Xét nghiệm ADN là gì? Mục đích và kết quả

ADN (acid deoxyribonucleic) là vật chất tồn tại trong nhân tế bào, cụ thể là trên các nhiễm sắc thể, có vai trò lưu trữ thông tin di truyền. Gen là một đoạn ADN mang thông tin di truyền.

ADN của mỗi người được thừa hưởng từ cả bố lẫn mẹ và quy định đặc điểm riêng của từng cá thể.

Xét nghiệm ADN là kỹ thuật tách chiết và phân tích các đoạn ADN đặc trưng có trong các tế bào của cơ thể để xác minh quan hệ huyết thống giữa 2 người.

Xét nghiệm ADN được sử dụng để xác định mối quan hệ nào?

Video xét nghiệm ADN huyết thống 

Xét nghiệm ADN có thể xác định huyết thống của các mối quan hệ sau: 

  • Huyết thống trực hệ: Cha với con, mẹ với con. 
  • Huyết thống không trực hệ:

Theo dòng NST Y: Xác định mối quan hệ của anh/em trai cùng cha, chú/bác/cháu trai, ông nội/cháu trai, hoặc các mối quan hệ khác miễn là giới tính nam. 

Theo dòng NST X: có thể xác định mối quan hệ của anh/chị - em (cùng mẹ), bà ngoại - cháu (trai hoặc gái), dì - cháu (trai hoặc gái) hoặc các mối quan hệ khác.

Ý nghĩa của xét nghiệm ADN

Cuộc sống luôn nảy sinh những tình huống phức tạp. Vì vậy, sự hỗ trợ của y học để giải đáp những thắc mắc và sáng tỏ nghi vấn là điều vô cùng cần thiết. 

Xét nghiệm ADN thường được sử dụng để xác định mối quan hệ huyết thống giữa hai đối tượng nghi vấn, có thể là cha con, hoặc anh chị em ruột hay trong trường hợp tìm mộ liệt sĩ, tìm lại người thân đã mất tích.  

Xét nghiệm huyết thống giúp xóa bỏ nghi vấn. Nguồn ảnh: bkb-law.comXét nghiệm huyết thống giúp xóa bỏ nghi vấn. Nguồn ảnh: bkb-law.com

Ngoài ra, xét nghiệm ADN còn được thực hiện trong quá trình điều tra tội phạm, hỗ trợ phá án. 

Bên cạnh xác định huyết thống, xét nghiệm ADN còn có khả năng để phát hiện rối loạn di truyền. Hay nói cách khác, xét nghiệm này cho phép phân tích các gen gây bệnh. Từ đó, đưa ra các biện pháp dự phòng phù hợp như tư vấn, sàng lọc trước sinh,.. 

Đặc biệt là các bệnh như bệnh ung thư di truyền khi được phát hiện sớm sẽ giúp hạn chế được những nguy hiểm có thể xảy ra, đồng thời có biện pháp điều trị phù hợp, nâng cao tỷ lệ chữa khỏi.  

Xét nghiệm ADN huyết thống có chính xác không?

Hiện nay, xét nghiệm ADN là phương pháp xác định huyết thống chính xác nhất hiện nay. Trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy sự tương thích trong từng gen của các mẫu ADN giữa bố, mẹ và con thì tỷ lệ chính xác có quan hệ huyết thống lên tới 99.99%. Ngược lại, khi mẫu ADN của 2 người được xét nghiệm là không khớp nhau, từ 2 gen trở lên có sự khác biệt thì chắc chắn không có mối quan hệ huyết thống ở đây.  

Trường hợp anh em sinh đôi cùng trứng không thể xác định ai là cha đứa bé. Nguồn ảnh: www.someecards.comTrường hợp anh em sinh đôi cùng trứng không thể xác định ai là cha đứa bé. Nguồn ảnh: www.someecards.com

Tuy nhiên, trường hợp hai người đàn ông là anh em sinh đôi cùng trứng (có bộ gen giống nhau hoàn toàn) thì không thể xác định ai là cha của đứa trẻ. 

Quy trình thực hiện xét nghiệm ADN 

Quá trình xét nghiệm được thực hiện lần lượt theo các bước: Lấy mẫu - Phân tích - Trả kết quả. Trong đó, mỗi bước đều phải được đảm bảo thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt để tránh nhầm lẫn, nhiễm mẫu hay phân tích sai. 

Lấy mẫu 

Các mẫu xét nghiệm ADN rất đa dạng và có độ chính xác không có nhiều khác biệt như:  

  • Mẫu máu: Đây là cách thức phổ biến để xét nghiệm huyết thống vì kết quả có độ ổn định cao, ADN không bị biến tính và thời gian trả kết quả nhanh chóng.
  • Mẫu tế bào niêm mạc miệng: Áp dụng được cho mọi lứa tuổi và có thể thực hiện tại nhà với độ chính xác tương đương các phương pháp khác.

Thậm chí, có trường hợp xét nghiệm ADN bằng bàn chải đánh răng đã qua sử dụng.

  • Mẫu tóc có chân: Hiệu quả tương đương các phương pháp khác, tuy nhiên đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ có tóc quá mảnh thì không nên lấy mẫu tóc vì khó nhổ được tóc có chân tóc.
  • Mẫu cuống rốn
  • Mẫu móng tay, móng chân
  • Mẫu nước ối hoặc sinh thiết gai nhau 
Mẫu máu thường được sử dụng trong xét nghiệm ADN. Nguồn ảnh: www.everydayhealth.comMẫu máu thường được sử dụng trong xét nghiệm ADN. Nguồn ảnh: www.everydayhealth.com

Phân tích 

Quá trình phân tích ADN gồm các bước: 

  • Tách chiết ADN
  • Nhân bội – khuếch đại ADN
  • Điện di phân tích ADN
  • Mã hóa bằng mã vạch kết quả phân tích ADN 

Trả kết quả 

Thời gian trung bình để bạn nhận được kết quả xét nghiệm ADN là khoảng 2-3 ngày sau khi gửi mẫu đến trung tâm xét nghiệm. Một số trường hợp đặc biệt có thể lấy kết quả nhanh trong 24 giờ. 

Độ tuổi nào có thể thực hiện xét nghiệm ADN? 

Bộ gen của đứa trẻ được thiết lập ngay từ thời điểm thụ thai và thường không thay đổi sau đó. Vì vậy, có thể xét nghiệm ADN để xác định huyết thống ở mọi lứa tuổi, thậm chí khi mẹ đang mang thai. 

Có thể xét nghiệm ADN huyết thống trước sinh không? 

Hoàn toàn có thể thực hiện xác định huyết thống bằng ADN khi đang mang thai. Có ba phương pháp: 

  • Xét nghiệm ADN trước sinh không xâm lấn: ADN được thu thập từ người mẹ và người cha cần xác định huyết thống. Sau đó ADN này sẽ được phân tích và so sánh với ADN của con được tìm thấy trong máu của mẹ. 
  • Chọc ối: Đây là xét nghiệm ADN xâm lấn được thực hiện vào khoảng tuần 14 đến tuần thứ 20. Thai phụ sẽ được chọc ối dưới hướng dẫn của siêu âm, nước ối sẽ được rút ra qua thành bụng bằng 1 cây kim rất nhỏ, sau đó mẫu nước ối này sẽ được thực hiện các xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, phương pháp này có nguy cơ gây sảy thai, vỡ ối và nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm sinh thiết gai nhau: Xét nghiệm này được thực hiện từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 13. Sinh thiết gai nhau là lấy 1 ít mô bánh nhau từ tử cung. Mẫu gai nhau sẽ được lấy bằng kim hoặc ống thông qua đường bụng. Sau thủ thuật sản phụ có thể bị xuất huyết âm đạo nhẹ. Nguy cơ sẩy thai của thủ thuật khoảng 1/500. 
Phương pháp chọc ối cho kết quả với độ chính xác cao nhưng sản phụ có nguy cơ sảy thai và nhiễm trùng. Nguồn ảnh: www.scientificanimations.comPhương pháp chọc ối cho kết quả với độ chính xác cao nhưng sản phụ có nguy cơ sảy thai và nhiễm trùng. Nguồn ảnh: www.scientificanimations.com

Nhìn chung, cả ba phương pháp trên đều cho kết quả với độ chính xác cao. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp sẽ chọn phương pháp phù hợp và đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.  

Nên làm xét nghiệm ADN ở đâu và chi phí như thế nào?

Bạn có thể tham khảo một vài trung tâm dưới đây:

Tại thành phố Hồ Chí Minh 

  • Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công An
  • Phân viện Pháp y Quốc gia
  • Xét nghiệm ADN tại bệnh viện huyết học (Bệnh viện Truyền máu và Huyết học)
  • Medic-Lab 

Tại Hà Nội 

  • Trung tâm xét nghiệm ADN NOVAGEN
  • Trung tâm Giám định gen
  • Viện pháp y Quân đội
  • Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền
  • Công ty Gentis

Chi phí xét nghiệm ADN phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở, loại mẫu, thời gian trả kết quả. Nhưng nhìn chung. chi phí dao động từ 1,200,000 đến 3,900,000 đồng. 

Tổng kết

Ngày nay, xét nghiệm ADN ngày càng trở nên phổ biến, đáp ứng được nhu cầu của mọi người. Chi phí hợp lý và độ chính xác cao, xét nghiệm ADN là lựa chọn hàng đầu để xác định huyết thống nhằm xóa bỏ mối nghi ngờ, đồng thời giúp nhiều người tìm lại người thân và gia đình. 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!