Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến "Leo lên đỉnh cao để các em ngắm nhìn thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em".
Dàn ý: Leo lên đỉnh cao để các em ngắm nhìn thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em
Dàn ý Mẫu 1
1. Giải thích:
– Leo lên đỉnh cao: chinh phục những thử thách, chiếm lĩnh những tầm cao.
– Các em nhìn ngắm thế giới: quan sát, ngắm nhìn, phát hiện sự lớn lao cũng như tận hưởng những vẻ đẹp của thế giới, của cuộc sống xung quanh.
– Thế giới nhận ra các em: được mọi người ghi nhận.
=> Câu nói xác lập thái độ của con người khi vươn tới tầm cao, khi đạt được mục đích: không phải để ghi danh tên tuổi mà là để cảm nhận, ngắm nhìn thế giới ở tầm cao hơn, rộng hơn, khái quát hơn. Từ đó, có những thu hoạch thấm thía, ý nghĩa hơn.
2. Phân tích:
a/ Vì sao khi vươn lên đỉnh cao, các em có thể nhìn ngắm thế giới và nên coi đó là mục đích của việc chinh phục những đỉnh cao?
– Những đỉnh cao trong cuộc sống (đỉnh cao địa lí, đỉnh cao tri thức, tâm hồn, trí tuệ…) không có đỉnh cao nào là dễ dàng chinh phục; để vượt qua nó, chúng ta phải được trang bị rất nhiều tri thức, kĩ năng và có ý chí mạnh mẽ, kiên cường, lòng quyết tâm cao độ. Khi lên tới đỉnh cao, ta sẽ nhìn lại được khả năng của chính mình, có thêm nhiều kinh nghiệm mới.
– Mỗi hành trình đều chứa đựng nhiều bí ẩn thú vị mà đi đến tận cùng ta sẽ nhận ra nó, giúp ta mở mang thêm kiến thức. Ở tầm cao, nhìn ngắm thế giới sẽ rộng hơn, khái quát và chính xác cao hơn.
– Nhìn ngắm thế giới là công việc phải làm hàng ngày nếu muốn tiến bộ, muốn phát triển bởi cuộc sống không ngừng vận động. Vì vậy, cần coi đó là cái đích của việc chinh phục những đỉnh cao trong cuộc đời.
b/ Leo lên đỉnh cao không phải để “thế giới nhận ra các em”vì:
– Nếu coi việc được ghi nhận là cái đích tối cao, con người dễ bằng lòng, thỏa mãn với những gì mình có mà không còn ý thức vươn lên nữa.
3. Bàn luận, mở rộng:
(Làm thế nào để “leo tới đỉnh cao”?)
– Trang bị cả về sức khỏe, kiến thức, kĩ năng.
– Tôi rèn ý chí, nghị lực, lòng kiên trì, quyết tâm cao độ.
– Khiêm tốn, không ngừng hoàn thiện bản thân.
4. Bài học và liên hệ bản thân:
– Câu nói định hướng cho chúng ta thái độ đúng đắn trong cuộc sống để sống và tận hưởng, khám phá trọn vẹn.
– Liên hệ bản thân.
Dàn ý Mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Nghị luận xã hội về ý kiến: Leo lên đỉnh cao để có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra mình.
2. Thân bài
a. Giải thích
Nghĩa đen của câu nói: khi chúng ta vất vả leo lên được đỉnh núi, chúng ta sẽ có cái nhìn bao quát hơn, rộng hơn đối với cảnh vật xung quanh. Sau hành trình đó, việc thu vào tầm mắt cảnh đẹp của thiên nhiên như một món quà xứng đáng đối với sự cố gắng của chúng ta.
Nghĩa bóng của câu nói: khi chúng ta đạt được thành công, thành tựu trong cuộc sống, ta mới biết được giới hạn, khả năng của bản thân từ đó có thêm động lực để cố gắng hơn chứ không phải thành công ta đạt được là để khoe khoang, để sĩ diện với người khác.
→ Câu nói đề cao sự khiêm nhường, biết người biết ta từ đó có cách nhìn nhận chính xác về bản thân và nỗ lực hơn từng ngày.
b. Phân tích
Trong cuộc sống, nếu chúng ta không nỗ lực vươn lên, không cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày ta sẽ khó có được thành công, sự tôn trọng, yêu mến của mọi người và lâu dần sẽ bị xã hội đào thải.
Tuy nhiên khi đạt được ước mơ, mục đích và có được thành công, ta không nên chủ quan, huênh hoang hay khoe khoang mà cần phải giữ vững tinh thần cầu tiến của mình để đi tiếp con đường mình đã chọn.
Thành công như một dấu hiệu để ta biết bản thân đã làm được những gì và giới hạn của mình đến đâu, từ đó đưa ra những kế hoạch tốt hơn cho tương lai. Thành công không phải để mang đi khoe, để nhận những lời tán dương của mọi người.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người khiêm nhường, cẩn trọng để minh họa cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật được nhiều người biết đến.
d. Phản đề
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người chưa biết phấn đấu vươn lên, khi gặp khó khăn đã nản chí, bỏ cuộc. Lại có những người khi có được thành công bước đầu thì cho bản thân mình là nhất dẫn đến tình trạng chủ quan,… Những người này cần xem xét lại bản thân mình.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: ý kiến: Leo lên đỉnh cao để có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra mình; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Dàn ý Mẫu 3
“Leo lên đỉnh núi cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em.”
* Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.
* Từ việc giải thích “leo lên đỉnh núi cao”; “nhìn ngắm thế giới”; “không phải để thế giới nhận ra các em”, học sinh nêu khái quát nội dung ý kiến.
“Leo lên đỉnh núi cao”:
+ Nghĩa đen: là quá trình chinh phục những khó khăn, trở ngại trên đường đi để lên đến đỉnh núi, chiếm lĩnh điểm cao nhất của ngọn núi.
+ Nghĩa bóng: Là quá trình vượt qua những khó khăn, trở ngại về vật chất và tinh thần để đạt tới thành công, đích đến cuối cùng của cuộc hành trình, kết quả của một quá trình phấn đấu lâu dài.
“Nhìn ngắm thế giới”:
+ Nghĩa đen: Đứng từ đỉnh núi nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, quan sát toàn cảnh.
+ Nghĩa bóng: Là cách em nhìn ngắm lại hành trình đã đi qua, những thất bại và những lần vấp ngã của bản thân và của những người cùng chung hành trình với mình để từ đó rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm cho những hành trình tiếp theo.
“Thế giới nhận ra các em”: Là những thành tích của các em được mọi người ghi nhận.
“Không phải để thế giới nhận ra các em”: Là lời khuyên các em không nên đề ra mục tiêu phấn đấu là cố gắng, nỗ lực đạt được những thành tích, những thành công để nghe người khác ca tụng, thán phục, để mọi người ghi nhớ, nể phục thành tích mà các em đạt được.
Ý nghĩa của câu nói: Tuổi trẻ cần sống và cảm nhận rõ ràng điều mình đang làm, tận hưởng cái giây phút của thực tại, chứ không phải là quan tâm người khác đang nhìn bản thân chúng ta như thế nào.
* Bàn luận:
- Leo lên đỉnh núi cao: là mục tiêu, định hướng phấn đấu của mỗi người. Ở đó thể hiện những khát vọng, hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ. Điều đó cũng là cách để thể hiện bản thân, thể hiện bản lĩnh của mỗi người.
- Khi leo lên đến đỉnh núi, mỗi chúng ta không nên tự cho rằng mình là người duy nhất làm được điều đó hay bản thân mình đã làm được điều mà người khác không thể thực hiện. Từ đó ta có tâm lý tự cao, tự đại, cho rằng là mình hơn người khác, mình đã làm được điều đặc biệt, mình là “trung tâm” của vũ trụ. Quan niệm đó là sai lầm. Đó chính là lí do khiến chúng ta tự đánh mất mình.
- Ngược lại: Khi chúng ta đạt đến đỉnh vinh quang, đạt được những thành công chúng ta nên ngắm nhìn lại những nỗ lực, những trải nghiệm mà mình đã trải qua, những thất bại và những lần vấp ngã, chúng ta không nên “ngủ quên trên chiến thắng”. Chúng ta cần phải biết nhìn nhận lại hành trình đã đi qua, cách mà chúng ta “đứng dậy” sau những thất bại, vấp ngã để rút cho mình những bài học kinh nghiệm. Chúng ta cần biết cách chinh phục nhiều “ngọn núi” trong cuộc đời mỗi người.
- Leo lên đỉnh núi cao không phải để “thế giới nhận ra các em” là vì: Cuộc sống là muôn màu, muôn vẻ, nếu coi việc ghi được những thành tích cao để người đời ca tụng là thể hiện lối sống bằng lòng thoả mãn với những gì mình đang có mà không còn ý thức vươn lên nữa.
=>Bài học nhận thức và hành động:
- Rút ra bài học phù hợp cho bản thân.
- Làm thế nào để chinh phục những “đỉnh núi”
+ Trang bị những kiến thức rèn luyện sức khoẻ, phương pháp chinh phục những kĩ năng, kiến thức.
+ Rèn luyện ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm và thói quen tốt mỗi ngày của bản thân.
Dàn ý Mẫu 4
1. Mở bài
Giới thiệu vào bài: thầy David McCullough đã từng phát biểu: “Leo lên đỉnh núi là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới phải nhận ra các em”.
2. Thân bài
– “Leo lên đỉnh núi” là hình ảnh ẩn dụ cho những cố gắng học hỏi, phát triển bản thân để đạt đến những mục tiêu, những đỉnh cao tri thức mới.
– “Ngắm nhìn thế giới” là cách nhìn nhận về thế giới, khi đã có kho tri thức phong phú, người học không chỉ có thêm nhiều hiểu biết thú vị mà còn mở mang được tầm mắt, có những nhìn nhận đúng đắn về thế giới
--> Câu nói ‘Leo lên đỉnh núi là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em” là lời nhắc nhở sâu sắc đối với thế hệ học trò trong quá trình học tập và phát triển bản thân.
– Khi đã có vốn hiểu biết phong phú, ta có thể nhìn nhận và đánh giá thế giới ở tầm rộng và cả ở bề sâu.
– Cuộc sống là những hành trình mà chúng ta cần chinh phục không ngừng, đừng dừng lại ở một đỉnh cao nào đó, cũng đừng nên mãi hài lòng với nó mà cần thêm nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao mới.
– Học là cho mình, để phát triển và hoàn thiện những kĩ năng cho bản thân, đừng lấy mong muốn, thái độ đánh giá của người khác làm động lực học cho mình.
– Khi học vì người khác, người học sẽ luôn vội vã và thành tựu là đích hướng đến duy nhất, dưới áp lực của nó người học có thể làm mọi cách, thậm chí là gian dối khi thi.
3. Kết bài
Học để người khác công nhận chỉ mang đến những vinh quang nhất thời nhưng nếu bạn học cho mình thì kiến thức sẽ mãi còn đó, và đó sẽ là hành trang để bạn tự tin bước vào tương lai.
Một số bài văn mẫu hay:
Bài văn mẫu 1
Cách tư duy về thành công, phương thức đạt được thành công có thể nói lên nhiều điều về con người chúng ta. Chính vì thế, có lời khuyên cho rằng: “Leo lên đỉnh cao để các em ngắm nhìn thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em”.
Ở đây, “Leo lên đỉnh cao” chỉ việc vượt qua thử thách, đạt được vinh quang chiến thắng. Hành động “ngắm nhìn thế giới” chính là quan sát, học hỏi kiến thức, tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống rộng lớn. Cách nói “thế giới nhận ra các em” là tượng trưng cho việc ta được mọi người công nhận tài năng, nhiệt huyết. Tóm lại, câu nói trên là lời khuyên về thái độ khi chinh phục ước mơ. Ta phấn đấu không phải chỉ nhằm nhận được lời khen, danh vọng mà còn để mở mang trí tuệ, ngày một tiến bộ, nâng cấp tầm nhìn của mình. Có như vậy, hành trình làm việc mới có ý nghĩa.
Cuộc sống không phải là con đường bằng phẳng mà là một đường đua cam ho. Có biết bao đỉnh cao, từ hữu hình đến vô hình mà ta khao khát chạm tay đến. Ai cũng muốn mình trở thành kẻ chiến thắng. Để làm được điều đó, ta cần trang bị rất nhiều kiến thức, kĩ năng và hơn hết là thái độ kiên cường, ý chí mạnh mẽ. Khi đạt đến thành công, ta càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống quý báu. Hơn hết, ta không thể “ngủ quên trên chiến thắng” mà phải mở rộng tầm mắt ngắm nhìn thế giới xung quanh. Thế giới rộng lớn vô cùng, công sức của ta đáng quý nhưng vẫn chưa là gì. Càng chiêm ngưỡng thế giới, ta càng có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu. Sự công nhận của mọi người có những ý nghĩa nhất định, đem lại cho ta niềm vui, giúp ta phần nào tự tin hơn nhưng ta không nên lấy đó làm mục tiêu duy nhất. Nếu thỏa mãn với những gì mình đã làm và cho rằng mình đã trở thành hình mẫu để người khác noi theo, con người dễ dàng trở nên tự phụ, kiêu căng, lạc hậu, bảo thủ.
Như vậy, câu nói trên là một lời khuyên giá trị. Để leo tới đỉnh cao, mỗi người cần ý thức rèn luyện bản thân, trang bị kiến thức về mọi mặt và có tinh thần cầu tiến, khiêm tốn cùng ước mơ chân chính.
Bài văn mẫu 2
Văn học có rất nhiều ý kiến, câu nói hay khuyên nhủ con người sống khiêm tốn, không nên chủ quan trong cuộc sống; không nên cho mình là nhất. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến ý kiến: Leo lên đỉnh cao để có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra mình. Với câu nói này, chúng ta có thể hiểu theo hai lớp nghĩa. Khi chúng ta vất vả leo lên được đỉnh núi, chúng ta sẽ có cái nhìn bao quát hơn, rộng hơn đối với cảnh vật xung quanh. Sau hành trình đó, việc thu vào tầm mắt cảnh đẹp của thiên nhiên như một món quà xứng đáng đối với sự cố gắng của chúng ta. Ngoài ra, câu nói còn mang nghĩa khi chúng ta đạt được thành công, thành tựu trong cuộc sống, ta mới biết được giới hạn, khả năng của bản thân từ đó có thêm động lực để cố gắng hơn chứ không phải thành công ta đạt được là để khoe khoang, để sĩ diện với người khác. Câu nói đề cao sự khiêm nhường, biết người biết ta từ đó có cách nhìn nhận chính xác về bản thân và nỗ lực hơn từng ngày. Trong cuộc sống, nếu chúng ta không nỗ lực vươn lên, không cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày ta sẽ khó có được thành công, sự tôn trọng, yêu mến của mọi người và lâu dần sẽ bị xã hội đào thải. Tuy nhiên khi đạt được ước mơ, mục đích và có được thành công, ta không nên chủ quan, huênh hoang hay khoe khoang mà cần phải giữ vững tinh thần cầu tiến của mình để đi tiếp con đường mình đã chọn. Thành công như một dấu hiệu để ta biết bản thân đã làm được những gì và giới hạn của mình đến đâu, từ đó đưa ra những kế hoạch tốt hơn cho tương lai. Thành công không phải để mang đi khoe, để nhận những lời tán dương của mọi người. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người chưa biết phấn đấu vươn lên, khi gặp khó khăn đã nản chí, bỏ cuộc. Lại có những người khi có được thành công bước đầu thì cho bản thân mình là nhất dẫn đến tình trạng chủ quan,… Những người này cần xem xét lại bản thân mình nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, thành công hơn. Mỗi người rèn luyện bản thân mình theo chiều hướng tích cực, nỗ lực vươn lên không chỉ khiến cho cá nhân đó tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn mà còn khiến cho xã hội phát triển bền vững, giàu đẹp hơn. Hãy sống và trở thành một công dân có ích ngay từ hôm nay.
Bài văn mẫu 3
Trong chúng ta, ai cũng mong muốn bản thân mình có thể thực hiện những hoài bão, uớc mơ ấp ủ trong tim. Chúng ta đều muốn tiến thật xa, Đều muốn đi hết thầy mọi con đường. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: "Leo lên đỉnh núi cao là để các em nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em". "Leo lên đỉnh núi" là hình ảnh chỉ việc chúng ta chinh phục những thử thách trong cuộc sống. Leo lên đỉnh núi không phải để nhận những lời tung hô mọi người mà để chúng ta thông thái hơn, tinh thông hơn, có cơ hội được mở mang hơn. Câu nói trên đã khẳng định một điều rằng khi chúng ta vươn tới những tầm cao, mục đích cao nhất không phải để ghi danh mà để tích lũy cho mình những bài học ý nghĩa, để mở rộng tầm khám phá của mình. Ý thức được điều đó, chúng ta sẽ càng ham khám phá, ham tìm tòi những điều mới lạ, lí thú trên hành trình dài rộng của cuộc đời. Không quan trọng là người khác biết ta đi xa đến đâu. Quan trọng là chúng ta cần biết tận hưởng và góp nhặt những điều cần thiết của hành trình ấy.
Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:
TOP 30 Bài văn Nghị luận xã hội về ý nghĩa việc hiểu mình, hiểu người (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Nghị luận xã hội về sự thấu cảm (2024) SIÊU HAY
TOP 50 Bài văn Nghị luận về thành công trong cuộc sống (2024) SIÊU HAY