Viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và biến chứng

Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng đường dẫn khí chính của phổi (phế quản), khiến chúng bị kích thích và viêm. Khí quản phân nhánh thành phế quản, rồi phân nhánh thành các đường dẫn khí nhỏ trong phổi gọi là tiểu phế quản. Các thành phế quản tạo ra chất nhầy (đờm) để giữ bụi và các phần tử gây kích ứng khác.

Video Bệnh viêm phế quản là gì?

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản xảy ra khi nhiễm trùng kích thích và làm viêm đường hô hấp, khiến tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường. Cơ thể cố gắng thải lượng chất nhầy thừa này thông qua việc ho.

Viêm phế quản gồm viêm phế quản cấp tính và mạn tính. Viêm phế quản cấp tính là bệnh viêm đường thở tạm thời, gây ra ho có đờm. Nó kéo dài đến 3 tuần, có thể gặp mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh này phổ biến hơn vào mùa đông và thường xuất hiện sau cảm lạnh thông thường, đau họng hoặc cúm. Viêm phế quản mạn tính gây ho có đờm thường xuyên, kéo dài 3 tháng trong năm và ít nhất 2 năm liên tiếp. Đó là một trong số các bệnh lý về phổi, bao gồm cả khí phế thũng, được gọi chung là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn trên 40 tuổi. Điều quan trọng là bạn phải ngừng hút thuốc nếu bị viêm phế quản. Khói thuốc lá và các hóa chất trong thuốc lá làm cho bệnh viêm phế quản nặng hơn, tăng nguy cơ tiến triển thành bệnh viêm phế quản mạn tính và COPD. Bạn cũng có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để bỏ thuốc lá.

Các triệu chứng của viêm phế quản

Triệu chứng chính của viêm phế quản cấp tính là ho khan, có thể có đờm trong, màu vàng xám hoặc xanh lục.

Các triệu chứng khác tương tự như các triệu chứng của cảm lạnh thông thường hoặc viêm xoang:

  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau nhức
  • Mệt mỏi

Nếu bị viêm phế quản cấp tính, cơn ho có thể kéo dài vài tuần sau khi các triệu chứng khác hết. Hoặc đôi khi ho liên tục khiến ngực và cơ dạ dày bị đau. Một số người có thể bị khó thở hoặc thở khò khè do đường thở bị viêm. Nhưng các triệu chứng này thường phổ biến hơn ở viêm phế quản mạn tính.

Khi nào cần khám bác sĩ


X-quang phổi. Nguồn wikipedia.comX-quang phổi. Nguồn wikipedia.com

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp tính có thể dễ dàng điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và uống nhiều nước.

Bạn chỉ cần đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc bất thường, ví dụ:

  • Ho dữ dội hoặc kéo dài hơn 3 tuần
  • Sốt cao trong hơn 3 ngày - đây có thể là dấu hiệu của bệnh cúm hoặc một bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm phổi
  • Ho có đờm có lẫn máu
  • Bệnh tim hoặc phổi tiềm ẩn, chẳng hạn như hen suyễn, suy tim hoặc khí thũng
  • Khó thở 
  • Bị viêm phế quản tái phát nhiều lần

Bác sĩ sẽ cần phải phân biệt với các bệnh nhiễm trùng phổi khác có triệu chứng tương tự viêm phế quản, chẳng hạn như viêm phổi. Nếu bác sĩ cho rằng đó là viêm phổi, có thể bệnh nhân sẽ cần chụp X-quang phổi và lấy mẫu đờm để xét nghiệm.

Nếu bác sĩ nghi ngờ đó là một bệnh lý tiềm ẩn, họ cũng có thể chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm chức năng phổi. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu hít thở sâu và thổi vào một thiết bị gọi là phế dung kế, đo chức năng hô hấp. Dung tích phổi giảm có thể chỉ ra một bệnh lý tiềm ẩn.

Nguyên nhân của viêm phế quản

Nhiễm trùng do vi rút và vi khuẩn

Viêm phế quản thường do vi rút gây ra, ít khi do vi khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, viêm phế quản và cảm lạnh thông thường hoặc cúm là do cùng một loại vi rút gây ra. Vi rút tổn tại trong hàng triệu giọt nhỏ li ti chảy ra từ mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi.

Những giọt này thường văng xa khoảng 1m. Chúng lơ lửng trong không khí một lúc, sau đó đáp xuống các bề mặt, nơi vi rút có thể tồn tại đến 24 giờ. Bất kỳ ai chạm vào những bề mặt này đều có thể lây lan vi rút.

Hít phải chất gây kích ứng

Viêm phế quản cũng có thể do hít thở phải các chất gây kích ứng như khói bụi, hóa chất trong các sản phẩm gia dụng hoặc khói thuốc lá. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phế quản mạn tính. Nó có thể ảnh hưởng đến những người hít khói thuốc thụ động, cũng như những người tự hút thuốc.

Những người bị viêm phế quản mạn tính thường gặp một bệnh phổi khác liên quan đến hút thuốc gọi là khí phế thũng, các túi khí bên trong phổi bị tổn thương, gây ra tình trạng khó thở.

Nếu đang hút thuốc, hãy cố gắng ngừng hút thuốc vì khói thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm phế quản và tăng nguy cơ phát triển bệnh khí phế thũng.

Ngừng hút thuốc khi bị viêm phế quản cũng có thể là cơ hội hoàn hảo để bỏ thuốc lá hoàn toàn.

Yếu tố nghề nghiệp

Bạn cũng có nguy cơ bị viêm phế quản mạn tính và các loại bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khác (COPD) nếu thường xuyên tiếp xúc với các vật liệu có thể làm tổn thương phổi, chẳng hạn như:

  • Bụi
  • Hàng dệt (sợi vải)
  • Amoniac
  • Axit mạnh
  • Clo

Đôi khi được gọi là viêm phế quản nghề nghiệp. Nó thường giảm bớt khi bệnh nhân không còn tiếp xúc với chất gây kích ứng.

Điều trị viêm phế quản

Trong hầu hết các trường hợp, viêm phế quản cấp tính tự khỏi trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Trong thời gian chờ đợi, bạn nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi.

Trong một số trường hợp, các triệu chứng của viêm phế quản có thể kéo dài hơn. Nếu các triệu chứng kéo dài từ 3 tháng trở lên, bệnh được gọi là viêm phế quản mạn tính.

Không có cách chữa khỏi viêm phế quản mạn tính, nhưng một thay đổi một số lối sống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng:

  • Ăn uống lành mạnh
  • Thường xuyên tập thể dục vừa phải
  • Tránh hút thuốc

Có một số loại thuốc để giảm các triệu chứng. Các loại thuốc được gọi là thuốc giãn phế quản và steroid "thông" đường thở và có thể được kê đơn dưới dạng ống hít hoặc viên nén. Thuốc tiêu đờm làm loãng đờm trong phổi, khiến bạn dễ ho ra hơn.

Kiểm soát các triệu chứng tại nhà

Nếu bị viêm phế quản cấp tính:

  • Nghỉ ngơi 
  • Uống nhiều nước - điều này giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và làm loãng đờm trong phổi, khiến bạn dễ ho ra
  • Điều trị nhức đầu, nhiệt độ cao và nhức mỏi cơ thể bằng paracetamol hoặc ibuprofen - mặc dù ibuprofen không được khuyến nghị nếu bệnh nhân bị hen suyễn

Cẩn thận với thuốc ho

Có rất ít bằng chứng cho thấy thuốc ho có tác dụng. Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Hoa Kì đã khuyến cáo rằng không nên dùng thuốc ho không kê đơn cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi chỉ nên sử dụng theo lời khuyên của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Để thay thế cho thuốc ho không kê đơn, hãy thử tự làm hỗn hợp mật ong và chanh, có thể giúp làm dịu cơn đau họng và giảm ho.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh thường không được kê cho bệnh viêm phế quản vì bệnh thường do vi rút gây ra. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với vi rút và việc kê đơn thuốc khi không cần thiết có thể khiến bạn bị kháng thuốc kháng sinh. Bác sĩ sẽ chỉ kê đơn thuốc kháng sinh nếu bạn có nhiều nguy cơ bị các biến chứng như viêm phổi.

Thuốc kháng sinh cũng được khuyên dùng cho:

  • Trẻ sinh non
  • Người già trên 80 tuổi
  • Người có tiền sử bệnh tim, phổi, thận hoặc gan
  • Bệnh nhân suy giảm hệ thống miễn dịch, có thể là kết quả của một bệnh tiềm ẩn hoặc tác dụng phụ khi điều trị steroid
  • Bệnh nhân xơ nang

Nếu bạn được kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh viêm phế quản, đó có thể là một liệu trình 5 ngày gồm amoxicillin hoặc doxycycline. Tác dụng phụ của những loại thuốc này không nhiều, bao gồm cảm giác buồn nôn, ốm yếu và tiêu chảy.

Biến chứng của viêm phế quản

Viêm phổi là biến chứng phổ biến nhất của viêm phế quản. Bệnh xảy ra khi nhiễm trùng lan rộng hơn vào phổi, khiến các túi khí nhỏ bên trong phổi chứa đầy chất lỏng.

Khoảng 1 trong 20 trường hợp viêm phế quản dẫn đến viêm phổi.

Những người có nguy cơ cao bị viêm phổi bao gồm:

  • Người cao tuổi
  • Hút thuốc
  • Bệnh nhân có bệnh nền như bệnh tim, gan hoặc thận
  • Bệnh nhân suy giảm hệ thống miễn dịch

Viêm phổi nhẹ thường có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh tại nhà. Những trường hợp nặng hơn có thể phải nhập viện.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!