Thuyết minh tác phẩm Vợ nhặt
Bài mẫu số 1
Tác phẩm “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân Đã phản ánh rất chân thực cuộc sống khốn khó của người nông dân Việt Nam trước CMT8. Cuộc sống của họ bị đàn áp và dồn đến tận cùng khi mà sinh mạng của con người rẻ rúm. Hình tượng người vợ nhặt không tên trong truyện ngắn chính là nhân chứng hùng hồn cho giai đoạn khốn khó của nhân dân ta.
Truyện ngắn “Vợ Nhặt” chỉ xoay quanh 3 nhân vật chính của một gia đình thuộc xóm ngụ cư đó là: anh cu Tràng, bà cụ Tứ và nhận vật thị vợ nhặt của Tràng. Người phụ nữ này tuy không có tên nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Kim Lân đã được hiện ra rõ nét với số phận và tính cách riêng. Vợ của Tràng cũng như hàng ngàn, hàng vạn người phụ nữ cùng thời. Họ bị xã hội phong kiến đàn áp đến mức vì sự sống mà phải tự “bán rẻ” mình đi làm vợ nhặt của người mới quen.
Nhân vật vợ nhặt xuất hiện ngay từ đầu chuyện với một dáng vẻ rất đáng thương, Thị trông gầy yếu xanh xao ngồi vêu trước cửa kho thóc, quần áo thì rách tả tơi, mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt. Khi mới gặp Tràng thì là người đanh đá, táo bạo đến mức trở nên trơ trẽn. Thị nghe thấy anh chàng phu xe bò hát một câu bâng quơ: “Muốn ăn cơm trắng với giò này. Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”. Thị đã chạy ra cong cớn, lon ton đẩy xe cho Tràng. Và lần thứ hai khi gặp lại Tràng, thị đã sưng sỉa cái mặt lên mắng anh: “Điêu. Người thế mà điêu”. Lúc thấy Tràng có vẻ dễ bắt nạt thị liền cong cớn hơn. Rồi Tràng cũng phải chiều lòng cho thị ăn bánh đúc. Thấy ăn hai con mắt trũng hoáy của thị sáng bừng lên. Thị không còn biết ngại là gì cắm đầu ăn một mạch bốn bát bánh đúc. Ăn xong thị dùng đôi đũa quệt ngang miệng mà thở. Thực ra đây không phải là tính cách vốn có của Thị. Cũng chỉ vì miếng ăn mà thị đã phải làm tất cả hy sinh cả tự trọng để được ăn và giữ lại sự sống cho mình.
Khi được Tràng đề nghị là về làm vợ mình, thị đã không ngần ngại mà theo anh về nhà luôn. Trên con đường trở về nhà ta thấy tâm lý của thị thay đổi hẳn. Trong khi Tràng hớn hở tủm tỉm cười thì thị lại ngại ngùng cắp cái thúng con và cái nón rách nghiêng nghiêng để che khuất đi nửa mặt. Lúc này ta thấy thị lại trở về đúng nghĩa là một người phụ nữ khi có sự e thẹn đúng như gái mới về nhà chồng. Thị không còn cái vẻ cong cớn, đanh đá lúc trưa nữa mà thay vào đó là nét hiền dịu hơn. Lúc này, thị cũng đã bắt đầu nhận thức được thân phận mình là người vợ theo không nên đành chấp nhận số phận.
Về đến nhà của Tràng thì tâm trạng của nhân vật thị lại càng khác hơn. Khi mà người đàn bà đấy lại có sự tò mò và bỡ ngỡ của nàng dâu mới về nhà chồng. Thị đảo mắt một vòng xung quanh nhà đúng thật nhà Tràng rất nghèo. Thị cố nén tiếng thở dài và nghĩ đến những ngày sau này. Mặc dù đã được Tràng cố gắng tạo sự tự nhiên bằng cách giục thị ngồi xuống giường nhưng thị vẫn e thẹn chỉ dám ngồi mớm vào mép giường rất khép lép. Cho đến khi bà cụ Tứ về trước mặt mẹ chồng thì lại càng e thẹn. Vẫn đứng nguyễn chỗ cũ không dám nhúc nhích. Chính thái độ e thẹn của thị đã làm bà cụ Tứ thương cảm và chào đón thị một cách rất nhiệt tình.
Sáng hôm sau cũng giống như bất kỳ nàng dâu mới về nhà chồng nào. Thị cũng dậy sớm cùng với bà cụ Tứ lo dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. Một người vô tâm như Tràng cũng nhận được ra sự thay đổi kỳ lạ của thị. Hôm nay Tràng nhìn thấy ở thị không còn vẻ chỏng lỏn, chao chát hôm gặp ngoài tỉnh nữa mà chỉ còn nét hiền dịu đúng mực của người phụ nữ Việt Nam. Không những thế thị còn tỏ ra là người rất biết làm ăn và lo xa. Khi nghe tiếng trống thúc thuế thị đã khẽ thở dài. Rồi cũng chính thị là người đã gợi chuyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta đã không chịu đóng thuế nữa mà đi phá kho thóc Nhật để chia cho người đói. Câu chuyện của thị như tiếp thêm sức mạnh cho anh cu Tràng vươn đến khát vọng tự do vì một ngày mai tươi sáng hơn. Trong giấc mơ của thị và Tràng đã lấp lánh hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh này biểu trưng cho một cuộc sống ấm no hạnh phúc trong tương lai.
Thông qua nhân vật thị nhà văn Kim Lân không chỉ phản ánh thành công hiện thực cuộc sống khốn khổ của người nông dân Việt Nam trước CMT8 năm 1945. Không nhắc đến tên nhưng thông qua ngòi bút tài ba của nhà văn nhân vật vợ nhặt đã hiện ra rất chân thực. Thị là tiêu biểu cho số phận của hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Bài mẫu số 2
Những tác phẩm viết về thời kì nạn đói năm 1945 là một con số không nhỏ cũng không còn xa lạ gì đối với độc giả cả nước. Trong số những tác phẩm ấy, nổi bật lên là tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân được in trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962.
Tác giả Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài (1/8/1920 - 20/7/2007) là một nhà văn, diễn viên Việt Nam. Ông được mệnh danh là “ nhà văn của nông thôn Việt Nam”. Những tác phẩm của ông mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê như chọi gà, đánh vật,… Trong đó hai tác phẩm “Làng” và “Vợ nhặt” đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa Việt Nam.
"Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người." - đó là những lời tâm sự của nhà văn khi viết “ Vợ nhặt”. Được viết năm 1954 theo đơn đặt hàng của báo Văn nghệ, “ Vợ nhặt” được lấy cảm hứng từ bản thảo còn đang dang dở “ Xóm ngụ cư” của Kim Lân. Sau này tác phẩm được biên soạn lại và in trong tập “ Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Câu truyện trong “ Vợ nhặt” là về cuộc sống của con người trong nạn đói. Cái đói đã khiến con người bán rẻ danh dự của mình vì miếng ăn nhưng không vì thế mà khiến câu truyện tăm tối, không tìm thấy lối thoát. Câu truyện đã đưa chúng ta nhìn thấy ánh sáng nơi cuối con đường, thấy được lối thoát không chỉ cho bản thân mà còn là lối thoát cho cả dân tộc.Bố cục có thể chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 cảnh Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà; đoạn 2 hoàn cảnh Tràng và Thị trở thành vợ chồng; đoạn 3 Tràng ra mắt cô vợ nhặt với mẹ và nỗi lòng của bà cụ Tứ; đoạn 4 bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.
Nạn đói năm 1945 khiến người chết như ngả rạ, người sống xanh sám như những bóng ma. Cả xóm ngụ cư bị bao trùm bởi cái đói và cái chết. Gia đình Tràng cũng thuộc diện đói khát ở xóm ngụ cư ấy. Ngôi nhà rúm ró trên mảnh vườn lổn nhổn những bụi cỏ dại. Bà mẹ già mặt bủng beo u ám. Anh con trai (Tràng) có lớn mà chưa có khôn, làm nghề kéo xe bò mưu sinh. Bất ngờ một ngày nọ, Tràng nhặt được 1 người đàn bà xa lạ về làm vợ chỉ bằng 4 bát bánh đúc và vài câu nói bông đùa. Bà cụ Tứ sau khi hiểu ra cơ sự của anh con trai và con dâu đã " mừng lòng" vun vén cho hạnh phúc hai con. Bà thương con khi nghĩ tới " cơn đói khát này" nên nước mắt chảy xuống ròng ròng. Sáng hôm sai, người mẹ già chuẩn bị bữa cơm đạm bạc đón nàng dâu mới. Ngòi bút Kim Lân rất trữ tình khi miêu tả quang cảnh ngôi nhà và sự thay đổi của Tràng vào sáng hôm sau. Hoá ra giữa khung cảnh tối sầm vì đói khát vẫn có ánh sáng của cuộc sống bình yên hạnh phúc. Chỉ có hạnh phúc thật sự của tình yêu thương mới là điểm tựa vững chắc giúp con người " hồi sinh", trưởng thành. Đang ăn cơm thì tiếng trống thúc thuế lại dội lên ngoài đình. Người vợ nhặt đã kể câu chuyện về Việt Minh, về những người dân nghèo không chịu đóng thuế trong đầu Tràng thấy hình lên hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.
Tác phẩm là bản án viết nên những tội trạng của phát xít Nhật và thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Không chỉ vậy, đó còn là sự cảm thông, sự thấu cảm với những đau khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng trong thời kì đen tối của dân tộc. Là bài ca ca ngợi sự sống, tình thương, sự cưu mang, đùm bọc, khát vọng hạnh phúc.Tác phẩm còn chỉ ra con đường giải phóng cho những con người nghèo khổ: chỉ có thể đi theo cách mạng để tự giải phóng, để thoát khỏi đói nghèo cơ cực. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện lôi cuốn, miêu tả tâm lí nhân vật sâu xa, logic, sắc bén cùng với ngôn ngữ đối thoại độc đáo đã tạo nên một thành công không thể bàn cãi cho “ Vợ nhặt”.
"Chỉ với ba truyện "Vợ Nhặt", "Làng", "Con chó xấu xí"… Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam". Tác phẩm “Vợ nhặt” nói riêng và tác giả Kim Lân nói chung vẫn mãi là ngôi sao sáng trong lòng bạn đọc cả nước. Dù ông đã rời xa cõi tạm để về với cõi vĩnh hằng, nhưng những giá trị mà ông mang lại cho nền văn học nước nhà vẫn còn tồn tại mãi với thời gian.
Bài mẫu số 3
Được mệnh danh là ngòi bút của nông dân- Kim Lân đã để lại biết bao tác phẩm với nhiều khung bậc cảm xúc đặc biệt. Nhưng điểm chung đều là sự xót xa, thương cảm cho số phận những người nông dân khốn khổ. Và Vợ nhặt cũng vậy.
Kim Lân là một nghệ sĩ đa tài với tài năng thiên phú.Ông là một nhà văn tiêu biểu trong văn học hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút chuyên về truyện ngắn, đặc biệt thành công khi viết về nông thôn và người nông dân. Ông hiểu được cảnh ngộ và tâm lí của họ đồng thời cũng phát hiện ra những vẻ đẹp, phẩm chất cao đẹp như nhân hậu,hóm hỉnh, thông minh yêu đời của những con người ngày ngày nhìn thấy bầu trời u tối ấy.
Truyện ngắn Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết “xóm ngụ cư” ra đời ngay sau nạn đói lịch sử năm 1945 tại Miền Bắc nhưng bị dang dở và thất lạc bản thảo. Sau năm 1945 khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, dựa vào trí nhớ Kim Lân đã viết lại tác phẩm này. Vợ nhặt xoay quanh nhân vật Tràng. Tràng là một chàng trai đã gần tứ tuần lại còn xấu xí, nghèo đói, ngờ nghệch, là dân ngụ cư. Anh làm nghề kéo xe bò thuê và sống cùng mẹ già. Ngày ngày anh kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh Tràng đã quen với một cô gái. Sau vài hôm không gặp mà cô gái ấy- Thị rách rưới và gầy gò quá. Tràng mời thị bốn bát bánh đúc và hai câu bông đùa mà thị thực sự theo Tràng về nhà. Vậy là Tràng đã có vợ. Việc Tràng nhặt được vợ khiến cả xóm ngụ cư xôn xao còn mẹ Tràng - Bà cụ Tứ vừa mừng nhưng cũng lại vừa lo. Sau một đêm, thị thức dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, quét tước cùng với mẹ chồng. Cái ngôi nhà không ra nhà nhờ có đôi bàn tay của thị bỗng trở nên gọn gàng sáng sủa. Và cũng lần đầu tiên Tràng nhận thấy mình có một trách nhiệm cao cả đối với gia đình, với vợ, sau này là với con. Bữa cơm đầu tiên đón dâu mới là một ít cháo trắng với ít rau và một nồi chè khoán. Bữa ăn thiếu thốn nhưng lại bỗng ấm cúng đến lạ. Khi nghe tiếng trống thúc thuế dồn dập, thị nói về chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật thì trong đầu Tràng bỗng hiện lên hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới hôm nào.
Vợ nhặt là bức tranh hiện thực đau lòng và tàn khốc do chiến tranh gây nên. Chiến tranh, lòng tham kẻ đầu sỏ đứng sau mọi đau khổ. Chiến tranh khiến nạn đói xảy ra khắp nơi, người chết như ngả rạ đến mức người sống chẳng còn sức để mà chôn người chết nữa. Những người còn sống cũng chỉ vật vờ như cái bóng liêu xiêu trong khói chiều. Trong cái đói khổ ấy, con người ta trở nên rẻ rúng như những cái cọng cỏ vứt bên đường đến mức người khác dễ dàng nhặt lấy hay vứt bỏ đi.Nhưng trong cái hiện thực ấy, con người vẫn khao khát được sống,được yêu thương, được hạnh phúc.
Với ngôn ngữ bình dị, thân thuộc cùng góc nhìn của người nông dân Kim Lân đã viết nên thiên truyện nông dân tuyệt vời “Vợ nhặt”
Xem thêm một số bài văn mẫu 11 hay khác:
TOP 30 Dàn ý thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam (2024) SIÊU HAY
TOP 30 bài Nghị luận trang phục và văn hóa (2024) HAY NHẤT
TOP 10 Bài văn nghị luận về trang phục học đường (2024) SIÊU HAY
TOP 35 mẫu Trình bày ý kiến về vấn đề văn hoá truyền thống trong xã hội hiện đại (2023) SIÊU HAY