Tinh dịch loãng: Nguyên nhân, ảnh hưởng khả năng sinh sản và biện pháp điều trị

Tinh dịch là dịch được phóng ra qua niệu đạo của nam giới trong quá trình xuất tinh. Tinh dịch chứa tinh trùng và dịch lỏng tiết ra từ tuyến tiền liệt và các cơ quan sinh sản khác của nam giới. Bình thường, tinh dịch đặc sệt, màu trắng. Tuy nhiên, một số tình trạng có thể làm thay đổi màu sắc và độ đặc của tinh dịch.

Tinh dịch loãng có thể là dấu hiệu của số lượng tinh trùng thấp, có thể dẫn đến giảm chức năng sinh sản. Nhưng cũng có thể là do một tình trạng tạm thời không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về tinh dịch loãng. 

4 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tinh dịch loãng

Một số nguyên nhân có thể khiến tinh dịch loãng. Hầu hết đều có thể điều trị hoặc có thể phòng ngừa được.

1. Số lượng tinh trùng thấp 

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tinh dịch loãng là số lượng tinh trùng thấp. Đây còn được gọi là oligospermia, nghĩa là tinh dịch của bạn chứa ít tinh trùng hơn bình thường. Số lượng ít hơn 15 triệu tinh trùng trên một ml tinh dịch được coi là dưới mức bình thường. 

Một số nguyên nhân của oligospermia bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: là tình trạng giãn các tĩnh mạch dẫn máu từ tinh hoàn nằm trong bìu. Đây là nguyên nhân thường gặp gây vô sinh nam, nhưng có thể điều trị được.
  • Nhiễm trùng. Ví dụ bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu hoặc một loại nhiễm trùng khác gây viêm cơ quan sinh dục, chẳng hạn như viêm mào tinh hoàn.
  • Các khối u. Các khối u ác tính và lành tính trong tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng. 
  • Mất cân bằng hormone. Các hormone được sản xuất trong tinh hoàn, tuyến yên và vùng dưới đồi đều cần thiết để tạo ra tinh trùng khỏe mạnh. Những thay đổi ở hormone nào trong số này đều có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng. 

Các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây giảm số lượng tinh trùng bao gồm: 

  • Các vấn đề về xuất tinh, chẳng hạn như xuất tinh ngược dòng
  • Kháng thể kháng tinh trùng trong hệ thống miễn dịch 
  • Chấn thương hoặc các vấn đề khác của đường ống dẫn tinh  

2. Xuất tinh thường xuyên 

Xuất tinh thường xuyên cũng có thể dẫn đến tinh dịch loãng. Nếu bạn thủ dâm nhiều lần trong ngày thì tinh dịch sau lần xuất tinh đầu tiên có khả năng loãng và nhiều nước. Cơ thể  cần ít nhất vài giờ để sản xuất một lượng tinh dịch có chất lượng như bình thường.

3. Thiếu kẽm 

Một nguyên nhân khác có thể khiến tinh dịch loãng là do thiếu kẽm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đàn ông có đủ lượng kẽm hoặc những người đàn ông bị thiếu kẽm và bổ sung kẽm sulfat có thể chống lại tác động của kháng thể kháng tinh trùng tốt hơn. Những kháng thể này được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch và phản ứng nhầm với tinh trùng như một vật thể lạ.

4. Tiền xuất tinh  

Nếu tinh dịch của bạn có dạng nước, điều quan trọng cần lưu ý là dịch đó có màu sắc hay trong suốt. Tinh dịch rất trong có thể là chất dịch tiền xuất tinh được tiết ra trong màn dạo đầu và thường chứa ít tinh trùng.

Tinh dịch có màu bất thường  

Nếu bạn nhận thấy tinh dịch của mình bị đổi màu, đó có thể là dấu hiệu của vấn đề bất thường.

Màu hồng hoặc nâu đỏ có thể là viêm hoặc chảy máu ở tuyến tiền liệt, hoặc trong (các) túi tinh. Túi tinh là một cặp tuyến giúp sản xuất một phần dịch lỏng đáng kể trong tinh dịch. Các bệnh lý thường có thể điều trị được. 

Tinh dịch màu vàng có thể do chứa một lượng nhỏ nước tiểu hoặc lượng bạch cầu cao bất thường. 

Tinh dịch màu vàng xanh có thể là bạn đã bị nhiễm trùng tuyến tiền liệt. 

Khi nào cần đi khám 

Nếu bạn nhận thấy tinh dịch của mình liên tục loãng hoặc đổi màu, hãy đến gặp bác sĩ tiết niệu. Còn nếu bạn và đối tác của bạn đã cố gắng nhưng vẫn chưa thụ thai, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa sản. 

Một trong những xét nghiệm đầu tiên sẽ được thực hiện là phân tích tinh dịch. Xét nghiệm này nhằm kiểm tra sức khỏe tinh trùng và chất lượng tinh dịch của bạn, thông qua các chỉ sổ: 

  • Lượng tinh dịch từ một lần xuất tinh
  • Thời gian hóa lỏng, là khoảng thời gian cần thiết để tinh dịch chuyển từ dạng lỏng đặc sệt như gel sang dạng sánh đặc hơn
  • Tính axit
  • Số lượng tinh trùng
  • Khả năng di chuyển của tinh trùng
  • Hình thái tinh trùng: gồm kích thước và hình dạng của tinh trùng 

Bác sĩ cũng sẽ hỏi các câu hỏi về bệnh sử và thăm khám cho bạn. Ngoài ra bạn cũng sẽ được hỏi một số câu hỏi về lối sống, chẳng hạn như về hút thuốc lá và uống rượu. 

Các xét nghiệm khác có thể cần thiết nếu bác sĩ nghi ngờ có vấn đề về rối loạn hormone hoặc chức năng tinh hoàn và các cơ quan xung quanh.

Các phương pháp điều trị

Tinh dịch loãng do số lượng tinh trùng giảm thấp không nhất thiết phải điều trị. Giảm số lượng tinh trùng không có nghĩa là bạn không thể có con. Có thể phải theo dõi thêm hoặc bạn có thể bị nhiễm trùng tạm thời gây ra số lượng tinh trùng thấp.

Điều trị nhiễm trùng có thể dùng kháng sinh. Các phương pháp điều trị bằng hormone có thể được khuyên dùng nếu sự mất cân bằng hormone được xác định là nguyên nhân khiến số lượng tinh trùng của bạn thấp. Nếu phát hiện ra giãn tĩnh mạch thừng tinh thì phẫu thuật thường có thể đem lại hiệu quả.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống có thể giúp tăng số lượng tinh trùng và cải thiện chất lượng tinh dịch của bạn, nguồn: https://mi-hub.com

Trong một số trường hợp, thay đổi lối sống có thể giúp tăng số lượng tinh trùng và cải thiện chất lượng tinh dịch của bạn, bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân.
  • Giảm uống rượu.
  • Luyện tập thể dục đều đặn. 

Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn kiêng quan hệ tình dục trong một khoảng thời gian để bạn ít xuất tinh hơn, từ đó theo dõi xem tinh dịch của bạn có đặc hơn hay không.

Tổng kết 

Trong nhiều trường hợp, thay đổi về độ đặc của tinh dịch là tạm thời và có thể điều trị được. Nếu nguyên nhân khiến tinh dịch loãng là do số lượng tinh trùng thấp và bạn đang cố gắng thụ thai cùng bạn đời, thì bạn có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau. Trao đổi với bác sĩ sản khoa về phương pháp tốt nhất cho bạn. 

Trước khi bạn đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, hãy trao đổi với bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác. 

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!