5 điều cần biết về cắt túi mật nội soi

Cắt túi mật nội soi là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để cắt bỏ túi mật. Phẫu thuật này được chỉ định với các trường hợp sỏi mật gây viêm, đau hoặc nhiễm trùng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch vài đường nhỏ trên thành bụng. Đa số người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày và sớm sinh hoạt bình thường trở lại. Hãy tái khám ngay nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào sau khi phẫu thuật.

Tổng quát về cắt túi mật nội soi

Video: Cắt túi mật có ảnh hưởng sức khỏe không?

Cắt túi mật nội soi là gì?

Cắt túi mật nội soi là phẫu thuật để cắt bỏ túi mật. Bác sĩ sẽ rạch một vài đường nhỏ ở góc hạ sườn phải của bụng, sau đó đưa ống nội soi có gắn camera vào để quan sát túi mật trên màn hình. Túi mật sẽ được cắt bỏ qua một vết rạch nhỏ khác.

Cắt túi mật nội soi ít xâm lấn hơn cắt túi mật qua phẫu thuật mở. Phẫu thuật mở cần rạch một đường lớn hơn.

Túi mật là gì?

Túi mật là một cơ quan có hình dạng và kích thước như một quả lê nhỏ. Nó dự trữ dịch mật do gan tạo ra. Khi ăn, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật xuống ruột non, giúp tiêu hóa chất béo.

Chỉ định cắt túi mật

Cắt túi mật nội soi được chỉ định với những người bị sỏi mật có triệu chứng đau hoặc có tình trạng nhiễm trùng.

Sỏi mật là những khối rắn hình thành trong túi mật. Chúng có thể chặn đường ra của dịch mật, dẫn đến tình trạng viêm túi mật. Khi sỏi mật di chuyển xuống ống mật, nó có thể gây tắc mật, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các triệu chứng của sỏi mật bao gồm:

  • Chướng bụng
  • Sốt
  • Vàng da
  • Buồn nôn
  • Đau hạ sườn phải, có thể lan lên vai hoặc lan ra sau lưng.

Quy trình phẫu thuật cắt túi mật nội soi

Trước khi phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Siêu âm ổ bụng
  • Xét nghiệm máu
  • Tổng phân tích nước tiểu

Bác sĩ cũng sẽ trao đổi với bạn về:

  • Tất cả các loại thuốc bạn đang dùng
  • Lựa chọn các phương pháp giảm đau trong và sau khi phẫu thuật
  • Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn vài tiếng trước khi phẫu thuật

Ngay trước khi phẫu thuật

Bạn sẽ được gây mê toàn thân để không thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Sau khi bạn đã đi vào trạng thái hôn mê, bác sĩ sẽ đặt ống nội khí quản để hỗ trợ đường thở. Ngoài ra, họ cũng sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch và thuốc.

Trong khi phẫu thuật

Bác sĩ sử dụng các ống nội soi để thực hiện cắt túi mật. Nguồn ảnh: Lybrate.comBác sĩ sử dụng các ống nội soi để thực hiện cắt túi mật. Nguồn ảnh: Lybrate.com

Cắt túi mật nội soi mất khoảng 1 – 2 giờ. Bác sĩ sẽ rạch một vài đường nhỏ trên thành bụng để đưa ống nội soi và các dụng cụ phẫu thuật vào.

Bác sĩ có thể bơm khí carbon dioxit (CO2) vào ổ bụng để làm phồng vùng phẫu thuật, giúp dễ dàng quan sát bên trong hơn. Bằng các dụng cụ chuyên biệt, bác sĩ sẽ tách túi mật khỏi phần còn lại của cơ thể và cắt bỏ nó. Sau đó, họ sẽ đóng các đường mổ bằng chỉ khâu, ghim phẫu thuật hoặc keo phẫu thuật.

Nếu có bất kỳ biến chứng nào xảy ra trong quá trình cắt túi mật nội soi, bác sĩ có thể thay thế bằng phương pháp phẫu thuật mở với đường rạch lớn hơn.

Sau khi phẫu thuật

Bạn sẽ được theo dõi trong vài giờ để đề phòng các biến chứng sau khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim, nhịp thở, huyết áp và khả năng đi tiểu của bạn.

Ưu nhược điểm của cắt túi mật nội soi


Vai trò của cắt túi mật

Cắt túi mật sẽ chấm dứt các cơn đau và điều trị nhiễm trùng do sỏi mật. Nó cũng có thể ngăn sỏi mật tái phát.

Nếu sỏi mật không được điều trị, tình trạng đau và nhiễm trùng có thể trở nên tồi tệ hơn. Một biến chứng của sỏi mật là vỡ túi mật, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ưu điểm của phẫu thuật cắt túi mật nội soi

Bác sĩ sẽ xác định trường hợp của bạn sẽ phẫu thuật cắt túi mật bằng phẫu thuật mở hay phẫu thuật nội soi. Cắt túi mật nội soi có một số ưu điểm như:

  • Ít đau đớn
  • Giảm nguy cơ biến chứng
  • Phục hồi nhanh hơn và sớm sinh hoạt bình thường trở lại hơn
  • Để lại sẹo nhỏ hơn

Nhược điểm hoặc biến chứng có thể xảy ra khi cắt túi mật nội soi

Giống như các phẫu thuật khác, cắt túi mật nội soi có một số biến chứng rất hiếm gặp như:

  • Rò mật
  • Chảy máu
  • Các biến chứng do thuốc mê
  • Thoát vị bẹn
  • Tổn thương đường mật, gan hoặc ruột
  • Tê vùng phẫu thuật
  • Viêm phúc mạc
  • Để lại sẹo mổ
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Phục hồi và tiên lượng sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi

Nếu không có biến chứng, người bệnh thường có thể về nhà trong ngày. Với cắt túi mật bằng phẫu thuật mở, người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện trong 1 – 2 ngày.

Chăm sóc sau khi cắt túi mật

Sau khi phẫu thuật, cần thực hiện những lưu ý sau để chăm sóc cơ thể:

  • Tránh bê vật nặng
  • Uống nhiều nước
  • Ăn nhiều chất xơ để giúp đi ngoài dễ dàng
  • Chăm sóc vết mổ và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Tăng dần các hoạt động
  • Đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày để ngăn ngừa hình thành cục máu đông

Khi nào có thể sinh hoạt bình thường trở lại sau khi cắt túi mật nội soi?

Nếu không có biến chứng, người bệnh có thể lái xe và ăn uống như bình thường sau 1 – 2 ngày. Người bệnh thường có thể trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường sau khoảng 1 tuần nhưng cần tránh bê vật nặng. Họ có thể tập thể dục hoặc quan hệ tình dục sau 1 – 2 tuần.

Thời điểm cần đi khám

Sau khi về nhà, hãy tái khám ngay nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Rét run
  • Đau quặn bụng dữ dội
  • Sốt cao trên 38,5oC
  • Vết mổ bị chảy máu, sưng tấy, mẩn đỏ hoặc có mùi lạ
  • Không đi ngoài trong 3 ngày
  • Nôn mửa
  • Vàng da

Một lưu ý

Sỏi mật có thể rất đau và nguy hiểm. Cắt túi mật nội soi sẽ giúp loại bỏ các triệu chứng và ngăn ngừa sỏi mật tái phát. Hầu hết người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật xâm lấn tối thiểu chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào sau khi phẫu thuật.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!