Riboflavin(Vitamin B2 ): Chỉ định, liều lượng và tác dụng phụ

Riboflavin hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc là vitamin B2, được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật như sữa, thịt, trứng, các loại hạt, bột mì và rau xanh.

Vitamin B2 tham gia vào nhiều hoạt động của cơ thể. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng làn da và niêm mạc của đường tiêu hóa, tham gia vào quá trình sản xuất tế bào máu và duy trì chức năng não. 

Viên bổ sung vitamin B2 được sử dụng trong các trường hợp như thiếu hụt vitamin B2, đau nửa đầu và nồng độ homocysteine trong máu cao. Vitamin B2 cũng được dùng để điều trị mụn trứng cá, chuột rút và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu để chứng minh tác dụng hỗ trợ của vitamin B2 trong việc điều trị các bệnh lý kể trên.  

Vitamin B2 thường được sử dụng trong trường hợp nào? 

Điều trị: 

Thiếu vitamin B2 (hội chứng ariboflavinosis). Dùng vitamin B2 bằng đường uống làm tăng nồng độ riboflavin trong cơ thể, giúp điều trị và ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin B2. 

Hỗ trợ điều trị:

  • Nồng độ homocysteine trong máu cao (Hyperhomocysteinemia): Sử dụng vitamin B2 bằng đường uống trong 12 tuần làm giảm lượng homocysteine lên đến 40% ở một số đối tượng.
  • Đau nửa đầu: Dùng vitamin B2 liều cao bằng đường uống có khả năng làm giảm mức độ và tần suất của các cơn đau nửa đầu ở người lớn. Chưa có nghiên cứu chỉ ra tác dụng giảm cơn đau nửa đầu của vitamin B2 đối với trẻ em.
  • Người ta còn sử dụng vitamin B2 cho một số mục đích khác, nhưng không có đủ bằng chứng để chỉ ra việc sử dụng vitamin B2 cho các tình trạng bệnh đó có thật sự hiệu quả hay không.  

Phản ứng phụ 

Khi dùng bằng đường uống: Vitamin B2 an toàn cho hầu hết các đối tượng với liều lượng tối đa lên đến 400mg mỗi ngày. Ở một số người, vitamin B2 có khả năng làm cho nước tiểu chuyển sang màu vàng tươi. Đồng thời cũng có thể gây buồn nôn. 

Vitamin B2 có thể gây buồn nôn. Nguồn ảnh: newzealandonlinenews.co.nzVitamin B2 có thể gây buồn nôn. Nguồn ảnh: newzealandonlinenews.co.nz

Lưu ý đối với một số trường hợp đặc biệt 

Phụ nữ mang thai và cho con bú: Vitamin B2 tương đối an toàn nếu bổ sung bằng các loại thực phẩm. Liều lượng khuyến cáo là 1,4 mg mỗi ngày trong thời kỳ mang thai và 1,6 mg mỗi ngày trong thời kỳ cho con bú. 

Trẻ em: Vitamin B2 an toàn đối với hầu hết trẻ em khi được bổ sung bằng các loại thực phẩm. Liều cao hơn 100-200 mg mỗi ngày cũng đã được chứng minh là tương đối an toàn. 

Bệnh gan: Giảm hấp thu Vitamin B2 ở những người bị bệnh gan. 

Tương tác thuốc 

Thuốc kháng cholinergic  

Một số loại thuốc kháng cholinergic có thể ảnh hưởng đến dạ dày và ruột, có thể làm tăng lượng vitamin B2 được hấp thụ trong cơ thể.  

Thuốc điều trị trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng)  

Một số loại thuốc điều trị trầm cảm có thể làm giảm lượng vitamin B2 trong cơ thể. Tương tác này không phải là mối quan tâm lớn vì nó chỉ xảy ra khi sử dụng một lượng rất lớn thuốc chống trầm cảm ba vòng.  

Phenobarbital (Luminal) 

Phenobarbital có thể làm tăng tốc độ phân hủy vitamin B2 trong cơ thể.  

Probenecid (Benemid) 

Probenecid (Benemid) có thể làm tăng lượng vitamin B2 trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thừa vitamin B2.  

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu tương tác của vitamin B2 đối với các thuốc kể trên có ảnh hưởng đáng kể hay không. 

Liều lượng 

Vitamin B2 là một chất dinh dưỡng quan trọng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Cụ thể, nhu cầu khuyến nghị của vitamin B2 như sau:

  • Nam giới: 1,3 mg mỗi ngày.
  • Phụ nữ: 1,1 mg mỗi ngày.
  • Đối với phụ nữ mang thai: 1,4 mg mỗi ngày.
  • Đối với phụ nữ cho con bú: 1,6 mg mỗi ngày.
  • Trẻ em: phụ thuộc vào độ tuổi. 
Bổ sung vitamin B2 bằng các loại thực phẩm an toàn hơn so với viên uống. Nguồn ảnh: www.findatopdoc.comBổ sung vitamin B2 bằng các loại thực phẩm an toàn hơn so với viên uống. Nguồn ảnh: www.findatopdoc.com

Vitamin B2 cũng có trong một số loại thực phẩm chức năng. Nhưng bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B2 trong bữa ăn làm tăng lượng hấp thụ của cơ thể. Nếu như bạn đang gặp các vấn đề về sức khỏe, hoặc nghi ngờ cơ thể đang bị thiếu hụt vitamin B2, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể. 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!