Bài tập về Quần xã sinh vật
Lý thuyết
1. Khái niệm về quần xã sinh vật
- Quần xã là tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau cùng sống trong 1 không gian và thời gian nhất định.
- Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ gắn bó với nhau như một thể thống nhất nên quần xã có cấu trúc tương đối ổn định. Các sinh vật trong quần xã thích nghi với môi trường sống của chúng.
2. Một số đặc trưng cơ bản của quần xã
a. Đặc trưng về thành phần loài trong quần xã
- Số lượng các loài trong quần xã và sống lượng cá thể của mỗi loài là mức độ đa dạng của quần xã, biểu thị sự biến động, ổn định hay suy thoái của quần xã.
- Loài ưu thế:là những loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã do có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn hay do hoạt động mạnh của chúng.
- Loài đặc trưng: là loài chỉ có ở 1 quần xã nào đó.
b. Đặc trưng về phân bố cá thể của quần xã
- Phân bố cá thể trong không gian của quần xã tuỳ thuộc vào nhu cầu sống của từng loài. Nhìn chung sự phân bố cá thể trong tự nhiên có xu hướng làm giảm bớt mức độ cạnh tranh giữa các loài và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn sống của môi trường.
- Phân bố cá thể trong quần xã theo chiều thẳng đứng: như sự phân thành nhiều tầng cây thích nghi với điều kiện chiếu sáng khác nhau trong rừng mưa nhiệt đới. Sự phân tầng của thực vật kéo theo sự phân tầng của động vật.
- Phân bố cá thể theo chiều ngang: như sự phân bố của sinh vật từ đỉnh núi, sườn núi đến chân núi; hay sự phân bố sinh vật từ vùng đất ven bờ biển đến vùng khơi xa.
c. Đặc trưng về quan hệ dinh dưỡng của các nhóm sinh vật
Quần xã sinh vật gồm nhiều nhóm sinh vật có quan hệ dinh dưỡng khác nhau
Nhóm sinh vật sản xuất: gồm cây xanh và 1 số vi sinh vật tự dưỡng (vi khuẩn lam, vi khuẩn lưu huỳnh)
- Nhóm sinh vật tiêu thụ: gồm các sinh vật ăn thịt các sinh vật khác như: động vật ăn thực vật, động vật ăn động vật.
- Nhóm sinh vật phân giải: gồm những vi sinh vật dị dưỡng phân giải các chất hữu cơ có sẳn trong tự nhiên như: Vi khuẩn, nấm, 1 số động vật đất
3. Quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật
Các mối quan hệ sinh thái
- Khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể của một loài bị khống chế ở một mức nhất định, không tăng quá cao hoặc giảm quá thấp do tác động của các mối quan hệ hỗ trợ hoặc đối kháng giữa các loài trong quần xã.
- Trong nông nghiệp, sử dụng các loài thiên địch để tiêu diệt các loài gây hại khác. Ví dụ: sử dụng ong kí sinh để diệt bọ dừa, sử dụng rệp xám để hạn chế số lượng cây xương rồng bà.
Bài tập tự luyện
Câu 1: Trong các đặc trưng sau, có bao nhiêu đặc trưng của quần xã sinh vật?
(1) Mật độ cá thể.
(2) Loài ưu thế
(3) Loài đặc trưng
(4) Nhóm tuổi
A. 1
B. 2
C. 3
D. 4
Đáp án :
Các đặc trưng là của quần xã sinh vật là: (2) (3)
(1), (4) là đặc trưng của quần thể.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 2: Khi nói về độ đa dạng của quần xã sinh vật, phát biểu nào sau đây đúng?
A. Các quần xã sinh vật khác nhau nhưng có độ đa dạng giống nhau.
B. Số lượng loài trong quần xã là một chỉ tiêu biểu thị độ đa dạng của quần xã đó.
C. Quần xã có độ đa dạng cao khi có số lượng loài lớn và số cá thể của mỗi loài thấp.
D. Mức độ đa dạng của quần xã không biểu thị sự ổn định hay suy thoái của quần xã.
Đáp án :
Phát biểu đúng là B.
A sai vì: các quần xã khác nhau có độ đa dạng khác nhau
C sai vì: quần xã có độ đa dạng cao phải có số lượng loài cao và các số cá thể của mỗi loài cũng cao.
D sai vì quần xã có độ đa dạng cao thì ổn định, độ đa dạng thấp thì quần xã suy thoái.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 3: Khẳng định nào sau đây không đúng?
A. Mỗi quần xã thường có một số lượng loài nhất định, khác với quần xã khác.
B. Các quần xã ở vùng ôn đới do có điều kiện môi trường phức tạp nên độ đa dạng loài cao hơn các quần xã ở vùng nhiệt đới.
C. Tính đa dạng về loài của quần xã phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sự cạnh tranh giữa các loài, mối quan hệ vật ăn thịt – con mồi, sự thay đổi môi trường vô sinh.
D. Quần xã càng đa dạng về loài bao nhiêu thì số lượng cá thể của mỗi loài càng ít bấy nhiêu.
Đáp án :
Khẳng định không đúng là: B
Các quần xã ở vùng nhiệt đới đa dạng hơn các quần xã ở vùng ôn đới vì điều kiện môi trường ở vùng nhiệt đới phức tạp hơn
Đáp án cần chọn là: B
Câu 4: Giả sử trong rừng số lượng các loài chim phụ thuộc vào sự phân tầng của thực vật. Khu hệ sinh vật nào sau đây có số lượng loài chim nhiều nhất?
A. Savan.
B. Rừng rụng lá ôn đới.
C. Rừng mưa nhiệt đới.
D. Đồng cỏ ôn đới.
Đáp án :
Rừng mưa nhiệt đới có sự phân tầng đa dạng nhất nên số lượng các loài chim lớn nhất.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 5: Giả sử trong rừng số lượng các loài chim phụ thuộc vào sự phân tầng của thực vật. Khu hệ sinh vật nào sau đây có số lượng loài chim ít nhất?
A. Rừng lá kim.
B. Rừng rụng lá ôn đới.
C. Rừng mưa nhiệt đới.
D. Đồng cỏ ôn đới.
Đáp án :
Đồng cỏ ôn đới không có sự phân tầng, đa dạng thấp nhất nên số lượng các loài chim ít nhất.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 6: Rừng mưa nhiệt đới là:
A. Một loài
B. Một quần thể
C. Một giới
D. Một quần xã
Đáp án:
Rừng mưa nhiệt đới là một quần xã.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 7: Tất cả các loài sinh vật sống trong một đầm nước nông đang bị bồi cạn thuộc về một:
A. Quần xã sinh vật.
B. Quần xã các loài sinh vật dị dưỡng.
C. Nhóm sinh vật tiêu thụ.
D. Nhóm sinh vật phân giải.
Đáp án :
Tất cả các loài sinh vật sống trong một đầm nước nông đang bị bồi cạn thuộc về một quần xã sinh vật.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 8: Thành phần không thuộc quần xã là
A. Sinh vật phân giải
B. Sinh vật tiêu thụ.
C. Sinh vật sản xuất.
D. Xác sinh vật, chất hữu cơ.
Đáp án :
Thành phần thuộc quần xã là tập hợp các sinh vật khác loài, còn sống
Xác sinh vật và chất hữu cơ thuộc thành phần vô sinh của hệ sinh thái, không phải là các sinh vật sống nên không phải là thành phần của quần xã sinh vật
Đáp án cần chọn là: D
Câu 9: Thành phần thuộc quần xã là
A. Sinh vật phân giải.
B. Sinh vật tiêu thụ.
C. Sinh vật sản xuất.
D. Cả A, B và C.
Đáp án :
Thành phần thuộc quần xã là tập hợp các sinh vật khác loài, còn sống gồm nhóm sinh vật sản xuất, tiêu thụ và sinh vật phân giải.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 10: Đặc trưng nào sau đây là của quần xã sinh vật?
A. Kiểu tăng trưởng.
B. Nhóm tuổi.
C. Thành phần loài.
D. Mật độ cá thể.
Đáp án :
Đặc trưng của quần xã sinh vật là: thành phần loài.
Các ý A,B,D là đặc trưng của quần thể.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 11: Trong quần xã sinh vật, loài có số lượng cá thể nhiều và hoạt động mạnh được gọi là.
A. Loài đặc trưng
B. Loài đặc hữu
C. Loài ưu thế
D. Loài ngẫu nhiên
Đáp án :
Trong quần xã sinh vật, loài có số lượng cá thể nhiều và hoạt động mạnh được gọi là loài ưu thế.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 12: Loài ưu thế là loài
A. Luôn có kích thước cá thể lớn hơn các cá thể của các loài khác trong quần xã sinh vật.
B. Đóng vai trò quan trọng trong quần xã do số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn hoặc hoạt động mạnh.
C. Chỉ có ở một quần xã nhất định mà không có ở các quần xã khác.
D. Chỉ có ở một quần xã nào đó hoặc có số lượng nhiều hơn hẳn và vai trò quan trọng hơn loài khác.
Đáp án :
Loài ưu thế là loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã do số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn hoặc hoạt động mạnh.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 13: Các sinh vật trong quần xã phân bố
A. Theo chiều thẳng đứng và chiều ngang
B. Đồng đều và theo nhóm.
C. Ngẫu nhiên và đồng đều.
D. Theo chiều thẳng đứng và theo nhóm.
Đáp án :
Các sinh vật trong quần xã phân bố theo chiều thẳng đứng và chiều ngang
Đáp án cần chọn là: A
Câu 14: Các sinh vật trong quần xã phân bố
A. Theo chiều thẳng đứng.
B. Theo chiều ngang.
C. Theo nhóm.
D. Cả A và B.
Đáp án :
Các sinh vật trong quần xã phân bố theo chiều thẳng đứng và chiều ngang
Các sinh vật trong quần xã phân bố
Đáp án cần chọn là: D
Câu 15: Nguyên nhân dẫn tới sự phân tầng trong quần xã
A. Do sự phân bố các nhân tố sinh thái không giống nhau, đồng thời mỗi loài thích nghi với các điều kiện sống khác nhau
B. Để tăng khả năng sử dụng nguồn sống, do các loài có nhu cầu ánh sáng khác nhau.
C. Để tiết kiệm diện tích, do các loài có nhu cầu nhiệt độ khác nhau và tăng không gian phân bố của các cá thể sinh vật.
D. Để giảm sự cạnh tranh nguồn sống, tiết kiệm diện tích và tạo ra sự giao thoa ổ sinh thái giữa các quần thể sinh vật.
Đáp án :
Nguyên nhân dẫn tới sự phân tầng trong quần xã là: do sự phân bố các nhân tố sinh thái không giống nhau, đồng thời mỗi loài thích nghi với các điều kiện sống khác nhau
Đáp án cần chọn là: A
Xem thêm các dạng bài tập hay khác:
30 Bài tập về Quần thể sinh vật (2024) có đáp án chi tiết nhất
50 bài tập về ôn tập phần tiến hóa và sinh thái học (2024) có đáp án chi tiết nhất
Các bài tập về diễn thế sinh thái (2024) có đáp án mới nhất
50 bài tập về hệ sinh thái (2024) có đáp án chi tiết nhất
60 bài tập về quần xã sinh vật và một số đặc trưng cơ bản của quần xã (có đáp án năm 2024)