Bán tắc ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Tắc ruột là hiện tượng các chất trong lòng ruột bị tắc, không thể thoát ra ngoài cơ thể được. Tắc ruột có thể xảy ra ở một hoặc nhiều vị trí. Trường hợp tắc ruột xảy ra một phần (không hoàn toàn) thì được gọi là bán tắc ruột.

Hình ảnh minh họa tắc ruột (bên phải) và bán tắc ruột (bên trái). Nguồn ảnh: iconspecialistcentre.hkHình ảnh minh họa tắc ruột (bên phải) và bán tắc ruột (bên trái). Nguồn ảnh: iconspecialistcentre.hk

Nguyên nhân gây ra bán tắc ruột

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bán tắc ruột là dính ruột sau phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, các tổ chức ở thành bụng, phúc mạc hoặc ruột của bệnh nhân bị tổn thương. Quá trình liền thương tạo nên các tổ chức xơ dính hoặc các dây chằng. Đây là điều kiện thuận lợi khiến cho ruột dễ bị xoắn và gây ra tắc ruột hoặc bán tắc ruột.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng bán tắc ruột như: 

  • Viêm nhiễm đường ruột
  • Vật cản đường tiêu hóa như bã thức ăn, giun đũa,...
  • Thoát vị
  • Khối u đè vào ruột, gây cản trở các chất di chuyển trong lòng ruột.
  • Một số bệnh lý khác

Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là do nhu động ruột ngừng hoặc kém hoạt động (liệt ruột), được gọi là tắc ruột cơ năng. Tình trạng này thường xảy ra do bệnh nhân dùng một số loại thuốc hoặc sau phẫu thuật.

Một số loại thuốc làm giảm nhu động ruột có thể gây bán tắc ruột. Nguồn ảnh: www.health.harvard.eduMột số loại thuốc làm giảm nhu động ruột có thể gây bán tắc ruột. Nguồn ảnh: www.health.harvard.edu

Triệu chứng của bán tắc ruột

Nhận biết các dấu hiệu của bán tắc ruột là vô cùng cần thiết, nhằm ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Một số triệu chứng hay gặp trong tắc ruột, cũng như bán tắc ruột:

  • Đau bụng: Đây là triệu chứng khởi phát, đau theo cơn. Cơn đau có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, dữ dội, bắt đầu ở vùng rốn hoặc mạn sườn, sau đó, lan ra toàn bụng.
  • Chướng bụng: Sờ bụng thấy căng tức, triệu chứng này thường không xuất hiện ngay từ đầu. Tính chất của chướng bụng phụ thuộc vào vị trí và loại tắc ruột.
  • Nôn và buồn nôn: Xuất hiện đồng thời với đau bụng. Lúc đầu, bệnh nhân nôn ra thức ăn, sau nôn ra dịch mật (màu vàng xanh). Cuối cùng, bệnh nhân có thể nôn ra chất giống như phân. Tính chất nôn phụ thuộc vào vị trí tắc ruột.
  • Bí trung đại tiện: Khác với tắc ruột hoàn toàn, ở bệnh nhân bán tắc ruột, triệu chứng này không rõ ràng. Thậm chí, một số bệnh nhân bán tắc ruột còn gặp tình trạng tiêu chảy. 
  • Mất nước và rối loạn điện giải: Thường xuất hiện muộn và ngày càng rõ rệt với các dấu hiệu như khát nước, môi khô, da nhăn, nước tiểu ít,... Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.

Đau bụng từng cơn là triệu chứng của bán tắc ruột. Nguồn ảnh: www.istockphoto.comĐau bụng từng cơn là triệu chứng của bán tắc ruột. Nguồn ảnh: www.istockphoto.com 

Điều trị bán tắc ruột

Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân tắc ruột, cũng như tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nhìn chung, điều trị bán tắc ruột được chia làm điều trị nội khoa và phẫu thuật.

Điều trị nội khoa

  • Đặt đường truyền tĩnh mạch, kiểm soát tình trạng mất nước và các chất điện giải.
  • Đặt sonde dạ dày ruột: Ống nhựa nhỏ đi qua mũi xuống dạ dày và ruột để hút bớt dịch. Mục đích để giảm áp lực trong lòng ruột cũng như giảm nôn cho bệnh nhân.
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, kháng sinh phù hợp.
  • Chống sốc đối với những bệnh nhân có biểu hiện sốc.
  • Đối với những trường hợp bán tắc ruột do phân, có thể điều trị bằng thụt hậu môn.

Điều trị ngoại khoa

Trong một số trường hợp, điều trị nội khoa là chưa đủ mà buộc phải can thiệp phẫu thuật. Bác sĩ sẽ loại bỏ những nguyên nhân gây tắc ruột. Trong trường hợp bệnh nhân không thể làm phẫu thuật ngay do bệnh lý nền như ung thư đại tràng, bác sĩ có thể đặt stent để mở rộng lòng ruột.

Một số trường hợp bán tắc ruột cũng cần phải phẫu thuật. Nguồn ảnh: www.kcl.ac.ukMột số trường hợp bán tắc ruột cũng cần phải phẫu thuật. Nguồn ảnh: www.kcl.ac.uk

Phòng ngừa bán tắc ruột

Một số biện pháp phòng ngừa tắc ruột cũng như bán tắc ruột:

  • Tránh các chấn thương vùng bụng
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa quá nhiều chất xơ cùng một lúc như mít, măng,...
  • Đối tượng có nguy cơ cao bị tắc ruột nên chọn thức ăn dễ tiêu hóa.
  • Những bệnh nhân phẫu thuật vùng bụng, trong thời gian hậu phẫu, khi đã tỉnh và sức khỏe dần phục hồi nên tập vận động sớm như ngồi dậy và vận động quanh giường bệnh. 

Xem Thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!