Tả cảnh đẹp của một thác nước - Ngữ văn 6
I) Dàn ý:
1. Mở bài: Kì nghỉ hè em có dịp tham quan thác Bạc ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc
2. Thân bài:
- Tả cảnh bao quát: Nhìn từ xa, thác như một dải lụa bạc đổ từ trên cao xuống
- Tả cảnh chi tiết:
- Dòng thác rộng khoảng mười mét, bắt nguồn từ một đỉnh núi có độ cao khoảng 60 mét.
- Nước từ trên thác đổ xuống rất trong và mát lạnh
- Cảnh hai bên dòng thác là những bụi cây xanh rì, những tấm rêu xanh....
- Những dòng nước mát từ thác đổ xuống len lỏi từng tảng đá chảy về xuôi....
- Tiếng chim hót ríu ran trên vòm cây, thỉnh thoảng có tiếng một con hoẵng hay nai kêu lên thảng thốt.
- Gió rừng thổi mát, dễ chịu,.....
- Nêu ích lợi của dòng suối:
- Là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch
- Điều hoà thời tiết.
3. Kết luận: Em rất thích thác bạc, về thành phố em sẽ giới thiêu với mọi người...
II) Bài văn mẫu: Tả cảnh đẹp 1 thác nước:
Bài văn mẫu 01
Tạo hóa ưu ái cho vùng đất Tây nguyên những cánh rừng xanh bất tận, cất giấu những điều kỳ thú mà lòng khát khao của con người luôn muốn được một lần đặt chân khám phá. Ẩn mình sau một lớp rừng chắn ngang, Thác Voi Lâm Đồng mang dáng dấp của một nàng sơn nữ yêu kiều hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp mộng mị rất đỗi chân nguyên của mình.
Thuở xa xưa tù trưởng người K’ho có cô con gái xinh đẹp nết na, tiếng hát của nàng có thể khiến cho rừng cây thôi xào xạc, chim muông ngừng hót để lặng yên nghe khúc tự tình. Tất thảy muôn loài động vật đều quý mến nàng.
Sơn nữ đem lòng yêu thương chàng trai khôi ngô, dũng cảm, gan dạ, là con trai tù trưởng làng bên. Hai người đã thề nguyền trao hẹn ước nên duyên vợ chồng. Thế nhưng vì chiến tranh, chàng trai phải ra biên cương để chống lại quân thù. Nàng nguyện ngày ngày lên dốc núi đợi chàng chiến thắng trở về. Thế nhưng từ ngày này sang ngày khác, tin tức của chàng vẫn bặt vô âm tín.
Nỗi nhớ người yêu không nguôi, nàng trải lòng qua những khúc hát sầu thảm bi thương đến nỗi muông thú trong rừng đều buồn bã theo nàng. Loài chim B’ling xúc động trước tấm chân tình nàng đã kéo nhau dò la rồi báo lại với nàng rằng chàng đã hy sinh nhưng nàng không chấp nhận được sự thật đó. Nàng vẫn cứ hát mãi hát mãi cho đến lúc gục ngã bên sườn đồi không bao giờ dậy được nữa. Đàn voi nằm phục bấy lâu nghe nàng hát cũng hóa đá theo niềm tiếc thương trước tấm lòng son sắt của nàng sơn nữ. Bỗng nhiên có tiếng sấm ngang trời, nước từ đâu đổ ào từ nơi nàng ngã xuống tuôn thành từng dòng lớn mạnh phủ xuống đàn voi như tiếng hát của nàng sơn nữ giữa núi rừng.
Từ đó, người ta gọi đây là Thác Liêng Rơwoa Jơi Biêng hay Thác Voi – thác của những đàn voi hóa đá vì tình yêu thủy chung của người con gái xinh đẹp bản làng K’ho.
Đến với Thác Voi, du khách không chỉ được mãn nhãn với khung cảnh hùng vĩ không kém phần nên thơ, huyền bí của thác mà còn được chiêm ngưỡng nhiều kỳ quan khác xung quanh.
Phía sau Thác Voi là những hang động sâu và rộng, đấy chính là hang Dơi và hang Gió. Vào hang động này, du khách sẽ có cảm tưởng sẽ đi vào thế giới của địa ngục như trong câu chuyện cổ bởi nét tĩnh lặng có đôi phần u tối và bởi thanh âm của tiếng muôn loài lẫn tiếng thác chảy vọng vào. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng của dân tộc ta trước hai kỳ kháng chiến chống Pháp – Mỹ trường kỳ gian khổ.
Phía trên đỉnh thác Voi là nơi tọa lạc của chùa Linh Ẩn, trầm mặc thấp thoáng sau rừng cây và dãy cà phê bạt ngàn như bức tranh sơn thủy hữu tình. Khuôn viên của ngôi chùa rộng hơn 1.400m2 với kiến trúc được xây dựng tinh xảo. Hai bên bậc thang dẫn lối lên chánh điện là 2 con rồng trắng uy nghiêm, tĩnh mặc. Xung quanh nhiều cây cảnh cũng như luống hoa nở rộ càng làm cho không gian trở nên yên bình đến lạ.
Chùa Linh Ẩn được xem là thiền viện Trúc Lâm thứ 2 của Đà Lạt, nơi đây có tượng Phật Di Lặc to lớn đang mỉm cười hiền hậu như ban phúc lành cho du khách đến tham quan. Vì thế, khi khám phá Thác Voi, du khách không thể bỏ qua một lần viếng thăm Linh Ẩn tự.
Trên đường đi về thành phố Đà Lạt sau khi thăm thú Thác voi, du khách có thể dừng chân khám phá thêm các địa danh thú vị ngay các khu vực gần đó: trại nuôi dế, nuôi chồn, vườn dâu,…
Bằng vẻ đẹp tự nhiên có đôi phần hoang sơ, huyền ảo và thơ mộng giữa núi rừng, Thác Voi đã chinh phục được lòng hiếu kỳ của du khách thập phương đến ghé thăm. Thác Voi đã được công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia, là “nàng công chúa ngủ trong rừng” của vùng núi Lâm Hà. Chính vì thế, không khó hiểu khi Thác Voi được ưu ái là dòng thác đẹp nhất cao nguyên Lâm Viên đang từng bước chuyển mình trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách khi đến với Đà Lạt, Lâm Đồng.
Bài văn mẫu 02
Cuối học kì I, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi tham quan Thác Đa. Trước khi đi, tôi rất háo hức và phấn khởi vì nghe nói cảnh ở đó rất đẹp, tôi lại chưa đi đến đó bao giờ. Sáng hôm ấy, trời se lạnh. Đúng bảy giờ, xe chúng tôi xuất phát. Chiếc xe bon bon trên đường rải nhựa, rợp bóng cây. Phố phường, nhà cửa lùi xa dần. Trước mắt tôi là những cánh đồng lúa vàng óng, rộng mênh mông. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã tới Ba Vì. Xa xa, những dãy núi cao sừng sững thấp thoáng trong sương mù. Càng vào gần, chúng tôi càng thấy nhiều ruộng ngô, khoai, lúa… Vào trong thị trấn, có những cửa hàng bán sữa dê, sữa bò, đồ lưu niệm cho khách tham quan. Vào sâu trong thị trấn, đường đi lúc thì ngoằn ngoèo, lúc thì gập ghềnh hay thẳng tắp. Xe phanh lại trước cửa khu Thác Đa. Chúng tôi xuống xe, lòng không khỏi háo hức trước cảnh đẹp. Dù chỉ nhìn thấy những dãy núi thấp thoáng trong sương mù, chỉ nghe thấy tiếng thác chảy ồ ạt, chỉ trông thấy vẻ mặt vui tươi thoải mái của những người từ trên núi xuống cũng làm cho chúng tôi tò mò và muốn lên đường ngay. Sau khi sửa soạn và ổn định, chúng tôi bắt đầu leo núi. Những bậc thang đá chen giữa những lùm cây thân thấp và rậm rạp dẫn chúng tôi đi lên núi. Đến đường chính, chúng tôi men theo một hàng cây lớn đi lên. Đến một đoạn đường đá gập ghềnh, mỗi người phải kiếm một cái gậy để đi cho dễ. Tuy đường hơi khó đi nhưng phong cảnh lại rất nên thơ. Hai bên đường, những cây cổ thụ dáng mãnh liệt mà dịu dàng, đứng trầm ngâm lặng nhìn vẻ đẹp xung quanh. Những chú chim đùa bỡn với cơn gió dịu nhẹ thoảng qua, làm lá cây xào xạc, đung đưa như múa. Cả những con bướm đủ màu sặc sỡ, dịu dàng và âu yếm ôm lấy những đóa hoa nhỏ bé bên vệ đường. Buổi sáng, ánh nắng chan hòa sưởi ấm bãi cỏ và hoa lá. Tôi ngắm nhìn cảnh đẹp này, đến bây giờ mới phát hiện ra bạn bè tôi đã rẽ sang một con đường khác để lên núi. Dọc sườn núi, tôi trông thấy những khe suối trong vắt. Nước suối ở đây trong đến nỗi có thể soi gương được. Dòng suối hiền hoà in bóng cây cỏ, hoa lá, bầu trời, chim chóc, trông như một thế giới dưới nước, trong trẻo và thanh bình. Tiếng suối chảy róc rách như tiếng đàn, càng làm cho chúng tôi thêm hưng phấn. Đi thêm một quãng, chúng tôi nghe thấy một thứ âm thanh quen thuộc mà hình như đã được nghe ở đâu đó, nhưng âm thanh này to và rõ ràng hơn nhiều. Phải rồi, đấy là tiếng thác chảy ồ ạt mà tôi nghe thấy lúc vừa mới đến, khi nó vọng từ trên núi xuống! Vậy là chúng tôi đã gần đến thác nước rồi. Dọc theo một khe suối, chúng tôi đã đến thác nước to đẹp nhất trên núi. Chúng tôi đứng lặng, ngất ngây trước cảnh đẹp. Thác nước trắng xoá đổ từ trên cao xuống, được ánh mặt trời chiếu sáng, trở nên lung linh ánh bạc, sáng trong và long lanh. Những cây liễu xanh um, duyên dáng ngả mái tóc mượt mà của mình xuống dòng nước tinh khiết, vừa chải tóc vừa đung đưa nhảy múa. Những chú chim nhỏ bé đang bay lượn trên bầu trời trong xanh, cất lên những giai điệu mềm mại và thanh bình. Hoa lá, cây lá, nước non cùng hòa mình vào vũ điệu thiên nhiên. Ánh nắng mặt trời đã chiếu lên những vẻ đẹp dễ thương nhất ở nơi đây. Chúng tôi như bị thôi miên trước cảnh đẹp. Đồng hồ điểm mười hai giờ. chúng tôi còn phải xuống núi để ăn trưa và vào thị trấn. Dù còn muốn ở lại đây thật lâu để thỏa sức thăm thú, nhưng tôi không thể để cả lớp phải chờ đợi nên phải đi xuống núi ngay. Ăn trưa xong, tôi cùng mọi người lên xe ra thị trấn. Ở đây, họ bán đủ các thứ đồ lưu niệm như những bộ chén bằng đất rất nhỏ nhưng trông lại đáng yêu, cả vòng đá hoa, bông lau to và mượt trắng tinh, những chú chuồn chuồn gỗ rất dễ thương. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là món sữa dê Ba Vì nguyên chất. Nó đặc biệt ở chỗ hương vị rất thơm và ngậy, hơi ngọt, rất mát mà lại không chua, như có cái gì đó khác với sữa bò bình thường. Đúng bốn giờ, chúng tôi lên xe trở về Hà Nội.
Sau một ngày đi chơi Thác Đa, chúng tôi trở về Hà Nội với một tâm trạng vui tươi, thoải mái vì được hít thở không khí trong lành của thiên nhiên. Đi tham quan nhiều nơi, chúng ta sẽ thấy thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Khi đó, chúng ta sẽ càng thấy yêu quý thiên nhiên, đất nước.