Sách bài tập Ngữ văn 8 Bài 6: Tình yêu Tổ Quốc | Chân trời sáng tạo

Với giải sách bài tập Ngữ văn 8 Bài 6: Tình yêu Tổ Quốc Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ văn 8 Bài 6 từ đó học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

Sách bài tập tập Ngữ Văn lớp 8 Bài 6: Tình yêu Tổ Quốc

I. Đọc (trang 5, 6 SBT Ngữ Văn 8)

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Vẽ sơ đồ tóm tắt luật, niêm, vần, nhịp, đối của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật Đường

Trả lời:

Yếu tố

Đặc điểm

Luật

Luật bằng trắc của thơ thất ngôn bát cú hoặc thơ tứ tuyệt luật Đường thường được tóm gọn bằng câu: “nhất – tam – ngũ bất luận, nhị – tứ - lục phân minh”, tức là các tiếng (âm tiết) thứ nhất, thư ba, thứ năm trong câu không cần sắp xếp theo đúng luật bằng/ trắc; còn các tiếng thứ hai, thứ tư, thứ sáu trong câu cần tuân theo luật bằng/ trắc rõ ràng. Nếu tiếng thứ hai của câu 1 là tiếng thanh bằng (thanh ngang hoặc thanh huyền) thì bài thơ được làm theo luật bằng. Nếu tiếng thứ hai của câu 1 là tiếng thanh trắc (các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng) thì bài thơ được làm theo luật trắc.

Niêm

Thơ thất ngôn bát cú luật Đường quy định niêm luật như sau: câu 1 niêm với câu 8, câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5, câu 6 niêm với câu 7. Thơ tứ tuyệt luật Đường quy định câu 1 niêm với câu 4, câu 2 niêm với câu 3.

Vần

Cách gieo vần của thơ luật Đường là cả bài thơ chỉ hiệp theo một vần (còn gọi là độc vận), vần gieo ở cuối câu thơ đầu và cuối các câu chẵn (vần chân), vần được sử dụng thường là vần bằng.

Nhịp

Cách ngắt nhịp của câu thơ thất ngôn thường là 2/2/3.

Đối

Đối là đặt câu của sóng đôi sao cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau. Thơ thất ngôn bát cú luật Đường quy định câu thứ ba đối với câu thư tư, câu thứ năm đối với câu thứ sáu. Thơ tứ tuyệt luật Đường không có quy định đối cụ thể và khắt khe như thất ngôn bát cú luật Đường.

 

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

MỜI TRẦU

Hồ Xuân Hương

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân mới quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

(In trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 14, NXB Khoa học xã hội, 2000)

a. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

b. Bài thơ được làm theo luật bằng hay luật trắc?

c. Chỉ ra bài thơ đã tuân thủ luật, niêm, vần, đối của thể thơ như thế nào (kẻ và hoàn thành bảng sau vào vở):

Luật

 

Niêm

 

Vần

 

Đối

 

d. Nhận xét về cách ngắt nhịp của bài thơ.

đ. Xác định bố cục của bài thơ.

e. Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bài thơ thể hiện được tình cảm, cảm xúc của người viết?

g. Cho biết cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Trả lời:

a. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường.

b. Bài thơ được làm theo luật bằng, do tiếng thứ hai của câu thứ nhất là thanh bằng, cụ thể:

Quả

cau

nho

nhỏ

miếng

trầu

hôi

T

B

B

T

T

B

B

Này

của

xuân

hương

mới

quệt

rồi

B

T

B

B

T

T

B

phải

duyên

nhau

thì

thầm

lại

T

T

B

B

B

T

T

Đừng

xanh

như

bạc

như

vôi

B

B

B

T

T

B

B

 

c. Sau khi điền B (bằng) hoặc T (trắc) vào ô theo các từ tương ứng và so sánh với bằng luật, niêm, vần, đối trong thơ tứ tuyệt luật Đường, ta thấ bài thơ đã tuân thủ luật thơ một cách chặt chẽ, cụ thể:

Luật

Luật bằng vì tiếng thứ hai của câu 1 là tiếng thanh bằng (cau).

Niêm

Tiếng thứ hai của câu 1 niêm với tiếng thứ hai của câu 4, tiếng thứ hai của câu 2 niêm với tiếng thứ hai của câu 3.

Vần

Chỉ hiệp theo một vần là vần bằng, gieo ở cuối câu 1 (hỏi) và các câu chẵn là 2,4 (rồi – vôi).

Đối

Thơ tứ tuyệt không có quy định đối cụ thể.

 

d. Nhận xét về cách ngắt nhịp:

- Bài thơ được ngắt nhịp 4/3, cũng có thể ngắt nhịp 2/2/3, là cách ngắt nhịp phổ biến của thơ thất ngôn tứ tuyệt, thể hiện sự chậm rãi, thong thổ, từ tinh trong lời thơ.

đ. Bố cục 4 phần: khai – thừa – chuyển – hợp.

- Khai (câu 1): giới thiệu về quả cau, miếng trầu.

- Thừa (câu 2): giới thiệu người têm trầu (Xuân Hương).

- Chuyển (câu 3): dò hỏi ý tứ, tình cảm của người được mời trầu.

- Hợp (câu 4): thể hiện tình cảm, ước vọng hạnh phúc của người mời trầu.

Bài thơ cũng có thể được phân theo bố cục hai câu đầu - hai câu cuối, trong đó hai câu đầu chủ yếu tả cảnh mời trầu, hai câu sau chủ yếu thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả.

e. Những từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ thể hiện được tình cảm, cảm xúc của người viết:

- Từ ngữ: nho nhỏ, Xuân Hương, thắm, xanh bạc,….

- Hình ảnh: quả cau, miếng trầu, mới quệt, xanh như lá, bạc như vôi,….

- Tình cảm, cảm xúc của tác giả: Những hình ảnh đầy cá tính (của Xuân Hương chứ không phải ai khác) đã thể hiện được tình cảm tinh tế, sâu sắc nhưng cũng không kém phần mạnh dạn, mạnh mẽ của tác giả.

g. Cảm hứng chủ đạo: Nỗi niềm khát khao hạnh phúc, mơ ước một tình yêu giản dị mà thuỷ chung, bền vững của người phụ nữ.

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

THU VỊNH

Nguyễn Khuyến

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Nước biếc trông như tầng khói phủ,

Song thưa để mặc bóng trăng vào.

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào?

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

(In trong Nguyễn Khuyến - Tác phẩm chọn lọc, Lại Văn Hùng

(giới thiệu và tuyển chọn), NXB Giáo dục, 2009)

a. Xác định bố cục của bài thơ.

b. Bài thơ được làm theo luật bằng hay luật trắc? Làm rõ bài thơ đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường bằng cách điển vào bảng sau (làm vào vở):

Luật

 

Niêm

 

Vần

 

Đối

 

c. Cảnh mùa thu được thể hiện ra sao qua sáu câu thơ đầu? Khung cảnh ấy góp phần thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả?

d. Trong các cặp câu 3 - 4, 5 - 6, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của chúng.

đ. Bài thơ được ngắt nhịp như thế nào? Nhận xét về cách ngắt nhịp đó.

e. Em hiểu gì về hai câu thơ cuối? Theo em, cảm xúc của tác giả ở hai câu thơ này có sự thay đổi ra sao so với các câu thơ trên?

g. Cho biết cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Trả lời:

a. Bố cục bốn phần: đề - thực – luận – kết.

- Đề (câu 1,2): bức tranh mùa thu qua hình ảnh trời thu và cần trúc (thời điểm ban trưa).

- Thực (câu 3,4): bức tranh mùa thu qua hình ảnh nước biếc và bóng trăng (thời điểm hoàng hôn và dần chuyển vào đêm).

- Luận (câu 5,6): Hình ảnh hoa và âm thanh tiếng ngỗng mùa thu gián tiếp bộc lộ tâm sự lo lắng thầm kín của tác giả trước cảnh mất nước.

- Kết (Câu 7,8): cảm hứng muốn làm thơ và nỗi tủi thẹn với “ông Đào” của nhà thơ.

Bài thơ cũng có thể được phân theo bố cục bốn câu đầu – bốn câu cuối, trong đó bốn câu đầu chủ yếu tả cảnh mùa thu, bốn câu sau chủ yếu thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả.

b. - Bài thơ được làm theo luật bằng vần bằng.

- Phân tích luật, niêm, vần, đối của bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường mà bài thơ đã tuân thủ:

Luật

Luật bằng vì tiếng thứ hai của câu 1 là tiếng thanh bằng (thu).

Niêm

Tiếng thứ hai của câu 1 niêm với tiếng thứ hai của câu 8, tiếng thứ hai của câu 2 niêm với tiếng thứ hai của câu 3, tiếng thứ hai của câu 4 niêm với tiếng thứ hai của câu 5, tiếng thứ hai của câu 6 niêm với tiếng thứ hai của câu 7.

Vần

Chỉ hiệp theo một vần là vần bằng, gieo ở cuối câu 1 (cao) và các câu chẵn là 4,6,8 (vào – nào – Đào).

Đối

Câu thứ ba đối với câu thứ tư, câu thư năm đối với câu thứ sáu.

c. Cảnh mùa thu trong sáu câu thơ đầu được thể hiện qua:

- Từ ngữ: xanh ngắt, tầng cao, lơ phơ, hắt hiu,…

- Hình ảnh: trời thu, cần trúc, nước biếc, song thưa, bóng trăng, hoa,…

→ Bức tranh mùa thu trong sáu câu thơ đầu của bài Thu vịnh là một bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng tĩnh lặng; cảnh vật hiện lên trong trẻo, sống động; màu sắc và âm thanh hài hòa, mang nét thanh sơ, dịu nhẹ đặc trung của mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ.

=> Khung cảnh ấy góp phần thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả: Khung cảnh thiên nhiên đẹp nhưng tĩnh lặng góp phần thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên, tâm trạng u buồn man mác, trĩu nặng suy tư về vận nước của người ngắm cảnh.

d. Trong cặp câu 3 – 4, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ so sánh (nước biếc – tầng khói phủ) để tăng giá trị biểu cảm và biện pháp đối (nước biếc >< song thưa, trông như >< để mặc, tầng khói phủ >< bóng trăng vào) để tạo nhịp điệu cân xứng cho câu thơ.

Trong cặp câu 5 – 6, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ (mấy chùm hoa và một tiếng ngỗng) nhằm nhấn mạnh hình ảnh và phép đối (mấy chìm >< một tiếng, trước giậu >< trên không, hoa năm ngoái >< ngỗng nước nào) để làm tăng giá trị biểu cảm và tạo nhịp cân xứng cho câu thơ.

đ. Bài thơ được ngắt theo nhịp 4/3 (đề, luận) và 2/2/3 (thực, kết). Đây là cách ngắt nhịp truyền thống của thơ thất ngôn bát cú luật Đường.

e. - Hai câu thơ cuối thể hiện nỗi thẹn với “ông Đào” của Nguyễn Khuyến. “Ông Đào” tức là Đào Tiềm, một danh sĩ đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng đời Tấn (Trung Quốc), đã treo ấn từ quan, về sống với ruộng vườn, với cỏ cây, hoa lá để giữ vững khí tiết. Bằng cách sử dụng điển tích này, Nguyễn Khuyến ngầm so sánh mình kém “ông Đào” về tài năng, khí phách và nhân cách. Cụ thể, Nguyễn Khuyến từ quan khi đã 50 tuổi (trễ hơn Đào Tiềm) và ân hận vì mình đã từng tham gia vào guồng máy chính trị thối nát, bạo ngược đương thời. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu “thẹn với ông Đào” là một cách nói bộc lộ tấm lòng yêu nước, nhân cách thanh cao của nhà thơ.

- Cảm xúc ở hai câu này có sự thay đổi so với sáu câu trên: từ say đắm với cảnh sắc mùa thu tươi đẹp; đến tiếc nuối, ngỡ ngàng, lo lắng trước tình cảnh mất nước; nỗi xót xa, tủi thẹn cho bản thân không bằng được với khí phách của “ông Đào”.

g. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: Nỗi buồn của người dân mất nước, sống trong thời thế loạn lạc; cảm giác bất lực vì không thể làm gì cho dân, cho nước; nỗi xót xa, tủi thẹn vì mình không có khí tiết mạnh mẽ và cao cả như ông Đào Tiềm.

II. Tiếng Việt (trang 7 SBT Ngữ Văn 8)

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Xác định biện pháp tu từ đảo ngữ trong các trường hợp sau và nêu tác dụng của biện pháp này:

a. Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui,

Lưa thưa mưa biển ẩm chân trời

Chiếc tàu chở đá về bến cảng

Khỏi lần màu mây tưởng đảo khơi.

(Huy Cận, Mưa xuân trên biển)

b. Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

(Trần Tế Xương, Thương vợ)

Trả lời:

a. - Biện pháp tu từ đảo ngữ: Lưa thưa mưa biển thay vì mưa biển lưa thưa

Tác dụng: nhấn mạnh trạng thái “lưa thưa” của mưa biển, làm tăng giá trị biểu cảm và tính tượng hình cho câu thơ, đồng thời giúp cho cách diễn đạt giàu âm hưởng.

b. - Biện pháp tu từ đảo ngữ: lặn lội thân cò thay vì thân cò lặn lội và eo sèo mặt nước thay vì mặt nước eo sèo

- Tác dụng: nhấn mạnh sự vất vả của người vợ, làm cho sự diễn đạt thêm sinh động, gợi cảm và giàu âm hưởng.

Câu 2 trang 7 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Theo em, các trường hợp sau có sử dụng câu hỏi tu từ không? Dựa vào đâu em nhận định như vậy? Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ (nếu có).

a. - Bệnh nhân ra sao rồi?

- Anh ta hết đau rồi. - Bác sĩ điều trị đáp.

Giáo sư nhướng mày:

- Thế là thế nào?

Bác sĩ điều trị cụp mắt xuống:

- Anh ta mù rồi!

(A-zít Nê-xin, Loại vi trùng quý hiếm)

b. Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

(Nguyễn Khuyến, Thu ẩm)

Trả lời:

Trường hợp

Câu hỏi tu từ

Cơ sở nhận biết

Tác dụng

Câu a

Không

- Kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

- Nhằm mục đích tìm kiếm câu trả lời.

 

Câu b

-Kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

- Không nhằm mục đích tìm kiếm câu trả lời.

Bộc lộ cảm xúc của người viết

III. Viết (trang 7, 8 SBT Ngữ Văn 8)

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc lại ngữ liệu tham khảo Chuyến thăm bệnh nhi tại bệnh viện Ung bướu, bài Sắc thái của tiếng cười (Ngữ văn 8, tập một), đối chiếu với Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội đã để lại cho bản thân suy nghĩ, tình cảm sâu sắc, bài Sắc thái của tiếng cười (Ngữ văn 8, tập một) để trả lời các câu hỏi sau:

a. Mở bài đã giới thiệu được hoạt động xã hội sẽ kể chưa? Chỉ ra câu văn giới thiệu hoạt động đó.

b. Ở thân bài, người viết đã kể lại được những sự việc nào của hoạt động xã hội mà mình đã tham gia?

c. Bài viết đã sử dụng kết hợp (những) yếu tố nào bên cạnh phương thức tự sự? Theo em, việc sử dụng kết hợp này đã mang lại hiệu quả gì cho bài viết?

d. Người viết đã nêu cảm nghĩ gì ở phần kết bài? Theo em, vì sao người viết cần nêu cảm nghĩ sau khi đã kể lại hoạt động?

Trả lời:

a. Phần mở bài đã giới thiệu được hoạt động xã hội sẽ kể. Câu văn giới thiệu hoạt động là: Và tôi đã tìm thấy câu trả lời về sự tồn tại của phép màu trong chuyến đi thăm bệnh nhi ung thư nhân ngày hội “Ước mơ của Thúy”.

b. Ở thân bài, người viết đã kể lại được những thông tin cơ bản về hoạt động xã hội. Đó là:

- Giới thiệu khái quát thông tin về hoạt động: Đây là sự kiện thường niên do Thành đoàn tổ chức, nhằm giúp đỡ và đem lại niềm vui cho các bệnh nhi ung thư.

- Sự việc thứ nhất: đến thăm một phòng của khoa Nhi.

- Sự việc thứ hai: họp mặt với cả đoàn, gặp lại tất cả các bệnh nhi để tặng quà cho các em, cùng nhau ca hát, vui đùa.

c. Bên cạnh phương thức tự sự, bài viết đã sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm trong khi kể lại các sự việc. Việc kết hợp này đã làm cho các sự việc được kể tăng tính cụ thể, rõ ràng, sinh động, khiến người đọc dễ hình dung quang cảnh và không gian diễn ra hoạt động; yếu tố biểu cảm giúp cho người viết bộc lộ trực tiếp hoặc gián tiếp tình cảm, cảm xúc của mình về hoạt động, vì vậy khơi gợi được sự đồng cảm và thu hút người đọc.

d. - Ở phần kết bài, người viết đã nêu cảm nhận về sức mạnh của tình người (đó là phép mầu trong cuộc sống); những bài học quý giá mà các bệnh nhi ung thư đã trao tặng cho mình.

- Người viết cần nêu cảm nghĩ sau khi đã kể lại hoạt động xã hội để nâng cao giá trị xã hội, tính hữu ích cho cộng đồng của hoạt động và khẳng định những lợi ích về mặt tinh thần, những bài học quý giá mà bản thân có được từ hoạt động.

Câu 2 trang 8 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Thực hiện để bài sau:

Đề bài: Chuyên mục “Đoàn viên làm theo lời Bác" của tập san trường em phát động cuộc thi viết về một hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia hoặc chứng kiến. Hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) để tham gia cuộc thi.

Trả lời:

Bài viết tham khảo

Dân tộc Việt Nam ta từ xa xưa có truyền thống đoàn kết tương thân tương ái sâu sắc và tốt đẹp, biết yêu thương đồng bào, giúp đỡ nhau khi cần thiết, chung sống hòa thuận và sống vì nhau. Chính vì vậy mà các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng cũng trở nên phổ biến giúp cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa thiết thực hơn.

Thiện nguyện hay từ thiện là làm những điều tốt, giúp đỡ người khác xuất phát từ tình yêu thương của bản thân mình. Đó là những hành động quyên góp, hiến tặng vật phẩm, hay giúp đỡ về nhiều mặt trong cuộc sống với những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ thiện có thể do một cá nhân hoặc một tổ chức đứng ra thực hiện.

Nhưng vì sao cần phải làm việc thiện nguyện? Bởi vì trong cuộc sống luôn có những người có hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh hơn chúng ta rất nhiều. Họ chính là những người từ khi sinh ra không được may mắn phải mang tật nguyệt, thiếu hụt đi bộ phận cơ thể. Đất nước ta vỗn phải chịu nỗi đau thương của chiến tranh, chất độc màu da cam đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều đồng bào. Điều đó khiến bao đứa trẻ sinh ra đời mất đi khả năng sinh hoạt như người bình thường, mà phải nằm liệt giường một chỗ cho tới hết đời. Cũng có những người bị ảnh hưởng thần kinh, dẫn đến mất khả năng kiểm soát, hay bị tật nguyền trong quá trình lao động, gặp tai nạn mà mất đi khả năng lao động, sống dựa vào người khác.

Không những vậy, nước ta còn chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng về người và của. Nhiều gia đình mất mát tất cả chỉ sau một cơn bão. Còn rất nhiều đứa trẻ từ khi sinh ra đã bị bỏ rơi, hay mồ côi từ bé, sống cuộc sống khó khăn vất vả. Có những đứa trẻ bị HIV, người già thì không nơi nương tựa. Cho dù có nhiều chính sách bảo trợ người bất hạnh đến đâu thì cũng không bao giờ là đủ. Những cơ quan nhà nước cũng chẳng đủ sức giảm thiểu, giúp đỡ hết những người bất hạnh. Việc chăm lo tất cả những số phận bất hạnh là điều khó khăn.

Chính vì vậy, những hành động từ thiện đã trở thành một nét đẹp trong cuộc sống của chúng ta. Những người có cuộc sống đầy đủ, hoàn cảnh tốt hơn sẽ góp phần nhỏ của mình giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Chẳng cần những thứ cao sang, chỉ đơn giản là những chiếc quần, áo cũ, cho đến một chút tiền để trang trải cuộc sống. Hoặc đến những thứ to lớn hơn như chiếc xe đạp, vật dụng trong nhà, hay một căn nhà mới. Tất cả những việc làm từ thiện ấy đã giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt đi gánh nặng của nhà nước. Chính những việc làm xuất phát từ tấm lòng đó đã chứng minh tình yêu thương có thể khơi gợi, nuôi dưỡng và tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cho biết bao điều điều kỳ diệu của cuộc sống.

Vậy làm thiện nguyện thì được điều gì? Điều đầu tiên là để thấy ấm áp trong trái tim mình, khiến tâm mình trở nên thanh thản và cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Làm từ thiện cũng chính là làm cho chính bản thân mình. Vì biết đâu giúp người lúc này, sau này chúng ta sẽ nhận lại được sự giúp đỡ ngược lại. Một xã hội giàu lòng yêu thương, sẵn sàng sẻ chia sẻ là xã hội phát triển, văn minh. Một xã hội với những tấm lòng luôn biết sẻ chia, góp sức đồng lòng, thắp lên ngọn lửa hi vọng cho biết bao sự sống khác sẽ luôn là xã hội vững bền, trường tồn nhất.

Tuy nhiên, có nhiều người làm từ thiện chỉ để kiếm lợi cho bản thân hay đánh bóng tên tuổi của mình. Nó không xuất phát từ tấm lòng của bản thân mỗi người mà trở thành công cụ kiếm lợi bất chính. Những quỹ từ thiện mọc ra khắp nơi, lợi dụng lòng tốt mọi người để chiếm đoạt làm của riêng. Cuộc sống vẫn đang tiếp tục diễn ra, và những hành động như vậy diễn ra ngày càng nhiều, đó đều là những hành động đáng lên án và phê phán.

Tóm lại, từ thiện là hành động đẹp, nó thể hiện tình yêu thương, sẻ chia với mọi người, nó phải xuất phát từ chính tâm của chúng ta. Là những người trẻ tuổi, chủ nhân tương lai đất nước, chúng ta hãy cùng góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, xã hội văn minh và đời sống con người ấm no, hạnh phúc. Hãy sống tích cực mỗi ngày và luôn tin rằng: Yêu thương cho đi sẽ là yêu thương còn mãi.

IV. Nói và nghe (trang 8 SBT Ngữ Văn 8)

Câu 1 trang 8 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Theo em, bước “Đọc lại, chỉnh sửa và phản hồi" trong quy trình ba bước khi nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác có vai trò gì?

Trả lời:

Bước “Đọc lại, chỉnh sửa và phản hồi” trong quy trình ba bước khi nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác có vai trò đảm bảo tính chính xác của phần ghi chép nội dung thuyết trình và hỗ trợ cho việc nhận xét, phản hồi ý kiến của người thuyết trình.

Câu 2 trang 8 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Thực hiện để bài sau:

Đề bài: Kỉ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trường em tổ chức buổi toạ đàm về một hoạt động xã hội có ích với cộng đồng mà các bạn đoàn viên đã tham gia hoặc chứng kiến.

Trong vai trò người nghe, em hãy lắng nghe và tóm tắt ý chính trong bài trình bày của các bạn.

Trả lời:

Tóm tắt ý chính trong bài trình bày của bạn về hoạt động thu dọn rác trong công viên.

- Thông tin khái quát:

+ Hoạt động diễn ra vào sáng Chủ Nhật hàng tuần, do các bạn đoàn viên các lớp luân phiên thực hiện; có sự hướng dẫn của giáo viên Tổng phụ trách.

+ Địa điểm: Công viên Thống Nhất - Hà Nội

+ Thời gian: Các buổi sáng Chủ Nhật từ 01/03 - 31/03/23

- Quang cảnh của hoạt động:

+ Buổi sáng, tiết trời còn lạnh.

+ Mọi người đi tập thể dục trong khuôn viên.

+ Rác nằm rải rác khắp khuôn viên công viên.

...

- Các sự việc diễn ra trong hoạt động:

+ Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện công việc thu dọn rác.

+ Các bạn đoàn viên sau khi nghe hướng dẫn đã hăng hái thực hiện hoạt động (mỗi bạn được phát găng tay, túi đựng rác,...)

+ Sau khi thu dọn rác, học sinh tập hợp và phân loại rác để vứt.

- Suy nghĩ, cảm xúc của người thuyết trình:

+ Tự hào, vui mừng vì đã thực hiện công việc thiết thực, có ích với môi trường trong khuôn khổ chào mừng ngày  thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

- Giá trị, ý nghĩa của hoạt động:

+ Góp phần giữ gìn môi trường.

+ Tuyên truyền tới mọi người về hành động bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi.

+ Hưởng ứng phong trào Lễ kỉ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 7: Yêu thương và hi vọng (Truyện)

Bài 8: Cánh cửa mở ra thế giới (Văn bản thông tin)

Bài 9: Âm vang của lịch sử (Truyện lịch sử)

Bài 10: Cười mình, cười người (Thơ trào phúng)

Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Tình yêu Tổ Quốc
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!