác định chẩn đoán.
Điều trị quai bị ở trẻ em
Việc điều trị phụ thuộc độ tuổi, tình trạng sức khỏe, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng được biểu hiện. Thuốc kháng sinh không được sử dụng để điều trị bệnh này.
Mục tiêu điều trị là làm giảm triệu chứng, bao gồm:
- Nghỉ ngơi tại giường
- Uống nhiều nước
- Sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau, hạ sốt
Trao đổi với bác sĩ các vấn đề liên quan đến việc dùng thuốc cho trẻ em. Không tự ý cho trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng Iburofen, cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Không cho trẻ uống aspirin. Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye.
Biến chứng của bệnh quai bị ở trẻ em
Biến chứng của bệnh quai bị thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em. Chúng có thể bao gồm:
- Viêm màng não. Đây là tình trạng viêm màng bao bọc não và tủy sống. Hầu hết trẻ em phục hồi hoàn toàn sau khi khỏi bệnh.
- Viêm não. Chứng viêm não do quai bị cũng khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng.
- Viêm tinh hoàn. Viêm tinh hoàn gây đau, một số trường hợp có thể dẫn đến vô sinh.
- Viêm vú. Mô vú bị viêm do virus quai bị
- Viêm vòi trứng. Viêm vòi trứng có thể gây đau bụng, buồn nôn và nôn.
- Viêm tụy do virus
- Điếc. Mất thính giác có thể xảy ra.
Biện pháp phòng bệnh quai bị ở trẻ em
Một loại vaccine kết hợp có tác dụng phòng bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR). MMR cung cấp khả năng miễn dịch cho hầu hết mọi người. Trẻ em đã từng bị quai bị có miễn dịch suốt đời.
Vaccine chủng ngừa MMR được tiêm 2 liều. Liều đầu tiên tiêm trong độ tuổi từ 12 đến 15 tháng tuổi. Liều thứ hai được tiêm trong độ tuổi từ 4 đến 6. Liều thứ hai cần được tiêm sau liều đầu tiên ít nhất 4 tuần.
Để giúp ngăn ngừa lây lan bệnh quai bị cho những người khác:
- Cho trẻ nghỉ học đến khi các triệu chứng biến mất.
- Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ.
- Đảm bảo các thành viên khác trong gia đình rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn.
- Dạy trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho.
- Làm sạch bề mặt cứng, đồ chơi và tay nắm cửa bằng chất khử trùng.
- Đảm bảo rằng lớp học của trẻ khuyến khích hoạt động rửa tay.
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Trao đổi với bác sĩ nếu con bạn có những dấu hiệu sau:
- Các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn
- Xuất hiện các triệu chứng mới
Những điểm chính về bệnh quai bị ở trẻ em
- Quai bị bệnh do virus rất dễ lây lan, gây viêm tuyến nước bọt mang tai một hoặc hai bên.
- Quai bị lây lan khi tiếp xúc với dịch tiết từ miệng, mũi và họng khi trẻ bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
- Quai bị có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Vaccine phòng quai bị kết hợp với phòng bệnh sởi và rubella (MMR). MMR cung cấp khả năng miễn dịch cho hầu hết mọi người.
- Triệu chứng phổ biến của bệnh quai bị bao gồm đau và sưng các tuyến nước bọt, đặc biệt là tuyến mang tai. Các triệu chứng khác bao gồm khó nói và nhai, đau tai và sốt.
- Mục tiêu điều trị là giúp giảm bớt các triệu chứng. Điều trị bao gồm nghỉ ngơi, truyền nước và dùng acetaminophen để giảm bớt sự khó chịu.
- Cho con bạn nghỉ học đến khi các triệu chứng biến mất. Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ. Cho trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho.
Những câu hỏi trong khi hẹn gặp bác sĩ
Một số lưu ý giúp bạn tận dụng tối đa cuộc hẹn với bác sĩ:
- Biết lý do và diễn biến của cuộc hẹn.
- Trước khi gặp bác sĩ, hãy viết ra những câu hỏi bạn muốn được giải đáp
- Khi thăm khám, hãy viết ra tên của chẩn đoán mới và bất kỳ loại thuốc, phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm mới nào. Đồng thời viết ra bất kỳ hướng dẫn mới nào mà bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ.
- Biết loại thuốc hoặc phương pháp điều trị mới được kê đơn, hiệu quả và tác dụng phụ của nó.
- Chủ động tìm hiểu các phương pháp điều trị thay thế cho tình trạng sức khỏe của con bạn.
- Biết ý nghĩa chỉ định xét nghiệm, quy trình và phiên giải kết quả.
- Biết điều gì sẽ xảy ra nếu con bạn không dùng thuốc hoặc làm xét nghiệm, thủ thuật.
- Nếu con bạn có một cuộc hẹn tái khám, hãy ghi lại ngày, giờ và mục đích của cuộc khám đó.
- Biết cách liên hệ với bác sĩ sau giờ làm việc. Điều này rất quan trọng nếu con bạn bị ốm, bạn có thắc mắc hoặc cần lời khuyên.
Xem thêm: