11 dấu hiệu cơ thể của thiếu hụt Vitamin B1 (thiamin)

Vitamin B1, hay còn được gọi là thiamin, là một trong tám loại vitamin B thiết yếu tham gia vào nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.

Gần như tất cả các tế bào trong cơ thể cần sử dụng loại vitamin này để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.

Vì cơ thể con người không thể tự sản xuất thiamin, nên cần hấp thu chất này từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, chẳng hạn như thịt, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt thiamin xảy ra khá phổ biến ở các nước phát triển. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu hụt chất này, bao gồm:

  • Nghiện rượu
  • Tuổi già
  • HIV/AIDS
  • Bệnh đái tháo đường
  • Phẫu thuật tầng sinh môn
  • Lọc máu
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu liều cao 

Nhiều người không nhận ra rằng cơ thể họ đang thiếu hụt chất dinh dưỡng này, vì các triệu chứng có thể rất kín đáo và thường bị bỏ qua. 

Dưới đây là 11 dấu hiệu và triệu chứng của thiếu hụt thiamin.

Mất cảm giác ngon miệng 

Triệu chứng ban đầu phổ biến của thiếu thiamin là mất cảm giác ngon miệng, hoặc chán ăn. 

Các nhà khoa học tin rằng thiamin đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa cảm giác no. 

Chất này giúp kiểm soát “trung tâm cảm giác no” nằm ở vùng dưới đồi của não.

Sự thiếu hụt thiamin dẫn đến hoạt động bất thường của “trung tâm cảm giác no”, khiến cơ thể cảm thấy no hoặc đầy bụng, trong khi thực tế là không phải như vậy. Điều này dẫn đến chán ăn. 

Một nghiên cứu được tiến hành trên đàn chuột có chế độ ăn thiếu hụt thiamin trong 16 ngày, kết quả cho thấy chúng ăn ít thức ăn hơn đáng kể. Sau 22 ngày, những con chuột này đã tiêu thụ ít hơn 69–74% lượng thức ăn so với ban đầu. 

Một nghiên cứu khác trên những con chuột được cho ăn chế độ dinh dưỡng thiếu thiamin cũng cho thấy lượng thức ăn của chúng giảm đáng kể. 

Trong cả hai nghiên cứu, lượng thức ăn chuột tiêu thụ nhanh chóng tăng trở lại mức ban đầu sau khi ăn thức ăn có bổ sung thiamin. 

Tóm lược 

Thiamin đóng một vai trò quan trọng trong kiểm soát “trung tâm cảm giác no”. Một triệu chứng phổ biến của thiếu thiamin là chán ăn. 

Mệt mỏi 

Tình trạng mệt mỏi có thể xảy ra tăng dần hoặc đột ngột, có thể với mức độ nhẹ là cảm giác thiếu năng lượng cho đến kiệt sức, có thể tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt. 

Vì mệt mỏi là một triệu chứng mơ hồ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nên thường bị bỏ qua, và người bệnh không nghĩ đó là một dấu hiệu của thiếu hụt thiamin. 

Lý do là thiamin đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, nên khi thiếu hụt chất này, cảm giác mệt mỏi và thiếu năng lượng là các triệu chứng phổ biến. 

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa cảm giác mệt mỏi và thiếu hụt thiamin.

Tóm lược 

Mặc dù mệt mỏi là một triệu chứng mơ hồ, nhưng đó là dấu hiệu phổ biến của thiếu hụt thiamin và chúng ta không nên coi thường. 

Cáu giận 

Thường xuyên cáu giận có thể là dấu hiệu ban đầu của tình trạng thiếu thiamin, nguồn:https://www.bustle.com

Cáu giận là cảm giác kích động và bực bội. Khi cáu giận, bạn thường cảm thấy khó chịu. 

Nhiều vấn đề thể chất, tâm lý và tình trạng sức khỏe khác nhau có thể gây ra cáu giận. 

Cảm giác cáu giận được ghi nhận là một trong những triệu chứng đầu tiên của thiếu hụt thiamin, và có thể xuất hiện sau vài ngày hoặc vài tuần kể từ khi thiếu chất này. 

Cảm giác cáu giận đã được ghi nhận đặc biệt ở trẻ sơ sinh bị bệnh beriberi, một căn bệnh do thiếu thiamin. 

Tóm lược 

Thường xuyên cáu giận có thể là dấu hiệu ban đầu của tình trạng thiếu thiamin, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. 

Giảm phản xạ

Thiếu hụt thiamin có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh vận động. 

Nếu không được điều trị, tổn thương hệ thần kinh do thiếu thiamin có thể gây thay đổi các phản xạ của cơ thể. 

Chẳng hạn như giảm hoặc mất phản xạ đầu gối, phản xạ gân gót và cơ tam đầu. Tình trạng thiếu hụt tiến triển nặng hơn có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hợp và đi lại của bạn. 

Triệu chứng này thường được ghi nhận trong thiếu hụt thiamin chưa được chẩn đoán ở trẻ em. 

Tóm lược 

Tổn thương do thiếu thiamin không được điều trị có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh vận động và gây ra giảm hoặc mất phản xạ. 

Cảm giác ngứa ran ở tay và chân 

Cảm giác bất thường như ngứa ran, kim châm hoặc bỏng rát ở chi trên và chi dưới được gọi là dị cảm. 

Sự dẫn truyền tín hiệu trong các dây thần kinh ngoại vi đến tay và chân phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của thiamin. Do đó thiếu hụt chất này sẽ dấn đến tổn thương thần kinh ngoại vi và có thể gây ra dị cảm. 

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đã có dị cảm trong giai đoạn đầu của thiếu hụt thiamin. 

Các nghiên cứu trên chuột cũng chỉ ra rằng thiếu hụt thiamin dẫn đến tổn thương các dây thần kinh ngoại vi. 

Tóm lược 

Thiamin ảnh hưởng tới quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Sự thiếu hụt chất này có thể gây ra dị cảm. 

Yếu cơ 

Yếu cơ nói chung không phải là hiếm gặp và nguyên nhân gây ra thường khó xác định. 

Yếu cơ tạm thời, ngắn hạn xảy ra với hầu hết tất cả mọi người vào thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên, tình trạng yếu cơ dai dẳng, kéo dài không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của thiếu hụt thiamin. 

Nhiều trường hợp ghi nhận bệnh nhân thiếu thiamin bị yếu cơ.

Hơn nữa, với những trường hợp này, tình trạng yếu cơ được cải thiện đáng kể sau khi tái bổ sung thiamin. 

Tóm lược 

Yếu cơ, đặc biệt là ở tay và chân, có thể xảy ra khi thiếu thiamin. 

Nhìn mờ

Thiếu hụt thiamin có thể là một trong nhiều nguyên nhân gây nhìn mờ, nguồn: https://www.huntervision.com

Thiếu hụt thiamin có thể là một trong nhiều nguyên nhân gây nhìn mờ. 

Thiếu thiamin nghiêm trọng có thể làm sưng nề dây thần kinh thị giác, gây ra bệnh thần kinh thị giác. Điều này có thể dẫn đến nhìn mờ hoặc thậm chí là mất thị lực. 

Nhiều trường hợp nhìn mờ và mất thị lực được ghi nhận có liên quan đến tình trạng thiếu thiamin nghiêm trọng. 

Hơn nữa, thị lực của bệnh nhân được cải thiện đáng kể sau khi tái bổ sung thiamin. 

Tóm lược 

Thiếu thiamin có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến nhìn mờ hoặc mất thị lực. 

Buồn nôn và nôn

Các triệu chứng tiêu hóa ít gặp hơn ở những người thiếu thiamin nhưng chúng vẫn có thể xảy ra. 

Người ta không hiểu chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng tiêu hóa khi thiếu thiamin, nhưng các triệu chứng này của bệnh nhân rõ ràng được cải thiện sau khi bổ sung thiamin.

Nôn trớ có thể hay gặp hơn ở trẻ bị thiếu chất, vì đây là triệu chứng phổ biến ở trẻ uống sữa công thức làm từ đậu nành, thiếu thiamin. 

Tóm lược

Trong một số trường hợp hiếm, các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng có thể là dấu hiệu của thiếu hụt thiamin. 

Thay đổi nhịp tim

Nhịp tim là số lần tim đập mỗi phút. 

Điều thú vị là nhịp tim có thể bị ảnh hưởng bởi lượng thiamin trong cơ thể. Không đủ thiamin có thể dẫn đến giảm nhịp tim. 

Hiện tượng nhịp tim giảm rõ rệt đã được ghi nhận trong các nghiên cứu liên quan đến đàn chuột thiếu thiamin. 

Nhịp tim chậm bất thường do thiếu thiamin có thể gây ra mệt mỏi, chóng mặt và tăng nguy cơ ngất xỉu. 

Tóm lược

Sự thiếu hụt thiamin có thể làm giảm nhịp tim, dẫn đến mệt mỏi và chóng mặt. 

Khó thở

Do thiếu thiamin có thể ảnh hưởng đến chức năng tim, từ đó có thể gây ra khó thở, đặc biệt là khi gắng sức. 

Điều này là do sự thiếu hụt thiamin đôi khi có thể dẫn đến suy tim, tức là giảm hiệu quả bơm máu của tim. Cuối cùng có thể dẫn đến ứ dịch trong phổi, gây khó thở.

Điều quan trọng cần lưu ý là khó thở có thể do nhiều nguyên nhân, vì vậy chỉ riêng triệu chứng này thường không phải là dấu hiệu của thiếu hụt thiamin. 

Tóm lược

Suy tim do thiếu thiamin có thể gây khó thở. Điều này có thể xảy ra khi ứ dịch trong phổi do suy tim. 

Mê sảng

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thiếu hụt thiamin và mê sảng. 

Mê sảng là một tình trạng nghiêm trọng dẫn đến lú lẫn, giảm nhận thức và giảm khả năng tư duy. 

Trong những trường hợp nghiêm trọng, thiếu hụt thiamin có thể gây ra hội chứng Wernicke-Korsakoff, bao gồm hai loại tổn thương não có liên quan chặt chẽ với nhau. 

Các triệu chứng của hội chứng này thường là mê sảng, mất trí nhớ, lú lẫn và ảo giác. 

Hội chứng Wernicke-Korsakoff thường liên quan đến thiếu hụt thiamin do lạm dụng rượu. Tuy nhiên, thiếu hụt thiamin cũng phổ biến ở người bệnh cao tuổi và có thể góp phần gây ra mê sảng. 

Tóm lược

Một số người thiếu thiamin có thể có dấu hiệu mê sảng và xuất hiện hội chứng Wernicke-Korsakoff, đặc biệt nếu thiếu thiamin là hậu quả của nghiện rượu mạn tính.

Thực phẩm giàu Thiamin

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh bao gồm các loại thực phẩm giàu thiamin có thể giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt chất này.

Lượng tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị (recommended daily intake - RDI) là 1,2 mg đối với nam giới và 1,1 mg đối với phụ nữ. 

Dưới đây là danh sách thực phẩm cung cấp thiamin, cũng như RDI được tìm thấy trong 100 gram:

  • Gan bò: 13% RDI
  • Đậu đen nấu chín: 16% RDI
  • Đậu lăng nấu chín: 15% RDI
  • Hạt mắc ca, thô: 80% RDI
  • Đậu nành Nhật Edamame, nấu chín: 13% RDI
  • Thịt thăn lợn nấu chín: 37% RDI
  • Măng tây: 10% RDI
  • Ngũ cốc ăn sáng bổ sung: 100% RDI 

Nhiều loại thực phẩm chứa một lượng nhỏ thiamin, bao gồm cá, thịt, quả hạch và hạt. Hầu hết mọi người có thể đáp ứng nhu cầu thiamin của cơ thể mà không cần sử dụng chế phẩm bổ sung. 

Ngoài ra, ở nhiều quốc gia, ngũ cốc và bánh mì thường được bổ sung thiamin. 

Tóm lược

Thiamin có trong nhiều loại thực phẩm toàn phần, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, hạt mắc ca, thịt lợn, hạt đậu và đậu lăng. Lượng thiamin được khuyến nghị hàng ngày là 1,2 mg đối với nam giới và 1,1 mg đối với phụ nữ. 

Điểm mấu chốt

Tình trạng thiếu hụt thiamin khá phổ biến ở các nước phát triển. Một số yếu tố chẳng hạn như nghiện rượu hoặc tuổi cao, có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt chất này.

Sự thiếu hụt thiamin có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau và các triệu chứng thường không đặc hiệu nên rất khó xác định. 

May mắn thay, tình trạng thiếu hụt thiamin thường dễ dàng được xử lý bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng này. 

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!