Xét nghiệm tủy đồ: Mục đích, quy trình và kết quả

Tủy xương là một loại mô mềm, xốp, có trong hầu hết các xương. Các tế bào máu phát triển thành hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu đều được sản xuất bởi tủy xương.

Xét nghiệm tủy đồ là xét nghiệm chọc hút dịch tủy xương (thường gọi là chọc tủy) lấy ra một lượng nhỏ dịch và tế bào của tủy xương để thăm dò chức năng tạo máu của tủy cũng như bệnh lý về máu qua phân tích số lượng và hình thái các tế bào tủy xương. Đây là xét nghiệm thường hay được sử dụng trong chuyên khoa huyết học.

Khi nào cần làm xét nghiệm tủy đồ?

Người bệnh cần chọc tủy làm xét nghiệm tủy đồ trong các trường hợp:

  • Xét nghiệm máu ngoại vi có bất thường như: tăng hoặc giảm bạch cầu máu; thiếu máu không tìm thấy nguyên nhân; tăng số lượng hồng cầu, lượng huyết sắc tố và hematocrit; tăng hoặc giảm tiểu cầu; bất thường trong thành phần bạch cầu: có tế bào bất thường trong máu.
  • Chẩn đoán bệnh, theo dõi điều trị với các bệnh lý máu và cơ quan tạo máu như: lơ-xê-mi (ung thư máu), rối loạn sinh tủy, ghép tế bào gốc
  • Tìm tế bào ung thư di căn tủy xương.
  • Đánh giá tình trạng sinh máu của tủy trong các bệnh lý khác như nhiễm trùng, bệnh hệ thống, ung thư di căn…

Quy trình chọc tủy làm xét nghiệm tủy đồ

Chọc hút dịch tủy xương là một thủ thuật thăm dò nên khi làm thủ thuật cần chú ý các trường hợp: Người bệnh có rối loạn đông máu hoặc dùng các thuốc tăng nguy cơ chảy máu; không làm thủ thuật tại vị trí đang có nhiễm trùng.

Thủ thuật chọc hút dịch tủy xương được thực hiện trong phòng thủ thuật vô khuẩn bởi ekíp gồm: bác sỹ chuyên khoa huyết học truyền máu và 2 kỹ thuật viên.

Vị trí chọc tủy:

  • Vị trí gai chậu sau trên: là vị trí chọc thường xuyên nhất. Người bệnh nằm sấp khi thực hiện thủ thuật.   

Vị trí chọc tủy gai chậu sau trên. Nguồn ảnh: cancer.govVị trí chọc tủy gai chậu sau trên. 

  • Vị trí xương ức: Là vị trí ít được sử dụng hơn.
  • Vị trí xương gót hoặc đầu trên xương chầy: thường áp dụng với trẻ nhỏ.

Các bước tiến hành bao gồm: 

  • Dùng dung dịch sát khuẩn làm sạch da xung quanh vùng đâm kim.
  • Phủ khăn vô trùng và chỉ bộc lộ vùng nhỏ cần thiết cho việc thực hiện thủ thuật.
  • Tiêm thuốc gây tê tại chỗ cho bệnh nhân, lúc này có thể bệnh nhân sẽ có cảm giác nóng và châm chích. Thuốc tê được sử dụng có thể là Novocain và Lidocain. Với trẻ nhỏ có thể cần gây mê toàn thân.
  • Bác sĩ sử dụng một loại kim đặc biệt và dùng nó đâm vào da và xương vuông góc với mặt da để đến vùng tủy xương, gắn một ống tiêm 10ml vào sau đó và hút ra dịch tủy xương với lượng từ 1.0ml đến 1.5ml. Thủ thuật này xảy ra trong vòng vài giây và có thể gây đau cho bệnh nhân.
  • Rút kim và băng vết chọc tủy với một miếng gạc đã vô khuẩn.
  • Cho dịch tủy xương vào ống chống đông EDTA đã chuẩn bị và lắc đều ống
  • Đếm dịch tủy xương bằng máy đếm tế bào tự động và ghi kết quả số lượng bạch cầu tương ứng.
  • Kéo bốn tiêu bản tủy, tiến hành quy trình nhuộm Giemsa, để khô và nhỏ dầu vào tiêu bản để soi trên những vật kính 10X, 40X và 100X.
  • Làm xét nghiệm hồng cầu lưới.

Kết quả

Kết quả tủy đồ sẽ phản ảnh rằng khả năng tạo máu của tủy xương cũng như có xuất hiện các thành phần bất thường trong tủy hay không, qua đó giúp chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh lý của hệ tạo máu. Tùy thuộc vào kết quả khảo sát mà bệnh nhân có thể cần thực hiện các xét nghiệm tiếp theo.

Mẫu bệnh phẩm tủy sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Bác sĩ thường trả kết quả cho bệnh nhân trong một vài ngày nhưng cũng có thể lâu hơn. Tại phòng xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm sẽ đánh giá mẫu bệnh phẩm để xác định tủy xương của bệnh nhân có sản sinh đủ số lượng tế bào máu khỏe mạnh hay không cũng như để phát hiện các tế bào bất thường. 

Cần quan sát kỹ đặc điểm hình thái trên tiêu bản máu nhuộm, đối chiếu với các thông số đo đếm được với trên thực tế. Nếu có bất thường cần xác định ngay là do bệnh lý hay lỗi kỹ thuật.

So sánh các kết quả thu được với giá trị tham chiếu của người khỏe mạnh

Tiêu bản tế bào tủy nhìn trên kính hiển vi. Nguồn ảnh: labroots.comTiêu bản tế bào tủy nhìn trên kính hiển vi.

Cách đọc kết quả tủy đồ như sau:

  • Hồng cầu: số lượng tăng hay giảm, hình thể, kích thước, màu sắc, tỷ lệ hồng cầu non, hồng cầu lưới phân bố trên tiêu bản (để đánh giá khả năng sinh máu của tủy xương, xác định nguyên nhân thiếu máu)
  • Tiểu cầu: số lượng và độ tập trung của tiểu cầu, kích thước tiểu cầu. Đọc xem có mẫu tiểu cầu không.
  • Bạch cầu: đo tỷ lệ bạch cầu non, cấu trúc nhân, nguyên sinh chất và các hạt đặc hiệu có gì bất thường.
  • Tế bào tủy: đo số lượng, hình thái tế bào tủy và các bất thường (nếu có).

Một số lưu ý đối với ghi nhận kết quả tủy đồ bao gồm:

  • Đối với bệnh nhân tăng sinh bạch cầu cần pha loãng bệnh phẩm cùng với dung dịch NaCl 0.9% và chạy máy đếm số lượng bạch cầu phải nhân với hệ số pha loãng.
  • Rửa tiêu bản nhuộm dưới vòi nước chảy nhẹ, tránh những cặn của tiêu bản.

Sau khi chọc tủy người bệnh cần chú ý những gì?

  • Khi hút dịch tủy, người bệnh có cảm giác hơi đau tức.
  • Ấn vị trí chọc và theo dõi vết chọc tối thiểu 15 phút sau khi chọc.
  • Băng vị trí thực hiện thủ thuật và giữ khô ráo trong vòng 24 giờ. Không tắm vòi sen, bồn tắm, bơi lội hoặc sử dụng bồn tắm nước nóng.
  • Tránh bóc băng vết chọc sớm (trong vòng 24 giờ).
  • Nếu nước thấm vào băng vết chọc, thì nên bóc băng, sát khuẩn lại bằng betadin và băng lại vết chọc. Ít nhất 24 giờ sau khi làm thủ thuật.

Hãy báo với bác sĩ nếu bệnh nhân có dấu hiệu sau:

  • Chảy máu thấm qua băng hoặc chảy máu không ngừng dù đã ấn nhẹ trực tiếp lên vị trí thực hiện thủ thuật.
  • Sốt kéo dài.
  • Đau hoặc khó chịu nhiều hơn.
  • Sưng tại vị trí thực hiện thủ thuật.
  • Đỏ hoặc chảy dịch nhiều hơn tại vị trí thực hiện thủ thuật.

Để giảm khó chịu và chảy máu, nên tránh các hoạt động hoặc tập luyện gắng sức trong một hoặc hai ngày.

Nếu xảy ra tình trạng chảy máu sau thủ thuật, ấn nhẹ vào vùng thực hiện thủ thuật.

Câu hỏi thường gặp

Chọc tủy có đau không? Có được giảm đau không?

Đây là một thủ thuật can thiệp, có gây đau nhất là khi qua màng xương. Vì vậy, quá trình thực hiện tủy đồ luôn được gây tê. Việc gây tê tại chỗ sẽ làm giảm cảm giác đau ở người bệnh khi thực hiện thủ thuật.

Ngoài việc giải thích rõ để người bệnh yên tâm, gây mê có thể được sử dụng cho trẻ nhỏ và thường dùng tiền mê, an thần nhẹ để tránh gây hoảng sợ.

Chọc tủy có tai biến không?

Thông thường thực hiện thủ thuật chọc tủy rất hiếm khi dẫn đến tai biến. Chỉ một số ít trường hợp có thể gặp tai biến như:

  • Sốc dị ứng thuốc gây tê: Do cơ địa dị ứng của người bệnh. Vì vậy, trước khi làm thủ thuật đều phải thử test trước.
  • Nhiễm trùng nơi chọc: Rất hiếm gặp do vị trí chọc tủy được sát khuẩn rộng bằng cồn iôt 5%, sau đó bằng cồn 70o cồn. Tuy nhiên, nếu bóc băng vết chọc sớm, gần vị trí chọc đang có nhiễm trùng có thể gây nhiễm trùng vết chọc.
  • Chảy máu vị trí chọc tủy. Ít gặp. Tuy nhiên nếu người bệnh có rối loạn đông cầm máu thì có thể chảy máu vị trí chọc. Xử trí khi đó thường là: dừng thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu trước 1 tuần, băng ép cầm máu tại chỗ, dùng thuốc cầm máu (nếu cần).

Câu hỏi liên quan

Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TW: Chọc hút tủy khoảng 70.000 VNĐ; Thủ thuật chọc hút tủy làm tủy đồ bao gồm cả kim chọc hút tủy làm nhiều lần khoảng 470.000 VNĐ. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Chọc dò tủy sống: 35.000 VNĐ; Sinh thiết tủy xương: 100.000 VNĐ; Xác định gen bệnh máu ác tính: 800.000 VNĐ.
Xem thêm
Sau khi chọc tủy, kết quả xét nghiệm sẽ được trả trong vòng 24 giờ (trừ ngày nghỉ và ngày lễ). Với các trường hợp khó, cần hội chẩn thì thời gian trả kết quả sẽ lâu hơn.
Xem thêm
Xét nghiệm tủy đồ được các bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp với những mục đích bao gồm: Khảo sát số lượng tế bào máu mà tủy xương tạo ra có bất thường gì không. Nguyên nhân số lượng tế bào máu bất thường.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Xét nghiệm tủy đồ
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!