Điều trị chứng mất ngủ thường bao gồm sử dụng thuốc ngủ, liệu pháp hành vi nhận thức cho chứng mất ngủ (cognitive behavioral therapy for insomnia - CBT-i ) hoặc kết hợp cả 2 biện pháp này. Thay đổi lối sống tích cực cũng có thể làm giảm bớt các triệu chứng đối với một số người. Không có "phương pháp điều trị tốt nhất cho mất ngủ". Các khuyến nghị điều trị cụ thể phụ thuộc vào việc bệnh nhân bị mất ngủ cấp tính hay mạn tính, cũng như tiền sử bệnh của họ.
Chẩn đoán chứng mất ngủ
Trước khi bắt đầu điều trị chứng mất ngủ, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để thảo luận về các triệu chứng và được chẩn đoán. Tiêu chuẩn chẩn đoán chứng mất ngủ bao gồm khó bắt đầu hoặc duy trì giấc ngủ, thức dậy sớm hơn mong muốn và không có khả năng đi ngủ vào một giờ hợp lý. Các triệu chứng này phải xảy ra trong ít nhất 3 tháng mặc dù có đủ cơ hội để ngủ hàng đêm. Ngoài ra, bạn phải gặp một hoặc nhiều triệu chứng ban ngày sau đây để được chẩn đoán mất ngủ:
- Mệt mỏi hoặc khó chịu
- Suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung hoặc chú ý
- Tác động tiêu cực đến kết quả xã hội, gia đình, nghề nghiệp hoặc học tập
- Khó chịu hoặc tâm trạng rối loạn
- Ngủ ngày quá nhiều
- Tăng động, bốc đồng, hung hăng hoặc các vấn đề hành vi khác
- Tăng rủi ro về sai sót và tai nạn
- Thiếu động lực hoặc năng lượng
Chẩn đoán mất ngủ sẽ bao gồm một cuộc kiểm tra y tế tiêu chuẩn và trả lời bảng câu hỏi. Các quy trình này cho phép bác sĩ xác định xem mất ngủ là một tình trạng riêng biệt hay bạn đang gặp phải các triệu chứng mất ngủ do bệnh lý/ rối loạn có từ trước. Ghi lại các kiểu ngủ hàng đêm, các cơn thức giấc, lượng rượu và caffeine vào nhật ký giấc ngủ trong 1 – 2 tuần trước cuộc hẹn này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán.
Tùy thuộc vào kết quả của các kiểm tra ban đầu và bảng câu hỏi, bác sĩ có thể đề nghị chẩn đoán đa ký giấc ngủ qua đêm được thực hiện tại nhà hoặc một trung tâm chuyên về giấc ngủ. Các bài kiểm tra này cũng có thể được tiến hành trong ngày để đo độ trễ khi ngủ của bạn, hoặc thời gian đi vào giấc ngủ cũng như cảm giác và hoạt động của bạn trong ngày. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm biểu đồ cử động - một phương pháp theo dõi yêu cầu bạn đeo cảm biến cơ thể khi ngủ trong tối đa 2 tuần. Xét nghiệm máu cũng có thể được chỉ định để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra các triệu chứng mất ngủ.
Mất ngủ mạn tính kéo theo các triệu chứng xảy ra ít nhất 3 lần mỗi tuần trong ít nhất 3 tháng. Cho đến khi các tiêu chuẩn này được đáp ứng, tình trạng bệnh được coi là mất ngủ cấp tính, hoặc ngắn hạn.
Điều trị chứng mất ngủ mạn tính
Điều trị chứng mất ngủ mạn tính bao gồm 2 mục tiêu chính: một là cải thiện chất lượng và thời lượng giấc ngủ; hai là làm giảm các ảnh hưởng có hại vào ban ngày. Một phác đồ điều trị chứng mất ngủ mạn tính thường bao gồm ít nhất một can thiệp hành vi, thường ở dạng liệu pháp hành vi nhận thức cho chứng mất ngủ (CBT-i); nếu liệu pháp và các can thiệp hành vi khác không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn một số dạng thuốc ngủ.
Liệu pháp hành vi nhận thức cho chứng mất ngủ
CBT-i được coi là phương pháp điều trị đầu tiên cho chứng mất ngủ vì không mang lại các nguy cơ sức khỏe liên quan đến thuốc ngủ. Trong hầu hết các trường hợp, CBT-i được cung cấp bởi một nhà tâm lý học được cấp phép đã được đào tạo về loại hình điều trị này. CBT-i tập trung vào việc xác định chính xác những lo lắng mà người bị mất ngủ thường có về giấc ngủ, và sau đó thay thế những lo lắng này bằng những niềm tin và thái độ lành mạnh hơn. Ngoài ra, loại liệu pháp này có thể có một hoặc nhiều phương pháp sau:
- Giáo dục và vệ sinh giấc ngủ: Giáo dục bệnh nhân về thói quen ngủ và lối sống lành mạnh có thể giúp họ hiểu lý do tại sao gặp phải các triệu chứng mất ngủ. Vệ sinh giấc ngủ (sleep hygiene) tập trung vào việc gia tăng các hành vi giúp cải thiện chất lượng và số lượng giấc ngủ trong khi loại bỏ các hành vi gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Ví dụ, một nhà trị liệu có thể đề xuất ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày trong khi không khuyến khích tiêu thụ rượu và caffein trước khi đi ngủ.
- Kiểm soát kích thích: Nhiều người bị mất ngủ cảm thấy lo lắng trước viễn cảnh chỉ có thể ngủ thiếp đi, điều này có thể làm trầm trọng thêm và kéo dài các triệu chứng của họ. Kiểm soát kích thích liên quan để giảm bớt những lo lắng này và phát triển mối quan hệ tích cực với vùng ngủ của bạn. Chúng bao gồm chỉ nằm xuống khi bạn cảm thấy mệt mỏi, chỉ sử dụng giường để ngủ và quan hệ tình dục, đặt báo thức vào cùng một thời điểm vào mỗi buổi sáng. Các nhà trị liệu thường khuyến khích người ngủ dậy nếu họ không thể ngủ sau 10 phút nằm trên giường và chỉ trở lại giường khi cảm thấy mệt mỏi. Phương pháp này cũng không khuyến khích ngủ vào ban ngày.
- Hạn chế và đè nén giấc ngủ: Hai phương pháp này nhằm cải thiện chất lượng và số lượng giấc ngủ bằng cách giảm thời gian nằm trên giường. Bác sĩ có thể sử dụng hồ sơ từ nhật ký giấc ngủ của bệnh nhân để xác định thời gian họ ngủ mỗi đêm so với thời gian họ nằm trên giường thức. Hạn chế giấc ngủ liên quan đến việc cắt giảm đáng kể thời gian trên giường; trong khi nén giấc ngủ là một quá trình diễn ra từ từ hơn, nhưng cả hai kỹ thuật đều nhằm đạt được cùng một mục tiêu: ít thức giấc hơn trên giường mỗi đêm.
- Thư giãn: Các chuyên gia về giấc ngủ đã xác định một số kỹ thuật thư giãn có thể mang lại lợi ích cho những người bị chứng mất ngủ. Chúng bao gồm các bài tập thở, thư giãn cơ và thiền định. Phản hồi sinh học – là một liệu pháp giúp bạn kiểm soát các chức năng cơ thể khác nhau dựa trên huyết áp, nhịp thở và nhịp tim cũng như các chỉ số khác - cũng có thể hiệu quả để giảm các triệu chứng mất ngủ và cải thiện giấc ngủ.
Thuốc trị mất ngủ
- Benzodiazepines (BZD): Benzodiazepines là một nhóm thuốc tác động đến thần kinh. Tổng cộng có 5 BZD đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị chứng mất ngủ, bao gồm cả những loại có tác dụng ngắn, trung bình và dài hạn. Tuy nhiên, BZD thường không được khuyến cáo để điều trị chứng mất ngủ kéo dài vì có nhiều khả năng gây phụ thuộc thuốc, nhờn thuốc và nghiện thuốc.
- Nonbenzodiazepines: Nhóm thuốc này được tạo ra để có hiệu quả điều trị tương tự nhưng giảm các tác dụng phụ và khả năng phụ thuộc thuốc của BZD. Mặc dù vậy, nonbenzodiazepines cũng là thuốc cần được kê đơn và phải được kiểm soát.
- Chất chủ vận melatonin: Vào buổi tối khi ánh sáng tự nhiên bắt đầu mờ đi, tuyến tùng của não sản xuất melatonin, một loại hormone gây cảm giác buồn ngủ và thư giãn. Loại thuốc được gọi là ramelteon, hoạt động như một chất chủ vận thụ thể melatonin và có thể được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ liên quan đến tình trạng khó để bắt đầu giấc ngủ. Tác dụng phụ của ramelteon có xu hướng ít nghiêm trọng hơn so với các thuốc benzodiazepines và nonbenzodiazepines, mặc dù bệnh nhân thường bị chóng mặt, buồn nôn và mệt mỏi.
- Chất đối kháng thụ thể orexin: Orexin là chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể giúp điều chỉnh cảm giác buồn ngủ và tỉnh táo. Loại thuốc được gọi là suvorexant, hoạt động như một chất đối kháng thụ thể orexin và có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị chứng mất ngủ liên quan khó để đi vào hoặc duy trì giấc ngủ. Suvorexant cũng là thuốc cần được kiểm soát.
- Thuốc điều trị các bệnh nguyên nhân gây mất ngủ: Một số loại thuốc nhằm điều trị các bệnh lý khác cũng có thể làm giảm các triệu chứng mất ngủ. Chúng bao gồm một số loại thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần.
- Thuốc không kê đơn: Một số loại thuốc kháng histamine không kê đơn có đặc tính an thần và có thể dùng như thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Các chất bổ sung melatonin nhằm giúp cân bằng mức melatonin trong cơ thể cũng có sẵn. Mặc dù không yêu cầu đơn thuốc, hãy luôn trao đổi với bác sĩ trước khi thử dùng thuốc không kê đơn.
Thực phẩm chức năng
Nhiều người sẽ quan tâm đến các biện pháp điều trị tự nhiên cho chứng mất ngủ. Trong lịch sử, người ta đã sử dụng các chất bổ sung thảo dược như valerian (cây nữ lang) và kava để giảm các triệu chứng mất ngủ và cải thiện giấc ngủ của họ. Tuy nhiên các bằng chứng khoa học để chứng minh tác dụng này của chúng còn chưa rõ ràng. Do đó bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thực phẩm chức năng với mục đích để cải thiện giấc ngủ của mình.
Xem thêm: