TOP 10 Bài văn phân tích khổ 3 bài thơ Tây tiến (2024) SIÊU HAY

Dưới đây là TOP 10 Bài văn phân tích khổ 3 bài thơ Tây tiến hay nhất có dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu cho học sinh tham khảo, giúp cải thiện khả năng viết văn. Mời bạn đọc tham khảo:

Đề bài: Phân tích bài thơ khổ 3 Tây tiến

Dàn ý: Phân tích khổ 3 bài thơ Tây tiến

Dàn ý số 1

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến
- Dẫn dắt vào vấn đề cần phân tích và trích dẫn đoạn thơ trên 

2. Thân bài:

- Khái quát chung:
+ Hoàn cảnh sáng tác: là bài thơ sau khi tác giả rời xa đơn vị cũ, cuối năm 1948, ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ lại những kỉ niệm về đoàn quân Tây Tiến và viết nên bài thơ Tây Tiến.
+ Nội dung bài thơ: Là nỗi nhớ về chiến trường, về con người, về thiên nhiên Tây Bắc bằng cả tấm chân tình của chính tác giả
+ Vị trí đoạn trích: Là đoạn thơ thứ ba trong mạch cảm xúc của toàn bài thơ
+ Nội dung đoạn trích: Chân dung người lính Tây Tiến với sự hi sinh bi tráng của họ

- Phân tích:
+ Chân dung: Những chi tiết tả thực đã khắc họa diện mạo rất độc đáo, đồng thời phản ánh hiện thực gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật nơi chiến trường. Tác giả không hề né tránh hiện thực, và điều đó thể hiện tấm lòng yêu nước, căm thù giặc mãnh liệt của người lính Tây Tiến
+ Tâm hồn hào hoa, lãng mạn, và kiêu hùng: Qua các ngôn từ thơ “dữ oai hùm”, “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” ta thấy được khí thế và quyết tâm của người lính Tây Tiến
+ Lí tưởng cao đẹp: Không trốn tránh hiện thực “Áo bào thay chiếu anh về đất”, tác giả đã khắc họa sự hi sinh của người lính một cách thanh thản, thầm lặng và cao cả, gây xúc động lòng người, lay động thiên nhiên
- Nghệ thuật: Bút pháp tả thực khắc họa chân dung người lính với hiện thực gian khổ nơi chiến trường; dùng từ Hán – Việt cổ kính để tăng thêm sự thành kính, trân trọng với người đã khuất; nói giảm để thể hiện lí tưởng cao đẹp của người chiến sĩ trong chiến đấu, khắc họa sự hi sinh, nhấn mạnh sự mất mát nơi chiến trường

- Nhận xét: Với giọng thơ trang trọng, đôi lúc lắng xuống, cảm xúc dạt dào, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp bi tráng, tạc vào lòng người như bức tượng đài bất tử về người lính không thể nào quên.

3. Kết bài:

- Khẳng định, đánh giá về những câu thơ trên
- Mở rộng vấn đề: nêu suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về hình ảnh người lính Tây Tiến được thể hiện qua đoạn thơ trên.

Dàn ý số 2

I. Mở bài

- Trình bày một số nét tiêu biểu về nhà thơ Quang Dũng và đặc trưng thơ ca của ông (vừa hồn nhiên vừa tinh tế, mang vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng, đậm chất lãng mạn).

- Nêu một số nét khái quát về bài thơ Tây Tiến: hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung và nghệ thuật nổi bật của bài thơ.

- Dẫn dắt giới thiệu nội dung của khổ 3: Chân dung người lính Tây Tiến hào hùng mà vẫn lãng mạn hào hoa, sự hy sinh mất mát.

II. Thân bài

1. Hoàn cảnh sáng tác

với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào và miền Tây Bắc của Tổ quốc. Địa bàn hoạt động của đơn vị Tây Tiến chủ yếu là vùng rừng núi hiểm trở. Đó cũng là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Thái với những nét văn hoá đặc sắc. Lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Họ sinh hoạt và chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn rất lạc quan và dũng cảm.

- Quang Dũng là một người lính trong đoàn quân Tây Tiến. Cuối năm 1948, ông chuyển sang đơn vị khác. Một năm sau ngày chia tay đoàn quân Tây Tiến, nhớ về đơn vị cũ ông viết bài thơ Tây Tiến tại làng Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ, nay là Hà Nội). Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô”(1986).

2. Phân tích khổ 3 bài thơ

Sau nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến, cũng như vẻ đẹp thiên nhiên con người vùng Tây Bắc, Quang Dũng đã khắc họa chân dung người lính Tây Tiến:

- Người lính Tây Tiến với những khó khăn, gian khổ:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”: hóa chất bom đạn của kẻ thù đã làm cho mái tóc người lính không còn đẹp nữa, nhưng cũng có thể là người lính chủ động cắt tóc để thuận tiện cho sinh hoạt.
  • “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”: màu xanh của lớp áo ngụy trang lẫn với màu xanh của lá cây, nhưng đó cũng được hiểu là khuôn mặt xanh xao của người lính khi bị sốt rét rừng.

=> Sự khó khăn, gian khổ của người lính Tây Tiến trong hoàn cảnh chiến tranh. - Mạnh mẽ là thế, nhưng cũng có đôi lúc người lính cũng đầy thơ mộng

  • “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”: đôi mắt đang theo dõi kẻ thù với sự căm giận và quyết tâm
  • “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. nhớ đến những cô gái Hà Nội với vẻ đẹp thướt tha thanh lịch.

- Sự mất mát hy sinh của người lính:

  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”: đó không phải là một cái chết mà rất nhiều cái chết.
  • “Áo bào thay chiếu anh về đất”: hình ảnh “áo bào” chính là chiếc áo lính các anh đang mặc, “về đất” cách nói giảm nói tránh gợi sự hy sinh của người lính.
  • Hình ảnh cuối cùng “sông Mã gầm lên khúc độc hành” là sự thành kính đưa tiễn các anh.

3. Nghệ thuật

- Bút pháp tượng trưng, ước lệ.

- Sử dụng nhiều biện pháp tu từ: nói giảm nói tránh, ẩn dụ…

III. Kết bài

  • Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến.
  • Cảm nhận chung về khổ 3 của bài thơ Tây Tiến.

Dàn ý số 3

I. Mở bài

- Đôi nét về nhà thơ Quang Dũng, phong cách sáng tác thơ ca của ông.

- Giới thiệu về bài thơ Tây Tiến - một trong những tác phẩm tiêu biểu của Quang Dũng.

- Dẫn dắt, khái quát nội dung chính của khổ thơ thứ 3.

II. Thân bài

1. Hoàn cảnh ra đời bài thơ

- Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào và miền Tây Bắc của Tổ quốc. Địa bàn hoạt động của đơn vị Tây Tiến chủ yếu là vùng rừng núi hiểm trở. Đó cũng là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Thái với những nét văn hoá đặc sắc. Lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Họ sinh hoạt và chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn rất lạc quan và dũng cảm.

- Quang Dũng là một người lính trong đoàn quân Tây Tiến. Cuối năm 1948, ông chuyển sang đơn vị khác. Một năm sau ngày chia tay đoàn quân Tây Tiến, nhớ về đơn vị cũ ông viết bài thơ Tây Tiến tại làng Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ, nay là Hà Nội). Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô” (1986)

2. Phân tích khổ thơ thứ 3

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

- Đoạn thơ tập trung vào khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn nhưng không thoát ly hiện thực với cảm xúc bi tráng.

- Người lính sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”.

- Mạnh mẽ nhưng cũng đầy mộng mơ: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”: mơ về, nhớ về dáng hình kiều diễm của người thiếu nữ đất Hà thành thanh lịch.

- Sự hy sinh của người lính Tây Tiến:

  • Những người lính trẻ trung, hào hoa đó gửi thân mình nơi biên cương xa xôi, sẵn sàng tự nguyện hiến dâng “đời xanh” cho Tổ Quốc mà không hề tiếc nuối.
  • Hình ảnh “áo bào thay chiếu” là cách nói sang trọng hóa sự hy sinh của người lính Tây Tiến.
  • Họ coi cái chết tựa lông hồng. sự hy sinh ấy nhẹ nhàng, thanh thản như trở về với đất mẹ: “anh về đất”.
  • “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”: Linh hồn người tử sĩ đó hoà cùng sông núi. Con sông Mã đã tấu lên khúc nhạc độc tấu đau thương, hùng tráng để tiễn người lính vào cõi bất tử: Âm hưởng dữ dội tô đậm cái chết bi hùng của người lính Tây Tiến.
  • Hàng loạt từ Hán Việt: “biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành…” gợi không khí tôn nghiêm, trang trọng khi nói về sự hi sinh của người lính Tây Tiến.

=> Hình ảnh người lính Tây Tiến phảng phất vẻ đẹp lãng mạn mà bi tráng của người tráng sĩ anh hùng xưa.

III. Kết bài

Cảm nhận chung về khổ thơ thứ 3, cũng như giá trị của bài thơ Tây Tiến.

Một số bài văn mẫu: Phân tích khổ 3 bài thơ Tây tiến

Tài liệu VietJack

Bài văn mẫu số 1

Có thể nói, nếu chọn năm tác giả tiêu biểu của giai đoạn văn học thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, có thể không có Quang Dũng. Nhưng nếu chọn năm bài thơ tiêu biểu, nhất định "Tây Tiến" phải được đứng ở hàng danh dự. Đọc "Tây Tiến", ta như được sống lại một thời lửa cháy cùng đoàn quân lừng tiếng đã đi vào lịch sử.

Nếu như ở những đoạn thơ đầu, hình ảnh đoàn quân mới hiện lên qua nét vẽ gián tiếp - nói đến gian khổ, hi sinh và địa bàn hoạt động - thì ở khổ thơ thứ ba, đoàn quân ấy lại hiện lên với những nét vẽ cụ thể, gân guốc, rạch ròi:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùng"

Nhưng trước hết, đây là những câu thơ tả thực - thực một cách trần trụi: chiến sĩ Tây Tiến hồi ấy hoạt động ở những vùng núi rừng hiểm trở, rừng thiêng nước độc, chết trận thì ít mà chết vì bệnh tật thì nhiều, có những con suối rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc. “Quân xanh” ở đây có thể hiểu là xanh màu áo, xanh lá ngụy trang và xanh làn da vì thiếu máu. Những hình ảnh rất thực đó, vào bài thơ, với giọng điệu và cách diễn tả lãng mạn của Quang Dũng đã như mang nghĩa tượng trưng, rất có khí phách. Mười bốn chữ thơ mà chạm khắc vào lịch sử hình ảnh một đoàn quân phi thường, độc đáo, có một không hai trong cuộc đời cũng như trong thơ ca. Đoàn quân của một thuở “xếp bút nghiên lên đường chinh chiến” của các chàng trai Hà Nội kiêu hùng, hào hoa.
Vì vậy, khó khăn, gian khổ là thế, nhưng các chiến binh Tây Tiến vẫn không nguôi đi những tình cảm lãng mạn:

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm."

“Mộng” và “mơ” của người lính được gửi về hai phương trời: biên cương, nơi còn đầy bóng giặc - mộng giết giặc lập công, và Hà Nội, quê hương yêu dấu - mơ những bóng dáng thân yêu. “Dáng kiều thơm”, ấy là vầng sáng lung linh trong ký ức, “tố cáo” nét đa tình của người lính. Nhưng với các chiến sĩ Tây Tiến, nỗi nhớ ấy là sự cân bằng, thư thái trong tâm hồn sau mỗi chặng hành quân vất vả, chứ không phải để thối chí nản lòng. Vậy mà một thời, câu thơ “đẹp một cách lãng mạn” này đã khiến cho tác giả của nó và chính bài thơ phải “trải bao gió dập, sóng dồn”.

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi - xưa nay đi chiến trận, mấy ai trở về, các chiến sĩ Tây Tiến cũng không khỏi tránh phải những mất mát, hi sinh.

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

Sau những câu thơ rắn rỏi, đẹp đẽ, đến đây, âm điệu câu thơ chợt trầm và trùng xuống để độc giả thấy rõ hơn bản chất của sự việc. Dường như đây là một cảnh phim được cố ý quay chậm. Còn gì thiêng liêng và cao cả hơn sự hi sinh, chấp nhận gian khổ của người lính. Trên đường hành quân người chiến sĩ Tây Tiến gặp biết bao ngôi "mồ viễn xứ" của những người con "chết xa nhà". Nhưng các chiến sĩ ta nhìn thấy với đôi mắt bình thản, bởi họ đã chấp nhận điều đó. Một trong những động cơ thôi thúc họ lên đường là hình ảnh người anh hùng da ngựa bọc thây mà họ tiếp nhận được trong văn chương sách vở. Một niềm đam mê trong sáng pha chút lãng mạn.
Hai câu thơ cuối tiếp tục âm hưởng bi tráng, tô đậm thêm sự mất mát hi sinh nhưng đó lại là một cái chết cao đẹp - cái chết bất tử của người lính Tây Tiến.

"Áo bào thay chiếu anh về đất.
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Hai câu mới đọc qua tưởng như chỉ làm nhiệm vụ miêu tả, thông báo bình thường nhưng sức gợi thật lớn. Đâu đây vẫn như còn thấy những giọt nước mắt đọng sau hàng chữ. Hai câu thơ rắn rỏi mà cảm khái, thương cảm thật sâu xa. Làm sao có thể dửng dưng trước cảnh “anh về đất”? “Anh về đất” là hóa thân cho dáng hình xứ sở, thực hiện xong nghĩa vụ quang vinh của mình. Tiếng gầm của sông Mã về xuôi như loạt đại bác rền vang, vĩnh biệt những người con yêu của giống nòi.

Trước đây, khi nhắc đến những dòng thơ này, người ta chỉ thấy những biểu hiện nào là “mộng rớt”, “buồn rơi” ... nhưng thời gian đã khiến chúng ta nhìn đúng hơn vào bản chất, có thời đại ấy mới có văn chương ấy.

"Tây Tiến" là bài thơ, là tấm lòng của những người chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc, họa; bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh mất mát, đau thương là niềm kiêu hãnh anh hùng. Nửa thế kỉ đã qua, bài thơ ngày một thêm sáng giá và đoạn thơ khắc họa đoàn quân Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kì lịch sử hào hùng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bài văn mẫu số 2

Quang Dũng (1921 - 1988) là nghệ sĩ đa tài, có hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về những người lính Tây Tiến và xứ Đoài quê mình. Trong các sáng tác của ông thì "Tây Tiến" là bài thơ xuất sắc nhất. Bài thơ được viết bằng bút pháp lãng mạn, sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đã bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc da diết của tác giả về những người lính Tây Tiến anh dũng hào hoa và núi rừng miền Tây hùng vĩ, mỹ lệ. Có thể nói, nỗi nhớ da diết về những người đồng đội của Quang Dũng được lắng đọng trong tám câu thơ khắc họa bức chân dung người lính Tây Tiến:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Bài thơ "Tây Tiến" được in trong tập “Mây đầu ô” (xuất bản năm 1986) nhưng trước đó đã được bao thế hệ người yêu thơ truyền tay tìm đọc. Tác giả sáng tác bài thơ này từ năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh khi ông đã rời khỏi đoàn quân Tây Tiến chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Đơn vị quân đội Tây Tiến được thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao sinh lực Pháp tại Thượng Lào và miền Tây Bắc bộ Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng; chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Lúc đầu, nhà thơ đặt tên tác phẩm là "Nhớ Tây Tiến", nhưng sau đó lại đổi lại là "Tây Tiến". Bài thơ được sáng tác dựa trên nỗi nhớ, hồi ức, kỉ niệm của Quang Dũng về đơn vị cũ. Thế nên toàn bài thơ là một nỗi nhớ cồn cào, tha thiết.

Bài thơ được tác giả chia thành 4 đoạn. Đoạn 1 bộc lộ nỗi nhớ những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ. Đoạn 2 là những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong những đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng. Đoạn 3 tái hiện lại chân dung người lính Tây Tiến. Đoạn 4 là lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây. Toàn bài thơ in đậm dấu ấn tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Với tài năng và tâm hồn ấy, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội, mỹ lệ.
Nhớ Tây Tiến, Quang Dũng không chỉ nhớ núi rừng mà còn nhớ những người đồng đội cùng trèo đèo lội suối, vượt qua muôn ngàn thử thách, vào sinh ra tử. Nhà thơ đã hồi tưởng và vẽ lại bức chân dung của họ với vẻ đẹp đậm chất bi tráng. Quang Dũng đã chọn lọc những nét tiêu biểu nhất của những người lính Tây Tiến để tạc nên bức tượng đài tập thể, khái quát được gương mặt chung của cả đoàn quân.
Người lính ấy phải sống trong điều kiện sinh hoạt, chiến đấu thiếu thốn nên:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Hai câu thơ đã đề cập đến một hiện thực, đó là căn bệnh sốt rét hiểm nghèo mà người lính thường mắc phải. Nhà thơ Chính Hữu trong bài "Đồng chí" cũng đề cập đến căn bệnh này: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh-Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”. Quang Dũng cũng không che giấu những gian khổ, khó khăn, căn bệnh quái ác đó và sự hi sinh lớn lao của người lính tây tiến, nhưng hiện thực nghiệt ngã ấy lại được nhìn qua một tâm hồn lãng mạn. Những cái đầu cạo trọc để thuận lợi cho việc đánh giáp lá cà, những mái đầu bị rụng tóc, vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính qua cái nhìn của Quang Dũng lại trở nên oai phong, dữ dằn, lẫm liệt như những con hổ chốn rừng thiêng.
Những người lính ấy một mặt đầy oai hùng, một mặt lại rạo rực tình yêu thương:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Các chàng trai Tây Tiến với đôi mắt thao thức “trừng” lên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nhưng trái tim vẫn để dành chỗ cho những dáng kiều thơm chốn Hà thành, những người em, những người bạn gái thân thương quê nhà. Quang Dũng với cái nhìn nhiều chiều, đã khắc hoạ chân dung người lính không chỉ ở dáng vẻ bên ngoài mà còn thể hiện được thế giới nội tâm, tâm hồn mộng mơ lãng mạn, phong phú của họ.
Trong chiến tranh, mất mát hi sinh là không tránh khỏi. Quang Dũng đã nêu lên hiện thực này không che giấu theo cách riêng của ông:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Những từ Hán Việt cổ kính, trang trọng: “biên cương”, “mồ”, “viễn xứ”, “chiến trường” kết hợp với từ láy “rải rác” đã làm giảm nhẹ yếu tố bi thương, làm những đau thương vì mất mát lắng xuống. Điều nổi bật lên là vẻ đẹp lãng mạn của lí tưởng quên mình, xả thân vì Tổ quốc của những người lính Tây Tiến. Cách nói “chẳng tiếc đời xanh” vang lên khảng khái khẳng định vẻ đẹp hào hùng của các chàng trai Tây Tiến.
Hai câu thơ:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Nhắc đến một sự thật bi thảm: những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường hành quân chiến đấu không có đến cả manh chiếu bó thân, qua cái nhìn của Quang Dũng lại được bọc trong những tấm áo bào sang trọng mang dáng dấp của những tráng sĩ oai hùng thuở xưa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cách nói giảm “anh về đất” làm v đi cái bi thương, rồi cái bi ấy bị lấn át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của sông Mã. Quang Dũng đã mượn âm thanh của dòng sông, của thiên nhiên, của hồn thiêng Tây Bắc để nói lời từ biệt, lời biết ơn ngợi ca đồng đội. Câu thơ mang âm hưởng vừa dữ dội, vừa hào hùng khiến cho sự hi sinh của người lính không hề bi lụy mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Bài thơ khép lại bằng bốn câu thơ có nhịp điệu chậm, giọng thơ buồn, nhưng linh hồn của đoạn thơ vẫn toát lên vẻ hào hùng. Quang Dũng và cả đoàn quân Tây Tiến nguyện thề “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” thể hiện quyết tâm gắn bó máu thịt với những ngày những nơi mà đoàn quân đã đi qua. Tây Tiến mùa xuân ấy đã trở thành một thời điểm một đi không trở lại của lịch sử. Lịch sử dân tộc sẽ không bao giờ lặp lại cái thời mơ mộng, lãng mạn hào hùng đến nhường ấy trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, khốc liệt đến như vậy.
Đoạn thơ thứ ba có giọng điệu chủ đạo là trang trọng, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hy sinh của đồng đội. Đoạn thơ với, cảm hứng lãng mạn, ngòi bút sắc sảo, táo bạo, trên nền hiện thực nghiệt ngã đã chạm khắc chân dung tập thể những người lính Tây tiến đậm chất bi tráng. Quang Dũng qua khổ thơ này đã bộc lộ sâu sắc sự gắn bó, ám ảnh, ghi nhớ hình ảnh về đồng đội những ngày gian khổ nơi núi rừng miền tây.

Bài văn mẫu số 3

Theo dòng ký ức, ngược về quá khứ, ta đã bắt gặp không biết bao nhiêu hồn thơ khiến mỗi chúng ta đắm say mê mẩn như lạc vào thế giới đó. Quang dũng cũng là một nhà thơ như vậy. Ông là người tài hoa, vẽ tài hát giỏi, thơ hay. Ông để lại cho đời nhiều bài thơ với những âm hưởng đặc sắc. Tiêu biểu là bài thơ "Tây Tiến" mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn mà ta được học ở chương trình phổ thông. Có thể nói, cả bài thơ là nỗi nhớ về Tây Tiến, về những người đồng đội nhưng nỗi nhớ da diết, lắng đọng nhất lại được nhà thơ tập trung thể hiện rõ nhất ở việc khắc họa chân dung người lính Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ ở khổ 3 của bài thơ:

“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo dài thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Thật vậy, bài thơ "Tây Tiến" được ra đời trong những năm không thể nào quên của Quang Dũng. Tây Tiến là một tên một đơn vị bộ đội được thành lập vào đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang Lào bảo vệ biên giới. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Tại làng Phù Lưu Chanh, với nỗi nhớ Tây Tiến da diết với những năm tháng mưa bom bão đạn không thể nào quên, ông chắp bút cho ra bài thơ đặc sắc "Tây Tiến", in trong tập "Mây đầu ô" năm 1986. Bài thơ là bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên hùng vĩ, về quãng thời gian chiến đấu gian khổ ngày đêm bên nhau với ý chí, tinh thần quật cường. Đặc biệt hình tượng người lính hiện lên vừa oai hùng, kiêu ngạo, vừa thơ mộng trữ tình.

Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên vừa chân thực, vừa hào hùng. Nếu ở hai đoạn thơ trước, thiên nhiên là nhân vật chính thì ở khổ ba, con người vượt lên để làm điểm nhấn, chất xúc tác cảm xúc cho bài thơ lên đến cao trào.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Đoạn thơ trên làm sống dậy một hình ảnh đoàn binh Tây Tiến gan góc, dũng cảm. Ở họ mang một hào khí đáng ngưỡng mộ. Họ chỉ là những cô cậu sinh viên hà thành mới từ giã mái trường, gia đình lên đường chiến đấu còn biết bao bỡ ngỡ, lạ lùng với những thứ xa lạ, ngây ngô nhưng họ vượt lên trên cảm giác sợ hãi, thay vào đó là sự oai hùng của tuổi trẻ, của sự nhiệt huyết bừng cháy. Nhà thơ dùng “không mọc tóc” để miêu tả đoàn binh. Đó là hình ảnh chiến sĩ rất khác lạ. Bên cạnh việc chọn ngày đêm phải chống chọi với kẻ thù tàn nhẫn, họ còn phải gồng mình vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt. Họ sống và chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, nơi sông sâu núi thẳm thiếu ăn, thiếu thuốc, mắc các dịch bệnh sốt rét dẫn đến trọc đầu. Chính nhà thơ Chính Hữu cũng đã từng đề cập đến bệnh này:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Rét run người vầng trán ướt mồ hôi”

Nhà thơ đã lột tả một cách trần trụi sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã khiến cho họ trở nên một cách kì lạ. Đó cũng là một sự thật trần trụi đến khắc khổ của binh đoàn Tây Tiến. Họ có làn da xanh xao vì đói rét nhưng họ vẫn “oai hum” khiến kẻ địch khiếp sợ. Đó mới chính là nét đẹp đáng khâm phục của đoàn binh.
Mặc dù quyết tâm đánh giặc nhưng trong họ vẫn còn tỏa ra chất lãng mạn vốn có của người lính. Họ không cứng nhắc, khô khan, cũng có những phút giây họ dành cho người thân gia đình. Họ nhớ về quê hương nơi mà người thân họ vẫn ngày đêm trông mong. Họ nhớ về những bóng dáng thân yêu. Hình ảnh “mắt trừng” là mắt quắc lên vẻ dữ tợn nhưng họ gửi mộng đánh thắng quân thù qua biên giới. họ nghĩ đến một viễn cảnh tươi sáng hơn cho gia đình họ.

Có thể thấy Quang Dũng đã khéo léo khắc họa hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng bi tráng nhưng cũng rất đỗi lãng mạn tình tứ chỉ qua vẻn vẹn bốn câu thơ nhưng thấm đượm nỗi lòng thầm kín của nhà thơ.
Sự hi sinh của người lính Tây Tiến cũng rất bi tráng:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Hình ảnh người lính hi sinh bản thân nơi chiến trường khắc nghiệt thật khiến ta đau xót. Họ cống hiến bản thân mình cho Tổ quốc, họ ngã xuống nơi chiến trường. Họ nằm lại nơi đất khách quê người, không một vòng hoa, không một nén hương tưởng nhớ. Lạnh lẽo, bi thương nhưng trước khi lên đường cầm súng chiến đấu họ đã xác định ranh giới giữa cái chết với cái sống là quá mong manh. Họ chấp nhận điều đó.
Họ mang tuổi trẻ, nhiệt huyết của mình cống hiến cho quê hương. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất, nhiều ước mơ hoài bão lớn lao đầy hứa hẹn nhưng họ chẳng tiếc mà nhiệt tình dâng hiến cả sức trẻ cho Tổ quốc. Đó là một sự hi sinh vĩ đại, thầm lặng đáng ngợi ca và trân trọng biết bao.

Cái chết của họ cũng rất bi tráng. Hình ảnh chiếc “áo bào” thay “chiếu” khiến ta thấm thía biết bao suy ngẫm. Quang Dũng đã khéo léo dùng từ Hán việt để giảm bớt sự bi thương cho cái chết oanh liệt ấy. Đất Mẹ ôm ấp, vỗ về họ như dang những cách tay dài đón họ vào lòng như những đứa con xa quê hương về với cái ôm đầy tình cảm của người mẹ. Quang Dũng đã mượn luôn âm thanh của thiên nhiên như là khúc ca kêu thêm sự đau thương mất mác. Sông Mã gầm lên ai oán. Câu thơ ấy mang âm hưởng dữ dội như cào vào lòng người những vết xước sâu không thể nào quên đi được nhưng nó cũng mang âm hưởng bi tráng khiến cho sự hi sinh của người lính không hề bi lụy chút nào. Tây Tiến mùa xuân ấy như khúc ca còn vang mãi trong lòng mỗi người.

Tóm lại, đoạn thơ thứ ba đặc sắc nhất của bài thơ có giọng điệu trang trọng thể hiện tình cảm của nhà thơ một cách sâu sắc. Đặc biệt với những hình ảnh thơ thấm đẫm kỉ niệm mà nhà thơ hồi tưởng lại man mác buồn nhưng thấm đẫm bi tráng hào hùng. Nhà thơ khéo léo sử dụng từ Hán Việt khiến đoạn thơ trang nghiêm lên nhiều hơn. Qua những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, Quang Dũng đã vẽ ra bức tranh về đoàn binh Tây Tiến. Họ oai nghiêm, lẫm liệt yêu nước nồng nàn nhưng cũng rất lãng mạn. Đây là đoạn thơ sâu sắc đúc kết cả cái tình, cái thần cho toàn bài, là điểm nhấn nổi bật mà ta không thể nào quên.

Bài văn mẫu số 4

"Cuộc sống là mảnh đất màu mỡ để cho thơ bắt rễ và sinh sôi." (Puskin) Thơ Quang Dũng chân thực như chính những trải nghiệm của nhà thơ nơi chiến trường. Ngòi bút của Quang Dũng không né tránh những sự thật bi thương, những mất mát hi sinh nơi chiến trường. Từ những chặng đường hành quân vất vả giữa núi cao vực sâu, dốc thẳm đến những đêm hội liên hoan ấm áp tình quân dân đều được tác giả tái hiện một cách chân thực. 

Nếu ở những đoạn thơ đầu, người lính Tây Tiến xuất hiện gián tiếp trong khung cảnh núi rừng miền Tây với những bước chân hành quân ra trận thì đến khổ thơ thứ ba, hình ảnh các anh được khắc họa trực tiếp với vẻ đẹp lãng mạn nhưng đậm chất bi tráng. Ở hai câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã vẽ ra chân dung người lính Tây Tiến với bề ngoài kì dị khác thường:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm"

Người lính Tây Tiến hiện lên với hình ảnh "không mọc tóc". "Không mọc tóc" bởi những cơn sốt rét rừng triền miên, cũng có thể do các anh tự cạo trọc đầu. Câu thơ còn có thể hiểu như các anh không thèm mọc tóc, không cần mọc tóc, biểu hiện một thái độ coi thường gian khổ hiểm nguy. Từ những chàng trai Hà Thành vốn hào hoa lịch lãm, người lính Tây Tiến trở thành những anh "vệ trọc" với mái đầu không tóc. 

Bên cạnh không mọc tóc còn là "quân xanh". Đó là màu xanh của bộ quân phục, màu xanh của lá ngụy trang hay là màu xanh của nước da vàng vọt xanh xao do khó khăn bệnh tật. Màu xanh của nước da như hòa vào màu xanh bạt ngàn của núi rừng, lột tả được hiện thực đầy khắc nghiệt của chiến tranh.

Vẻ đẹp lãng mạn bi tráng của những người lính Tây Tiến không chỉ thể hiện qua dáng vẻ bề ngoài mà còn thể hiện qua đời sống tâm hồn với vẻ đẹp hào hùng, hào hoa.

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

"Mắt trừng" là ánh mắt luôn hướng về phía trước, luôn ngời lên ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng. Đó là ánh mắt của lòng căm thù, của tinh thần cảnh giác và sự cả sự kiên cường vững chãi. Các anh gửi mộng qua biên giới, là giấc mộng đánh đuổi quân xâm lăng, lập nên chiến công, bảo vệ non sông đất nước.

Ý chí của người lính thì mạnh mẽ can trường nhưng lại vô cùng lãng mạn, trái tim luôn rạo rực yêu đời. Vốn xuất thân từ những học sinh, sinh viên Hà Nội, dù trải qua gian khổ ác liệt của chiến tranh nhưng tâm hồn của các anh vẫn rất mộng mơ, lãng mạn, đắm say. Sau một ngày đối mặt với bom đạn chết chóc, đêm về các anh lại mơ về một dáng "kiều thơm" nơi đất Hà Thành. Nếu người lính trong "Đồng chí" của Chính Hữu nhớ về quê hương "nước mặn đồng chua", về "giếng nước gốc đa", mái tranh nghèo và người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya, một giấc mơ mộc mạc chân tình như ca dao tục ngữ, thì người lính Tây Tiến lại nhớ về những dáng "kiều thơm", bóng dáng thướt tha, yểu điệu của những thiếu nữ nơi đường phố Hà Thành. Một giấc mộng thật trẻ trung, sôi nổi của thời tuổi trẻ, gợi lên vẻ hồn nhiên, đa tình và cũng rất đáng yêu của người lính. Tình yêu lứa đôi trở thành bệ phóng nâng đỡ vun đắp cho tình yêu quê hương đất nước. Chính giấc mơ của tuổi trẻ ấy đã cân bằng cuộc sống, tạo ra động lực tinh thần và tiếp thêm sức mạnh để người lính vững bước trên những chặng đường hành quân gian khổ phía trước.

"Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu."

 (Nguyễn Đình Thi)

Hay nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng viết:

"Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt

Như mẹ như cha như vợ chồng

Ôi Tổ quốc khi cần ta chết

Cho mỗi căn nhà, ngọn núi dòng sông."

Quang Dũng đã xây dựng được hình ảnh tập thể những người lính Tây Tiến với bao gian khổ hi sinh nhưng không hề nhấn chìm người đọc vào cảm giác bi lụy. Cảm hứng của nhà thơ mỗi lần chìm vào đau thương lại được nâng lên bởi đôi cánh lãng mạn, đôi cánh lý tưởng. Vì thế chân dung người lính Tây Tiến hiện lên không bi lụy mà thấm đẫm tinh thần bi tráng:

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

            Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

         Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

"Cuộc bể dâu mà còn người nhìn thấy trong văn thơ dân tộc là máu trong trái tim người nghệ sĩ." (Tố Hữu) Mỗi tác phẩm văn học phải hướng đến hiện thực đời sống , nêu được đặc điểm của thời đại mà nó ra đời. Và trong thơ Quang Dũng cũng đã hút được cái nhụy ấy của cuộc sống , đã dám nhìn thẳng vào sự thật với những mất mát, đau thương, đã không ngần ngại nói đến cái chết và sự ra đi của người lính Tây Tiến.

Chiến tranh vốn khốc liệt, đã có biết bao người lính vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, nơi chân đèo dốc núi, nơi biên cương xa xôi lạnh lẽo. Ngôi mộ của các anh trở thành những nấm mồ ẩn mình giữa rừng sâu biên giới hoang vu, heo hút. Các anh ra đi trong lặng lẽ, không một mảnh chiếu che thân. Đồng đội vùi xác các anh vào lòng đất trong sự thiếu thốn tột cùng. Hiện thực nghiệt ngã ấy đã khơi gợi niềm xót xa đau đớn và sự ngậm ngùi thương cảm của người đọc. 

Đau thương, mất mát, hi sinh là vậy nhưng qua cách diễn đạt của Quang Dũng, sự ra đi của người lính Tây Tiến vẫn thật hào hùng, dũng mãnh. Quang Dũng nói đến cái chết chỉ đủ gây thương cảm cho người đọc từ đó làm nổi bật chí khí và tầm vóc của các anh. Cái đau thương bị át đi ngay ở câu thơ nói về bi thương bởi cách sử dụng từ ngữ Hán Việt (biên cương, viễn xứ). Những từ ngữ Hán Việt này không chỉ làm giảm đi sự mất mát hi sinh mà còn gợi lên sự tôn nghiêm vĩnh hằng, sự thành kính thiêng liêng trong sự ra đi của người lính. 

Nhà thơ đã khẳng định lý tưởng và tư thế lên đường của người lính,vút lên như một lời thề thiêng liêng của những tráng sĩ thời loạn "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh." "Chẳng tiếc" là cách nói ngang tàng đầy khí phách, là thái độ tự nguyệnkhông ép buộc và một tâm trạng hết sức thanh thản. Họ sẵn sàng hiến dâng đời với biết bao hi vọng, mộng mơ, sẵn sàng hi sinh vì đất nước, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Lý tưởng ấy thật cao cả, đẹp đẽ, sáng người ý chí quyết tâm. Đây cũng là tâm nguyện của những thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ trong thơ thơ của Thanh Thảo:

"Chúng tôi đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc."

Với cái nhìn lãng mạn, Quang Dũng đã khiến cho sự ra đi của người lính Tây Tiến thật hào hùng, sang trọng và cao đẹp bởi hình ảnh "áo bào thay chiếu", đưa các anh về với đất mẹ. Chiếc áo của người lính được thi vị hóa trở thành áo bào, vừa cổ kính trang trọng lại vừa gần gũi thân thương. Các anh ra đi không có da ngựa bọc thây như những chiến tướng thuở xưa nhưng đã có áo bào lẫm liệt đưa các anh về với núi sông.

Cách dùng từ ngữ của Quang Dũng cũng thật độc đáo. Nhà thơ không dùng từ "chết" mà là "về đất". Cách nói giảm đã làm vơi bớt đi nỗi đau thương để cái chết ấy trở thành bất tử. Với người lính chết chưa phải là hết, nó không phải là sự ra đi mà là cuộc hành trình trở về với đất mẹ thân yêu. Người mẹ hiền đất nước đang dang rộng vòng tay để đón các anh về. Linh hồn các anh đã hóa thân vào sông núi để còn mãi với núi sông, để làm nên vóc dáng, hình hài của đất nước. Sự ra đi ấy thật thanh thản nhẹ nhàng.

"Ôi đất nước 4000 năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta."

(Nguyễn Khoa Điềm)

Người lính Tây Tiến ra đi đã có dòng sông Mã tấu lên khúc nhạc trầm hùng tiễn đưa linh hồn các anh. Sông Mã là con sông của hoài niệm chuyên chở nỗi nhớ của người lính, giờ đây nó là nhân chứng cuối cùng trong cuộc đời của các anh. Tiếng gầm thét của sông Mã là biểu hiện cao độ cho sự mất mát, cho nỗi tiếc thương và cả niềm uất hận. Nó như một con chiến mã trung thành đang gầm rú, gào thét vì sự ra đi của chủ tướng. Dường như cả đất trời núi sông, cả quê hương đều đang nghiêng mình tiễn biệt người lính trong âm hưởng hào hùng và dữ dội của sông Mã.

"Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt. Một mật ngọt thành đòi vạn chuyến ong bay." Nhà thơ Quang Dũng đã có quá trình sáng tạo nghệ thuật đầy công phu, nghiêm túc thậm chí là khổ hạnh để tạo nên một kiệt tác văn chương để đời. Bài thơ Tây Tiến đã khắc họa thành công chân dung của những người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn, bi tráng, từ đó làm nổi bật tài năng và phong cách nghệ thuật của Quang Dũng với sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, sự hòa quyện giữa chất thơ, chất họa, chất nhạc của một hồn thơ đầy tài hoa phóng khoáng. 

Bài văn mẫu số 5

Nếu như đoạn đầu của bài thơ là nỗi "nhớ chơi với"  với bao kỉ niệm đẹp và cảm động của một thời trận mạc đầy gian khổ, hi sinh thì tám câu thơ đoạn ba lại khắc họa khí phách anh hùng và tâm hồn lãng mạn của người chiến sĩ trong máu lửa., qua đó thể hiện rõ niềm tự hào của tác giả. Bốn câu thơ đầu tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh của người lính Tây Tiến trong những năm tháng hào hùng của dân tộc:

       "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

     Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

     Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm."

Mở đầu khổ thơ là đảo ngữ "Tây Tiến" nhằm nhấn mạnh khắc sâu ấn tượng về một cái tên Tây Tiến, chỉ riêng cái tên thôi đã gợi trong lòng thi nhân biết bao kỉ niệm về một đời không thể nào quên. Không chỉ vậy, vượt qua gió bụi của thời gian, "Tây Tiến" đã đi vào lịch sử như một đoàn binh có một không hai, là chủ nhân của một thời đại gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, những người lính Tây Tiến với cái tên "đoàn binh" là từ Hán Việt gợi cảm giác về một đoàn quân được trang bị đầy đủ và tinh nhuệ. Qua bút pháp tả thực, cụm từ "không mọc tóc" hiện lên đầy ấn tượng qua cách sử dụng bút pháp đề cập đến sự khốc liệt của chiến tranh. Đó là những cơn sốt rét rừng hành hạ khiến cho người lính Tây Tiến bị rụng hết tóc. Trong văn học kháng chiến không ít lần chúng ta bắt gặp hình ảnh của những cơn sốt rét rừng. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu từng viết:

"Nơi thuốc súng trộn vào áo trận

         Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân"

Cách diễn đạt của Quang Dũng thật độc đáo khi chuyển "không mọc tóc" từ thế bị động sang thế chủ động, đó là không thèm mọc tóc khiến cho người đọc cảm nhận về một đoàn quân kiêu hùng ngang tàng, bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ. Họ vẫn kiêu hãnh nhìn thẳng về phía trước, lạc quan hài hước và hóm hỉnh. Trong sự thiếu thốn trăm bề ấy là hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên chân thực và oai hùng: "Quân xanh màu lá dữ oai hùm". Xanh màu lá là hình ảnh tả thực: màu xanh ấy có thể là màu xanh của quần áo lính, màu lá ngụy trang, hay đó có thể là nước da xanh xao do cơn sốt rét rừng, do thiếu thốn và bệnh tật. Nhưng độc đáo hơn là cụm từ "dữ oai hùm" qua bút pháp ẩn dụ độc đáo. Bên trong hình tượng tưởng chừng như tiều tụy ấy là cả một khí phách, một bản lĩnh kiên cường, một sự oai nghiêm dữ dằn đầy sức mạnh như một vị chúa sơn lâm. Đúng như nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét: "Lối viết của Quang Dũng thật tài hoa. Nói được lính ốm mà không thấy lính yếu."

Gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, bệnh tật,... muôn lần khó khăn, thử thách nhưng họ vẫn có những giấc mơ, giấc mộng rất đẹp:

   "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Chân dung người chiến sĩ Tây Tiến không chỉ có nét ngang tàng, oai phong trong dáng vẻ dữ dội, uy nghi mà còn được thể hiện ở chiều sâu đẹp đẽ trong tâm hồn. "Mắt trừng" là từ để diễn tả ánh nhìn đầy sự quyết tâm nung nấu, chứa đựng bao hoài bão. Đó là cái nhìn đầy oai phong lẫm liệt. Còn "mộng" là ước mơ giết giặc lập công của những người chiến sĩ. Đó là cái mộng để hướng tới hòa bình độc lập, bảo vệ quê hương tổ quốc. Đây là cái mộng cao cả xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước. Mộng của người chiến sĩ Tây Tiến rất giống với quan niệm nợ công danh của những trang hào kiệt, đấng nam nhi thời Trung đại. Mộng thì gửi về biên cương nhưng mơ thì hướng về Hà Nội:

"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Sống giữa núi rừng miền Tây, gian khổ, ác liệt, cái chết bủa vây, lửa đạn mịt mù, nhưng các anh vẫn mơ về Hà Nội. Quên sao được những hàng me, hàng sấu, những phố cũ trường xưa, "những phố dài xao xác hơi may"? Quên sao được những tà áo trắng, những thiếu nữ thân yêu, những "dáng kiều thơm" từng hò hẹn. Đó có thể là người vợ, người yêu hay một người em gái chưa từng dám ngỏ lời. Câu thơ thể hiện cái nhìn lãng mạn, đa tình, cũng như gửi gắm khát khao thầm kín về hạnh phúc lứa đôi. Bởi chiến sĩ Tây Tiến vốn là những học sinh, sinh viên, những chàng trai Hà Thành "xếp bút nghiên theo việc đao, cung", giàu lòng yêu nước, phong độ hào hoa.

"Từ thuở mang gươm đi giữ nước

            Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long."

                                                      (Huỳnh Văn Nghệ)

Quang Dũng đã khắc họa thành công hình ảnh người lính Tây Tiến với vẻ ngòi xanh xao, tiều tụy nhưng mang một ý chí mạnh mẽ, tư thế chiến đấu oai hùng, tinh thần yêu nước thiết tha và tâm hồn lãng mạn hào hoa. Đó cũng chính là một nét khám phá mới của nhà thơ khi vẽ chân dung anh bộ đội cụ Hồ xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh đó đoạn thơ như một khúc hùng ca bi tráng và oai hùng về một thời đại không thể nào quên với Quang Dũng và những người lính Tây Tiến qua sự kết hợp tài tình giữa bút pháp lãng mạn và bút pháp hiện thực, sử dụng thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, đảo ngữ,... cùng một lối diễn đạt giàu cảm xúc, giàu hình ảnh.

Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lập lại nhưng có lẽ hình ảnh những người chiến sĩ đã ngã xuống vẫn in sâu trong từng tấc đất, bản làng, ngõ xóm. Tưởng chừng tất cả đã qua đi nhưng hinhf ảnh xương máu của cha ông một lần nữa được tái hiện trong âm hưởng bi tráng và niềm tự hào dân tộc:

   "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

           Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

        Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Câu thơ đầu đem đến một cảm giác buồn bã, ảm đạm về cái chết "rải rác biên cương mồ viễn xứ". Nhịp ngắt 4/3 khiến trọng tâm câu thơ vào chữ mồ, một âm tiết mang thanh bằng ở âm vực thấp, một từ gợi ý nghĩa hiện hữu của cái chết, câu thơ vì thế đem đến cảm giác trầm buồn và ảm đạm. Trong đoạn thơ sử dụng rất nhiều từ Hán Việt: biên cương, viễn xứ, chiến trường, áo bào. Tất cả được sử dụng một cách trang nghiêm như những nén tâm hương thắp lên để tưởng nhớ những người chiến sĩ đã hi sinh vì tổ quốc. "Mồ" chỉ nắm đất đắp vội chôn ngay dọc đường hành quân để đoàn quân tiếp tục lên đường. Đặt trong không gian nơi biên cương miền viễn xứ khiến nấm mồ ấy gợi bao xót xa. Khi nằm xuống, bất cứ ai cũng mong trở về nơi quê hương đất mẹ, được vùi mình xuống dòng nước mát quê hương. Nhưng ảm đạm thay họ phải hi sinh nơi đất khách quê người gợi biết bao thương tiếc. Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng nghệ thuật đảo "rải rác" lên đầu câu sự thưa thớt. Đó là những nấm mồ nằm lẻ loi dọc đường hành quân, cũng là nơi những người lính Tây Tiến đã nằm xuống. Đó cũng chính là hiện thực chiến tranh tàn khốc mà không ai có thể trốn tránh. Nhờ đó, cảm giác ảm đạm ngậm ngùi trong câu năm đã nhanh chóng được xóa đi bởi tứ thơ mạnh mẽ, rắn rỏi như một lời tuyên thệ:

"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

Nếu tách câu thơ trên ra khỏi đoạn thơ thì nó tựa như bức tranh xám lạnh, ảm đạm và hiu hắt, đem đến nhiều xót thương. Nhưng nằm trong văn cảnh, đoạn mạch, câu thơ tiếp theo: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" đã nâng cao chí khí và tầm vóc người lính. Nghệ thuật đảo trong cụm từ "chiến trường đi" nhấn mạnh điểm đến. Chiến trường chính là nơi sủng nổ bom rơi đầy gian khổ hi sinh. Nhưng chiến trường cũng chính là lựa chọn đầy trách nhiệm của cả thế hệ trẻ vì đối với họ "đường ra trận mùa này đẹp lắm". Và cuộc đời đẹp nhất là trên trận chiến đấu chống quân thù. 

Hơn hết, cách nói "chẳng tiếc đời xanh" cho thấy sự dứt khoát quyết tâm. "Đời xanh" là tuổi trẻ, là thanh xuân của những "chàng trai chưa trắng nợ anh hùng", những học sinh, sinh viên Hà Nội. Họ "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", câu thơ vang lên như một lời thề thiêng liêng cao cả. Các anh quyết đem xương máu để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc. Chúng ta cũng từng thấy tinh thần ấy trong "Trường ca những người đi tới biển" của nhà thơ Thanh Thảo:

 "Chúng tôi đi chẳng tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi thì làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc."

Anh bộ đội cũng như nhân dân ta đã đứng lên kháng chiến với quyết tâm sắt đá. Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Quang Dũng ghi lại cảnh bi tráng giữa chiến chiến trường miền Tây thuở ấy:

"Áo bào thay chiếu anh về đất

         Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Hình ảnh "áo bào thay chiếu" là một hình ảnh chân thực đến xót xa của chiến tranh. Đó là sự thiếu thốn về vật chất. Họ hi sinh chỉ có tấm chiếu chôn vào lòng đất. Nhưng ở đây không có chiếu mà có áo bào. Hình ảnh áo bào có lẽ chính là tấm áo lính họ mặc chiến đấu hàng ngày, nó giống áo bào của những tráng sĩ xưa. Cách nói như vậy là để vinh danh những người lính Tây Tiến như cách tráng sĩ có da ngựa bọc thây, áo bào bọc thây. Quang Dũng có kể lại: "Khi tử sĩ nằm xuống không đủ manh chiếu để liệm, nói áo bào thay chiếu là mượn cách nói của thơ trước đây để an ủi những đồng chí vừa ngã xuống". Còn cụm từ "về đất" là cách nói giảm nói tránh nhưng có ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng và sâu xa. Chết không phải đi vào cõi hư vô mà là trở về với đất mẹ thân yêu. Đất mẹ mở lòng đang dang tay đón những đứa con ưu tú của mình. Các anh đã ngã xuống để hóa thân cho dáng hình xứ sở để mỗi tên làng, tên sông, tên núi đều có hình bóng các anh.

Hình ảnh con sông Mã lại một lần nữa xuất hiện: mở đầu cho cuộc hành trình trở về Tây Tiến trong kí ức của nhà thơ là con sông Mã. Và lúc này khi đưa tiễn những con người trở về với đất mẹ cũng là con sông Mã. Với nghệ thuật nhân hóa "sông Mã gầm" dòng sông ấy gầm lên trong cơn giận dữ đau thương và uất nghẹn. Đau thương ấy sẽ biến thành sức mạnh của lòng căm thù. Hơn hết "độc hành" tức là một mình. Những người lính Tây Tiến hi sinh là những mất mát không gì bù đắp được, để lại sự thương tiếc xót xa và hụt hẫng. 

Đoạn thơ viết về chân dung người lính trong bài thơ Tây Tiến là đoạn thơ độc đáo nhất. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được nhà thơ kết hợp vận dụng sáng tạo trong miêu tả và biểu lộ cảm xúc, tạo nên những câu thơ có hồn. Người lính đã sống anh dũng, chết vẻ vang. Hình tượng người chiến sĩ Tây Tiến mãi mãi là một tượng đài nghệ thuật bi tráng in sâu vào tâm hồn dân tộc:

"Anh Vệ quốc quân ơi

Sao mà yêu anh thế!"

Bài văn mẫu số 6

Những bài thơ hay thường tạo nên nhiều rung cảm thẩm mỹ nơi người đọc, thậm chí còn gây nên nhiều tranh luận xung quanh các câu chữ, hình ảnh, cảm xúc,... "Tây Tiến" của Quang Dũng là một trong những bài thơ như thế. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, Tây Tiến không chỉ đứng vững mà còn có sức sống kì diệu . Trong tâm hồn thi nhân, Tây Tiến là một thời để thương, để nhớ những kỉ niệm của người chiến binh trong những ngày tháng sống và chiến đấu cùng binh đoàn, nhớ cảnh rừng núi Tây Bắc vừa hiểm trở vừa hùng vĩ vừa không kém phần thơ mộng, nhớ những tháng ngày hành quân gian khổ, nhớ những kỉ niệm đẹp đẽ, những thời khắc nghỉ lại bản làng đầm ấm, thắm thiết tình quân dân... Nếu như ở hai đoạn đầu của bài thơ, người đọc được tiếp cận với hình ảnh người lính một cách gián tiếp thì đoạn thơ thứ ba trực tiếp khắc họa chân dung người lính Tây Tiến:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

.....................

Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Lúc bấy giờ, Quang Dũng còn có những gương mặt quen thuộc như bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, đại đội trưởng - nhạc sĩ Như Trang, nhà thơ Trần Lê Văn. Họ đều là những chàng trai Hà Thành còn rất trẻ. Binh đoàn Tây Tiến phần đông là thanh niên tri thức Hà Nội đang theo học tại các trường Sư phạm, Bưởi, Thăng Long, Văn Long,... Họ mang vào chiến trường không chỉ tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" mà còn cả những nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An. Cuộc sống chiến đấu gian khổ thiếu thốn không ngăn được lính Tây Tiến vui vẻ, sôi nổi, yêu đời và mộng mơ. Tố chất người Tràng An thấm nhuần trong máu, tủy và hồn, là một chàng trai đa tài, lại đã từng là đại đội trưởng một đại đội thuộc binh đoàn Tây Tiến, Quang Dũng đã rất thành công khi khắc họa chân dung người lính Tây Tiến, đem đến cho người đọc những rung cảm thẩm mĩ về những chiến sĩ hào hùng mà rất đỗi hào hoa. Hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng thấp thoáng dáng dấp của những chinh phu trong văn học cổ, hay người hùng nước Vệ dứt áo lên đường, không hẹn ngày trở lại.

Thời chống Pháp, thơ viết về anh bộ đội thường viết về những người nông dân mặc áo lính với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc. Rồi "Đồng chí" của Chính Hữu, "Cá nước" của Tố Hữu đều miêu tả người lính chân quê:

"Áo anh rách vai

              Quần tôi có vài mảnh vá

       Miệng cười buốt giá

    Chân không giày."

                                ( "Đồng chí" - Chính Hữu)

Người lính trong Tây Tiến của Quang Dũng vừa có những đặc điểm riêng lại vừa được khắc họa theo một bút pháp riêng. Bằng bút pháp lãng mạn và tinh thần bi tráng triển khai trên nền ký ức (nỗi nhớ), Quang Dũng đã dựng lên tượng đài bằng thơ về người lính Tây Tiến. Đó là bức chân dung lẫm liệt, oai hùng:

       "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm"

Một số ý kiến cho rằng đây là hình ảnh tột đỉnh của sự độc đáo. Ngược lại, một số cho rằng hình ảnh "đoàn binh không mọc tóc" và "dữ oai hùm" là không chân thực, thậm chí còn làm cho hình ảnh người bộ đội thời chống Pháp trở nrnr kì dị khác thường. Cảm nhận thơ như vậy vừa chưa đúng với đặc trưng của bút pháp lãng mạn, vừa chưa thật hiểu đầy đủ thực tế của cuộc kháng chiến. Thực tế kháng chiến chống Pháp không chỉ những là anh bộ đội "lá ngụy trang reo với gió đèo" mà còn có cả những "anh vệ trọc" nổi tiếng một thời. Cho nên, hình ảnh "đoàn binh không mọc tóc", "quân xanh màu lá", "dữ oai hùm" vừa là một thực tế, vừa là sản phẩm của cảm hứng và bút pháp lãng mạn.

"Đoàn binh không mọc tóc" là hình ảnh đoàn quân không có tóc, hậu quả của những con sốt rét rừng hoặc phải sống triền miên nơi rừng thiêng nước độc. "Quân xanh màu lá" nghĩa là đoàn quân có nước da xanh như màu lá - đây cũng là hậu quả của những cơn sốt rét rừng, và cả do gian khổ và thiếu thốn, thế nhưng đoàn binh vẫn toát lên vẻ "dữ oai hùm", nghĩa lad vẫn dữ tợn như loài hổ báo của rừng xanh. Đây là cách ví người hùng theo lối cổ chứ không phải "làm xấu đi hình ảnh anh bộ đội" như có người đã nghĩ.

Âm hưởng đoạn thơ hào hùng do nhấn mạnh tính chất oai phong lẫm liệt của "đoàn binh". Cách miêu tả chân dung người lính Tây Tiến khiến ta nhớ tới câu thơ của Phạm Ngũ Lão thời Trần cũng miêu tả người tráng sĩ với "hào khí Đông A":

     "Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"

(Múa giáo non sông đã mấy thu

           Ba quân khí mạnh nuốt cả sao Ngưu)

Vẻ đẹp của câu thơ chính là ở tinh thần bi tráng lẫm liệt của đoàn binh Tây Tiến, một vẻ đẹp có sự cộng hưởng của âm vang truyền thống và tinh thần thời đại, giữa những chiến binh năm xưa với người lính cụ Hồ hôm nay.

Hai câu thơ tiếp theo đã khắc họa một cách sinh động đời sống tâm hồn của những chiến sĩ Tây Tiến:

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

"Hai câu thơ như nhốt cả hai thế giới." (Vũ Quần Phương), "thấy nổi lên lời độc tấu của những chàng trai Hà Nội" (Đặng Anh Đào) vừa rất hào hùng lại rất hào hoa. Hình ảnh "mắt trừng" thể hiện ý chí quyết tâm ngùn ngụt của ngọn lửa chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Hình ảnh ấy cũng biểu hiện hoài bão, khát vọng lập công và cháy bỏng căm thù của người lính Tây Tiến. Và ngay trong cuộc chiến đấu gian khổ dữ dằn đó, những người lính vẫn để tâm hồn cho những hình ảnh thật dịu hiền, thân thương: "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm."

Chiến tranh thật tàn khốc những chiến tranh không thể cướp được chất hào hoa của những chàng trai Hà thành. Không gì có thể ngăn được những phút giây mơ mộng trong tâm hồn người lính. Có một thời, người ta gán cho "Tây Tiến" những "mộng rớt", "buồn rớt" chính là vì những câu thơ như thế này. Thực ra câu thơ đã diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của người lính Tây Tiến. Nguyễn Đình Thi cũng đã diễn đạt rất thành công vẻ đẹp này trong bài thơ "Đất nước":

"Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu."

Khác với nỗi nhớ của người lính trong thơ Nguyễn Đình Thi và các nhà thơ khác, Quang Dũng thể hiện tình cảm của người lính qua giấc mơ, khiến cho nỗi nhớ cũng lãng mạn như chính tâm hồn của họ vậy. Giấc mơ đã nâng đỡ tâm hồn con người. Thật sang trọng và hào hoa!

Nói đến chiến tranh, nói đến đời lính không thể không nói đến cái chết. Quang Dũng cũng không né tránh và nhà thơ đã nói theo cách riêng của mình:

   "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

           Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

         Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Chất "tráng sĩ ca" được bộc lộ một cách hào hùng và cũng đầy bi tráng. Nhà thơ mượn một ý thơ cổ (Chinh phụ ngâm) nhưng tình ý thì rất mới. Ba chữ "mồ viễn xứ" gợi cảm giác buồn thầm lặng - sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ vô danh. Ý nghĩa câu thơ mở ra thật lớn: "rải rác" nơi đây đó nơi "biên cương", những nấm mồ "viễn xứ: không một vòng hoa, không một nén hương, thật lạnh lẽo, thê lương. Bức tranh chiến trận sẽ trở nên ảm đạm nếu nhìn bi quan như vậy. Nhưng hồn thơ Quang Dũng mỗi khi chạm vào cái bi thương lại được nang đỡ bởi đôi cánh lí tưởng. Câu thơ sau như một lực nâng vô hình đã đưa câu thơ trước lên cao. "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Cái bi thảm bỗng trở nên bi tráng. Với tinh thần dấn thân, tự nguyện, quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất họ đã hiến dâng cho một lý tưởng cao đẹp nhất. Họ ngã xuống thanh thản không chút vướng bận, không mảy may hối tiếc, cái chết được xem như "nhẹ tựa lông hồng".

Viết về chiến tranh, nhiều nhà thơ đã né tránh cái chết. Còn Quang Dũng cảm nhận cái chết như là một hiện thực tất yếu của chiến tranh. Cái chết của những người lính qua con mắt thơ của Quang Dũng rất đỗi hùng tráng mà không hề giả dối. Cái bi tráng của câu thơ đã khẳng định được phương châm sống của cả một thế hệ cha anh trong những năm tháng chống Pháp gian khổ: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Có hiểu được ý chí sắt đá của một dân tộc mới thấy hết được cái hay trong câu thơ Quang Dũng.

Hai câu sau vẫn tiếp tục nói đến cái chết trong âm hưởng sử thi hào hùng ấy:

"Áo bào thay chiếu anh về đất

          Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Nhà thơ đã nói lên một sự thật bi thảm là: Người lính hi sinh trên đường hành quân đến một manh chiếu liệm cũng thiếu. Con mắt thơ Quang Dũng đã bao bọc đồng đội mình trong những tấm "áo bào" sang trọng. "Áo bào" là sự kết hợp hai từ "áo vải" và "chiến bào" khiến cho "áo bào" vừa bình dị vừa sang trọng. Đây là cách nói mà theo Quang Dũng là để "an ủi linh hồn những người lính". Xuất phát điểm là tình yêu đồng đội. Chính tình yêu thương đã khiến hồn thơ hào hoa Quang Dũng tìm được hình ảnh đẹp để "sang trọng hóa" cái chết của người lính. Người lính ngã xuống với chiến bào đỏ thắm trong vầng hào quang lồng lộng của các chiến binh xưa. "Áo bào thay chiếu anh về đất". Câu thơ mang sức ngợi ca. Không thể tìm được từ nào hay hơn để thay thế cho từ "về đất" trong câu thơ này. "Về đất" không những diễn tả được sự hi sinh của người chiến sĩ mà còn thể hiện được sự trân trọng, yêu thương của những người đồng đội ở lại. "Về đất" là là hòa vào linh hồn đất nước để bất tử cùng hồn thiêng sông núi  và trường tồn cùng Tổ quốc. Dòng sông Mã đã tấu lên "khúc độc hành" dữ dội hùng tráng để tiễn đưa hương hồn người chiến sĩ với bao tiếc thương, cảm phục. Những mất mát đau thương như dồn nén, tích tụ trong tiếng gầm vang rung chuyển cả núi rừng của dòng sông Mã. Các anh đã hi sinh cho mảnh đất này nảy nở đầy thơ, đầy nhạc và cùng với thiên nhiên, linh hồn các anh vẫn hát mãi khúc quân hành.

Đặc sắc của đoạn thơ không chỉ ở thủ pháp đối lập mà còn bộc lộ trong việc dùng từ, đặc biệt là dùng các động từ. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét: "Nội lực trong cảm hứng thơ Quang Dũng thường dội xuống ở các động từ." Động từ "gầm" trong câu thơ khiến âm hưởng cứ âm vang mãi như dội vào núi rừng miền Tây và ngân lên trong tâm hồn độc giả. Cộng hưởng với các từ Hán Việt, nhà thơ đã đưa người đọc vào một không gian cổ kính, trang trọng. Tất cả những thủ pháp nghệ thuật đó đã bộc lộ được sự hài hòa giữa cái bi và cái hùng tạo nên chất bi tráng trong bức tượng đài cao cả về người lính Tây Tiến.

Đây là đoạn thơ mang tính chất cao trào trong toàn bộ khúc độc hành Tây Tiến. Chất bi tráng đã tạo nên một tượng đài độc đáo về người lính Tây Tiến. Đoạn thơ khép lại nhưng cùng với khúc độc hành của dòng sông Mã, âm hưởng Tây Tiến vẫn vang cả núi rừng và vọng qua năm tháng. 

Bài văn mẫu số 7

Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử. Ở trong thơ Quang Dũng lad dựng lên một bức tượng đài bất tử như vậy về người lính trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là bức tượng đài đã làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những tháng năm hoa lửa ấy bất tử cùng thời gian:

"Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc

... 

Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

"Tây Tiến" của Quang Dũng là dòng hồi ức vô cùng thương nhớ về những đồng đội của nhà thơ, những người đã từng sống, từng chiến đấu nhưng cũng có người đã hy sinh, những người đã trở về với đất mẹ yêu thương, nhưng dẫu sao đó cũng là những người mãi mãi nằm lại nơi biên cương hay miền viễn xứ. Chính vì thế Quang Dũng không chỉ dựng lại cả một hình ảnh đoàn binh Tây Tiến trên những chặng đường hành quân gian khổ hy sinh mà "đời vẫn cứ tươi" như ở 14 câu thơ đầu tiên mà còn khắc tạc hình ảnh của những người lính  với đời sống tình cảm hết sức phong phú. Nhà thơ đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh, hàng loạt những thủ pháp như tương phản, nhân hóa, tăng cấp ý nghĩa để tạo ấn tượng mạnh nhằm khắc sâu vào tim người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, của dân tộc. Đó là bức tượng đài sừng sững giữa núi cao vực sâu, giữa một không gian hùng vĩ:

          "Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá giũ oai hùm

     Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm."

Bức tượng đài người lính Tây Tiến trước hết được khắc họa từ những đường nét nhằm tô đậm cuộc sống gian khổ của họ. Nếu như ở những đoạn thơ trước đó người lính mới chỉ hiện ra với "đoàn quân mỏi" hay trong đêm lửa trại ấm áp tình quân dân, thì ở đây người lính hiện lên với vẻ bề ngoài kì dị khác thường. Cảm hứng chân thực của Quang Dũng không né tránh việc mô tả cuộc sống gian khổ mà người lính phải chịu đựng. Những cơn sốt rét rừng khiến họ rụng tóc, biến thành những anh "Vệ trọc" khi ở tuổi mười tám, đôi mươi. Cũng vì những cơn sốt rét rừng khủng khiếp, da họ xanh xao như lá. Nhưng thế giới tinh thần của người lính lại cho thấy họ chính là những chiến binh anh hùng, họ còn chứa đựng cả một sức mạnh áp đảo quân thù, dũng mãnh như hổ báo. Cái hay của Quang Dũng là đã lột tả những người lính với những nét khắc khổ tiều tụy nhưng vẫn gợi ra âm hưởng rất hào hùng. Câu thơ "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" với những thanh trắc rơi vào âm đầu và cuối của câu thơ như "tiến", "mọc tóc". Nhờ những thanh trắc ấy mà âm hưởng câu thơ như vút lên. Chẳng những thế, họ còn là cả một đoàn binh. Hai chữ "đoàn binh" âm Hán Việt đã gợi ra khí thế hết sức nghiêm trang, hùng dũng. Và đặc biệt hai chữ "Tây Tiến" mở đầu câu thơ không chỉ còn là tên gọi của đoàn binh nữa, nó gợi ra hình ảnh một dù đầu không mọc tóc vẫn đang quả cảm tiến bước về phía trước. Thủ pháp tương phản mà Quang Dũng sử dụng ở câu thơ "Quân xanh màu lá dữ oai hùm" không chỉ làm nổi bật lên sức mạnh tinh thần của người lính mà còn thấm sâu màu sắc văn hóa của dân tộc. Ở đây, nhà thơ không chỉ muốn nói rằng những người lính Tây Tiến như chúa sơn lâm với sức mạnh bách chiến bách thắng. Đây là hình ảnh quen thuộc trong thơ văn xưa, Phạm Ngũ Lão cũng ca ngợi những anh hùng vệ quốc trong câu thơ:

 "Hoành sóc giang san cáp kỷ thu

Tam quan kỳ hổ khí thôn ngưu."

Và ngay cả Hồ Chí Minh trong "Đăng sơn" cũng viết:

 "Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu

Thể diện sài long xâm lược quân."

Có thể nói Quang Dũng đã sử dụng một mô típ mang đậm màu sắc phương Đông để câu thơ mang âm vang của lịch sử, hình tượng người lính cách mạng gắn liền với sức mạnh truyền thống của dân tộc. Đọc câu thơ "Quân xanh màu lá dữ oai hùm" ta như nghe thấy âm hưởng của hào khí Đông A ngút trời.

Hình tượng người lính Tây Tiến càng trở nên đẹp đẽ hơn khi nhà thơ bổ sung vào bức tượng đài chất hào hoa, lãng mạn trong tâm hồn của họ:

 "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm."

Trước hết đó là một tấm lòng luôn hướng về tổ quốc, hướng về thủ đô. Người lính dẫu ở nơi biên cương hay viễn xứ xa xôi mà lòng lúc nào cũng hướng về Hà Nội. Người lính Tây Tiến dẫu "mắt trừng gửi mộng qua biên giới" mà nỗi nhớ niềm thương vẫn hướng về một "dáng kiều thơm" Hà thành. Đã một thời, người ta phê phán thói tiểu tư sản, với cái "buồn rớt", "mộng rớt" , thực ra nhờ vẻ đẹp ấy mà tâm hồn của người lính có sức mạnh vượt qua mọi gian khổ, người lính trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Việt Nam. Quang Dũng đã tạo nên một tương phản hết sức đặc sắc - những con người chiến đấu kiên cường với ý chí sắt thép cũng chính là con người có đời sống nội tâm phong phú. Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gương theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn, trái tim họ vẫn rung động trong một nỗi nhớ về "dáng kiều thơm", nhớ về Hà Nội - Thăng Long xưa.

Bức tượng đài người lính Tây Tiến đã được khắc tạc bằng những nguồn ánh sáng tương phản lẫn nhau, vừa hiện thực vừa lãng mạn. Từng đường nét đều như nổi bật và tạo được những ấn tượng mạnh mẽ. Đây cũng chính là đặc trưng của thơ Quang Dũng.

Nếu như ở bốn câu thơ trên, người lính Tây Tiến hiện ra trong hình ảnh một đoàn binh với những bước chân vang dội, khí thế hào hùng và tâm hồn hết sức lãng mạn thì ở đây bức tượng đài người lính Tây Tiến được khắc tạc bằng những hi sinh, mất mát của họ. Nếu chỉ đọc từng câu thơ, chỉ phân tích từng hình ảnh riêng rẽ độc lập, người ta dễ cảm nhận một cách bi lụy về cái chết của người lính mà thơ ca kháng chiến rất ít khi nói đến. Bởi thơ ca kháng chiến thường đề cập nhiều đến sự hào hùng mà ít quan tâm đến cái bi, Nhưng nếu đặt các hình ảnh, các câu thơ vào trong chỉnh thể của nó, ta sẽ hiểu Quang Dũng đã mô tả một cách chân thực sự hi sinh của người lính bằng cảm hứng lãng mạn, hình tượng vì thế chẳng những không rơi vào bi lụy mà còn có sức bay bổng. 

Có thể thấy câu thơ "rải rác biên cương mồ viễn xứ" nếu tách riêng ra rất dễ gây cảm giác nặng nề bởi đó là câu thơ nói về cái chết, về nấm mồ của người lính Tây Tiến ở nơi "viễn xứ". Từng chữ từng chữ dường như mỗi lúc nhấn thêm một nốt nhạc buồn của khúc hát hồn tử sĩ. Tuy nhiên với câu thơ thứ hai, ta lại thấy hình ảnh những nấm mồ nơi biên cương ấy đã trở về trong lòng Tổ quốc, về nới niềm biết ơn của nhân dân. Bởi đó chính là nấm mồ của những người con anh dũng "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đồng thời cũng chính câu thơ thứ hai đã làm cho những nấm mồ rải rác kia được nâng lên những tầng cao của đài tưởng niệm của Tổ quốc đối với người lính đã vì tiếng gọi của chiến trường mà hiến dâng tuổi xanh của mình. Trong thơ Quang Dũng luôn là sự nâng đỡ nhau của nhiều hình ảnh như vậy. 

Sự hi sinh của người lính còn được tráng lệ hóa trong câu thơ "áo bào thay chiếu anh về đất". Bao nhiêu thương yêu của Quang Dũng trong một câu thơ như vậy về một đồng đội của mình. Ai bảo Quang Dũng không xót thương những người đồng đội của mình ra đi trong cách tiễn đưa như vậy, cảnh tiễn đưa với bao thiếu thốn, khó khăn, cái thuở những người lính Tây Tiến chết vì sốt rét nhiều hơn vì chiến trận.

Hai câu thơ mới đọc qua tưởng như chỉ âm hưởng bi tráng, tô đậm thêm sự mất mát hi sinh nhưng đó lại là một cái chết cao đẹp - cái chết bất tử của người lính Tây Tiến:

"Áo bào thay chiếu anh về đất

       Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Hai câu hỏi mới đọc qua tưởng như chỉ làm nhiệm vụ miêu tả, thông báo bình thường những sức gợi thật lớn. Đâu đây vẫn như còn thấy những giọt nước mắt đọng sau hàng chữ. Hai câu thơ rắn rỏi mà cảm khái, thương cảm thật sâu xa. Làm sao có thể dửng dưng trước cảnh "anh về đất"? "Anh về đất" là hóa thân cho dáng hình xứ sở, thực hiện xong nghĩa vụ quang vinh của mình. Tiếng gầm của sông Mã về xuôi như loại đại bác rền vang, vĩnh biệt những người con yêu của giống nòi. 

Từ sự kết hợp một cách hài hòa giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung, một bức tượng đài người lính cách mạng vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại cả dân tộc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là bức tượng đài được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến ấy. Vì thế từ bức tượng đài đã vút lên khúc hát ngợi ca của nhà thơ cũng như của cả đất nước về những người con anh hùng. 

Bài văn mẫu số 8

"Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật" (Bielinxki) Quả thật vậy, không rời xa thực tế, Quang Dũng đã khắc họa bức chân dung người lính Tây Tiến một cách chân thực nhất với vẻ bề ngoài kì dị khác thường.

      "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

Hai câu thơ đầu mở ra, giữa cái mỹ lệ, nên thơ của núi rừng, vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ hiện lên thật bi tráng. Không phải những đoàn quân với những người lính khỏe mạnh, trên đầu mang một màu tóc xanh của tuổi trẻ, đoàn quân của Quang Dũng hiện lên thật kì dị khác thường. Cả một đoàn quân tuổi đời còn trẻ măng nhưng ai cũng "không mọc tóc". Vì đâu mà cả một đoàn binh lớn nhường ấy lại có điều dị thường đến vậy? Phải chăng đây là kết quả những cơn sốt rét rừng khủng khiếp? Ngoại hình tiều tụy, ốm yếu, đầu trọc, da xanh đã gợi lên trong lòng chúng ta biết bao sự hi sinh. Hình ảnh ấy tuy có gân guốc thế nhưng lại là cái hiện thực - một hiện thực trần trụi. Các chiến sĩ Tây Tiến ngày đó phải hoạt động trong rừng núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi rừng thiêng nước độc, nơi ấy có những trận sốt rét đến kinh người và cả những ngày hành quân đói rét vất vả. Chúng ta cũng từng bắt gặp hình ảnh người lính với những trận sốt rét trong thơ Chính Hữu:

"Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

      Rét run người vầng trán ướt mồ hôi"

Người lính Tây Tiến vẫn mang thêm chút đặc biệt hơn ở một phần nào đó. Phải chăng là những mái tóc xanh chẳng còn nữa, những người lính trở thành cả "đoàn binh không mọc tóc"? Đoàn quân đang trải qua những gian khổ khó khăn cản bước tiến hành quân của họ.

Nhưng nếu ở câu trước hình tượng những người lính hiện lên thật trần trụi, bi thương thì ngay ở câu thơ sau, người ta lại thấy Quang Dũng thể hiện hình ảnh những người lính thật oai phong:

"Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

"Quân xanh" ở đây phải chăng là những tán lá ngụy trang, là màu áo xanh người lính hay chính là làn da xanh xao vì bệnh tật, đói rét của những chiến sĩ giải phóng quân. Một hình ảnh hiện thực trần trụi được Quang Dũng đưa trực tiếp vào thơ. Chẳng hề có một sự phóng đại hay cách điệu nào hết. Đó là hiện thực, là thực tại của những người lính đoàn quân Tây Tiến. Thế nhưng, tuy có xanh xao, mệt mỏi, vất vả là thế, nhưng họ vẫn giữ vững tinh thần "dữ oai hùm". Dù là nơi rừng thiêng nước độc, nhưng những người anh hùng giải phóng quân vẫn giữ được tư thế hiên ngang, bất khuất, toát lên vẻ oai hùng như chúa sơn lâm.

Hai câu đầu, hình tượng người lính của đoàn quân Tây Tiến hiện lên thật sống động biết bao, Đoàn quân ấy đang đi giữa rừng xanh, đi giữa núi rừng âm u hiểm trở và gặp biết bao gian lao, vất vả, bệnh tật và đói rét. Thế nhưng, các anh dù có thế nào vẫn giữ được tư thế hiên ngang, "oai hùm" giữa chốn rừng thiêng nước độc. Có thể nói, Quang Dũng đã đưa vào đây chất liệu hiện thực - một hiện thực trần trụi và gửi vào đó một chút lãng mạn của thi ca.

Bước sang những câu thơ tiếp theo, người ta thấy hiện lên là vẻ đẹp tâm hồn của những chiến sĩ ấy, một vẻ đẹp của tâm hồn mơ mộng, tràn trề sức xuân:

    "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Tây Tiến là đoàn binh với thành phần chủ yếu là những người con đất Hà thành, là những học sinh, sinh viên đang còn tuổi xuân xanh tươi đẹp, thế nên ẩn sau ngoại hình xanh xao ấy là cả một bầu trời tâm hồn lãng mạn. Những người lính ấy đến với biên cương bằng sức trẻ, bằng hoài bão, bằng khát vọng hòa bình. Họ nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, ra đi bảo vệ bờ cõi núi sông. Vậy nên, "mắt trừng" kia phải chăng chính là đôi mắt mang theo sự căm thù, ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc xâm lược. Không chỉ vậy, đôi mắt ấy còn "gửi mộng qua biên giới", đến những nơi xa xôi, về với mảnh đất Hà Nội thân yêu - nơi có người thân, gia đình của những chàng trai Tây Tiến. "Mộng biên giới" có chăng chính là giấc mộng hòa bình, giấc mộng chiến thắng để trở về với quê hương, với gia đình và người thương. Và đôi mắt ấy cũng không chỉ ánh lên khát vọng mà còn cả cái tình, cả cảm xúc yêu thương:

"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Đôi mắt ấy thao thức trong canh thâu, nhớ về một Hà Nội cổ kính, với phố phường, với gia đình và cả "dáng kiều thơm" trong trí nhớ. Là những tri thức xếp bút nghiên, vác lên vai cây súng bảo vệ quê hương, những người lính Tây Tiến luôn giữ trong mình cái vẻ hào hoa, lãng mạn của những người tri thức ấy. Họ không như những anh lính mộc mạc trong thơ Chính Hữu:

      "Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá."

Chính "dáng kiều thơm" ấy là động lực để thôi thúc các anh hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Đồng thời nó cũng là niềm khao khát của những người lính biên cương.

Trong chiến tranh, biết bao người lính ra đi khi tuổi đời còn trẻ, với khát vọng hòa bình, nhưng lại chẳng trở về. Người ta thường nói, chiến tranh khốc liệt, làm sao tránh được hi sinh, mất mát:

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

Những ngôi mộ vô danh nằm "rải rác" nơi biên cương "viễn xứ", nơi rừng hoang heo hút không người qua lại, không một nén hương tưởng nhớ. Từ Hán Việt "mồ viễn xứ", "biên cương" đã tạo nên không khí thật trang trọng, bi hùng như khúc ca tiễn biệt những người lính. Họ đã ngã xuống nơi đây, trở thành người lính vô danh góp phần làm nên độc lập dân tộc:

"Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

         Không ai nhớ mặt đặt tên

                   Nhưng họ đã làm ra đất nước."

Thế nhưng dù có phải đối mặt với cái chết thì người lính Tây Tiến vẫn quyết tâm ra đi vì khát vọng hòa bình. Vì khát khao cháy bỏng ấy, họ nguyện hiến dâng cho Tổ quốc cả tuổi thanh xuân, cả tính mạng của mình:

"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

"Đời xanh" nghĩa là tuổi thanh xuân của các anh, là tuổi trẻ với bao khát vọng. Thế nhưng, nghe theo tiếng gọi tổ quốc ra chiến trường diệt quân thù, các anh quyết chí, đồng lòng ra đi, "chẳng tiếc" điều gì. 

Vẫn trong âm hưởng hào hùng đó, nhà thơ đã tiếp tục khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của những người lính Tây Tiến:

"Áo bào thay chiếu anh về đất

       Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Ở đây, Quang Dũng đã mỹ lệ hóa chiếc "áo bào", tấm áo ấy như một sự vinh danh dành cho người lính vô danh đã ngã xuống, trở về với đất mẹ thân yêu. "Áo bào thay chiếu" là lời nói bi tráng hóa sự hi sinh của người lính Tây Tiến. Và cụm từ "anh về đất" nghe sao nhẹ nhàng nhưng đó chỉ là cách nói giảm cho sự đau xót, thương cảm vô hạn.  Với người lính Tây Tiến, con sông Mã là con sông của lịch sử, của ký ức tươi đẹp, là người bạn đồng hành trên chặng đường hành quân gian lao và vất vả. Và giờ đây, khi họ ngã xuống, nó "gầm" lên khúc tráng ca tiễn biệt người đồng đội của mình. Tiếng âm vang ấy như khúc nhạc độc tấu dành riêng cho người lính, tiễn đưa họ vào cõi bất tử.

Bài văn mẫu số 9

"Thơ là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu." Theo dòng ký ức, ngược về quá khứ, ta bắt gặp không biết bao nhiêu hồn thơ khiến mỗi chúng ta đắm say mê mẩn như lạc vào thế giới đó. Quang Dũng là một nhà thơ như vậy. Ông là một người rất đỗi tài hoa, không chỉ làm thơ mà còn vẽ tranh, soạn nhạc. Và "Tây Tiến" chính là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Quang Dũng với nét hào hùng, bi tráng cùng cảm hứng lãng mạn đan xen, hài hòa. Có thể nói, xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ về Tây Tiến, về những người đồng đội, để rồi lắng đọng và tập trung rõ nét nhất qua bức chân dung người lính Tây Tiến:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

...

Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Thật vậy, bài thơ Tây Tiến được ra đời trong những năm tháng không thể nào quên của Quang Dũng. Tây Tiến là tên một đơn vị bộ đội được thành lập vào năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang Lào bảo vệ biên giới. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Tại làng Phù Lưu Chanh, với nỗi nhớ đơn vị cũ, đồng đội cũ, ông chắp bút cho ra đời tác phẩm "Tây Tiến", in trong tập  "Mây đầu ô" năm 1986. Bài thơ là bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên hùng vĩ, về quãng thời gian chiến đấu gian khổ ngày đêm bên nhau với ý chí, tinh thần quật cường. Đặc biệt hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên vừa oai hùng, kiêu ngạo, vừa thơ mộng trữ tình. 

Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên vừa chân thực, vừa hào hùng. Nếu ở hai đoạn thơ trước, thiên nhiên là nhân vật chính thì ở khổ ba, con người vượt lên để làm điểm nhấn, chất xúc tác cảm xúc cho bài thơ đến cao trào.

        "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

      Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Đoạn thơ trên làm sống dậy một hình ảnh đoàn binh Tây Tiến gan góc, dũng cảm. Ở họ mang một hào khí đáng ngưỡng mộ. Họ chỉ là những cô cậu sinh viên Hà thành mới từ giã mới trường, gia đình lên đường đi chiến đấu với bao bỡ ngỡ, lạ lùng, ngây ngô. Nhưng vượt lên trên cảm giác sợ hãi, thay vào đó là sự oai hùng của tuổi trẻ, của sự nhiệt huyết bừng cháy. Nhà thơ dùng "không mọc tóc" để miêu tả đoàn binh. Đó là hình ảnh chiến sĩ rất khác lạ. Bên cạnh việc ngày đêm phải chống chọi với kẻ thù, họ còn phải gồng mình vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt. Họ sống và chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, nơi sông sâu núi thẳm, thiếu thốn trăm bề, bị cơn bệnh sốt rét rừng hoành hành đến trọc đầu.

Nhà thơ đã lột tả một cách trần trụi sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến cho họ trở nên kì dị khác thường. Đó cũng là hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Xanh xao vì gian khó, bệnh tật những đoàn binh ấy vẫn toát lên chí khí "oai hùm" khiến kẻ địch phải khiếp sợ. Đó chính là nét đẹp đáng kính, đáng khâm phục của quân đoàn Tây Tiến.

Mặc dù quyết tâm đánh giặc nhưng trong họ vẫn tỏa ra chất lãng mạn vốn có của người lính. Họ không cứng nhắc, khô khan, cũng có những phút giây dành cho mộng mơ tuổi thanh xuân. Họ nhớ về quê hương, về những bóng dáng thân yêu nơi phố thị Hà thành. Hình ảnh "mắt trừng" là ánh mắt gợi lên sự quyết tâm, ý chí chiến đấu đánh lui kẻ thù bảo vệ đất nước. Có thể thấy nhà thơ đã rất khéo léo khắc họa hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng bi tráng nhưng cũng rất đỗi lãng mạn tình tứ chỉ vẻn vẹn qua bốn câu thơ.

Không chỉ nhắc đến hiện thực đời sống vật chất thiếu thốn, khó khăn, Quang Dũng đã không ngần ngại khi nói về sự hi sinh của người lính Tây Tiến:

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

            Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

       Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Hình ảnh người lính hi sinh bản thân nơi chiến trường khắc nghiệt khiến cho người đọc không khỏi tiếc thương, đau xót. Họ đã cống hiến bản thân mình cho Tổ quốc, họ ngã xuống nơi biên cương xa xôi hẻo lánh, họ nằm lại nơi đất khách quê người, không một nén hương, không một vòng hoa tưởng nhớ. Lạnh lẽo, bi thương nhưng trước khi cầm súng lên đường chiến đấu họ đã xác định ranh giới giữa cái chết và sự sống là quá mong manh. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

         "Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

     Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề cổ, súng kề tai

            Là thân sống chỉ coi còn một nửa."

Họ mang tuổi trẻ, nhiệt huyết của mình cống hiến cho quê hương. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người với bao ước mơ hoài bão và hứa hẹn, nhưng họ chẳng tieevs mà dâng hiến cho Tổ quốc. Đó là một sự hi sinh vĩ đại, thầm lặng đáng ngợi ca và trân trọng biết bao.

Cái chết của họ qua ngòi bút của Quang Dũng không hề bi lụy mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Hình ảnh "áo bào" thay "chiếu" khiến ta thấm thía và suy ngẫm. Thi nhân đã khéo léo dùng từ Hán Việt để giảm bớt sự bi thương cho cái chết oanh liệt ấy. Đất Mẹ như ôm ấp, vỗ về, dang tay đón những đứa con vào lòng. Quang Dũng đã mượn luôn âm thanh của thiên nhiên như khúc ca gợi thêm sự đau thương mất mát. Sông Mã gầm lên ai oán, mang âm hưởng dữ dội xoáy sâu vào lòng người đọc sự đau thương, mất mát không gì bù đắp được. 

Bài văn mẫu số 10

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết : "Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy." Thật vậy! Cái nhụy sống ấy đã nảy nở trong trái tim của Quang Dũng - một con người rất mực đa tài. Quang Dũng, lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã mang đến cho đời cái "nhụy" có vị ngọt của cảm hứng "lãng mạn, anh hùng" trong những năm kháng chiến đau thương. Để rồi, kết trái thành "Tây Tiến", một bản hùng ca tuyệt vời về với hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ: 

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

...

Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Chính vẻ đẹp nơi người lính ấy đã tô vẽ nên vẻ đẹp trong ngòi bút của Quang Dũng. Không chỉ viết thơ, Quang Dũng còn làm văn, vẽ tranh, soạn nhạc, nhưng thơ ca chính là cây cầu linh diệu nhất bắc nhịp nhà thơ với cuộc đời. Hồn thơ Quang Dũng mang nét phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và rất đỗi tài hoa. Ông xuất thân là một người lính của binh đoàn Tây Tiến, một đơn vị quân đội thành lập mùa xuân năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao sinh lực địch ở vùng thượng Lào và miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Các chiến binh Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội trong đó có nhiều học sinh, sinh viên như Quang Dũng. Đoàn quân Tây Tiến sau một thời gian hoạt động ở Lào trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh - một làng ven bờ sông Đáy, Quang Dũng viết bài "Nhớ Tây Tiến" sau đổi tên thành "Tây Tiến" in trong tập "Mây đầu ô" (1986). "Tây Tiến" là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

Quang Dũng đã khắc họa thành công tập thể người lính Tây Tiến như một bức tượng đài bằng thơ về những người lính, và bức họa ấy vẫn luôn sừng sững, sống mãi những vẻ đẹp hào hùng của một thời trai trẻ:

       "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm"

Nhà thơ dùng từ "đoàn binh" để khẳng định một lực lượng đông đảo, "đoàn binh" Tây Tiến là đội quân mạnh và hừng hực khí thế. Đầy hiên ngang và tự tin, nhịp thơ như nhịp bước chân hành quân của người lính, đưa ta đến gần hơn với bức chân dung về các anh, từ ngoại hình bên ngoài đến cảm xúc, ý chí nung nấu trong tâm can. Đó là những người lính đầu "không mọc tóc", da "xanh màu lá". Ấy là sự ngụy trang đề phòng quân địch. Nhưng chân thực hơn, ấy là sự tàn phá của bệnh tật, của hoàn cảnh sống thiếu thốn trăm bề. Nơi rừng thiêng nước độc, nơi chiến trường xa xôi, binh đoàn Tây Tiến làm sao tránh khỏi những cơn sốt rét rừng, những lần thiếu thuốc men, lương thực, khó khăn cứ nối tiếp khó khăn, sự khắc nghiệt vẫn luôn thử thách ý chí người lính trẻ như thế. Giống như trong một vần thơ khác, tác giả Chính Hữu đã từng khắc họa rõ nét những thiếu thốn, gian khổ trong thuở đầu ra trận ấy:

"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

              Áo anh rách vai, quần tôi có nhiều mảnh vá

     Miệng cười buốt giá, chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"

("Đồng chí" - Chính Hữu)

Giữa những gian khổ, khó khăn của thực tại, những người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vẫn mang trong mình sự lạc quan, dí dỏm trong những vẫn thơ Chính Hữu, còn giọng thơ "Tây Tiến" lại sục sôi khí thế, căng tràn ý chí, viết về gian khổ, khó khăn nhưng nhà thơ Quang Dũng vẫn luôn song hành đem đến những vần thơ đầy quyết tâm "dữ oai hùm". Nét hào hùng được nhấn mạnh giữa một hiện thực nhiều gian khổ, đậm tô những hình ảnh chân thực nhưng đó cũng là cách nói dí dỏm, vui tươi hóa của Quang Dũng về những người đồng đội của mình. "Dữ oai hùm" là hình ảnh khẳng định tinh thần vượt lên trên khó khăn vì mục tiêu chiến đấu phía trước, bệnh tật, thiếu thốn không thể đánh bại được ý chí quyết tâm của những người lính Tây Tiến. Những chi tiết tả thực đã khắc họa một diện mạo rất độc đáo về người lính đang chiến đấu nơi biên cương Tổ quốc, đồng thời phản ánh hiện thực gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật nơi chiến trường. Mượn hình ảnh ẩn dụ để gợi tả chất kiêu hùng, cách viết đối lập giữa cái yếu đuối về thể chất, xanh xao tiều tụy, đầu "không mọc tóc", da "xanh màu lá" với sức mạnh của tinh thần, ý chí, ngang tàng, lẫm liệt, sức mạnh "dữ oai hùm". Quang Dũng đã thật khéo khi lấy cái "thô", cái "mộc" để tô đậm cái đẹp, cái dũng khí ẩn chứa trong tâm hồn người chiến sĩ hào hùng, dũng cảm và lạc quan. 

Nhưng chỉ dừng lại ở đó thì đâu gì gọi là Quang Dũng bởi những người lính dũng cảm, lạc quan ấy còn mang một tâm hồn hào hoa và lãng mạn của những chàng trai Hà Thành. Quang Dũng đã viết hai câu thơ rất đặc sắc:

   "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

"Mắt trừng" là đôi mắt mở to, đầy cảnh giác, ánh mắt "trừng" của người lính Tây Tiến vẫn luôn hướng về bên kia biên giới, ánh mắt của sự căm thù, của ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Ánh mắt trừng mà Quang Dũng khắc họa có sức mạnh như lời tuyên chiến trước quân thù, rất oai phong, hào hùng thể hiện ý chí và quyết tâm của những người lính vệ quốc:

         "Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi

   Nào có xá chi đâu ngày trở về

Ra đi ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi ra đi thà chết chớ lui."

Và gửi theo ánh mắt quyết tâm và lòng kiên trì ấy là giấc mộng chinh phu - giấc mộng của chí trai thời loạn, giấc mộng lập công danh, đền nợ nước trả thù nhà. Những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ đã không do dự xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận, sẵn sàng gánh trên vai "món nợ" núi sông. Chỉ với một hình ảnh thôi mà nhà thơ Quang Dũng đã khiến ta yêu nhiều và khâm phục nhiều tinh thần của người lính Tây Tiến. Những năm tháng ấy, các anh ngay cả khi đang cảnh giác trước quân địch, cũng ôm nỗi nhớ niềm thương về thị thành quê hương "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Mơ về Hà Nội với "dáng kiều thơm", với hình ảnh những thiếu nữ Hà thành duyên dáng trong tà áo dài thướt tha, một giấc mơ lãng mạn và hào hoa mà ta chỉ có thể bắt gặp ở tâm hồn người lính trẻ xuất thân chủ yếu là thanh niên tri thức thu đô, ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau mỗi chặng đường hành quân vất vả, phải chăng nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thương lại là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức lực để các anh vững tin vào khát vọng của mình, khát vọng lập công danh, đem hòa bình lại cho Tổ quốc. Vũ Quần Phương có nhận xét: "Hai câu thơ như chứa đựng cả thế giới". Sự tương đồng trong hai nét nghĩa "mộng" và "mơ", sự tương phản của hai thế giới "nghĩa chung" và "tình riêng" đã cùng làm nên vẻ đẹp toàn vẹn của người lính: họ không chỉ có lí tưởng cao cả, ý chí kiên cường, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn mà còn là những chàng trai lãng mạn, mơ mộng có trái tim chan chứa tình yêu thương. Cũng giống như hình ảnh trong một buổi sáng mùa thu trước cách mạng:

      "Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"

                                                                                                                       (Nguyễn Đình Thi)

Hình ảnh những chàng trai Hà Nội trong đoàn quân Tây Tiến cũng thật kiêu hùng, lãng mạn khi tình yêu thương là động lực để họ ra đi chiến đấu, còn lý tưởng cách mạng lại khiến tình yêu thương thêm cao cả, lớn lao. Đó chính là nét đẹp khắc họa chân thực và cảm động về cả thế hệ người Việt Nam dằn lòng gạt tình riêng, ra đi vì nghĩa lớn. 

Khép lại đoạn thơ, Quang Dũng đưa ta đến với hiện thực đau thương, nơi biên cương hẻo lánh rải rác những ngôi mộ không bia. Sự lạnh lẽo, hoang vắng tràn vào từng câu chữ cho sự khốc liệt và hơn hết là những đau thương, mất mát của cuộc chiến tranh:

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ"

Trên nền hiện thực ấy, những người lính bước qua con đường đầy máu và mộ phần để tiếp tục ra chiến trường giành lại tự do cho dân tộc mà không hề nao núng. Chính vì thế, nhà thơ sử dụng một loạt những từ Hán Việt như "biên cương", "viễn xứ" làm cho câu thơ trở nên trang trọng, mang trong mình không khí cổ kính, như đang kể lại những trận chiến lừng danh thuở xưa của cha ông ta. Lồng ghép vào trong đó là lý tưởng của một thời đại mới "chẳng tiếc đời xanh" - "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Chúng ta nhận thấy rõ sự đối lập khốc liệt giữa những sự vật: "chiến trường" - là mưa bom bão đạn, là cái chết cận kề, "đời xanh" - là tuổi trẻ, là ước vọng, là tương lai. Quang Dũng đã thay đồng đội mình, những anh hùng Tây Tiến, tuyên ngôn đầy ngạo nghễ, thể hiện sự lạc quan và tràn đầy chất lính: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". "Chẳng tiếc" vang lên như một lời khẳng định coi nhẹ cái chết, trong tim họ. Lời khẳng định của những chiến binh Tây Tiến năm ấy đã thể hiện vẻ đẹp lý tưởng của thế hệ thanh niên một thời:

"Chúng tôi đi không tiếc đời đời mình

        Những tuổi hai mươi làm sao chẳng tiếc

                            Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc"

                              ("Khúc bảy", Thanh Thảo)

Với thi nhân, chết không bao giờ là hết. Bằng việc sử dụng hình ảnh "áo bào thay chiếu", ông đã bi tráng hóa cái chết của con người, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính, "anh về đất" biến cái chết trở thành một sự nghỉ ngơi sau những quãng đường xông pha chiến trận làm không khí cả bài thơ bi nhưng không hề lụy. Cái chết của các anh, sự hy sinh của các anh luôn là sự nhắc nhớ trong trái tim đồng đội, đồng bào, sự hi sinh ấy lặng lẽ, âm thầm nhưng luôn cao cả và đáng kính:

"Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

         Không ai nhớ mặt đặt tên

                  Nhưng họ đã làm ra đất nước."

                                                                           ("Đất Nước", Nguyễn Khoa Điềm)

Trở lại với những vần thơ "Tây Tiến", Quang Dũng không trốn tránh hiện thực mà đã khắc họa sự hi sinh của những người lính một cách thanh thản, thầm lặng và cao cả, gây xúc động lòng người, lay động thiên nhiên. Và "Sông Mã" được nâng tầm như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến hết tất cả tội ác của kẻ thù và cả những chiến công hiển hách của binh đoàn Tây Tiến:

"Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

Sông Mã từng xuất hiện trong tiếng gọi tha thiết ở đầu bài thơ "Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!" như một biểu tượng của miền Tây, của Tây Tiến, của quá khứ, nay sống Mã trở lại với âm thanh dữ dội, hào hùng trong cảnh tiễn đưa tử sĩ. Từ âm thanh của tiếng sóng sông Mã, nghệ thuật nhân hóa trong cụm từ "gầm lên" thể hiện trọn vẹn sự dữ dội trong những cung bậc cảm xúc sâu sắc nhất với những bi phẫn, đau xót, tiếc thương. Sông Mã từng gắn bó với các anh trong suốt chặng đường hành quân gian khổ qua miền Tây, nay sông Mã lại là chứng nhân lịch sử thay cho cả thiên nhiên, đất trời, núi sống gầm vang "khúc độc hành" bi tráng đưa tiễn những người con yêu quý trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Có thể thấy "khúc độc hành" vừa mạnh mẽ hào tráng vì là khúc ca dành cho những người chiến sĩ anh hùng, vừa phảng phất âm hưởng cô đơn, ngậm ngùi, buồn bã bởi đây là cảm giác không tránh khỏi khi đứng trước cái chết, khi phải đưa tiễn những người thân yêu trong chuyến đi cuối cùng. 

Với nét vẽ vô cùng tinh tế về người lính Tây Tiến, ta càng thấy rõ vẻ đẹp của ngòi bút xứ Đoài mây trắng. Một ngòi bút hồn hậu, phóng khoáng lãng mạn và tài hoa. "Tây Tiến" không những là bài thơ nổi bật bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Quang Dũng mà còn mang đậm phong cách thơ của ông. Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng chủ đạo của bài thơ, là mạch cảm xúc nhớ nhung xuyên suốt về những thời đã qua của nhà thơ về đồng đội, đơn vị của mình. Chính cảm hứng lãng mạn đã biến một bài thơ viết về người lính cách mạng thành một bài thơ mang đậm nét trữ tình, đong đầy cảm xúc. Nhưng trong mạch cảm xúc ấy còn có sự hòa phối của bút pháp hiện thực đã lột tả một cách chân thực cuộc sống người lính nơi chiến trường với những gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt của chiến tranh để ta thấy trong cái phóng khoáng, lãng mạn của tuổi trẻ ấy vẫn tràn đầy mất mát, đau thương của một thời khói lửa. 

"Tây Tiến" đã thể hiện những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của Quang Dũng, đó là bút pháp tương phản đầy ấn tượng của cảm hứng lãng mạn, là chất họa chất nhạc đậm nét với giá trị biểu cảm mạnh mẽ, là cái bi tráng đưa đến những xúc động sâu sắc nhất trong lòng người đọc. Qua đó nhà thơ đã khắc họa sâu đậm hình ảnh người lính Tây Tiến trong cả cuộc sống chiến đấu gian khổ và sự hi sinh anh dũng, làm hiện lên vẻ đẹp toàn diện trong tâm hồn các anh, những người lính kiêu dũng, ngang tàng và lãng mạn, tài hoa. 

Quá khứ và chiến tranh đã lùi xa, chỉ còn tình yêu và nỗi nhớ thương ở lại. Bài thơ "Tây Tiến" của thi nhân đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của mình, để lại biết bao những xúc cảm bâng khuâng trong lòng độc giả. Thời gian vẫn cũ mòn cùng với các việc trôi chảy lở bồi của nó, và dẫu cho qua bao nhiêu năm tháng nữa qua đi làm cũ rách những trang thơ, thì giá trị của "Tây Tiến" vẫn sẽ tiếp tục lớn lên cùng với sự nuôi nấng màu mỡ của bao lớp tầng phù sa văn hóa mà người xưa gửi lại. Xin được mượn lời thơ của nhà thơ Giang Nam để thay lời kết cho bài viết. Có phải chính những vần thơ đã thêm một lần nữa giúp khẳng định ý nghĩa của "Tây Tiến" trong lòng độc giả:

            "Tây Tiến biên cương mờ khói lửa 

     Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy con người ấy

          Vẫn sống muôn đời với núi sông."

Bài văn mẫu số 11

Nếu như ở những đoạn thơ đầu, hình ảnh đoàn quân hiện lên qua nét vẽ gián tiếp thì ở đây, đoàn quân ấy đã hiện lên với những nét vẽ cụ thể, gân guốc nhưng cũng rất đỗi tài hoa và lãng mạn. 

      "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

Trên những nẻo đường hành quân chiến đấu, vượt qua bao núi cao dốc thẳm, đoàn binh Tây Tiến hiện lên giữa màu xanh của núi rừng trùng điệp, vừa kiêu hùng vừa cảm động. Người chiến binh với quân trang màu xanh của lá rừng, với nước da xanh xao vì sốt rét, thiếu thốn. Câu thơ trần trụi như hiện thực chiến tranh khốc liệt và gian khó. Cái hình hài kì dị "xanh màu lá", "không mọc tóc" tương phản với "dữ oai hùm" là một nét chạm khắc tài tình làm nổi bật chí khí hiên ngang, tinh thần quả cảm xung trận của các chiến binh Tây Tiến từng làm cho quân giặc khiếp sợ. "Dữ oai hùm" là một hình ảnh ẩn dụ nói lên chí khí người lính mang tính kế thừa và sáng tạo của Quang Dũng. Các chiến binh "Sát Thát" thời Trần: "Tỳ hổ ba quân, giáo gươm sáng chói" (Trương Hán Siêu) hay nghĩa quân Lam Sơn xung trận trong khí thế "bình Ngô": "Sĩ tốt kén tay tì hổ - Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh" (Bình Ngô đại cáo). Một dân tộc anh hùng anh hùng trên trận tuyến đánh quân thù thời đại nào cũng có những chiến sĩ "tì hổ" và "dữ oai hùm" như vậy. Với niềm tự hào, nhà thơ đã viết nên một câu thơ vô cùng đặc sắc, lấy cái "thô", cái "mộc" để tô đậm cái đẹp, cái dũng khí ẩn chứa trong tâm hồn người chiến sĩ.

Gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, bệnh tật,... muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng họ vẫn có những giấc mơ thanh xuân rất đẹp:

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

   Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Mộng và mơ gửi về hai phía chân trời: biên giới và Hà Nội. "Mắt trừng" là hình ảnh gợi lên sự dữ dội, oai phong lẫm liệt, tinh thần cảnh giác, tỉnh táo của người lính trong khói lửa trận mạc. "Mộng qua biên giới" là giấc mộng tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ biên cương, lập nên chiến công nêu cao tinh thần anh hùng của cha ông. Bên cạnh đó, họ cũng có những giấc mơ rất đẹp về bóng dáng thướt tha trên đường phố Hà thành. Sống giữa núi rừng miền Tây, gian khổ, ác liệt, cái chết bủa vây, các anh vẫn mơ về Hà Nội. Hình ảnh "dáng kiều thơm" trong câu thơ Quang Dũng đem đến cho người đọc nhiều thú vị: ngôn từ vốn có trong thơ lãng mạn thời "tiền chiến" nhưng dưới ngòi bút nhà thơ - chiến sĩ nó trở nên có hồn, đặc tả chất lính hào hoa, trẻ trung, lãng mạn của người lính trẻ.

Nếu người nông dân mặc áo lính trong thơ Chính Hữu mang theo nỗi nhớ "giếng nước gốc đa", nhớ mái nhà tranh, nhớ đồng ruộng, hay thơ Nguyên Hồng nhớ "người vợ trẻ" "mòn chân bên cối gạo canh khuya" thì người chiến sĩ trong thơ Quang Dũng lại "mộng" lập chiến công, "mơ dáng kiều thơm". Hữu Loan trong bài thơ "Màu tím hoa sim" cũng viết rất hay về nỗi nhớ của người lính thời chống Pháp:

"Từ chiến khu xa

Nhớ về ái ngại

          Lấy chồng thời chiến tranh

Mấy người đi trở lại

   Lỡ khi mình không về

                                     Thì thương người vớ bé bỏng chiều quê..."

Bốn câu thơ tiếp theo là những nét bổ trợ, tô đậm bức tranh chân dung người lính:

       "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

            Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

        Sông Mã gầm lên khúc độc hành." 

Trong gian khổ và chiến trận, bao đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường miền Tây.  Họ nằm lại nơi chân đèo góc núi. Nấm mồ người chiến sĩ "rải rác biên cương". Câu thơ để lại trong lòng ta nhiều thương cảm, biết ơn, tự hào:

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ"

Nếu tách câu thơ trên ra khỏi đoạn thơ thì nó tựa như bức tranh xám lạnh, ảm đạm và hiu hắt, đem đến nhiều xót thương. Nhưng nằm trong văn cảnh, đoạn mạch, câu thơ tiếp theo: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" đã nâng cao chí khí và tầm vóc người lính. Các anh ra trận vì một lý tưởng cao đẹp, lên đường vì nghĩa lớn của chí khí làm trai. Câu thơ "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" vang lên như một lời thề thiêng liêng, cao cả. Các anh quyết đem xương máu để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Anh bộ đội cũng như nhân dân ta đã đứng lên kháng chiến với quyết tâm sắt đá: "Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Nhà thơ đã ghi lại cảnh tượng bi tráng giữa chiến trường miền Tây thuở ấy:

"Áo bào thay chiếu anh về đất

        Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Các tráng sĩ ngày xưa giữa chốn sa trường lấy da ngựa bọc thây làm niềm kiêu hãnh. Các chiến sĩ Tây Tiến với chiếc chiếu đơn sơ, với "áo bào" bình dị ấy "anh về đất". Một cái chết nhẹ nhàng, thanh thản nhẹ tựa lông hồng. Anh ra trận giết giặc vì quê hương. Anh ngã xuống là "về đất", nằm trong lòng mẹ Tổ quốc thân yêu. Nhà thơ không dùng từ "chết", từ "hi sinh" mà là "về đất" để ca ngợi sự hi sinh cao cả mà bình dị, thầm lặng mà thanh thản. Tiếng sông Mã "gầm lên" giữa núi rừng miền Tây như tiếng kèn trong bài "Chiêu hồn liệt sĩ" tiến linh hồn liệt sĩ về nơi an giấc ngàn thu. Câu "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" là một câu thơ hay vì gợi tả được không khí thiêng liêng, trang trọng đồng thời tạo nên âm điệu trầm hùng, thương tiếc. 

Bài văn mẫu số 12

Một văn sĩ Pháp khi trả lời thư của một bạn trẻ: Hãy truy cứu nguyên do mà mình cầm bút, hãy kiểm tra xem nó có bắt rễ từ chỗ sâu xa nhất của trái tim không? Hãy tự thú xem nếu không viết liệu trái tim có chết không? Và trước hết hãy tự hỏi mình vào giờ khắc tĩnh mịch nhất trong đêm: ta có phải viết không? Cứ theo những lời khuyên của Rai-tơ thì những ngày xa binh đoàn Tây Tiến nếu không viết một bài thơ để thương, để nhớ thì chưa chắc Quang Dũng đã chết nhưng ông sẽ cùng đau khổ vì nỗi "nhớ chơi vơi", vì nỗi nhớ về đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch và sẽ trở thành nỗi ám ảnh day dứt. "Tây Tiến" là tác phẩm đã lưu giữ những kỉ niệm hào hùng, đáng nhớ của một thời tiến quân về miền Tây cùng quân dân nước bạn Lào chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là một tiếng thơ bi tráng của thi ca Việt Nam trong những ngày dầu cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trường kì, toàn dân, toàn diện. Quang Dũng đã khắc tạc thành công tượng đài nghệ thuật bằng ngôn từ về đoàn quân Tây Tiến trong sự hài hào giữa vẻ đẹp hào hoa và hào hùng.

Nhà thơ Trần Lê Vân, người bạn thân, đã từng sống nhiều năm, từng in thơ chung với Quang Dũng viết về hoàn cảnh Quang Dũng sáng tác bài thơ như sau: "Đoàn quân Tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào trở về thành lập trung đoàn 52. Đại đội trưởng Quang Dũng ở đó đến cuối năm 1948 rồi được chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, ngồi ở Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ) anh viết bài thơ "Tây Tiến". Muốn hiểu được bài thơ "Tây Tiến", trước hết cần phải có những hiểu biết về đoàn quân Tây Tiến cùng với địa bàn hoạt động của nó.Khoảng cuối mùa xuân năm 1947, Quang Dũng gia nhập đoàn quân Tây Tiến. Đó là một đơn vị thành lập vào đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt - Lào, đánh tiêu hao địch ở Thượng Lào để hỗ trợ cho cuộc kháng chiến ở những vùng khác trên đất Lào. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, bao gồm vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào: từ Châu Mai, Châu Mộc sang tận Sầm Nứa rồi vòng về qua miền Tây Thanh Hóa. Những nơi này lúc đó còn rất hoang vu và hiểm trở, núi cao, sông sâu, rừng dậm, nhiều thú dữ. Những người lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả những học sinh, sinh viên (Quang Dũng thuộc số này). Sinh hoạt của những người lính Tây Tiến hết sức gian khổ, ốm đau không có thuốc men, tử vong vì sốt rét nhiều hơn là vì đánh trận. Tuy vậy, họ vẫn sống lạc quan và chiến đấu dũng cảm. Vượt lên trên mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh và hoàn cảnh sống cực kỳ gian khổ, họ vẫn giữ được cái cốt cách hào hoa, thanh lịch, rất yêu đời và cũng rất lãng mạn. Có thể nói, hình tượng những người lính trong thi phẩm được khắc họa với vẻ đẹp tinh thần vừa hào hùng vừa hào hoa. Những con người mang trong mình lý tưởng cứu nước cao đẹp nên có ý chí, nghị lực phi thường để đối mặt, vượt lên những thử thách khốc liệt của cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của chiến trường. Đó còn là những người mang vẻ đẹp hào hoa với trái tim nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống, con người miền Tây và nỗi nhớ bay bổng lãng mạn, đằm thắm về quê hương. Có lẽ khắc họa vẻ đẹp những người lính Tây Tiến, Quang Dũng không chỉ thực sự xúc động hồn thơ mà còn phát huy tài năng của một cây bút tài hoa trong thơ ca cách mạng Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Nếu như các nhơ cùng viết về người lính bằng cảm hứng hiện thực với vẻ đẹp hồn nhiên, chân chất giản dị thì Quang Dũng lại tạc vào thời gian, vào lịch sử dân tộc hình tượng người lính có một không hai bằng cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng. Cảm hứng lãng mạn thể hiện ở "cái tôi" đầy tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. Nó phát huy cao độ trí tưởng tượng, sử dụng rộng rãi những yếu tố cường điệu và phóng đại, những thủ pháp đối lập để tô đậm cái phi thường, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về cái hùng vĩ và cái tuyệt mĩ. 

Chất lãng mạn được thể hiện chủ yếu ở cảm hứng hướng tới cao cả, sẵn sàng xả thân, hi sinh tất cả cho lý tưởng chung của cộng đồng, của toàn dân tộc. "Tây Tiến" không hề che giấu cái bi, không né tránh những gian khổ khắc nghiệt của hiện thực. Cái bi được thể hiện bằng một giọng điệu, âm hưởng, màu sắc tráng lệ, hào hùng có thể đem đến cho người lính sức mạnh và niềm tin vào tương lai. Chất lãng mạn hòa hợp với chất bi tráng, tạo nên vẻ đẹp của bài thơ.

Trên cái nền hùng vĩ, hiểm trở của núi rừng và sự duyên dáng, thơ mộng của Tây Bắc, hình tượng người lính Tây Tiến xuất hiện với một vẻ đẹp đầy tính bi tráng:

        "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

       Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

       Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm."

Quang Dũng đã chọn lọc, đã tinh lọc những nét tiêu biểu nhất của những người lính Tây Tiến để tạc nên bức tượng đài tập thể đặng khái quát được chân dung chung của cả đoàn quân. Cái bi cái hùng là hai chất liệu chủ yếu của bức tượng đài, chúng hòa quyện, xâm nhập vào nhau, nương tựa, nâng đỡ cho nhau, tạo nên vẻ đẹp bi tráng - cái thần thái chung của cả bức tượng đài. Thơ ca thời kháng chiến chỉ viết về người lính thường nói đến căn bệnh sốt rét hiểm nghèo. Chính Hữu trong bài "Đồng chí" đã trực tiếp miêu tả căn bệnh ấy:

"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

     Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi"

Còn Tố Hữu, khi vẽ chân dung anh vệ quốc quân trong bài "Cá nước" với những hình ảnh thật cụ thể:

"Giọt mồ hôi rơi

               Trên má anh vàng nghệ"

Cũng không quên ảnh hưởng của thứ bệnh quái ác đó. Quang Dũng trong Tây Tiến không hề che giấu gian khổ, khó khăn, những căn bệnh hiểm nghèo và sự hi sinh lớn lao của người lính. Chỉ có điều, tất cả những cái đó, qua ngòi bút của ông, không được miêu tả một cách trần trụi mà qua một cái nhìn đậm màu sắc lãng mạn. Những cái đầu không mọc tóc của người lính Tây Tiến đâu phải là hình ảnh ly kỳ, giật gân, sản phẩm của trí tưởng tượng mà chứa đựng một sự thực nghiệt ngã. Những người lính Tây Tiến người thì cạo trọc để thuận lợi trong những trận cận chiến với địch, người thì bị sốt rét đến rụng tóc trọc đầu. 

Cái vẻ xanh xao vì thiếu thốn, sốt rét của những người lính, qua cái nhìn của Quang Dũng vẫn toát lên oai phong dữ dằn của những con hổ nơi rừng thiêng. Cái vẻ oai phong, lẫm liệt ấy còn được thể hiện qua ánh mắt giận dữ "mắt trừng" của họ. Những người lính Tây Tiến, qua ngòi bút của thi nhân, không phải những người khổng lồ không tim. Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông nhìn thấy xuyên qua cái vẻ oai hùng dữ dằn bề ngoài của họ, là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".

Như vậy, trong khổ thơ này, nhà thơ đã tạc nên bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến không chỉ bằng những đường nét khắc họa dáng vẻ bên ngoài mà còn thể hiện được cả thế giới tâm hồn bên trong đầy thơ mộng của họ. Ngòi bút Quang Dũng khi dựng lên hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương, bi lụy. Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào cái bi thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của lý tưởng, của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy mà cái bi thương được gọi lên qua hình ảnh của những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới lạnh lẽo, xa xôi, một mặt đã được giảm nhẹ đi nhiều nhờ những từ Hán Việt cổ kính, trang trọng: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" mặt khác, chính cái bi thương ấy cũng lại bị mờ đi trước lí tưởng quên mình, xả thân vì tổ quốc của những người lính Tây Tiến "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh".

Những người lính Tây Tiến tuy xanh xao, vẻ ngoài kì dị những vẫn chói ngời vẻ đẹp lý tưởng, mang dáng dấp của những tráng sĩ thuở xưa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cái sự thật bi thương: Những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có cả đến manh chiếu để che thân, qua cái nhìn của Quang Dũng, lại được bọc trong những tấm ào bào sang trọng. Cái bi thương ấy vợi đi nhờ cách nói giảm "anh về đất" và rồi bị át đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã:

"Áo bào thay chiếu anh về đất

        Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Trong cái âm hưởng vừa dữ dội, vừa hào hùng của thiên nhiên ấy, cái chết, sự hi sinh của người lính Tây Tiến không bi lụy mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Giọng điệu chủ đạo của những đoạn thơ thứ ba này sang trọng, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội. 

Những người lính Tây Tiến là tượng đài nghệ thuật lãng mạn thấm đẫm chất bi tráng, giàu chất hiện thực về người lính vệ quốc trong kháng chiến chống Pháp. Đó là biểu tượng về vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam trong những năm tháng ấy. Quang Dũng đã kế thừa thành tựu nghệ thuật của thơ ca trung đại, lãng mạn trong việc khắc họa những con người lý tưởng của thời đại. Hình tượng người lính Tây Tiến vừa anh hùng vừa hào hoa. Họ là những con người vĩ đại nhưng cũng rất đỗi đời thường. Có lẽ vì vậy mà hình tượng thơ đã tạo được sức sống lâu bền trong dòng chảy của thời gian, lịch sử. 

Vẫn là thủ pháp nghệ thuật tương phản đối chọi nhau. Bi mà không lụy, buồn đau mà hào hùng, mất mát hi sinh mà vẫn lạc quan. Và như thế, chính chất lãng mạn của bài thơ đã nần người đọc lên, vực dậy những người lính mệt mỏi đang dãi dầu không bước nữa, xóa tan đi bao nhọc nhằn đau khổ, lãng quên đi bao nỗi hiểm nguy và lấy lại cân bằng trong tâm hồn người lính, giúp họ vững bước đi lên. Chất lãng mạn ấy chính là sức mạnh, là vẻ đẹp của người lính Tây Tiến. 

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 hay khác:

TOP 10 Bài văn phân tích đoạn 2 bài thơ Tây tiến (2024) SIÊU HAY

TOP 20 bài văn mẫu phân tích đoạn cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (2024) HAY nhất

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!