Đề bài: Suy nghĩ của em về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
Dàn ý Trình bày suy nghĩ của em về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
Mở bài: Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác.
Thân bài:
– Giải thích” đổ lỗi” , ” nhận lỗi” là gì?
– Thực trạng của hiện tượng nhận lỗi và đổ lỗi: hiện nay nhiều người không dám nhìn thẳng vào lỗi lầm mà gây ra, luôn luôn đổ lỗi cho người khác.
– Biểu hiện của hiện tượng
– Hậu quả của hiện tượng trên
+ Gây ra tổn thương cho người khác
+ Làm mất lòng tin
+ Cảm thấy áy náy, day dứt khi mắc lỗi,…
– Cách khắc phục
Kết bài: Nêu cảm nghĩ, đánh giá.
Một số bài văn mẫu hay
Mẫu 1
Người xưa từng nói: “Nhân bất thập toàn”, nghĩa là không ai sinh ra đã trở nên hoàn hảo. Sai lầm là một biểu hiện thường thấy trong cuộc sống con người. Có những sai lầm mới có những thành công. Từ con người bình thường đến các vĩ nhân đều có những sai lầm nhất định trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Lời xin lỗi luôn là một hành động cần thiết trong cuộc sống. Mỗi khi sai lầm xảy ra để hạn chế những hậu quả đáng tiếc và làm cho tâm hồn được bình yên hơn thì lời xin lỗi thực sự cần thiết.
“Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. "Nhận lỗi": là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù thiệt hại và tha thứ.
Con người trong cuộc sống sẽ có những lúc không tránh khỏi những tình huống éo le, khó đỡ và phạm phải lỗi lầm. Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm, phạm phải nhiều lỗi lầm theo những mức độ khác nhau, việc nhận lỗi và sửa chữa chúng sẽ khiến bản thân ta tốt lên từng ngày, hoàn thiện nhân cách đồng thời lấy lại niềm tin của người khác đối với bản thân mình. Lỗi lầm chỉ mang lại cho bản thân những điều tiêu cực như: gây ra tổn thương cho người khác, làm mất lòng tin, chính bản thân ta sẽ cảm thấy áy náy, day dứt khi mắc lỗi,… nhưng khi biết sửa lỗi nó sẽ mang đến cho ta những bài học bổ ích. Người biết nhận lỗi và sửa lỗi là người biết nhìn nhận thực tế, sẽ được người khác nhìn nhận và đánh giá cao. Người biết nhận lỗi và sửa lỗi là những người có bản lĩnh, biết thay đổi để bản thân tốt hơn, xứng đáng được tin tưởng, được tha thứ và được học hỏi. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người khi gây ra lỗi lầm không biết sửa chữa, nhận lỗi về mình; lại có những người vì lợi ích của bản thân mà cố ý gây ra lỗi lầm, tổn thương cho người khác,… những người này đáng bị chỉ trích.
Mỗi con người chỉ được sống một lần duy nhất, chúng ta hãy cố gắng hoàn thiện bản thân, trở thành một con người có đạo đức, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc đúng chỗ và phấn đấu làm một công dân tốt cho xã hội.
Mẫu 2
Người xưa từng nói: “Nhân bất thập toàn”, nghĩa là không ai sinh đã là người hoàn hảo. Sai lầm là một biểu hiện thường gặp phải trong cuộc sống con người. Có những sai lầm thì mới có được trái ngọt, những thành công.
Từ con người bình thường đến các nhà đọa lí đều có những sai lầm nhất định trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Và lời xin lỗi luôn là một hành động chuẩn mực, cần thiết trong cuộc sống chúng ta mà ai cũng cần phải biết. Lời xin lỗi thực sự cần thiết mỗi khi sai lầm xảy ra để hạn chế những hậu quả đáng tiếc và làm cho tâm hồn được bình yên hơn thì lời xin lỗi thực sự cần thiết.
“Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, đùn đẩy trách nhiệm hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
“Nhận lỗi” là hành động tự nhận khuyết điểm, tự giải quyết vấn đề và nhận ra sai lầm của mình, là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù và khi nhận ra lỗi lầm cần được tha thứ.
Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng mắc phải sai lầm nào đó, vậy các bạn sẽ làm gì và phải làm gì trong trường hợp đó? Các bạn sẽ trân thành đối diện với sự thật và nhận lỗi hay trở thành một kẻ hèn nhát trốn tránh và đổ tội cho người khác vì không muốn mọi người chỉ trích phán xét mình? Mình nghĩ rằng tất cả các bạn ngồi đây đã có những lần tự biến mình thành kẻ hèn nhát. Mình cũng đxa từng như vậy, đã từng trở nên nhu nhược như thế.
Thay vì chịu trách nhiệm trước hành động của bản thân, họ luôn đùn đẩy đổ thừa cho hoàn cảnh và những người xung quanh, không dám đứng ra nhận lỗi. Câu cửa miệng của họ mỗi khi bị người khác hỏi về lỗi lầm phạm phải là “Tại vì…”, tại thế nọ, tại thế kia. Đó chính là sự tôn trọng với bản thân cũng như thiếu sự tôn trọng đối với người khác.
Vậy các bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao bản thân cũng biết đó là sai nhưng lại sẵn sàng nói dối, đổ lỗi cho người khác để bao biện cho hành động của mình hay chưa? Theo mình, nguyên nhân xuất phát từ việc mỗi người không thể tìm được phương án giải quyết cho các vấn đềcủa bản thân mắc phải.
Chúng ta sẵn sàng phủi bỏ trách nhiệm và đùn đẩy cho người khác để không phải gánh vác và xử lí vấn đề xảy ra. Ngoài ra, nó còn cho thấy ý thức kém về bản thân cũng như khả năng đối mặt với sự thật và mọi người xung quanh.
Lâu dần, chúng ta sẽ hình thành một thói quen xấu là đổ lỗi cho người khác, tự tạo ra một thói quen xấu để bảo vệ cho cái “tôi” mỏng manh của chính mình. Đổ lỗi cho người khác một cách thường xuyên sẽ khiến bạn đánh mất đi khả năng chịu trách nhiệm trong mọi vấn đề, có cái nhìn xấu trong mắt người khác; không thể trưởng thành, học hỏi từ những vấp ngã, sai lầm trong cuộc sống.
Đó là lý do vì sao chúng ta phải học hỏi, trau dồi thay đổi mỗi ngày. Khi dám thay đổi, đúng ra nhận lỗi, bạn sẽ có một tâm thế thoải mái, giải thoát bản thân khỏi những lo lắng hoặc những ánh mắt không tốt của mọi người.
Hơn nữa, bạn sẽ nhìn nhận được khả năng xử lí tình huống của bản thân đối với hoàn cảnh hiện tại và trong những tình huống sắp tới. Phát huy được những điều này, bạn sẽ dần từ bỏ được thói quen đổ lỗi cho người khác vì hành động của mình.
Mình mong rằng các bạn ngồi đây sẽ có được những nhận thức đúng đắn về hậu quả của mọi vấn đề khi đổ lỗi cho người khác. Hãy tự hoàn thiện bản thân, sửa đổi, rèn luyện mình mỗi ngày. Chỉ khi làm được điều đó, cuộc sống của chúng ta mới trở nên tươi đẹp, tràn đầy ý nghĩa, niềm vui và sự thương yêu trong cuộc sống!
Mẫu 3
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, chúng ta không thể lường trước được những việc có thể xảy ra. Có những lúc bản thân ta tưởng đang làm tốt công việc rồi nhưng đó lại là con đường sai dẫn ta đến những lỗi lầm. Trong những trường hợp này, vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác được đưa ra và bình luận hàng đầu.
Nhận lỗi là việc chúng ta sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm của mình khi làm sai hoặc làm chưa tốt công việc được giao và có biện pháp, phương án sửa đổi để tốt lên từng ngày. Còn đổ lỗi lại là khi mình làm sai nhưng không dám nhận, ngược lại tìm lí do, tìm cách né tránh, cho là trách nhiệm của người khác để bản thân không phải chịu khiển trách. Nhận lỗi và đổ lỗi là hai trạng thái trái ngược nhau, đối lập nhau, chúng ta cần học cách can đảm nhận lỗi thay vì tìm cách đổ lỗi cho người khác và có biện pháp sửa đổi lỗi lầm của bản thân.
Mỗi người chúng ta ai cũng sẽ mắc phải những lỗi lầm dù là vô tình hay cố ý. Việc nhận lỗi không chỉ giúp bản thân ta nhìn nhận trực tiếp lỗi lầm của mình mà còn giúp chúng ta kiểm điểm lại bản thân, có biện pháp giải quyết, khắc phục những lỗi lầm đó sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn, có nhiều bài học hơn. Ngược lại, việc đổ lỗi cho người khác đầu tiên sẽ khiến hình ảnh chúng ta xấu đi trong mắt mọi người. Đổ lỗi là khi ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám nhìn vào sai lầm của bản thân, từ đó không có cách sửa đổi và bản thân sẽ phát triển theo cách tiêu cực hơn. Có lỗi lầm mới có bài học, hãy đối diện với những lỗi lầm một cách dũng cảm nhất, trực diện nhất để sửa đổi và khiến mình hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Là người học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi chúng ta không chỉ phấn đấu trong học tập, rèn luyện đạo đức mà cần cố gắng nhiều hơn nữa trong việc dũng cảm với bản thân, dám nghĩ dám làm, dám đứng lên nhận lỗi sai và có ý thức sửa chữa lỗi lầm để hoàn thiện hơn. Hãy coi lỗi lầm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống để bản thân mình đối diện nhẹ nhàng hơn cũng như thoải mái tinh thần hơn trong việc giải quyết hậu quả của những lỗi lầm đó.
Cuộc sống vốn ngắn ngủi, hãy học cách chấp nhận và đối diện với lỗi lầm để hoàn thiện bản thân theo chiều hướng tốt đẹp nhất. Mỗi ngày cố gắng nhiều hơn một chút trong cuộc sống, ta nhất định sẽ trở nên ưu tú hơn và đóng giúp nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc đời.
Mẫu 4
Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng mắc phải sai lầm, vậy các bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó? Các bạn sẽ dũng cảm đối diện với sự thật và nhận lỗi hay trở thành một kẻ hèn nhát đổ tội cho người khác vì không muốn mọi người phán xét mình? Mình nghĩ rằng tất cả các bạn ngồi đây đã hơn một lần tự biến mình thành kẻ hèn nhát. Mình cũng giống như các bạn, đã từng trở nên nhu nhược như thế. Trong cuộc sống, không ít người vẫn đang tự biến mình thành người giống vậy. Thay vì chịu trách nhiệm trước hành động của bản thân, họ luôn đổ thừa cho hoàn cảnh và những người xung quanh. Câu cửa miệng của họ mỗi khi bị người khác hỏi về lỗi lầm của mình là "Tại vì...", tại thế nọ, tại thế kia. Đó chính là sự dối trá và thiếu lòng tự trọng với bản thân cũng như thiếu sự tôn trọng đối với người khác.
Vậy các bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao bản thân cũng như mọi người lại sẵn sàng nói dối, đổ lỗi cho người khác để bao biện cho mình hay chưa? Theo mình, nguyên nhân xuất phát từ việc mỗi người không thể tìm được phương án giải quyết cho các vấn đề mà mình gặp phải. Chúng ta sẵn sàng phủi bỏ trách nhiệm và chuyển nó sang người khác để không phải gánh vác, xử lý hậu quả vấn đề. Ngoài ra, nó còn cho thấy sự nhận thức yếu kém về bản thân cũng như khả năng đối mặt với sự thật.
Lâu dần, chúng ta sẽ hình thành một thói quen xấu là đổ lỗi cho người khác, tự ru ngủ để bảo vệ cho cái "tôi" mỏng manh của chính mình. Đổ lỗi cho người khác một cách thường xuyên sẽ khiến bạn đánh mất đi khả năng chịu trách nhiệm cho mọi chuyện; không giữ được vị thế trong mắt mọi người; không thể trưởng thành, học hỏi từ những vấp ngã, sai lầm trong cuộc sống.
Đó là lý do vì sao chúng ta phải thay đổi mỗi ngày. Khi dám thay đổi, bạn sẽ có một tâm thế thoải mái, giải thoát bản thân khỏi những lo lắng hoặc lỗi cư xử chưa phù hợp. Hơn nữa, bạn sẽ nhìn nhận được khả năng của bản thân đối với hoàn cảnh hiện tại và trong những tình huống sắp tới. Phát huy được những điều này, bạn sẽ dần từ bỏ được thói quen đổ lỗi lên ai đó vì hành động của mình.
Mình mong rằng các bạn ngồi đây sẽ có được những nhận thức đúng đắn về hậu quả của việc đổ lỗi cho người khác để tự sửa đổi, rèn luyện mình mỗi ngày. Chỉ khi làm được điều đó, cuộc sống của chúng ta mới trở nên tươi đẹp, tràn đầy ý nghĩa!
Mẫu 5
Trong bài thực hành nói và nghe ngày hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ, ý kiến của bản thân mình về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác. Để tiện cho quá trình thuyết trình, em xin phép được xưng "tôi". Kính mong cô và các bạn cùng lắng nghe!
Cho đến bây giờ, tôi còn nhớ rất rõ câu chuyện về việc đổ lỗi cho người khác của mình. Đó là câu chuyện xảy ra nhiều năm trước, trong một lần tham gia vặt xoài trộm với lũ bạn, tôi đã bị bác hàng xóm bắt được. Để trốn tội, tôi đổ thừa cho thằng bạn bên cạnh với lí lẽ: "Nó bắt cháu làm vậy đấy!". Cuối cùng, thằng bé ấy bị bác hàng xóm mắng nhiếc rất nặng nề và ngồi khóc lớn. Mãi đến sau này, tôi mới nhận ra hành vi ấy là sai trái và hèn nhát.
Chắc hẳn các bạn cũng giống tôi, cũng từng đổ lỗi cho người khác để bảo vệ chính mình.
Trong xã hội, cũng có rất nhiều người như vậy. Họ luôn thoái thác trách nhiệm trước những vấn đề không đủ khả năng để kiểm soát và xử lý. Họ thuyết phục bản thân rồi tự ru ngủ chính mình rằng: mọi chuyện là do lỗi của người khác.
Nguyên nhân khiến họ trở thành kẻ hèn nhát, nhu nhược xuất phát từ việc không dám đối mặt với chính mình, quá sợ hãi khi sai lầm xảy ra, do sự ích kỉ, thoái thác trách nhiệm, đùn đẩy cho người khác để bảo đảm lợi ích của cá nhân mình. Khi hậu quả xảy ra, họ chỉ ra sức bảo vệ cái "tôi" mong manh, mềm yếu và bỏ mặc những người xung quanh trong đám hỗn độn do mình gây nên. Ngoài ra, sự lười nhác, lối sống hưởng thụ cùng lòng tham vô đáy đã biến họ trở thành những kẻ vô tâm, sẵn sàng đi ngược lại đạo đức của xã hội và lợi ích của cộng đồng.
Hiện tượng đổ lỗi cho người khác để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, trước là với bản thân, sau là đến xã hội. Hiện tượng đổ lỗi biến mỗi người trở thành kẻ vô trách nhiệm, vô đạo đức, không dám đương đầu với khó khăn thử thách và ngăn họ đi đến thành công. Hiện tượng đổ lỗi còn làm chia rẽ nội bộ trong một tập thể. Mọi người luôn trong trạng thái đùn đẩy công việc, tội trạng cho người khác. Hậu quả gây ra không được khắc phục mà càng trở nên trì trệ, trầm trọng khi mỗi người không tự chịu trách nhiệm với bản thân.
Chính vì vậy, việc nhận lỗi sẽ mang đến cho ta những bài học bổ ích. Người biết nhận lỗi và sửa lỗi sẽ được mọi người coi trọng, đánh giá cao, hình thành cho mình nhận thức và thói quen đúng đắn. Việc nhận lỗi đồng nghĩa với việc bạn có lòng tự trọng và thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Xã hội sẽ trở nên phát triển, văn minh khi ai cũng hình thành cho mình thói quen nhận lỗi.
Thấu hiểu được hậu quả việc đổ lỗi cho người khác cũng như ý nghĩa của nhận lỗi và sửa lỗi, tôi hi vọng các bạn sẽ thay đổi để bản thân ngày càng hoàn thiện. Chỉ khi cá nhân nỗ lực thì tập thể, cộng đồng, xã hội mới trở nên tốt đẹp hơn.
Mẫu 6
Chúng ta đôi khi mắc sai lầm gây ra hậu quả đáng tiếc nào đó khiến người khác phải tổn thương. Sai lầm là tất yếu của cuộc sống. Vậy trước lỗi lầm gây ra, bạn nhận lỗi hay đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh?
Nhận lỗi là biết nhận thức được cái sai của bản thân, từ đó có các hành vi như xin lỗi, sửa sai, khắc phục hậu quả. Đây là thái độ là việc nên làm sau khi mắc lỗi.
Xin lỗi và nhận lỗi thể hiện ý thức trách nhiệm của bản thân đối với những hành vi mà mình gây nên, thể hiện văn hóa ứng xử, phẩm chất nhân cách của một cá nhân, thể hiện phép lịch sự trong giao tiếp cộng đồng.
“ Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn là sự im lặng” . Việc nhận lỗi khiến bạn cảm thấy mình thanh thản, nhẹ nhõm hơn. Bạn không phải day dứt, suy nghĩ quá nhiều về điều mình trót gây ra. Nếu gây sai lầm mà không nhận lỗi ngay, thì sai lầm ấy sẽ trở thành ung nhọt trong lòng chúng ta khiến ta nhức nhối, khó chịu không yên.
Người biết nhận lỗi sẽ tăng được thiện cảm, lòng tin của mọi người xung quanh. Bởi nhận lỗi đồng nghĩa với việc tôn trọng phép tắc, tôn trọng người khác. Ai cũng muốn được tôn trọng và đáng được tôn trọng. Thử hỏi, nếu bạn mắc sai lầm mà im lặng ngơ đi, không nhận lỗi, thì mọi người sẽ nghĩ về bạn như thế nào? Họ còn tin tưởng bạn nữa không?
Việc nhận lỗi còn giống như liều thuốc xoa dịu những tổn thương, đau lòng đối với người mà ta mắc lỗi; làm nhẹ bớt cơn thịnh nộ ở họ và có khả năng ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra. Như vậy, nhận lỗi giúp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết mâu thuẫn, chữa lành tổn thương, cải thiện mối quan hệ giữa người với người. Nếu biết ơn làm tăng thêm hạnh phúc trong cuộc sống thì nhận lỗi là con đường hóa giải đầu tiên những đau khổ, tổn thương.
Nhận lỗi một khi đã trở thành thói quen, thành văn hóa ứng xử của cộng đồng sẽ giúp xã hội trở nên văn minh, tốt đẹp hơn. Con người có thể chung sống cùng nhau, hòa hợp với nhau trong xã hội một phần nhờ văn hóa xin lỗi và nhận lỗi.
Nhận lỗi có thể trở thành nét đẹp văn hóa của một đất nước. Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với nét đẹp văn hóa này. Có chuyện kể rằng quản lí nhà ga tàu điện đã gửi lời tạ lỗi vì khởi hành tàu sớm hơn mất.. 20 giây. Họ nhận lỗi vì việc không kiểm soát được thời gian này có thể ảnh hưởng tới những tuyến tàu khác hoặc khiến cho một vài người khách chậm chân mà bỏ lỡ chuyến tàu. Cho đến các vị lãnh đạo hàng đầu, quan chức chính phủ Nhật Bản cũng sẵn sàng cúi đầu xin lỗi người dân. Họ sẵn sàng hạ cái tôi và danh tiếng bản thân xuống để đổi lấy sự tin tưởng của người dân.
Có thể nói, nhận lỗi là cần thiết, song nhận lỗi phải chân thành, phải đi cùng hành vi sửa sai. Nếu nhận lỗi để cho có thì chỉ là lời nói gió bay, sao có thể tạo lòng tin ở người khác? Sự chân thành ngay cả trong cách nhận lỗi luôn luôn được ghi nhận. Vậy nên, hãy biết nhận lỗi bằng cả tấm lòng. Ngoài ra, nhận lỗi cũng cần đúng thời điểm. Tốt nhất là ngay sau khi bạn gây ra lỗi lầm. Càng để lâu, ngần ngại, càng khiến bạn và đối phương đau khổ, tổn thương.
Nếu nhận lỗi là văn hóa, là liều thuốc chữa bách bệnh, là cánh cửa để bước vào một nền văn hóa lịch thiệp, tôn trọng và đầy đạo đức thì ngược lại, để lỗi là hành vi đáng phê phán - là một trong những biểu hiện của người có EQ thấp.
Đổ lỗi là mắc sai lầm nhưng không chịu thừa nhận trách nhiệm về mình mà lại đẩy trách nhiệm về người khác, hoặc cho rằng cái sai của mình là do lỗi của người khác. Khoa học gọi hiện tượng này là "tâm lí nạn nhân”.
Nhận lỗi thì khó, còn đổ lỗi lại rất dễ, nên nhiều người thích "đóng vai nạn nhân" là vì vậy. Có người đổ lỗi do mất kiểm soát cảm xúc. Lại có người coi đổ lỗi là một cách để tự vệ để không ai nhìn thấy khiếm khuyết của bản thân, để khỏi cảm giác tội lỗi và lo lắng, khỏi sự phán xét của người khác hoặc pháp luật.
Một người không may làm vỡ một chiếc cốc. Nếu là người có trách nhiệm, sẽ lập tức xin lỗi. Nếu là người quen đổ lỗi, có thể sẽ cho rằng do ai đó để hớ hênh. Đổ lỗi là cách ứng xử đáng phê phán.
Đáng phê phán bởi nó làm xấu xí, nhem nhuốc nhân cách của con người. Đáng phê phán bởi sự vô trách nhiệm ấy sẽ khiến không chỉ chính bản thân họ không nhận được hảo cảm, lòng tin của người khác mà còn khiến người với người thêm xa cách. Những người quen đổ lỗi sẽ không giữ được vị thế trong lòng mọi người. Ai muốn kết giao với kẻ chỉ thích đổ lỗi cho người xung quanh đâu?
Mặt khác, đổ lỗi còn khiến con người không nhận ra sai lầm của bản thân để tìm cách khắc phục. Hiệu suất công việc và khả năng thành công sẽ thu hẹp lại, đánh mất cơ hội phát triển của bản thân. Thật lợi bất cập hại. Đối với tập thể, đổ lỗi cho người khác sẽ gây tâm lí nghi ngờ lẫn nhau, làm mất đoàn kết, ảnh hưởng đến công việc chung. Nếu xã hội tồn tại nhiều những kẻ thích "đóng vai nạn nhân” như vậy thì thật hỗn loạn, thật - giả, tốt - xấu, sáng - tối sẽ trở nên không thể phân biệt được nữa.
"Lùi một bước, trời cao biển rộng." Danh ngôn này quả không sai. Đổ lỗi có thể gây nhiều hậu quả khó lường, còn nhận lỗi lại có thể mang đến nhiều điều tốt đẹp. Vậy không nên đổ lỗi, mà hãy học cách nhận lỗi. Cúi đầu nhận lỗi không phải là hèn hạ hay thất bại. Đó à phép lịch sự, thể hiện sự tôn trọng người đối diện và giương cao phẩm chất cao thượng của con người. Tinh thần khiêm nhường và không đổ lỗi rất đáng được coi trọng và học tập.
Mẫu 7
Không ai có thể đi đến thành công mà không qua những sai lầm. Sai lầm, lỗi lầm là điều tất yếu trong cuộc sống. Thế nhưng, khi xảy ra lỗi lầm, nhiều người không dám nhận lấy lỗi để sữa chữa, khắc phục mà thường đổ lỗi lỗi cho người khác. “Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Cụ thể là, các nhà thầu xây dựng yếu kém, ăn bớt vật liệu khiến công trình sụp đổ, gây tai nạn, không chịu nhận trách nhiệm mà đổ lỗi do địa hình, khí hậu. VD: Vụ sập cầu Chu Va ở tỉnh Lai Châu năm 2014.Thất bại trong cuộc sống, nhiều người đổ lỗi do hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó mà quên mất rằng cũng nhiều người nhờ nỗ lực không ngừng mà làm giàu từ hai bàn tay trắng. Học sinh lười biếng, không chăm chỉ học tập đạt kết quả kém lại đổ lỗi cho chương trình sách giáo khoa nặng nề…
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng ấy đó là do sự lười nhác, không cống hiến mà chỉ mong thụ hưởng của nhiều người. Khi nhìn thấy sai lầm của người khác hoặc bản thân gây ra sai lầm, họ vẫn vô tâm, không tích cực ngăn chặn hoặc khắc phục để hạn chế tổn hại. Do con người hèn nhát, không dám đối mặt với lỗi lầm của mình. Nhiều người chỉ vì quá hèn nhát, sợ hãi khi xảy ra sai lầm, họ đã trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác khiến cho hậu quả của hành động ấy còn lớn hơn hậu quả do sai làm ấy gây ra. Do con người ích kỉ, thiếu trách nhiệm, chỉ muốn đùn đẩy phần khó khăn cho người khác. Nhiều người chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình, không quan tâm đến người khác. Khi sai lầm xảy ra, họ chỉ cố sức bảo vệ mình, bỏ mặc người khác dù hậu quả có thế nào đi chăng nữa. Những kẻ vô tâm ấy thường gây nên những tổn thất rất lớn cho xã hội. Do lòng tham khiến cho con người mở mắt, sẵn sàng làm những việc trái với lương tâm và tìm cách đổ vạ cho người khác… Để vét đầy túi tham, nhiều kẻ đã bất chấp lương tâm, làm những việc tàn nhẫn chỉ để có được điều mình mong muốn.
Hiện tượng đổ lỗi gây mất đoàn kết trong tập thể, khi không ai nhận trách nhiệm về mình cứ cứ đùn đẩy cho người khác. Hiện tượng đổ lỗi không giúp khắc phục hậu quả gây ra, mà trái lại càng làm việc khắc phục hậu quả thêm trì trệ, khiến hậu quả càng nghiêm trọng. Hiện tượng đổ lỗi khiến chúng ta trở thành kẻ vô trách nhiệm, tự huyễn hoặc bản thân rằng mình không bao giờ sai, từ đó không thể tiến bộ, hoàn thiện mình. Nếu xã hội ai cũng chỉ biết đổ lỗi mà không có tinh thần trách nhiệm, khắc phục sai lầm, thì xã hội đó sẽ trở nên trì trệ, chậm phát triển.
Vì thế, mỗi cá nhân cần biết tự ý thức, có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi, sửa lỗi. Gia đình, nhà trường giáo dục con em hình thành ý thức nhận lỗi; người lớn phải làm gương cho trẻ em, không ngần ngại nói “Xin lỗi” khi mình mắc sai lầm và có cách thức cụ thể, thiết thực để sửa chữa lỗi lầm. Ngoài ra, mọi người cũng nên khoan dung tạo điều kiện cho người mắc sai lầm sửa sai. Dám nhận lỗi là một hành động dũng cảm, là sống có trách nhiệm đối với công việc, bản thân và người khác. Không có lỗi lầm sẽ không có thành công. Mỗi lỗi lầm sẽ giúp bạn trưởng thành hơn. Hãy dũng cảm nhận lỗi, tích cực khắc phục sai lầm càng nhanh càng tốt để làm giảm bớt những tổn hại do hành động nhút nhát của chúng ta gây ra.
Mẫu 8
Trong xã hội, từ xưa đến nay việc xảy ra lỗi là một chuyện quen thuộc trong công việc, học tập và các hoạt động thường ngày. Có nhiều người vẫn hiểu được việc gây ra lỗi thì phải sửa, nhưng cũng có một bộ phận trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi lầm ấy cho người khác.
Nhận lỗi là việc con người ý thức được những lỗi sai của bản thân mình, tự động nhận sai về mình và sửa chữa, giải quyết nó. Ngược lại, những người đổ lỗi cho người khác là hành động phủ nhận lỗi lầm của mình, đùn đẩy trách nhiệm đó cho một người khác. Hành động đổ lỗi là một hành động xấu, nhưng hiện nay lại diễn ra rất nhiều trong cuộc sống thường ngày.
Những người mắc lỗi lại chẳng chịu nhận và sửa chữa phần trách nhiệm đó, họ lo sợ cho lợi ích của mình nên không đứng ra. Họ luôn dùng những câu hỏi để hỏi ngược lại, phủ nhận toàn bộ trách nhiệm của bản thân, thiếu tôn trọng những người đang giao tiếp. Chính vì vậy, công việc hoặc học tập thường bị chậm trễ, sai lầm, những lần sau vẫn sẽ bị mắc phải do không có kinh nghiệm sửa chữa.
Vậy bạn có biết nguyên nhân của sự việc này là gì? Đó có thể do tính cách không chịu nhận lỗi, cứng đầu của một số người. Cũng có thể do hiểu biết của họ, họ không biết đúng sai, chính vì vậy luôn đặt câu hỏi ngược lại cho người khác. Về hành động đổ lỗi, đó là những người có ý thức rất kém. Họ đặt nặng lợi ích và ganh đua với người khác, vậy nên họ sẽ chuyển lỗi vốn là của mình cho người khác.
Nếu chúng ta cứ quen với việc đổ lỗi mà không nhìn lại bản thân để nhận và sửa chữa lỗi lầm, chúng ta sẽ tạo thành một loại thói quen xấu mà chẳng ai ưa thích nổi. Bạn sẽ dần đánh mất khả năng chịu trách nhiệm trước mọi việc của mình, trở nên hèn nhát và ngày càng ích kỷ hơn. tất nhiên, bạn cũng không thể trưởng thành và biết cách sửa chữa sai lầm của chính mình. Những người xung quanh sẽ ngày càng xa lánh nếu bạn vẫn cứ tiếp tục đổ lỗi như vậy, sẽ chẳng có ai chấp nhận được tính cách như vậy cả.
Để tự điều chỉnh lại bản thân thoát ra việc đổ lỗi cho người khác, bạn cần có thời gian bình tĩnh nhìn nhận và phân tích những lỗi sai ấy có thuộc về mình không. Bạn không nên quyết định chúng nhanh chóng để rồi phải hối hận. Hãy thật cẩn thận và tự rèn cho mình việc xem lại mọi việc trước khi hoàn thành, điều đó sẽ giúp bạn thực hiện được công việc ít xảy ra lỗi lớn. Hãy biết cách lắng nghe, học tập để bản thân tốt lên từng ngày.
Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, cả tôi và các bạn đều phải tự rèn luyện và tu dưỡng đạo đức thật tốt. Ngay từ bây giờ, hãy tự đứng ra nhận những lỗi lầm do mình gây nên và đừng đổ trách nhiệm cho ai cả. Việc này không chỉ rèn luyện tính cách của bạn mà còn có lợi cho việc học khi bạn phát hiện được những thiếu sót của bản thân mình. Chắc chắn bạn không muốn bị mọi người xa lánh, vậy nên việc đổ lỗi và nhận lỗi sẽ là một thử thách giúp bạn trở nên tốt hơn trong mắt mọi người.
Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:
TOP 30 Bài văn Suy nghĩ về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ (2024) SIÊU HAY
TOP 50 Bài văn Suy nghĩ của em về câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (2024) SIÊU HAY
TOP 50 mẫu Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội (2024) SIÊU HAY
TOP 15 mẫu Lập dàn ý nghị luận về một vấn đề trong đời sống (2024) SIÊU HAY