Sốt xuất huyết: những điều cần biết

Sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt Dengue (Dengue fever, DF, đọc là đăng-gi hoặc đăng gơ), tại Việt Nam thường được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết (SXH), là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypti.

Video: Bệnh sốt xuất huyết là gì?/Hiểu rõ trong 5 phút

Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Dịch tễ 

  • Phân bố địa lý: Bệnh SXH lưu hành ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi sinh sống của các loài muỗi Aedes. Ở Châu Á, bệnh lưu hành ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Bệnh gặp cả ở vùng thành thị, nông thôn và ngay cả miền núi, tuy nhiên tập trung cao nhất ở các khu vực có mật độ dân cư đông, tình trạng đô thị hóa cao. Việt Nam được coi là vùng dịch lưu hành địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ. Tỷ lệ mắc hàng năm trong vòng 10 năm gần đây dao động từ 40 tới 310 trường hợp trên 100.000 dân, trong đó khu vực miền Nam thường xuyên chiếm trên 70% các ca mắc mới. Tỷ lệ tử vong có thể lớn hơn 1/100 000 dân, tuy nhiên trong những năm gần đây Việt Nam thường duy trì ở mức thấp hoặc rất thấp, từ 0,1 tới 0,01/100.000 người.

 

Biểu đồ số mắc, tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 1980-2020 tại Việt Nam

 

  • Phân bố theo thời gian: Bệnh thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình tháng cao; ở miền Nam gần như quanh năm, ở miền Bắc từ tháng 7 tới tháng 11. Chu kỳ của dịch bệnh SXH khoảng 3 - 5 năm. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra, ví dụ ở Việt Nam các đỉnh dịch SXH lớn và tương đối lớn rơi vào các năm 1987, 1998, 2007, trong khi các đỉnh dịch nhỏ gặp vào các năm 1991, 2004.
  • Phân bố theo nhóm người: Mọi người sống trong khu vực lưu hành địa phương của SXH đều có thể mắc bệnh hoặc trở thành người lành mang vi rút. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên tỷ lệ mắc bệnh rất khác nhau giữa các nhóm dân cư. Nhóm người có nguy cơ cao mắc SXH là trẻ em, người di cư hay du lịch đến từ vùng không lưu hành SXH, người dân sinh sống tại các khu đang đô thị hóa, đời sống kinh tế thấp kém, vùng có tập quán trữ nước và sử dụng nước không được kiểm soát, vùng có mật độ muỗi Aedes aegypti thường xuyên cao.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Vi rút Dengue thuộc nhóm Flavivirus (họ Arbovirut nhóm B hay Flaviviridae). Vi rút Dengue có 4 typ huyết thanh, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp huyết thanh đều có thể gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. 
Vi rút Dengue (Nguồn thenativeantigencompany.com)Vi rút Dengue (Nguồn thenativeantigencompany.com)
  •  Khả năng tồn tại ở môi trường: vi rút Dengue có thể tồn tại, phát triển lâu dài trong cơ thể muỗi Aedes aegypti, tuy nhiên dễ dàng bị tiêu diệt khi ra môi trường bên ngoài. Các hóa chất khử khuẩn thông thường (nhóm clo hoạt tính, nhóm alcol, các muối kim loại nặng, chất ôxy hóa, chất tẩy, xà phòng...) và nhiệt độ trên 56oC có thể bất hoạt vi rút chỉ trong vài chục phút. Vi rút có thể tồn tại lâu dài hơn (nhiều tháng, hàng năm) trong nhiệt độ âm sâu (-70oC).

Nguồn lây bệnh và phương thức lây truyền

  • Người là ổ chứa và là nguồn truyền nhiễm chủ yếu của bệnh SXH trong chu trình “người-muỗi Aedes aegypti” ở khu vực thành thị và nông thôn. Ngoài bệnh nhân, người mang vi rút dengue không triệu chứng cũng có vai trò truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch SXH cứ 1 trường hợp bệnh điển hình có hàng chục trường hợp mang vi rút tiềm ẩn, không có triệu chứng.
  • Những nghiên cứu ở Malaysia đã chứng minh được loài khỉ hoang dã cũng là nguồn chứa mầm bệnh, nhưng chưa có bằng chứng bệnh lây từ khỉ sang người
Muỗi Aedes aegypti (Nguồn pentamedica.com)Muỗi Aedes aegypti (Nguồn pentamedica.com)
  • Bệnh lây theo đường máu qua muỗi Aedes. Muỗi chủ yếu là A. aegypti ở thành thị. Muỗi thứ yếu: A. albopictus ở nông thôn, trong rừng và A. Polynesiensis ở Nam Thái Bình Dương. Một số loài muỗi khác như A. Scultellaris, A. niveus, A. cooki…là trung gian truyền bệnh thứ yếu.
  • Aedes aegypti là muỗi vằn, có nhiều ở thành phố, thị xã, sống trong nhà và ngoài trời, sinh sản thuận lợi ở những dụng cụ chứa muỗi nhân tạo gần nhà. Nhiệt độ thuận lợi cho trứng muỗi phát triển là trên 26­oC (11- 18 ngày) ở nhiệt độ 32-33 oC chỉ cần 4-7 ngày. Muỗi Aedes aegypti ưa đốt người, đốt dai, đốt nhiều lần đến no máu thì thôi, đốt người chủ yếu vào ban ngày. Sau khi đốt no máu, muỗi đậu ở nơi tối, độ cao từ 2m trở xuống, bay xa được 400m

Sinh lý bệnh

Nhiễm vi rút Dengue thường không có biểu hiện rõ ràng. Sốt Dengue cổ điển (thể nhẹ) chủ yếu xuất hiện ở người lần đầu mắc bệnh, chưa có miễn dịch. SXH Dengue/Hội chứng sốc Dengue (thể nặng) thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bệnh nhân đã có sẵn miễn dịch chủ động (do đã bị bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại huyết thanh khác. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Các phức hợp kháng nguyên-kháng thể lưu hành trong máu, sự hoạt hóa hệ thống bổ thể và giải phóng các chất hoạt mạch có thể gây nên tăng tính thấm mao mạch đối với huyết tương, xuất huyết và có thể là đông máu nội mạch lan tỏa. Trong quá trình đào thải miễn dịch của các tế bào nhiễm vi rút, các protease và lymphokin được phóng thích gây hoạt hóa hệ thống bổ thể cũng như các yếu tố tăng tính thấm thành mạch.

Triệu chứng của sốt xuất huyết

Thời kỳ ủ bệnh: 

Thường kéo dài từ 3 – 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày.

Giai đoạn sốt 

Sốt cao thường là triệu chứng khởi phát ở bệnh SXH DengueSốt cao thường là triệu chứng khởi phát ở bệnh SXH Dengue
  • Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. 
  • Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Như vậy biểu hiện xuất huyết không chỉ ở giai đoạn nguy hiểm mới có 

Giai đoạn nguy hiểm 

Từ 3 đến 7 ngày, tức là vào giai đoạn hạ sốt, một số trường hợp nhiễm trùng lần đầu tiên và đa số các nhiễm trùng thứ phát sau khi đã nhiễm một loại huyết thanh khác có biểu hiện hạ tiểu cầu (< 100.000/mm³) và cô đặc máu. Thường thì giảm tiểu cầu xảy ra trước cô đặc máu. Biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Các biểu hiện xuất huyết thường gặp trong SXH Dengue gồm xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích, chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa. Lá lách thường không lớn. Nếu gan lớn và đau thì đây là những dấu hiệu bệnh nặng. Các biểu hiện khác có thể gồm tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, bệnh lý não với dịch não tủy bình thường 

Giai đoạn hồi phục

Thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Có thể phát ban hoặc ngứa ngoài da.

Chẩn đoán sốt xuất huyết

  • Chẩn đoán dengue thường dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng như trình bày ở trên cũng như dựa vào các xét nghiệm đơn giản: số lượng bạch cầu, số lượng tiểu cầu và hematocrit.
  • Số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi: SXH thường có giảm bạch cầu. Trường hợp tăng bạch cầu và tăng bạch cầu trung tính thường là cơ sở để loại trừ dengue xuất huyết.
  • Giảm tiểu cầu (< 100.000/mm³): cần làm số lượng tiểu cầu ở bất kỳ bệnh nhân nào nghi ngờ SXH. Tiểu cầu càng giảm, nguy cơ xuất huyết càng cao.
  • Hematocrit: khi giá trị hematocrit tăng trên 20% so với trị số bình thường trước đó thì bệnh nhân được coi là có cô đặc máu. Đây là một tiêu chuẩn chẩn đoán SXH Dengue. Nếu không biết được giá trị hematocrit bình thường của bệnh nhân thì có thể xem giá trị > 45% là mốc chẩn đoán.
  • Một số xét nghiệm khác nhằm đánh giá mức độ bệnh: điện giải đồ, khí máu, chức năng đông máu, men gan, X quang phổi nhằm phát hiện biến chứng tràn dịch màng phổi.
  • Chẩn đoán nguyên nhân là cực kỳ quan trọng và cần thiết nếu xét trên phương diện sức khỏe cộng đồng nhưng lại có vẻ là không cần thiết cho việc thiết lập một chế độ điều trị hỗ trợ sớm cho bệnh nhân. Có thể phát hiện mầm bệnh trong máu và huyết thanh bằng phương pháp phân lập vi rút, xác định kháng nguyên vi rút bằng các phương pháp miễn dịch hoặc phát hiện bộ gene của vi rút bằng kỹ thuật khuyếch đại chuỗi DNA (PCR - Polymerase chain reaction).

Điều trị sốt xuất huyết

  • Điều trị SXH theo phân độ, trong đó phần lớn các trường hợp SXH Dengue đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Còn SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue nặng thì phải nhập viện điều trị
  • SXH Dengue chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau:
  • Sống một mình.
  • Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
  • Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
  • Trẻ nhũ nhi.
  • Dư cân, béo phì.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người lớn tuổi (≥60 tuổi).
  • Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).
  • Việc điều trị ngoại trú chủ yếu là điều trị triệu chứng, bù dịch và theo dõi
  • Điều trị triệu chứng
  • Nếu sốt cao ≥ 38,5°C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.
  • Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.

Chú ý:

  • Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ.
  • Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
  • Bù dịch sớm bằng đường uống: Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, ...) hoặc nước cháo loãng với muối.
Người bệnh nên uống nhiều dung dịch oresolNgười bệnh nên uống nhiều dung dịch oresol
  •  Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô la,...
  • Lượng dịch khuyến cáo: uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.
  • Theo dõi
  • Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cho nhập viện điều trị.
  • Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau
  • Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
  • Không ăn, uống được.
  • Nôn ói nhiều.
  • Đau bụng nhiều.
  • Tay chân lạnh, ẩm.
  • Mệt lả, bứt rứt.
  • Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
  • Không tiểu trên 6 giờ.
  • Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

Biến chứng của bệnh SXH

SXH có thể gây nên các biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao:

  • Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc SXH
  • Xuất huyết nặng
  • Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch.
  • Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.
  • Suy tạng nặng
  • Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.
  • Suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu (không có nước tiểu), ure, creatinin tăng cao.
  • Rối loạn tri giác (SXH thể não).
  • Viêm cơ tim, suy tim.

 Phòng bệnh sốt xuất huyết

  • SXH là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường trung gian là muỗi vằn Aedes aegypti, chính vì thế, biện pháp phòng ngừa SXH ở người lớn và trẻ nhỏ hiệu quả nhất chính là:
  • Vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.
  • Không nên trữ nước trong nhà.
  • Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
  • Phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.
  • Vắc xin 

Lý tưởng nhất là có một vắc xin có thể chống lại cả bốn loại huyết thanh vi rút gây bệnh. Đáng tiếc là một loại huyết thanh như vậy hiện nay vẫn chưa có sẵn. Tuy nhiên đã có một nghiên cứu tại Đại học Mahidol (Thái Lan) với sự cộng tác của WHO, một vắc xin chống cả bốn loại huyết thanh vi rút gây bệnh đang được phát triển và hoàn thiện. Vắc xin này tỏ ra an toàn và hiện đang được đưa vào dùng thử nghiệm trên lâm sàng. Hiện nay vắc xin chống SXH cả 4 chủng huyết thanh của Dengue vi rút đang ở pha 2 thử nghiệm lâm sàng.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!