Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ về các tác động của việc tuân theo chế độ ăn keto trong thời gian dài. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những yếu tố liên quan đến chế độ ăn keto, những nguy cơ và tác dụng phụ và nhóm đối tượng có thể đi theo chế độ này.
Chế độ ăn kiêng keto là gì?
Keto là một chế độ ăn hạn chế lượng carbohydrate và tăng lượng chất béo mà bạn tiêu thụ hàng ngày. Mục đích của chế độ này là thúc đẩy cơ thể đốt cháy chất béo thay vì carbohydrate
để tạo năng lượng.
Sự thay đổi chuyển hóa này đưa cơ thể vào trạng thái ketosis - xảy ra khi cơ thể bắt đầu đốt cháy chất béo do thiếu lượng đường lưu thông trong máu. Trong trạng thái này, cơ thể sẽ chuyển hoá chất béo thành thể ceton để cung cấp năng lượng.
Sau khi thực hiện chế độ keto từ 2-4 ngày, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ketosis. Mọi người thực hiện chế độ ăn kiêng keto với nhiều mục đích khác nhau, có thể là để giảm cân hoặc kiểm soát một số bệnh lý khác như đái tháo đường.
Chế độ keto giới hạn lượng carbohydrate tiêu thụ hàng ngày ở mức 50 gram hoặc ít hơn. Với tổng lượng calo tiêu thụ mỗi ngày là 2000 calo, chế độ này yêu cầu người thực hiện phải tuân theo các tỷ lệ dinh dưỡng sau đây:
- 55–60% calo từ chất béo
- 30–35% calo từ protein
- 5–10% calo từ carbohydrate
“Cúm” keto
Chế độ ăn keto là một sự thay đổi mạnh mẽ đối. Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ (Dietary Guidelines for Americans) năm 2015–2020, hơn một nửa dân số Hoa Kỳ ăn đủ tổng lượng tinh bột được khuyến nghị mỗi ngày và khoảng 70% trong số đó tiêu thụ lượng đường nhiều hơn mức cho phép.
Do đó, việc thay đổi chế độ ăn với ít tinh bột một cách đột ngột có thể gây ra một số tác dụng phụ. Trong khi chuyển qua trạng thái ketosis, bạn có thể bị “cúm” keto. Các triệu chứng thường gặp là:
- Mất ngủ
- Mệt mỏi
- Buồn nôn và nôn
- Giảm sức bền khi tập luyện
- Nhức đầu
- Táo bón
- Chóng mặt
Hầu hết các trường hợp bị “cúm” keto trong một thời gian ngắn và sẽ cải thiện trong vòng vài ngày đến vài tuần. Uống đủ nước và các chất điện giải có thể làm giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này không thuyên giảm,hãy đi khám bác sỹ ngay.
Những vấn đề mà bạn có thể gặp phải nếu theo chế độ keto trong thời gian dài
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được những ảnh hưởng lâu dài của chế độ ăn keto đến sức khoẻ trong 2 năm đầu. Tuy nhiên, bất kỳ chế độ ăn kiêng nào trong một thời gian dài đều gây thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất.
Một người theo chế độ ăn keto cần theo dõi lượng carbohydrate tiêu thụ từ tất cả các nguồn khác nhau, bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Do đó, họ có thể đã cắt giảm một số loại thực phẩm có lợi cho sức khoẻ.
Thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể gây ra nhiều triệu chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Những người theo chế độ keto vẫn cần phải bổ sung đủ các chất dinh dưỡng.
Những nguy cơ tiềm ẩn của chế độ ăn nhiều chất béo và protein bao gồm:
- Sỏi thận
- Gan nhiễm mỡ
- Giảm protein máu
Nói chung, chế độ ăn ít carbohydrate có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy những người theo chế độ ăn ít tinh bột thường bị tăng nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp - một yếu tố nguy cơ gây bệnh lý tim mạch.
Ngoài ra, trong một bài đánh giá năm 2012, các tác giả kết luận rằng chế độ ăn ít carbohydrate và tăng tiêu thụ protein và chất béo có nguồn gốc từ động vật làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 và tăng tỷ lệ tử vong.
Các nhà khoa học sẽ cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về tác dụng phụ và nguy cơ tiềm ẩn của việc tuân theo chế độ ăn keto trong một thời gian dài.
Những vấn đề khác
Nếu bạn muốn theo chế độ keto, hãy cân nhắc những vấn đề sau đây:
- Hiệu quả khác nhau: Chế độ keto có thể hỗ trợ giảm cân ở một vài người, nhưng đối với một số người khác lại kém hiệu quả hơn. Theo Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn (Academy of Nutrition and Dietetics), tốc độ rơi vào trạng thái ketosis và thời gian bắt đầu đốt cháy mỡ cũng khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, chế độ ăn này ảnh hưởng lên mỗi người rất khác nhau.
- Khó thực hiện: Chế độ ăn keto giới hạn rất nghiêm ngặt các loại thực phẩm bạn có thể tiêu thụ. Do đó, việc tuân theo chế độ này trong một thời gian dài là một thách thức. Và trong một số trường hợp, bạn sẽ tăng cân ngay sau khi sử dụng lại carbohydrate.
- Chất béo bão hòa: Cơ thể duy trì trạng thái ketosis bằng cách tiêu thụ chất béo, điều này có thể dẫn đến việc phụ thuộc nhiều vào chất béo động vật hoặc chất béo bão hòa. Vì vậy, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính.
Bạn có thể giảm thiểu những rủi ro của chế độ ăn keto bằng cách:
- Đảm bảo những loại thực phẩm trong chế độ này cung cấp cho bạn đầy đủ vitamin và khoáng chất
- Sử dụng các loại chất béo lành mạnh chẳng hạn như dầu ô liu, các loại cá và quả bơ thay vì chất béo bão hòa.
- Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo bão hòa.
- Khi đã đạt được cân nặng mong muốn, việc ăn lượng carbonhydrate trở lại cần tăng lên từ từ.
Ai nên thử chế độ ăn kiêng keto?
Chế độ ăn keto là một cách hiệu quả để kiểm soát cân nặng và cải thiện một số tình trạng bệnh lý nhất định.
Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ cho rằng chế độ ăn này có thể làm giảm tần suất co giật ở trẻ động kinh, kiểm soát tốt nồng độ insulin và tăng độ nhạy của tế bào với insulin ở những bệnh nhân đái tháo đường.
Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên tuân theo chế độ ăn này hoặc cần phải hỏi thêm ý kiến của bác sỹ. Theo Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn, những trường hợp này bao gồm:
- Bệnh lý tụy
- Bệnh lý tuyến giáp
- Bệnh lý gan
- Bệnh lý túi mật hoặc đã cắt bỏ túi mật
- Tiền sử rối loạn tiêu hoá
Nếu bạn muốn theo đuổi chế độ ăn kiêng keto, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để xác định xem đó có phải là một lựa chọn tốt hay không.
Tổng kết
Khi bắt đầu theo chế độ ăn keto, bạn có thể gặp phải tình trạng “cúm” keto với các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn và chóng mặt. Tình trạng này thường chấm dứt sau vài ngày hoặc vài tuần.
Những người theo chế độ ăn keto trong một thời gian dài có thể tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất nếu họ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, những người này còn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch nếu họ tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hoà.
Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không nên theo chế độ ăn keto. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bạn muốn theo bất kỳ một chế độ ăn kiêng nào.
Xem thêm: